Ngôn ngữ Việt Nam từ trước đến nay luôn phong phú và đang dạng cả về mặt ngữ nghĩa và vần điệu. Một trong những sự phong phú chứa đựng điều thú vị của vần điệu ngữ nghĩa là hình thức “Nói lái”. Đây là thú chơi chữ vô cùng độc đáo của ngôn ngữ Việt Nam.
Trong dân gian cũng có những câu chuyện thú vị liên quan đến nói lái. Bạn có nghe đến chuyện mầm đá của Trạng Quỳnh chưa? Chuyện kể về việc Chúa đã ăn quá nhiều sơn hào hải vị nên không thấy có món nào trên đời này ngon nữa. Một hôm, chúa liền hỏi Trạng Quỳnh rằng: “Trạng có biết trên đời còn món gì lạ mà ngon không?” Trạng nghe thấy thế liền hỏi Khải chúa đã xơi món “mầm đá” chưa. Chúa nghe món lạ liền muốn thử. Tuy nhiên Trạng Quỳnh bảo rằng món này phải đợi cho đến lúc hầm chính thì mới ăn được, trong suốt thời gian chờ đợi không được ăn bất cứ thứ gì, như vậy thì mới ngon. Nếu như chúa muốn thử, ngày mai hãy quay lại. Thế là Chúa hẹn ngày mai sẽ đến. Đến hôm sau, Chúa đến đúng như đã hẹn, ngồi nói chuyện với Trạng từ sáng tới trưa thì đói bụng quá, hỏi Trạng món mầm đá đã chính chưa. Trạng bẩm với Chúa rằng chưa nhừ nên chưa thể dùng được. Và thế là Chúa phải đợi tiếp cho đến mặt trời đi ngủ rồi vẫn chưa có gì ăn. Chúa đói quá liền hỏi Trạng có món gì cho Chúa ăn tạm. Lúc này, Trạng xuống bếp lấy bát cơm nguội trộn tương cho chúa ăn. Chúa ăn xong tấm tắc khen ngon, khi đã no thì chúa đi về, không đợi món mầm đá nữa. Hôm sau chúa hỏi Trạng cho chúa ăn gì mà ngon quá thế, Trạng trả lời là món “Đại phong”. Sau đó Trạng giải nghĩa “Đại phong” là “gió lớn”, “gió lớn” thì “đổ chùa”, đổ chùa” thì “tượng lo”, “tượng lo” là “lọ tương”. Lúc này mọi người mới vỡ lẽ ra món ăn nghe cầu kì như vậy lại chỉ là một lọ tương mà thôi. Thật ra câu chuyện này là Trạng Quỳnh để chúa đói bụng thì mới dâng cơm cho chúa. Lúc này bụng chúa đã đói nên ăn gì cũng thấy ngon.
Tuy chỉ là một mẩu chuyện vui, nhưng chúng ta có thể thấy hình thức nói lại được Trạng Quỳnh sử dụng để đối phó với chúa, mang tính chất vui vẻ nhưng lại có nhiều tầng ý nghĩa.
Một câu chuyện khác được kể đến trong dân gian cũng liên quan đến hình thức nói lái. Chuyện được diễn ra ở trong miền Nam, khi nho học đã tới lúc tàn lụi, mọi người bỏ bút lông, một số người thì chạy theo thực dân Pháp. Trong số những người chạy theo Pháp có một người tên là Nguyễn Văn Tâm, nhờ nịnh bợ mà được Pháp giúp lên làm quan. Được sự giúp đỡ của Pháp, Tâm dương dương tự đắc, cũng muốn có đồ quý trang trí trong nhà cho giống người ta. Lúc này có người dâng lên quan bức liễn có 4 chữ “Đại Điểm Quần Thần” với nét chữ thẳng đẹp. Người đó giải thích “Đại Điểm” có nghĩa là điểm lớn, “Quần Thần” là bề tôi. Ý cả câu là quan có chức quyền to lớn. Quan thích lắm, cho người treo ở phòng khách, ai đến nhà quan cũng khoe và giải thích theo nghĩa trên. Một hôm có người ghé chơi, ngắm nghía bức liễn rồi bảo quan nên cho người dẹp đi thì hơn. Quan ngạc nhiên hỏi chuyện, người ấy mới giải thích rằng “Đại điểm” là “chấm to”; “Quần thần là bề tôi (bầy tôi). Cả câu “Đại Điểm Quần Thần” là “Chấm To Bầy Tôi”, đọc lái lại là “Chó Tâm Bồi Tây”. Cuối cùng chẳng biết quan Tâm có tìm người tặng bức liễn để trị tội không hay là bỏ qua cho im chuyện luôn.
Hình thức nói lái cũng được sử dụng rộng rãi trong dân gian, chủ yếu để trêu người và tránh sự tục tĩu. Tại Nam Bộ có câu nói như sau:
“Con cá đối nằm trên cối đá,
Con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo
anh mà đối được, dẫu nghèo em cũng ưng”.
Rõ ràng từ “cối đá” là nói lái của từ “cá đối”, “mèo đuôi cụt” là nói lái của “mút đuôi kèo”.
Những ai đã trưởng thành và là người Việt Nam chắc hẳn ít nhất một lần trong đời đã nói lái và có nhiều người thích cách nói ấy. Để nói lái người ta sẽ lấy đầu âm này gắn với đuôi âm kia.
Trong cách nói lái của miền Nam
Trong cách nói lái của miền Nam, âm trong hai chữ đổi cho nhau. Ví dụ trong từ “đối” có phụ âm “đ” và âm “ối”, từ “cá” có âm “c” và âm “a”, lấy từ “đ” gắn với từ “á”, “c” gắn với “ối” thành chữ “cối đá”. Một số ví dụ khác: “Sài Gòn – Sòn Gài”; “Cần Thơ – Cờ Thân”; “Thủ Đức – Thức Đủ”;… Đặc biệt, bút hiệu của nhà thơ Thế Lữ được nói lái từ tên ông: Nguyễn Thứ Lễ. Có một số cách nói lái cho ba chữ như ví dụ trong từ “mèo đuôi cụt”, giữ chữ ở giữa rồi đổi hai âm đầu và cuối với nhau. Có một số trường hợp chữ trùng âm sẽ không nói lái được. Ví dụ: lừ đừ; lật đật;…
Về câu đối bên trên, có thể đối lại được như sau:
“Chim mỏ kiến(g) nằm trong miếng cỏ
Chim vàng lông đáp đậu vồng lang
Anh đà đối đặng hỏi nàng ưng chưa?”
Đây quả là câu đối tuyệt vời, liệu rằng có câu đối nào hay hơn nữa không?
Trong cách đối chữ của miền Bắc
Trong cách nói lái của miền Bắc, hai chữ được đổi chỗ cho nhau và đổi luôn cả hai dấu. Ví dụ trong từ “lọ tương”, chữ “lo” đổi cho chữ “tượng”, lấy dấu nặng của từ “tượng” qua cho từ “lo” thành chữ “lọ”, “tương” đổi chỗ cho “lọ”, mất dấu nặng thành “tượng”. Một số ví dụ được kể đến như: “Hà Nội – Nồi Hạ”; Cần Thơ – Cờ Thân”;…
Nói tóm lại, nói lái là một hình thức quen thuộc của người dân Việt Nam từ trước đến nay. Nhiều người sử dụng nó để châm biếm người khác như câu chuyện bức liễn “Đại Điểm Quần Thần”. Cũng có người sử dụng nó để thay cho những câu từ tán tỉnh đối phương. Chúng ta hãy khai thác hình thức này theo hướng tích cực, tránh sử dụng nó để châm biếm và trêu chọc người khác.
- “Mối Duyên Quê” – Cảm nhận tình quê nhẹ nhàng mà đằm thắm
- Tình ca đau buồn nhưng không bi lụy mang tên “Niệm Khúc Cuối”
- Mối tình kỳ lạ kéo dài 37 năm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bà Dao Ánh
- “Còn chút gì để nhớ” – Nhạc phẩm chắp cánh cho bài thơ cùng tên bay về hướng mặt trời, long lanh tươi mới
- Tuyển tập những bức ảnh khó quên về cái Tết Mậu Thân – Xuân 1968