Nhìn lại 60 năm trước – Người Sài Gòn đi những loại xe máy gì trước năm 1975?

Khác với hầu hết các quốc gia khác, người Việt hay chính xác hơn là người miền Nam chuộng phương tiện di chuyển bằng xe đạp và xe gắn máy, dù là trước năm 1975 hay ở thời hiện nay.

Nét duyên dáng đến từ đất Pháp – Mobylette, Vélosolex

Những người dân sống tại miền Nam trước đây, nếu nhắc đến xe gắn máy thì chắc ai cũng nghĩ ngay đến Mobylette. Vì từng là thuộc địa của Pháp nên việc những dòng xe của Pháp hiện diện nhiều trên đường phố tại Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Xe Mobylette do hãng Motobécane sản xuất, nhưng mọi người vẫn quen miệng mà gọi nó là Mobylette hơn là gọi Motobécane.

Loại xe này ở Việt Nam chỉ có 2 màu là Mobylette vàng và Mobylette xanh, động cơ đều ở mức 49,99 phân khối, được xếp vào hàng vélomoteur và không cần bằng lái vẫn có thể bon bon trên đường. Điểm khác duy nhất là chiếc Mobylette vàng có phần nhỏ hơn và chỉ có ống nhún phía trước; còn Mobylette xanh sẽ lớn hơn một chút, lại còn nặng hơn, ống nhún thì được trang bị cả bánh trước và bánh sau nên khi chạy cảm giác êm hơn, cũng đồng nghĩa giá của nó cao hơn.

Sài Gòn tháng 11 năm 1968, giao thông trên đường Trần Hưng Đạo

Qua các năm thì Mobylette không thay đổi quá nhiều, vào thập niên 50 thì thân xe là những ống tuýp hàn lại, qua đến thập niên 60 thân lại được chế tạo bằng tôn ép. Màu sắc cũng không thay đổi, chỉ có Mobylette vàng được chuyển sang màu xám, còn màu xanh thì vẫn được giữ nguyên như trước. Xe Mobylette được chế tạo ra rất tiện cho mọi người sử dụng, chẳng cần sang số mà dùng embrayage automatique (dây ga tự động hoặc gọi là xe tay ga) chỉ cần điều khiển tay ga là có thể di chuyển dễ dàng và dễ điều khiển, vặn ga lớn thì chạy nhanh, vặn vừa hoặc nhả ga thì xe chạy chậm lại hoặc dừng hẳn. Còn khi muốn chạy thì cứ đạp cho thật nhanh thì máy sẽ nổ và chạy bình thường. Còn nếu đạp mãi mà xe vẫn chưa có dấu hiệu nổ máy thì chỉ cần gạt một cái chốt ở chỗ đĩa – nơi có dây curoa, nó sẽ ăn vào động cơ và tách động cơ ra khỏi bánh sau xe, vậy là đã có thể đạp một cách nhẹ nhàng để về nhà.

Còn nhắc về Velosolex, chắc đây chính là chiếc xe máy được thiết kế ra nhờ những suy nghĩ dã tưởng của những người chạy xe đạp: Sao không gắn một chiếc động cơ nhỏ lên xe đạp để khi chạy không cần phải đạp quá mệt nhỉ? Và chính xác, Velo Solex chính là dòng xe đạp được gắn một động cơ lên bánh trước, động cơ này sẽ làm lăn cục đá tròn phía dưới làm bánh xe nhẹ nhàng lăn bánh mà không cần đạp. Còn nếu muốn đạp như xe đạp thì chỉ cần kéo cái cần trước mặt thì cục đá nhỏ đó sẽ tự động nâng lên. Khi đã đạp tới một tốc độ nhất định, gạt cho cần hạ xuống, tốc độ xe lúc này sẽ làm cho động cơ máy tự động nổ và kéo xe chạy bằng bánh trước. Xe mà ngon trớn rồi thì cứ việc rút chân lên miếng đặt chân, thoải mái mà hưởng thụ gió trời, còn chạy đã có động cơ rồi. Tuy chỉ là một ý kiến giản dị xuất phát từ giữa những năm của thế kỷ 20 nhưng Velo Solex vẫn được mọi người thích dùng cho đến tận đầu thế kỷ 21.

Velo Solex luôn là lựa chọn ưu tiên của những học sinh, sinh viên thời đó

Mẫu quảng cáo chiếc Velo Solex vào những năm 1969

Velo Solex và tà áo dài xưa trên đường phố Sài Gòn xưa

Cả hai dòng xe này có cách sử dụng khá đơn giản và cũng tiện lợi, trọng lượng xe cũng nhẹ nhàng nên Mobylette và Velo Solex rất thông dụng trong học sinh sinh viên, đặc biệt là phái nữ. 

Nét phong trần và lãng tử từ những chiếc xe nước Ý – Vespa, Lambretta

Các dòng xe scooter của Ý như Vespa và Lambretta được gọi là dòng xe máy thứ hạng cao hơn, vì nó có phân khối cao hơn 50cc, nhỏ nhất là 125cc, mà cao hơn thì có 150cc hoặc 200cc tùy theo từng dòng và từng kiểu. Do đó, nó không còn được xếp cùng hàng với vélomoteur, những người điều khiển dòng xe này phải đủ 18 tuổi trở lên và có bằng lái xe theo quy định. Những người ở độ tuổi trung niên hoặc có điều kiện kinh tế tương đối khá sẽ lựa chọn dòng xe này của Ý bởi nó khá đắt.

Dễ dàng bắt gặp những chiếc xe Vespa thông dụng trên các bãi đậu ở Sài Gòn

Qua hàng chục năm thì bề ngoài hay động cơ của xe Vespa cũng không thay đổi là mấy. Thân xe được làm bằng tôn ép,chắc là vậy nên được làm thành dạng vòng cung hình tròn như quả trứng để chịu đựng áp lực tốt hơn. Phần hông được chế tạo phình to hơn các loại xe máy thông thường, bên phải đặt máy, bên trái là ngăn chứa đồ. Do đó, khi chạy Vespa, chúng ta sẽ cảm nhận được xe nghiêng về phía bên phải bởi bên này nặng hơn.

Còn về xe Lambretta, tuy có vẻ ngoài gần giống với Vespa nhưng phần cấu tạo máy bên trong lại khác. Khung xe là ống sắt hàn lại, máy đặt ở giữa khung và bọc bên ngoài là lớp vỏ sắt. Đầu thập niên 1960, xe có đường nét hơi cong, nhưng đến cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 thì xe lại có dạng thẳng và đó cũng là xu hướng thời bấy giờ, trông xe có vẻ trang nhã và thanh lịch hơn hẳn. Cả hai dòng xe đều được điều khiển sang số bằng tay, chỉ cần bóp embrayage và vặn lên để đổi số.

Chiecex xe gắn máy hãng Lambretta màu đỏ

Nét mạnh mẽ và oai hùng từ những dòng xe Đức – Goebel, Sachs, Puch

Vào cuối thập niên 50, miền Nam khá ưa chuộng dòng xe của Đức nên đã các loại như Goebel, Sachs, Puch,…được nhập vào càng Việt Nam cũng kha khá. Những dòng này đều có đặc điểm chung là có bình xăng lớn đặt phía trước ghế người lái, khả năng sang số bằng tay và ống nhún cũng được trang bị ở cả bánh trước và sau. Không những thế, dù có hình dáng khá mạnh mẽ nhưng động cơ xe chỉ ở mức 50cc nên được xếp vào loại vélomoteur – lái xe chẳng cần bằng lái vẫn có thể ung dung trên đường phố.

Chiếc Goebel
Chiếc xe gắn máy của dòng Sachs
Năm 1958 Puch được phục chế trên một chiếc phà Rotterdam

Dù là có cùng điểm chung nhưng mỗi loại xe cũng có những nét riêng tạo nên sự nổi bật của dòng xe Đức. Ví như xe Puch luôn được bọc trong lớp vỏ nhôm, khi chạy thì luôn có những chiếc quạt nhỏ làm mát máy xe, do đó, xe sẽ được làm mát ngay cả những lúc dừng xe chờ đèn đỏ. Tuy cùng là dòng động cơ nhỏ chỉ 50cc, nhưng xe lại có khả năng sang số bằng tay do đó những dòng xe gắn máy của Đức vẫn kéo mạnh hơn các loại xe Mobylette nên nhiều người vẫn dùng nó để kéo xe lôi, thậm chí nó còn kéo được tận 4, 5 hành khách và hàng hóa ở phía sau. Điểm đáng mừng là dòng xe Goebel và xe Sachs của Đức vẫn còn tồn tại và được duy trì cho đến tận ngày nay, như một điểm gợi nhớ về miền ký ức xưa.

Dòng Goebel trước năm 1975

Một thời vang bóng Sài Gòn – Honda 67, Cub, Dame

Khoảng năm 1965, cái tên Honda vẫn còn rất xa lạ với người dân Sài Gòn, một số ít xuất hiện là do người Mỹ mua rồi mang sang Việt Nam để làm phương tiện di chuyển, đến khi họ về nước thì những chiếc xe này được để lại. Lọt ra ngoài thị trường nên được người Việt mua lại.

Sài Gòn, Việt Nam 1971 – Hondas & Suzukis ở trung tâm Sài Gòn Giao thông buổi chiều

Ngày đó, xe Honda chủ yếu là dành cho các phi công người Mỹ, họ dùng để di chuyển giữa nơi đậu phi cơ và doanh trại. Bởi khoảng cách giữa hai nơi thường khá xa, đi bộ phải mấy từ vài phút đến vài chục phút nhưng nhờ có xe Honda mà họ rút ngắn được thời gian di chuyển, đặc biệt là lúc có báo động khẩn. Honda S90 có lẽ là dòng được ưa chuộng nhiều nhất từ trước 1965 bởi kiểu dáng đẹp, máy lại mạnh, tiếng xe nghe giòn tan rất đã tai.

Saigon 1970 – Người lính trẻ nhỏ trên xe Honda67
Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, tháng 1 năm 1970: Bốn đứa trẻ không đội mũ bảo hiểm ngồi trên một chiếc xe gắn máy có lẽ sẽ gây ra những rắc rối pháp lý nghiêm trọng cho cha của chúng ở hầu hết các thành phố ngày nay, nhưng trên những con phố đông đúc của Sài Gòn vào năm 1970, cảnh tượng như vậy là phổ biến.
Honda 67 từng một thời lừng danh, được sử dụng rộng rãi trên đường phố Sài Gòn

Các kiểu khác như C110, S65 (hay gọi là S50), P50, C50 có chung cấu tạo khi máy xe được đặt nằm sát bánh sau và truyền năng lượng trực tiếp vào bánh chứ chẳng cần thông qua dây xích. Cách thiết kế này rất đặc biệt, không lo xe bị mất lực và còn được giảm một số bộ phận, ưu điểm là thế nhưng vẫn tồn tại khuyết điểm là xe bị mất cân bằng do nặng ở phần đuôi hơn. Lại thêm vấn đề lỡ rơi trứng vào ổ gà, xe không có nhún sức va đập dễ làm vỡ răng cưa ở vành xe nên khi chạy loại này người lái cần cẩn trọng hơn. Trước năm 1965, dòng Honda Dame C50 đã có chiếc được trang bị bộ đề điện, không cần đạp, chỉ cần nhấn nhẹ thì máy xe đã nổ. Nhưng đến hàng loạt những dòng Dame sau này thì lại phải đạp máy bằng chân. 

Chiếc Honda Dame là chiếc xe Nhật được nhập cảng chính thức vào năm 1965 để tiêu thụ cho người Việt. Hãng thì gọi là Honda C50 nhưng người ta lại quen thuộc hơn với cái tên Honda Dame, còn dòng Honda Dame lại bị gọi thành Honda đàn ông. Những chiếc Honda Dame đầu tiên xuất hiện tại Sài Thành đã thành công thu hút ánh nhìn của người đi đường. Tại thời điểm đó, bạn sẽ trên các nẻo đường có những chiếc Honda Dame màu đỏ hoặc màu xanh nhạt bị tắt máy, người chạy cứ hý hoáy mà nhìn xuống chân vì họ chưa quen cách chạy xe mà phải sang số bằng chân, sang lộn số nên xe dễ bị tắt máy. Có nhiều người vẫn chế nhạo dòng xe Honda và người chạy rằng: Hãng Motobécane của dòng xe Mobylette thuê người dắt những chiếc xe Honda Dame đi khắp các nẻo đường phố để thấy sự tệ hại của hãng xe Nhật, cứ bị chết máy miết, để khách hàng thấy sợ mà không dám mua nữa.

Xe Honda Dame được thiết kế đặc trưng cho nữ nên dùng embrayage tự động, khi sang số ở chân thì không cần phải bóp vào embrayage mà chỉ cần nhả ga nhẹ nhàng, những xe Suzuki Dame hoặc Yamaha Dame cũng thế. Còn những xe gắn máy Nhật dành cho nam thì có vẻ giống môtô phân khối lớn, vì nó không có pédale mà có cần để đạp cho máy xe hoạt động, hai bên sẽ có một thanh ngang để tiện đặt chân. Bên phải là phanh bánh xe sau và cần đạp, bên trái là cần sang số, tay trái là embrayage, tay phải là phanh bánh xe trước, bình xăng cũng được đặt ở phía trước.

Những xe này giống với môtô ở điểm: phía hai bên bình xăng có thêm miếng cao su để áp đầu gối cho êm. Một điểm đáng khen cho dòng xe này là tầm cao của xe vừa phải, phù hợp với chiều cao của người châu Á, khiến cho việc leo lên hay trèo xuống cũng dễ dàng hơn, chống chân cũng tiện hơn. Tay ga cũng nhẹ nhàng chứ không nặng nề như những chiếc xe nhập cảng của Tây, máy xe chỉ cần một cái đạp nhẹ đã có thể dễ dàng nổ máy. Nói chung, các dòng xe du nhập từ nhập khiến người chạy sử dụng tiện hơn và thoải mái hơn nên được ưa thích hơn nhiều so với những dòng khác.

Sau Honda Dame thì chính là dòng Honda đàn ông 66 (SS50 – SS là viết tắt của Super Sport), những chiếc này xuất hiện vào năm 1966 với màu đen hoặc đỏ, tay lái khá ngắn chủ yếu là để người lái có thể thu hẹp khoảng cách cầm giữa hai tay, giảm sức cản của gió, hộp số cũng có 5 số nhưng lại không có xi-nhan. Dòng này là cho nam nên tốc độ tốt đa cũng rất đáng kể, đạt đến 90km/giờ trong khi nó chỉ là một chiếc động cơ 50cc. Nó mang đặc tính của chiếc xe đua nên ít được sử dụng cho đường phố Sài Gòn vì tay lái quá ngắn, quá khó điều khiển.

Xe Honda SS90

Sang đến năm 1967, Honda lại thiết kế lại kiểu xe với tay lái mở rộng hơn, hộp số có đến 5 số, màu sơn thì chủ yếu là đen và đỏ, trang bị thêm xi-nhan, ống nhún trước được bộc thêm cao su, tốc độ tối đa đạt mức 80km/giờ. Kiểu xe Honda 67 (SS50E) dường như trở thành huyền thoại tại Sài Thành bởi cấu hình máy mạnh, xe chạy rất nhanh nên được rất nhiều người ưa chuộng và cũng là dòng xe được chạy nhiều nhất trên đường phố Sài Gòn thời đó cùng Honda Dame. Về sau, hãng Honda cũng tung ra nhiều dòng xe khác nhưng vẫn chưa có loại nào vượt mặt được Honda 67, ngoài khả năng bon bon trên đường thì do máy mạnh nên xe còn được tận dụng để kéo xe lôi thay cho các hãng xe của Đức trước đó.

Honda P50

Honda 72

4 thương hiệu nổi tiếng đại diện cho “tứ đại gia” trong dòng xe của Nhật

Những dòng xe gắn máy tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975 sao có thể bỏ qua “tứ đại gia” của Nhật: Honda, Suzuki, Yamaha, Kawasaki.

Hãng Suzuki nhanh tay hơn khi tung ra kiểu xe nam M15, M12 và hai dòng đại chúng M31 và Suzuki Dame. Hai kiểu xe nam về cấu hình thì tương đối giống nhau, có cùng động cơ nhưng kiểu thể thao thì ống pô được nâng cao hơn và dè xe trước cũng ngắn hơn để trông thể thao và mạnh mẽ hơn.

Suzuki M15

Còn về phần hãng Yamaha cũng có hai kiểu xe nam là YF5 và Yamaha Dame. Những chiếc xe Yamaha dành cho nam thường có kiểu dáng đẹp mắt, nhiều bộ phận xe còn được xi bóng loáng. Còn Yamaha Dame có màu xanh da trời, đường nét xe có phần nữ tính, trông dịu dàng và rất mỹ thuật nên thường được giới nữ lựa chọn nhiều hơn. Tuy nhiên, Yamaha lại ít được ưa chuộng tại Sài Thành, bởi cấu hình máy của nó không mạnh bằng Honda.

Suzuki M30 tham gia vận động bầu cử
Sài Gòn 1966 – xe Suzuki M 12. George Gentry Collection – Vietnam Centre and Archive

Cùng dòng Dame nhưng của thương hiệu Suzuki và Yamaha có đèn trước thấp hơn so với Honda nên tạo được nét mềm mại và nữ tính hơn, nó thích hợp cho các bạn nữ mặc áo dài, sẽ thanh lịch và trang nhã hơn.

Yamaha Dame

Kawasaki là thương hiệu nhỏ nhất của Nhật lúc đó, chỉ du nhập được duy nhất một dòng xe nam. Xe Kawasaki cũng được đánh giá là chạy tốt nhưng cũng không được yêu thích nhiều bởi nó quá nặng và máy cũng yếu hơn các dòng khác. Những chiếc xe nhập cảng Việt Nam đều dùng sườn xe 80cc nhưng động cơ lại chỉ có 50cc nên được xếp vào dòng vélomoteur không cần bằng lái.

Xe gắn máy thương hiệu Kawasaki

Một hiệu xe khác của Nhật nhưng lại được ít người nhắc đến là Bridgestone. Nó là thương hiệu chuyên sản xuất  và chế tạo vỏ bánh xe, nhưng ở thời điểm đó có một phân bộ lại chuyên sản xuất xe môtô để thỏa mãn nhu cầu đua của các yên hùng. Kiểu này được nhập cảng Việt Nam vào năm 1966, động cơ chỉ tầm 65cc nhưng cũng được xem là vọt mạnh. Xe Bridgestone có 4 số quay vòng như các loại xe đua, nghĩa là nếu xe đang chạy ở số 4 thì chỉ cần nhấn thêm một cái nó sẽ trả về lại số 1 mà chẳng cần phải trả ngược hộp số. Bridgestone chính thức bị đưa vào quên lãng khi mà phân bộ xe đua của hãng đóng cửa vào năm 1967. Với lý do các hãng xe khác của Nhật sẽ không muốn mua vỏ bánh xe đối thủ trong các cuộc đua.

Dòng xe của thương hiệu Bridgestone

Sự yêu thích của người Sài Gòn đối với dòng xe Nhật

Không như nhiều dòng xe châu Âu khác, chẳng mấy thay đổi qua nhiều năm, cứ mặc định và giữ nguyên kiểu mẫu, các hãng xe gắn máy của Nhật cũng đổ xô một cách ào ạt vào Việt Nam cùng những kiểu xe mới qua từng năm. Năm 1968, Honda tung ra thị trường miền Nam Việt Nam dòng xe CL50 (CL là viết tắt của Scrambler), đây là kiểu xe chạy địa hình, chạy được đường đất lồi lõm nên thiết kế chỉ có 4 số, kéo mạnh nhất là ở số 1 và số 2, số 3 và số 4 sẽ giảm dần. Nhưng nếu so về tốc độ tối đa thì vẫn còn thua kém dòng xe Honda 67. Ống pô được vắt cao hơn những xe thông thường để tránh va chạm với các mô đất cao hoặc lo sợ vấn đề ngập nước.

Honda CL50

Đến năm 1969 thì thương hiệu Honda lại tung ra thêm một kiểu mẫu mới là SS50M. Dòng này cũng dùng máy và sườn xe như Honda 67 nhưng bình xăng lại được chế tạo cho dài ra để trông có vẻ thể thao năng động hơn. Qua tới năm 1970, Honda lại đưa thêm một kiểu mới của dòng CD50, dòng này có cấu hình tương tự như SS50 nhưng bình xăng và hộp đựng phụ tùng lại được thiết kế kiểu khác nên trông xe có vẻ khác hẳn đi. Xe được chế tạo chủ yếu là chạy đường thành phố nên chỉ có 4 số và 2 số đầu thì mạnh, để thích hợp đi đường phố với nhiều khoảng dừng đèn đỏ.

Tiếp đó năm 1971 và 1972, cũng cùng kiểu SS50E nhưng Honda lại tung ra một kiểu xe với màu sơn đỏ metal và dè xe xi bóng, ghi cũng được nâng cao như kiểu sừng bò nhìn khá bắt mắt và hấp dẫn. Nhờ thay đổi kiểu dáng bề ngoài mà những dòng xe của thương hiệu Honda thu hút thêm được khá nhiều khách hàng mới.

Năm 1969, Suzuki cũng không kém cạnh khi cho tung ra kiểu xe mới AS50 trông rất đẹp mà lại còn thể thao

Ngoài các kiểu xe Honda chính thức được nhập cảng thì trên đường phố Sài Gòn vẫn thi thoảng sẽ xuất hiện những dòng Honda Monkey lạ mắt với kiểu dáng xe nhỏ nhỏ như kiểu xe dành cho con nít, hoặc những dòng như CT50, CT70 (T là viết tắt của Trail), những dòng này dùng để di chuyển đường quê, dạo chơi ở những con đường mòn nên lại khá ít người sử dụng bởi xe gắn máy ở Việt Nam chủ yếu là dành cho mục đích đi học và đi làm.

Một bãi gửi xe gắn máy chỉ toàn những chiếc xe của thương hiệu Nhật

Đường phố miền Nam thời đó khá nhộn nhịp bởi đủ loại hình xe gắn máy du nhập với những màu sắc khác nhau tạo nên một bức tranh Sài Gòn tươi mới và sặc sỡ. Đường phố Sài gòn lại càng từng bừng hơn với những cưa-rơ cúi rạp như con ngựa sắt, cứ ra sức phóng tới, lạng lách, máy thì nổ giòn ồn ào “đinh tai nhức óc”. Đáng lý ra, những xe Honda chạy rất êm nhưng do nhiều yên hùng cứ thích tháo bỏ phần ống tiêu hãm thanh được gắn ở đầu ống khói nên khiến cho máy xe khổ rất lớn. Ống này nhỏ như cái ống tiêu, thân cũng được đục thành nhiều lỗ và chỉ dài khoảng 1 gang tay. Việc tháo ống này rất dễ, chỉ cần một cái tua vít, tháo con vít nhỏ ở đầu ống khói rồi rút ống tiêu ra là được, ông này tháo ra thì sẽ cảm nhận được xe chạy nhanh hơn, vọt lẹ hơn.

Một thời oanh liệt từ những dòng xe nhỏ nhắn…

Sài Gòn khá nhiều xe và những chiếc xe với tốc độ nhanh, lại mạnh như dòng xe Nhật lại là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh, họ bâng khuâng nếu lỡ chọn xe cho con quá mạnh. Thế là hãng Honda lại tung ra một loại xe mới, động cơ chỉ 50cc lại chẳng cần sang số khi chạy, xe PC50 không vọt mạnh mà êm đềm hơn so những dòng xe có sang số. Dù vậy thì khi chạy nhanh xe cũng có thể đạt tốc độ đến 60km/giờ. Xe PC50 được cải tiến từ P50, động cơ được đặt vào giữa xe để giữ thăng bằng hơn, thêm nhún vào cho cả hai bánh trước và sau. Cách sử dụng PC50 cũng tương đồng với Mobylette, khá đơn giản, chỉ cần đạp nổ máy rồi vặn ga lên và phóng đi.

Honda PC50

Hãng Motobécane cũng không kém cạnh khi tung ra kiểu xe Cady nhỏ nhắn, rất phù hợp với giới học sinh và bậc phụ huynh cũng khá ứng ý khi lựa chọn cho con em của mình. Từ Cady có lẽ được xuất phát từ Cadet, cho người dùng biết nó là em út chính hiệu của nhà Motobécane. Động cơ cũng giống PC50 là 50cc nhưng tốc độ tối đã chỉ đạt mức 40km/giờ. Khuyết điểm lớn nhất của dòng này chính là chạy chậm, nhưng nó lại thành ưu điểm để các phụ huynh lựa chọn, vừa không đắt vừa an tâm. Đầu thập niên 1970, những dòng xe có thiết kế nhiều màu trở thành xu hướng, do đó, lúc đầu Cady chỉ đơn thuần nâu hay xám nhưng sau đó lại được sặc sỡ với màu xanh, đỏ, vàng. Đồng hành cùng với mini jupe thì đường phố Sài Gòn lại xuất hiện nhiều xe Cady  mini với hai bánh xe nhỏ xinh, bên cạnh đó cũng xuất hiện không ít dòng mini xe đạp. Những thiếu nữ mang tà áo dài xinh xắn trên những chiếc xe mini trẻ trung, tung tăng trên đường phố – những dòng xe đầy màu sắc lại trở nên lung linh hơn bao giờ hết.

… đến những “anh hùng xa lộ” mạnh mẽ

Xa lộ Biên Hòa hay còn gọi là Xa Lộ Hà Nội của ngày nay, thời điểm ngày xưa có rất ít xe lưu thông trên đường nên vô tình trở thành đường thử cũng như đường đua cho xe gắn máy. Những chiếc xe được lên ga hết tốc lực vào những giờ ít xe qua lại, dù là ít hoặc không có tạp chí nào lên bình phẩm, nhưng ưu và khuyết điểm của từng loại xe cũng được truyền miệng một cách rộng rãi. Những dòng xe này có thể chạy rất nhanh nhưng với tốc độ cao mà lại chạy liên tục nhiều giờ thì máy xe sẽ yếu đi rõ rệt, vận tốc cũng giảm mạnh. Chỉ riêng Honda lại được đánh giá khá tốt bởi càng nóng máy, xe chạy càng mạnh. Nhưng chính xác thì chỉ có những dòng của Honda được sản xuất sau năm 1965 mới có ưu điểm như vậy bởi Honda đã cải tiến hệ thống phun nhớt, khi máy nóng hệ thống sẽ phun ra rất nhiều nhớt đảm bảo xe không bị sức ma sát làm cho giảm tốc độ. Còn lại những dòng trước đó như S65, C110 thì vẫn bị nóng máy và chậm lại nếu chạy tốc độ cao trong nhiều giờ, tốc độ tối đa của những loại này chỉ hơn 100km/giờ.

Honda S65

Thời đó giữa các yên hùng xe máy (âm gọi láy của từ anh hùng, vì đua xe là can đảm nhưng lại không phải là điều gì hay ho đáng khen) có một thú vui cá cược có phần nguy hiểm là lách dưới xe be. Xe be là loại xe kéo các xúc gỗ, dài tầm 5 – 7 mét. Một đầu gỗ được cột cố định vào xe tải phía trước, đầu còn lại được gắn thêm rơ-mooc, phần giữa sẽ không có bất kỳ ràng buộc nào. Chiều cao từ thân cây tính xuống mặt đường thì tầm một mét hơn, và các tay đua đã cá cược với nhau xem ai dám lách xe chui gầm xe be từ bên này sang bên kia. Khoảng cách thấp nên người lái không thể nào thẳng đầu được, buộc người lái phải co xe nghiêng về một phía sao cho đủ thấp để chui qua được. Điều hối tiếc sẽ xảy ra nếu canh không đúng thời điểm , bởi lúc đó người lái có thể bị hai bánh sau chạy tới đụng trúng và cán chết.

Xe gắn máy là một loại hình phương tiện giao thông thông dụng của hầu hết người Việt, đặc biệt là những người Sài Gòn xưa. Và nó cũng là niềm say mê tốc độ của những thanh niên trẻ, bị hấp dẫn bởi màu sắc, kiểu dáng, tiếng máy xe nổ….Niềm đam mê ấy được ghi lại trong miền ký ức của hầu hết người miền Nam thuở đó và nó tồn tại như một sự vĩnh hằng, khó có gì có thể xóa nhòa được. Nó thành một kỷ niệm đẹp mỗi lúc nhớ lại những xúc cảm khi dắt con xe mới toanh lon ton trên đường và những tháng ngày rong ruổi dạo phố trên con ngựa sắt sành điệu.

Đánh giá post

1 bình luận về “Nhìn lại 60 năm trước – Người Sài Gòn đi những loại xe máy gì trước năm 1975?”

  1. Trong bài có một số hình ảnh xe đã tân trang, cải biên một số chi tiết mới sau năm 1970 và 1980 đề nghị tác giả nên ghi thêm chú thích rõ để bài viết tăng thêm giá trị lịch sử, sự kiện và tránh nhầm lẫn.

    Trả lời

Viết một bình luận