Vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ bị dẹp tan, ở miền Nam Việt Nam liền lập ra một hội kín chống lại Pháp với tên gọi là “Thiên Địa Hội”. Hội kín này phát triển mạnh ra các khu vực miền Nam, chủ yếu là nơi tập trung nhiều người Hoa cư trú, trong đó có Gia Định, Biên Hòa, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long,…
Thiên Địa Hội có hai nhóm chủ yếu:
– Nhóm thứ nhất là Nghĩa Hưng (hoặc gọi là Đồng Hưng, Nhân Hưng, Kèo Xanh, Kèo Đỏ): Chủ yếu là người Hoa gốc ở Phúc Kiến. Họ hoạt động dưới lớp vỏ bọc là hoạt động thương mại, làm nghề vận chuyển hàng hóa bằng ghe. Số lượng ghe của họ lên tới con số 60, tải trọng 5 – 8 tấn mỗi ghe, một ghe là khoảng 1000 người. Đầu chiếc ghe họ sẽ cho sơn màu xanh nên dân Long Xuyên gọi họ là “Kèo Xanh”. Họ có kế hoạch hoạt động chính trị rõ ràng, rành mạch, chủ yếu hoạt động ở khu Chợ Lớn – Sài Gòn. Có một nhóm khác tên là “Kèo Đỏ” được tách ra từ “Kèo Xanh” nên quy mô nhỏ hơn, chỉ khoảng 40 ghe.
– Nhóm thứ hai là Nghĩa Hòa (Kèo Vàng), nhóm này tập hợp những người Hoa gốc Triều Châu. Địa bàn hoạt động chủ yếu của họ là ở các tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng,… Họ cũng hoạt động dưới vỏ bọc là vận chuyển hàng hóa bằng các thuyền, nhưng có tổ chức thêm bài bạc.
Còn một nhóm khác nữa có quy mô nhỏ, ít người hơn nên không được xem là nhóm lớn như hai nhóm trên. Đó là nhóm người Hẹ (Khách trú).
Nếu như ở Trung Quốc có phong trào mang tên “phản Thanh phục Minh” thì ở Thiên địa hội, mục tiêu của hội là “phản Pháp phục Nam”. Những người miền Nam Việt Nam khi nghe nói hoặc có ý định muốn gia nhập vào hội sẽ đều cảm nhận được rằng Thiên Địa Hội là nơi có thể dựa dẫm và đem lại cái mà họ mong muốn. Với tinh thần bất khuất, can đảm và liều lĩnh thì Thiên địa hội là nơi phù hợp với họ. Vì thế khi gia nhập vào đây, những truyền thống của người Hoa như bùa chú, cắt máu ăn thề, sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ riêng để hoạt động và truyền tin sẽ được áp dụng và họ vẫn có thể làm quen được với điều đó.
Để thêm người vào hội, những người đứng đầu hội ở Sài Gòn, Chợ Lớn sẽ chiêu binh mãi mã những phu xe ngựa, thành lập lên “Hội Vạn Xe”. Những người trong “vạn” sẽ có một “vạn trưởng” đứng đầu chỉ huy để họ liên kết với nhau, thực hiện những công việc mà “cấp trên” giao phó. Họ đối xử với nhau rất thân tình, xem nhau như huynh đệ và luôn đứng ra bảo vệ nhau. Nếu như một người trong một “vạn” bị bắt nạt thì cả “vạn” sẽ cùng nhau trả thù cho người đó. Trong trường hợp chẳng may Pháp bắt ai đó trong vạn, họ cũng không hề khai ra tung tích của những người khác trong “vạn”. Nếu bất đắc dĩ phải khai ra thì họ cũng chỉ nói đến cái ngọn của vấn đề mà thôi. Nếu chẳng may họ bị bắt thì người nhà của họ sẽ được người trong “vạn” giúp đỡ chu toàn mọi việc. Sau khi ra tù, họ sẽ được “vạn” hỗ trợ để làm lại những công việc trước kia.
Địa bàn hoạt động của “hội kín” khá rộng lớn, kéo dài từ bến Bình Đông đến khu vực Phú Lâm, chợ Nancy đến khu An Bình, Chợ Lớn. Xuyên qua đình Minh Phụng đến cầu Xóm Chỉ. Hội Vạn Xe của Thiên địa hội có mặt khắp rạch Bến Nghé, bến Bạch Đằng, đường Lê Lợi, Đồng Khởi,… nói chung là những khu quan trọng của Sài Gòn lúc bấy giờ. Việc đánh người Pháp cũng được “lấy cớ” hết sức là thuyết phục. Chẳng hạn như một thủy thủ người Pháp say rượu đi từ Lê Lai mà thuê xe đi đến bến Bạch Đằng làm càn bằng cách không chịu trả tiền, đã thế còn hành hung người trong “vạn” thì cả nhóm người “vạn phu” sẽ kéo đến và “tởn” cho tên người Pháp ấy một trận nhớ đời. Ngay cả khi sự việc này đến tai người Pháp, họ cũng đành bỏ qua. Một phần vì người Pháp cho rằng đó là việc thường ngày của đám phu xe vì thấy đồng nghiệp bị bắt nạt. Một phần là do họ không khai thác được gì về phe phản Pháp từ những người trong Hội Vạn Xe cả.
Theo thông tin cho biết, đến cuối năm 1889, số người tham gia vào Hội Vạn Xe đạt đến con số 6000 người. Người đứng đầu toàn “vạn” là người Việt, tên là Bạch, người ta thường gọi ông là “Cai” Bạch. Cái tên “cai” được đặt như vậy là do ông xuất thân là một người làm công nhân làm đường giao thông, vì ông làm việc có hiệu quả và năng nổ trong mọi việc nên được giao cho vị trí là “cai” để quản lý 1 tổ làm việc với số công nhân là 40 người. Ông được người trong Thiên địa hội tên Phong chiêu mộ, sau đó những người làm việc trong tổ của ông cũng thuộc hội Vạn Xe và trở thành thành viên của Thiên Địa Hội.
Trước khi Bạch trở thành người lãnh đạo “Hội Vạn Xe” thì có một người Hoa gốc Nùng, đến từ Móng Cái, Quảng Ninh nên mọi người gọi ông với cái tên là Ngọc “Móng Cái”. Ông đã từng là người lãnh đạo hội phu xe với số lượng 300 người nên việc Bạch trở thành người lãnh đạo khiến Ngọc không phục, bèn đề nghị Bạch và mình tỉ thí để phân định thắng thua, chủ tớ.
Bạch đồng ý trận tỉ thí đó với Ngọc. Trận “chiến” diễn ra trong 6 ngày. Mỗi ngày đánh nhau 1 tiếng. Các phu xe, công nhân bốc vác đều có mặt ở nhà kho bến Hàm Tử để chứng kiến và cổ vũ. Cả 2 đánh nhau đến “long trời lở đất” được 5 ngày. Đến ngày thứ 6 thì Bạch chiến thắng bằng một cú đá liên hoàn và cú đấm móc từ dưới hàm lên. Cuối cùng Ngọc “Móng Cái” xin hàng trước khi “Cai” Bạch kịp ra đòn đấm quyết định. Và thế là Bạch hoàn toàn được công nhận là đủ bản lĩnh để đứng đầu “Hội Vạn Xe”.
Thậm chí, những người phu xe còn chở khách đi lòng vòng và xin thêm tiền. Thấy khách có đồ nặng thì đòi tăng giá vì ngựa không kéo nổi,… Nói tóm lại họ làm đủ mọi trò để “vòi” khách thêm tiền để có tiền đóng cho hội.
Còn những người làm phục vụ trong quán ăn, công nhân làm việc trong xưởng thì Thiên Địa Hội sẽ nói thẳng với chủ quán hay chủ xưởng. Mỗi tháng Thiên Địa Hội sẽ cho người đến tận nơi thu tiền bảo kê tiệm, đồng thời nói người chủ đó đưa luôn tiền “hội phí” của những người làm công trong tiệm, còn làm sao để người chủ lấy lại tiền thì chắc là phải lấy tiền trừ lương của người làm đó. Chưa dừng lại ở đây, mỗi khi có gánh hát bội đến Sài Gòn, Thiên Địa Hội sẽ sai người đến đó trước để lấy tiền bảo kê. Nếu chủ gánh hát không chịu đưa tiền và báo cảnh sát thì người của hội sẽ cho các phu xe đứng trước gánh hát, tay lăm le cái roi bện bằng da rồi làm khó làm dễ không cho khách vô nghe hát. Dù cho có cảnh sát cũng chẳng làm được gì vì chỉ có 1 người, thật là “đơn thân độc mã” giữa chốn phu xe. Cuối cùng để cho êm chuyện, chủ đoàn hát phải đưa tiền cho Thiên Địa Hội để yên thân.
Chưa dừng lại ở đó, Thiên Địa Hội lập ra “hội tương tế” chuyên dùng để lo may chay hậu sự cho người đã khuất. Tuy nhiên không ai có thể bắt được hội này vì khi hỏi chủ nhà, chủ nhà bảo là do họ tự nguyện. Có một điều lạ lùng là “lính mật thám” của Sở Mật Thám Nam Kỳ cài vào để điều tra Thiên Địa Hội nhưng lại không có kết quả gì, ngược lại còn bị chết đuối. Người dân còn nghe theo lời của các chánh hội, phó hội,… những người thuộc Thiên Địa Hội.
Thiên Địa Hội ngày càng phát triển mạnh mẽ nên người Việt đã lên đứng đầu, người Hoa phụ trách cố vấn. Thành phần gia nhập vào hội đa phần là nông dân và dân thành thị nghèo, các thanh niên. Khi vào hội, họ phải đọc và thề sẽ làm đúng theo 36 lời thề mà không được phép làm sai, nếu bị sai phạm sẽ bị “đao kiếm phanh thây”. Những lời thề đó chẳng hạn như vì huynh đệ, một lòng trung thành với hội, không tham lam, không dụ dỗ vợ của các huynh đệ trong hội,… Khi đã đọc lời thề và cắt máu ăn thề xong, mỗi thành viên được cấp một bùa có tên là “Hồng môn hộ mạng” để làm dấu với nhau, cũng là để phòng thân, chống đạn.
Theo Sở Mật thám Đông Dương rằng người Hoa ở đâu thì ở đó sẽ có Thiên Địa Hội. Những nơi tưởng chừng như đơn giản, lụp xụp như quán nước, quán ăn nhỏ lẻ của người Hoa cũng có thể là nơi ẩn chứa của người trong Thiên Địa Hội. Thậm chí ở các vùng quê thì nơi đây là chỉ huy của Thiên Địa Hội ở vùng đó.
Ở Bạc Liêu, họ ẩn mình vô cùng giỏi. Khi mà khu vực chợ Bạc Liêu có xảy ra một trận dịch tả nghiêm trọng, chủ tỉnh của Bạc Liêu có chỉ thị là quét dọn quán ăn, cấm khạc nhổ nơi công cộng. Trước tình hình đó, đồng loạt quán ăn của người Hoa đóng cửa hết. Chủ tỉnh tìm được các loại giấy tờ với mộc đỏ trông rất lạ. Theo như “nội gián” cài vào thì đó là giấy ra lệnh bãi thị cho các quán ăn. Nhưng khi hỏi những ông chủ đó thì họ bảo đó chỉ là hóa đơn ở Sài Gòn.
Việc ẩn mình của hội vô cùng chặt chẽ khiến người Pháp không tài nào truy lùng ra được. Nếu truy vết thì họ cũng chỉ thấy được vài thanh gươm, cán có chạm chữ “Thiên”, giấy có ghi chữ Hoa,… hoàn toàn không tìm ra được bất kì manh mối nào khác.
Phong trào Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ một là hội tự phát của nhân dân nhằm lật đổ chế độ thực dân mà quay về chế độ phong kiến. Nhà văn Sơn Nam khi bàn về Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ, ông nhận xét rằng hội đã tạo một nếp sống sinh hoạt hấp dẫn trong hội. Khi mà mọi người ai cũng có tinh thần trượng nghĩa, giúp đỡ bạn bè, huynh đệ. Khi thực dân Pháp vu cáo hội toàn những kẻ du đãng, nhưng thực ra đầu não của hội là những người có lòng yêu nước.