Nguyễn Huỳnh Đức (1748 – 1819) tên thật là Huỳnh Tường Đức, ông sinh trường tại giồng Cái Én, làng Tường Khánh, châu Định Viễn dinh Long Hồ, ngày nay là phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Nhiều sử sách miêu tả ông “tay không giết cọp, diệt sấu, đuổi trâu rừng, trăn gió, rắn độc”, là một người có sức mạnh phi thường. Năm 1780, ông bắt đầu đi theo phò Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long), ông vốn là người mang họ Huỳnh tên Tường Đức, về sau theo phò chúa Nguyễn lập được nhiều công lớn nên được ban họ của vua. Nguyễn Huỳnh Đức là một trong những nhân vật chính trị hết sức quan trọng trong suốt triều vua Gia Long.
Huỳnh Đức có xuất thân là con cháu của võ tướng, cha là Huỳnh Lương, ông nội là Huỳnh Châu đều theo phò chúa Nguyễn và đều được phong chức Cai đội. Lúc còn trẻ, Nguyễn Huỳnh Đức có công mở đất Ba Giồng, ông được người đời miêu tả là “dung mạo khôi ngô, khỏe mạnh hơn người, ai cũng coi là hổ tướng”. Đương thời, ông cùng Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn và Trương Tấn Bửu được người đời suy tôn là “Ngũ hổ tướng Gia Định”. Lúc đầu, ông gia nhập vào đội quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn. Về sau, mặc dù ông Nhơn bị chúa Nguyễn Phúc Ánh giết chết nhưng Huỳnh Đức vẫn được tin dùng. Năm 1782, Huỳnh Đức được phong chức Tiền quân, từ đó về sau cuộc đời của ông gắn liền với chúa Nguyễn. Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” có kể lại rất nhiều chuyện về mối thâm tình của Huỳnh Đức với vua Gia Long. Trong sách có kể đến việc nhà vua phải chạy trốn vì bị quân Tây Sơn truy đuổi, lúc ấy chỉ có một mình Huỳnh Đức vẫn chạy theo để cứu giá, lựa đường đưa nhà vua lên thuyền trốn về miền Tây. Sau một khoảng thời gian trốn chạy, giữa đêm vì quá mệt mỏi nên Nguyễn Phúc Ánh đã gối đầu lên đùi Huỳnh Đức ngủ mê man. Đêm ấy, hổ tướng vừa thức suốt đêm xua muỗi cho vua, vừa phải canh chừng động tĩnh phía địch. Cảm động trước lòng thành của Huỳnh Đức, Nguyễn Phúc Ánh đã hết lời khen ngợi, ban cho ông quốc tính (họ của vua) và xem ông như là người trong hoàng tộc.
Năm 1783, Nguyễn Huỳnh Đức đánh nhau với quân Tây Sơn nhưng không giành được thắng lợi và bị bắt giam cùng với 500 thuộc hạ. Lúc ấy, chỉ huy của quân Tây Sơn là Nguyễn Huệ thấy ông khỏe mạnh hơn người nên có ý muốn thu dùng, nhưng Huỳnh Đức chỉ một lòng trung thành với chúa Nguyễn, ông nói “Nếu không giết ta thì ta lại trốn về với chúa cũ mà thôi”. Nguyễn Huệ rất nể trọng người tài nên không giết ông mà còn cho ông nhiều ngọc ngà châu báu để lôi kéo nhưng Huỳnh Đức vẫn kiên quyết không chấp nhận. Khoảng thời gian ở lại doanh trại của Nguyễn Huệ, do vẫn thường nhớ về chủ cũ nên trong lòng Huỳnh Đức còn căm phẫn. Một đêm mơ ngủ, Huỳnh Đức lớn tiếng chửi mắng Nguyễn Huệ làm cho quân tướng giận, muốn giết ông nhưng vì là lời trong lúc ngủ nên không nỡ xử tội. Về sau, ông chịu theo quân Tây Sơn nhưng có lời thề rằng chỉ giúp đánh quân Trịnh, chứ không đánh với quân của chúa Nguyễn. Suốt thời gian theo quân Tây Sơn bình định Bắc Hà, Huỳnh Đức đã thực hiện lời thề “Nếu nghe Nguyễn vương còn sống thì dù thiên lý, vạn lý cũng tìm”. Thực hiện lời thề này, năm 1786, Nguyễn Huỳnh Đức theo quân Tây Sơn ra Bắc đánh nhau với quân Trịnh, rồi về làm phó tướng cho Nguyễn Văn Duệ. Ông Duệ trước kia là tướng tâm phúc của Nguyễn Nhạc nên không nguyện ý ở dưới trướng của Nguyễn Huệ. Khi biết chuyện, Huỳnh Đức muốn lợi dụng việc này để trốn về với chúa Nguyễn, ông bàn bạc với Nguyễn Văn Duệ hãy đi theo đường tắt mà lẻn về với Nguyễn Nhạc. Tin lời của Huỳnh Đức, ông Duệ dẫn theo hơn 5000 quân băng qua núi rừng hiểm trở quay về Quy Nhơn. Trên đường đi, Nguyễn Huỳnh Đức thừa cơ hội trốn sang Vạn Tượng rồi qua tới Xiêm La (Thái Lan). Nhưng khi ông đến nơi, chúa Nguyễn đã trở về Gia Định. Vua Xiêm La thấy ông là người có tài nên muốn giữ lại, Huỳnh Đức thề rằng thà chết chứ không chịu, ông kể lại quá trình gian khổ đi tìm chủ, khiến cho khí uất bốc lên ngùn ngụt tới nỗi thổ ra một hòn máu, vua Xiêm La thấy không thể ép buộc được ông, cũng quý trọng mà cấp thuyền cho ông về. Đến cuối cùng ông cũng đã về đến Gia Định và thực hiện được lời thề của mình, tiếp tục phò tá chúa Nguyễn đến ngày hoàn thành đại nghiệp.
Năm 1799, Nguyễn Huỳnh Đức được thăng chức lên làm Chưởng quản Hữu quân dinh, ra đánh trận lấy được Phan Rí, rồi tới Thị Nại (Bình Định). Sau đó ông lại dẫn quân đánh hạ được thành Quy Nhơn giúp chúa Nguyễn xoay chuyển được cục diện tại chiến trường. Nguyễn Huỳnh Đức được cử vào Nam cai quản Định Tường, sau khi Nguyễn Phúc Ánh chiếm được thành Phú Xuân đã giao cho thành Quy Nhơn cho ông trấn giữ. Đến năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh ngồi lên ngai vàng, lấy niên hiệu là Gia Long, còn Nguyễn Huỳnh Đức thì được phong làm Quận công, giữ chức Tổng trấn thành Bình Định. Năm 1810, ông ra Bắc và lên nhậm chức Tổng trấn Bắc thành kiêm Khâm sai Chưởng tiền quân. Một thời gian sau, Huỳnh Đức về Nam và được vua Gia Long bổ nhiệm làm Tổng trấn thành Gia Định cùng với Hiệp Tổng trấn là Trịnh Hoài Đức, cai quản cả Lục tỉnh Nam Kỳ. Ông là danh tướng duy nhất từng giữ cả chức Tổng trấn Bắc Thành và Gia Định Thành.
Nguyễn Huỳnh Đức qua đời ngày 9 tháng 9 năm 1819 khi đang tại chức, hưởng thọ 71 tuổi và được người ta đem về an táng tại quê nhà ở thôn Tường Khánh. Ông được vua Gia Long truy tặng là “Thôi trung Dực vận công thần, đắc tấn phục quốc, Thái phó Đức quận công, Thượng tướng quân thượng trụ quốc”, được thờ tại miếu Trung hưng công thần tại kinh đô Huế. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (tức năm 1831), ông được truy tặng là Kiến Xương Quận công. Huỳnh Đức có 4 người con trai đều xuất thân là các võ quan, trong số đó có 2 người là rể của vua Gia Long. Trong lịch sử nước ta, Nguyễn Huỳnh Đức là một đại công thần khai quốc của triều đình nhà Nguyễn, một hổ tướng lẫy lừng khắp đất Ba Giồng và cũng là người có công khai phá giồng Cái Én, ông được người đời tôn thờ như một vị Tiền hiền.
Ngày nay tại ngôi đền thờ trong di tích lăng mộ và đền thờ ông ở phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An vẫn còn những liễn đối được chính vua Gia Long đề tặng: “Bắc Nam tam tổng trấn, vạn lý binh quyền” (câu này có nghĩa là: từ Bắc chí Nam muôn dặm, ông năm binh quyền tổng trấn ba lần), “Anh hùng mi lục Xiêm, Miên, Lào, Mán tri danh” (nghĩa: mày mắt anh hùng Xiêm, Miên, Lào, Mán đều biết tiếng). Tại nơi đây còn lưu giữ rất nhiều cổ vật quý như các sắc phong, chiếu, chế,… và còn có cả tranh vẽ. Đặc biệt là bức tranh vẽ truyền thần Nguyễn Huỳnh Đức được phác họa từ năm 1802, lúc ấy ông 55 tuổi. Ngoại trừ đền thờ ở thành phố Tân An ra, ông còn được thờ ở các đình Cẩm An, Long Hải, Mỹ Trung và đình Ưu Long. Trước năm 1985, tại Sài Gòn có đến 2 con đường mang tên Nguyễn Huỳnh Đức nhưng về sau đã đổi thành đường Trần Tuấn Khải và Huỳnh Văn Bánh. Ngoài ra, trước những năm 1976, ở khu vực quận 5 còn có cả phường Nguyễn Huỳnh Đức.
Năm 1993, lăng mộ của Nguyễn Huỳnh Đức được Bộ Văn hóa Thông tin (ngày nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật để bảo tồn, tôn tạo. Di sản khu lăng mộ của “hổ tướng” Nguyễn Huỳnh Đức vừa mang giá trị về lịch sử lẫn nghệ thuật kiến trúc.
- Một chút cảm nhận về ca khúc “Giọt Lệ Vu Quy” của nhạc sĩ Hoài Linh và Nhạc sĩ Tuấn Khanh
- Đôi điều về nhạc phẩm “Lính Xa Nhà”
- Hẻm nhỏ, ngõ phố – “Linh hồn” văn hóa đặc trưng của Sài Gòn từ xưa đến nay
- Cuộc đời và sự nghiệp của Băng Tâm
- Những biểu tượng Sài Gòn ngày ấy và bây giờ – Những hình ảnh mà mỗi người dân Sài Gòn đều ghi nhớ trong lòng.