Minh Vương, Hương Huyền, Hùng Minh… nổi tiếng thập niên 1970 bởi vẻ hào hoa, lãng tử và giọng ca thiên phú.
Nghệ sĩ Xuân Lan chia sẻ với VnExpress những bức ảnh các tài tử một thời gửi tặng bà trong cuốn lưu bút được gìn giữ hơn 40 năm. Thập niên 1970, bà hoạt động trong nhiều đoàn cải lương như Thanh Minh – Thanh Nga, Quốc Hương… quen nhiều nam nghệ sĩ lừng danh như Minh Vương, Hùng Minh, Hữu Lộc…
Trong ảnh là Nghệ sĩ Ưu tú Minh Vương, từng đứng chung sân khấu với Xuân Lan ở đoàn Việt Nam. Ông là một trong những tài tử được hâm mộ thời bấy giờ với nét điển trai, thần thái nổi bật. Năm 1964, ông đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ. Sang thập niên 1970, Minh Vương được nhiều hãng đĩa để ý và mời thu thanh. Ông thành công với các vở diễn như “Đời cô Lựu”, “Máu nhuộm sân chùa”, “Rạng ngọc Côn Sơn”… Hiện, ở tuổi 69, nghệ sĩ vẫn miệt mài ca, diễn.
Cải lương |Trích đoạn|đời Cô Lựu | Minh Vương trong vai Luân
Nghệ sĩ Hương Huyền từng tham gia đoàn Thanh Minh cùng Xuân Lan. Trong ký ức của bà, Hương Huyền có gương mặt khôi ngô và chất giọng quyến rũ, chuyên trị các vai công tử nhà giàu hoặc võ tướng trong tuồng dã sử. Ông lấy nghệ sĩ Kim Hoa, có con gái là Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hằng.
Sau khi ly hôn với Kim Hoa, ông kết hôn với nữ ca sĩ Phương Hồng Chi, có thêm một người con gái là Cẩm Loan. Hiện nghệ sĩ định cư tại California, Mỹ. Ở tuổi ngoài 70, sức khỏe ông vẫn tốt, thỉnh thoảng sang các tiểu bang biểu diễn, hướng dẫn đờn ca tài tử cho các kiều bào.
Vào thập niên 1990, Nghệ sĩ Ưu tú Hùng Minh được xem là một kép đẹp với nhiều vai phản diện ấn tượng. Các vở diễn gây tiếng vang ông từng tham gia là “Bóng tối và ánh sáng”, “Tô Định”, “Đời sương gió”, “Muôn dặm vì chồng”… Sau này, cải lương xuống dốc, thêm phần tuổi tác, ông ít đi diễn hơn. Hiện ông sống cùng vợ – nghệ sĩ Hoa Lan – tại một căn nhà thuê chật hẹp ở quận Gò Vấp, TP HCM.
Nghệ sĩ Đức Lợi là một trong những kép chính nổi tiếng của cải lương, hồ quảng miền Nam, với các vai như vua Anh Tôn – vở “Xử án Phi Giao”, Hoàng Phủ Thiếu Hoa – vở “Mạnh Lệ Quân”, An Dương Vương – vở “Mỵ Châu, Trọng Thủy”… Năm 2005, ông qua đời đột ngột ở tuổi 58 vì tai nạn giao thông. Con gái ông – nghệ sĩ Bình Tinh, giải nhất “Sao nối ngôi 2016” – tiếp tục kế nghiệp cha. Hay ông mất, nghệ sĩ Xuân Lan cắt một mẩu tin trên báo giấy về ông, dán trân trọng bên dòng bút tích của cố nghệ sĩ trong cuốn sổ.
Cố nghệ sĩ Đức Lợi và vợ – nghệ sĩ Bạch Mai – trong trích đoạn ‘Ngọn đèn tiên’.
Cố nghệ sĩ Hoàng Ấn được nhớ đến với gương mặt hiền hậu, giọng nói chất phác. Ông thành công với vai Võ Minh Luân trong vở “Đời cô Lựu” và các vai diễn trong các vở “Bình Tây Đại nguyên soái”, “Người ven đô”, “Lọ nước thần”… Năm 2008, ông qua đời ở tuổi 64.
Nghệ sĩ Ưu tú Minh Sang là kép nổi tiếng của đoàn Kim Chung vào thập niên 1960, đứng chung sân khấu với các tên tuổi như Minh Cảnh, Mỹ Châu, Diệu Hiền, Lệ Thủy… Sau năm 1975, ông tiếp tục tham gia đoàn Hương Dạ Thảo, đóng các phim truyền hình… Hiện dù đã giải nghệ, thỉnh thoảng ông vẫn được mời làm giám khảo ở các cuộc thi cải lương
Cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu (phải) ghi dấu với những vai diễn hay như Vũ Như Tô, Chí Phèo, chùm hài kịch “Vợ thằng Đậu”… Những năm cuối đời, ông phải từ giã sân khấu vì căn bệnh xơ gan. Năm 2008, ông qua đời sau một tháng chống chọi vì bệnh tái phát.
Nghệ sĩ Phương Bình là gương mặt nổi tiếng của sân khấu Thanh Nga. Vẻ ngoài điển trai, lối ca diễn phóng khoáng, ông ghi dấu với khán giả – đặc biệt là nữ giới – qua các vai hiệp khách giang hồ. Báo chí thời bấy giờ gọi ông là “anh kép đa tình”, vì diễn với Mỹ Châu, Thanh Nga, Thanh Kim Huệ, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Lệ Thu rất mùi, đến mức thư người hâm mộ gửi về gánh hát luôn ghép đôi ông với các cô đào. Sau năm 1975, ông lập gánh hát nhưng gặp khó khăn về tài chính, đến năm 1998 thì rã gánh. Hiện ông sống cùng các con tại nhà riêng ở quận 6, TP HCM. Ông đứng ra tổ chức các đêm nhạc cho địa phương và xóa mù chữ cho trẻ em.
Nghệ sĩ Điền Thanh ghi vào cuốn lưu bút bốn dòng thơ: “Phấn son là nghiệp dĩ/ Cầm ca đi vào đời/ Kiếp tằm đau vời vợi/ Nước mắt cho người vui”.