“Ai nói với em” (Minh Kỳ & Huy Cường) – Ai bảo yêu lính là khổ, ai bảo lính không mang nhiều sầu nhớ vấn vương?

Theo gia phả của dòng họ thuộc triều Nguyễn, thì nhạc sĩ MInh Kỳ chính là cháu đời thứ 5 của vua Minh Mạng, vai vế của ông có thể sánh ngang với vua Bảo Đại. Minh Kỳ là một người nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam từ trước những năm 1975, đặc biệt là ca khúc “Xuân đã về” đã mang tên tuổi của ông đến càng gần với công chúng. Không những thế, ông còn là một trong ba trụ cột của nhóm nhạc Lê Minh Bằng, ngoài ra nhóm còn dùng một số bút danh khác khi hoạt động như: Mạc Phong Linh & Mai Thiết Lĩnh, Vũ Chương, Huy Cường, Hoàng Minh, Dạ Cầm,….Và ca khúc “Ai nói với em” chính là một trong những sáng tác nổi bật của nhóm được ký dưới bút danh là Minh Kỳ & Huy Cường, ca khúc là một lời bộc bạch tâm tình của người lính khi được hỏi về chuyện yêu đương.

Nhạc sĩ Minh Kỳ
Nhạc sĩ Minh Kỳ

Bài hát “Ai nói với em” chính là mở ra một loạt những câu hỏi, hàng loạt những thắc mắc trong cách yêu của người lính sa trường. Tình yêu của quân nhân bình dị lắm nhưng cũng không kém phần sâu sắc, bởi sự nhung nhớ của người lính sẽ khiến cho đoạn nhân duyên ấy cao cả hơn bao giờ hết. Tình yêu của người lính là những mối tình yêu xa đầy cách trở, là sự nhung nhớ khôn nguôi nhưng không dễ gì gặp gỡ và đoàn viên, là sự chờ đợi nhưng có khi lại vô vọng bởi họ luôn đối mặt cùng nguy hiểm. Nhưng một khi người lính yêu thì “bao la như lòng đại dương”.

“Ai nói với em nếu anh là lính
Không biết nói yêu mỗi khi gần em
Ai nói với em tình mình dang dở
Vì đời lính nhiều gian khổ
Yêu chi cho lòng mong chờ…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ và Giao Linh trình bày.

Ai đã bảo với em rằng thân lính không biết nói chuyện yêu đương, người lính cũng được tạo nên bằng xương bằng thịt, họ cũng có trái tim nồng nhiệt với một tình yêu chứa chan, vô bờ bến. Người ta nói với em rằng: Lính “không biết nói yêu mỗi khi gần em” nhưng họ biết cách trân trọng em hơn ai hết bởi họ thấu cảm sâu sắc được quy luật được mất trên chiến trường, họ lo lắng mất đi, họ sợ hãi sự ra đi. Có thể họ không văn hoa như nhiều người khác khi nói không tỏ tường câu nói yêu đương, nhưng họ sẽ yêu em bằng tình yêu nồng cháy và bằng con tim nhiệt huyết chưa từng có. Người ta lại nói với em rằng: “đời lính nhiều gian khổ, yêu chi cho lòng mong chờ”, cái này thì lại đúng rồi, yêu lính có thể sẽ là mối lương duyên dang dở. Bởi chính bản thân họ cũng chẳng biết mình sống được ngày nào trên cõi đời này khi ngày ngày đối mặt cùng bom bay lửa đạn, lúc nào cũng hành quân trên những tuyến đường đầy gian truân và vất vả. Họ không được thảnh thơi để ngày ngày nói chuyện yêu đương, họ chỉ có thể nhớ em lúc đêm về không vướng bận, họ chỉ có thể ngắm nhìn sao trời để tưởng tượng bóng hình em và chỉ được gặp vội vàng trong chuyến về phép gấp.

“……Ai nói với em lính không sầu nhớ
Không có trái tim đắm say mộng mơ
Ai nói với em tình người lính trẻ
Nồng nàn nhưng nhiều dâu bể
Không như cung đàn lời thơ……”

https://www.youtube.com/watch?v=5WFvIPcy8uU

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Tuyền trình bày.

Ai đã bảo với em rằng: “Lính không sầu nhớ”, lính “không có trái tim đắm say mộng mơ”, họ cũng là con người, cũng biết nói lời yêu thương da diết, họ không yêu đương một cách tầm thường, cách họ yêu rất “phi thường”. Họ chấp nhận hy sinh phần tình cảm của bản thân để trao hết thanh xuân cho Tổ quốc, bởi họ yêu cái nơi “chôn rau cắt rốn”, họ yêu mảnh đất hình chữ S nhỏ xinh. Họ mong mỏi hòa bình nhanh chóng lập lại, đem vinh quang về cho đất nước và đem tự hào về cho người họ thương. Vậy là tầm thường sao? Vậy là không có trái tim mộng mơ sao? Khi họ muốn tặng cho người yêu một cuộc sống yên bình khi đất an yên, quà này, ngoài người lính ra ai có thể cho được?

Người ta còn bảo, yêu lính trẻ dù “nồng nàn nhưng nhiều dâu bể, không như cung đàn lời thơ”. Đúng vậy! Người lính yêu đương bằng cả nhiệt huyết tâm hồn, họ giành toàn vẹn thời gian không bận rộn chuyện quốc gia để suy nghĩ về người thương và gửi gắm vài dòng thơ viết vội để bày tỏ chút tâm tình. Nhưng họ lại càng bận rộn hơn với chuyện đại sự của đất nước, nếu yêu người lính, xin hãy hiểu cho sự “khó khăn” của họ, rồi em sẽ nhận lại được chính là quả ngọt yêu đương.

“…….Ba lô thay người tình yêu dấu
Đêm đêm riêng mình nằm gối đầu
Anh thấy nhớ em, anh thấy mến em
Ước mơ anh là trời cao
Đón trăng nhuộm màu làn tóc thương yêu….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tâm Đoan trình bày.

Trên con đường hành quân suốt đêm ngày, chỉ có lúc mỏi mệt mới được dừng lại nghỉ ngơi đôi chút, giao lưu cùng đồng đội còn khó huống gì là giải tỏa nỗi lòng yêu thương trai gái. Vậy nên, với người lính thứ cận kề nhất chính là chiếc ba lô nặng trĩu, một chiếc ba lô lớn thay người tình yêu dấu đồng hành bước chân anh. Rồi tối đến, khi màn đêm buông rèm, chỉ còn lại âm thanh của thiên nhiên, chàng mới được kê đầu mà xuôi theo đôi dòng suy nghĩ. Chàng mới có thời gian để nhớ thương về người em nơi hậu phương đang chờ đợi, đang ngóng trông về chàng. Chàng mới có cơ hội để sưởi ấm con tim thảng thốt bằng những mến thương về em. Chàng lính chiến dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể lạc quan và yêu đời, yêu người; vì đó là lẽ sống để chàng thêm phấn đấu trên con đường chiến đấu đầy chông gai. Chàng ước bản thân là trời cao, có một tấm lòng rộng lớn để có thể “đón trăng nhuộm màu làn tóc thương yêu”.

“…..Khi lính đã yêu bướm ghen tình thắm
Muôn kiếp vẫn yêu nói chi ngàn năm
Khi lính đã yêu rừng tàn núi lở,
Tình còn vững bền muôn thuở
Bao la như lòng đại dương”

Đừng nói yêu lính là khổ khi họ đang ra sức, hy sinh bản thân bảo vệ nền yên bình cho non sông. Đừng nói yêu lính là không hạnh phúc khi họ có thể giữ được bờ cõi thì họ cũng có khả năng giữ vững tình của mình. Khi người lính yêu, họ cũng biết ghen cũng biết làm cho tình thêm thắm nồng bằng những ngôn từ không mấy hoa mỹ nhưng một khi yêu chính là muôn đời muôn kiếp chứ chẳng đơn thuần là lời hứa ngàn năm. Khi người lính yêu thì dù núi có lở, đá có mòn thì tình cảm họ dành cho người chính là là biển bờ lai láng, như đại dương bao la và vững bền muôn thuở. Tình yêu của người lính không phải yêu của kẻ sở khách – một lúc nhiều người, mà học dành một con tim trinh nguyên mà yêu đương một cách chân thành và say đắm.

“Ai nói với em” của nhạc sĩ Minh Kỳ như một lời khẳng định đến những đôi trẻ yêu đương thời chiến, chàng tiền tuyến – nàng hậu phương, khi yêu một người trai là lính, nàng chẳng cần phải lo sợ bất kỳ điều gì cả, bởi bên cạnh tình yêu Tổ quốc, tình yêu nước non thì tình yêu dành cho nàng cũng to lớn như thế. Vì nghĩa vụ thiêng liêng với đất nước mà những chàng trai trẻ đã can đảm gạt tình cảm cá nhân sang một bên mà quyết chí hoàn thành trọng trách, để lại biết bao sự nhung nhớ, biết bao nỗi ngậm ngùi cho gia đình và đặc biệt là người yêu. Hãy yêu thương nhiều hơn những chàng chiến sĩ, những anh hùng quân khu anh dũng, hãy yêu người lính bằng một trái tim thật chân thành và sự vẹn sự thủy chung bởi họ đã dành gần như nửa cuộc đời cho Tổ quốc thân thương!

Lời bài hát Ai nói với em – Minh Kỳ & Huy Cường.

Ai nói với em nếu anh là lính
Không biết nói yêu mỗi khi gần em
Ai nói với em tình mình dang dở
Vì đời lính nhiều gian khổ
Yêu chi cho lòng mong chờ

Ai nói với em lính không sầu nhớ
Không có trái tim đắm say mộng mơ
Ai nói với em tình người lính trẻ
Nồng nàn nhưng nhiều dâu bể
Không như cung đàn lời thơ

Ba lô thay người tình yêu dấu
Đêm đêm riêng mình nằm gối đầu
Anh thấy nhớ em, anh thấy mến em
Ước mơ anh là trời cao
Đón trăng nhuộm màu làn tóc thương yêu

Khi lính đã yêu bướm ghen tình thắm
Muôn kiếp vẫn yêu nói chi ngàn năm

Khi lính đã yêu rừng tàn núi lở,
Tình còn vững bền muôn thuở
Bao la như lòng đại dương

Đánh giá post

Viết một bình luận