Xe đò chạy bằng than là sáng kiến cải tiến những chiếc xe Renaul từ chạy xăng sang chạy bằng than trong thời buổi bao cấp xăng dầu trở nên khan hiếm.
Từ năm 1960, xe Renault (Pháp) được các “Nhà” xe nhập máy móc thiết bị về, rồi đóng thùng… làm xe đò chở khách. Từ miền tây, vùng đồng bằng, lên tận cao nguyên, xuôi ra miền trung, vùng giới tuyến… đâu đâu cũng thấy bóng dáng xe Renault lưu thông khắp nẻo.
Những chiếc xe đò chạy bằng than bây giờ đã lùi vào dĩ vãng nhưng đối với nhiều người thì hình ảnh những chiếc xe này vẫn còn như in trong đầu. Xe đò Renaul có xuất xứ từ pháp có động cơ chạy bằng than với nguyên lý sử dụng than củi được “hầm” cho nóng lên nhưng không cho cháy thành lửa ngọn mà bốc ra khí “ga”, dòng khí đốt này được dẫn tới bộ hòa khí nổ máy bình thường như xăng từ khi bỏ than củi vô thùng, nung nóng lên cho tới lúc bốc ra khí ga mất khoảng 1 giờ.
Thùng nhiên liệu đằng sau xe được làm bằng sắt có đường kính từ 40-50cm cao bằng 2 thùng phuy được đặt treo đứng phía sau xe. Thùng này được lắp đặt thêm sau những năm 1975. Bên trong trùng này chứa than củi được đốt cháy trong điều khiện hiếm khí để tạo ra một loại khí ga có thể cháy được, khí này chạy qua một bầu lọc thô sơ rồi được hút vào xi lanh sau khi xe nổ máy với xăng.
Xe thường được người dân gọi với cái tên thân thuộc “Đờ Nôn” bởi khi tới đích thì những hành khách trên xe đều lờ đờ và nôn lả vì say xe. Sau năm 1975, vì được lắp thêm bình nhiên liệu phía sau xe còn được gọi một cái tên khác là Xe Hỏa Tiễn.
Do than cháy trong điều kiện hiếm khí nên có xu hướng tắt dần để xe chạy liên tục sau một quãng đường anh lơ xe phải dùng que sắt dài khều than, chọc tro để cho than củi cháy tiếp. Than vụn cùng tro rơi vãi dọc đường xe chạy nên anh nào lỡ chạy xe máy phía sau được nó tặng vài cục than đỏ nóng rực trước mặt thì … phải biết.
Và điều tất nhiên xe chạy với tốc độ rất “nhanh” với 30km/h nếu đường xá tốt còn leo dốc thì cứ từ từ. Loại xe “Đờ Nôn” là phương tiện chủ yếu giải quyết việc đi lại trên những cung đường khoảng 100km từ những năm thập niên 70 đến 80.
Khi bước vào thời bao cấp, xăng dầu trở nên hiếm hoi và được cung cấp theo chế độ tem phiếu. Người dân phải mang theo tờ khai gia đình, thẻ chủ quyền, thẻ căn cước, giấy giới thiệu của cơ quan hiện đang công tác mang theo tiền lệ phí mỗi phiếu 0,04 đồng để đăng ký lấy phiếu xăng.
Tình trạng khan hiếm xăng dầu trở nên nghiêm trong rồi đến năm 1976 nhiều xe cộ bị xếp xó do không có nhiên liệu hoặc không có phụ tùng thay thế, sữa chữa.
Những nhà trí thức lúc đó đã hướng dẫn áp dụng nhiều sáng kiến có giá trị trong sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân”. Sáng kiến đáng chú ý nhất là việc “độ chế thành công” xe ô tô chạy bằng than và củi: “Bộ phận lò hơi” của xe ô tô chạy than củi có thể sử dụng cho các loại máy bơm nước, máy tàu, máy điện.
Cùng với sự khan hiếm về nhiên liệu thì thời bao cấp cũng khiến người dân trải qua những thời điểm cực kỳ khó khăn. Hình ảnh những hành khách được các lơ xe đón tận nơi, nâng từng túi hành lý đỡ lên những chiếc xe của các hãng xe tư nhân đã không còn. Thay vào đó, mỗi khi có việc đi xa người dân phải xếp hàng từ nữa đêm ở bến xe nhưng không hẳn sáng ngày hôm sau đã có vé để đi, nhiều khi còn phải ngồi chờ vài ngày ở ngoài bến.
Lên được xe còn phải chịu đựng hành trình gian khổ cùng chiếc xe già nua, cũ nát đầy mùi hôi hám không có phụ tùng để sửa chữa, đường xá thì xuống cấp mà không có kinh phí để bảo trì.
Phải đi trên những chiếc xe hoán cải từ chạy xăng sang chạy than, nếu may mắn tới đích, thì ngoại trừ hai con mắt, từ đầu đến chân của mọi hành khách đều bị bọc trong khói bụi.
Những chiếc xe than cà tàng đã lùi xa vào tâm trí người Việt, thỉnh thoảng vẫn được họ nhắc lại như tìm về quá khứ. Đối với người trẻ, đây có lẽ là chuyện cổ tích.