Cải lương được biết đến là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, được hình thành dựa trên cơ sở của dòng nhạc đờn ca tài tử, nhạc cổ xưa và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long. Nhắc đến cải lương thì không thể không nhắc đến những tên tuổi nổi tiếng có tài năng xuất chúng, đã góp phần khẳng định được chỗ đứng của dòng nhạc cải lương trong lòng khán giả. Sau đây hãy cùng Thời Xưa ngắm nhìn lại những “ông vua, bà hoàng” của làng cải lương Việt.
Vua xàng xê Minh Chí
Nghệ sĩ Minh Chí (1924 – 1995), tên thật là Lê Mộng Lang, ông sinh ra tại Sài Gòn và có xuất thân là người lao động nghèo. Vừa lớn lên, Minh Chí đã phải hằng đêm làm việc cực nhọc tại lò heo Chánh Hưng. Là một người từ lâu đã có niềm đam mê ca hát cải lương, ông hay nghe cải lương từ các máy hát đĩa nhựa qua dây thiều của các đài phát thanh và bắt chước theo cách hát của những nghệ sĩ nổi tiếng thời đó như Tám Thưa, Năm Nghĩa,… Những lúc không đi làm, Minh Chí hay theo dõi những buổi đờn ca tài tử tại các đám cưới, đám giỗ trong xóm và thỉnh thoảng ông còn được các ban đờn ca tài tử địa phương mời tham gia biểu diễn cùng. Ông là người từ nhỏ đã có máu cải lương trong người, cộng thêm trời cho giọng hát hay, đầy nội lực, dần dần tiếng tăm của ông được vang xa và lọt vào mắt xanh của nhiều ông bầu. Sự nghiệp cải lương của Minh Chí cũng bắt đầu từ đó, ông đi theo các đoàn hát, rong ruổi khắp nơi từ các làng xã đến các tỉnh thành trong nước để tham gia đàn hát.
Thời kỳ đỉnh cao nhất nhất trong sự nghiệp cải lương của Minh Chí là lúc anh gia nhập vào đoàn Kim Chưởng. Vào những năm 1960, đoàn cải lương này được mệnh danh là “đệ nhất anh hùng lưu diễn” nhờ vở cải lương “Anh hùng Lạn Tương Như”. Trong vở tuồng này, Minh Chí đảm nhận vai chính Lạn Tương Như, ông đã thể hiện xuất sắc tài năng của mình và từ đó được người đời đặt cho danh hiệu “Vua Xàng Xê”. Khán giả ở dưới ai cũng đều tập trung lắng nghe và vỗ tay rất nồng nhiệt mỗi khi Minh Chí mạnh mẽ, dứt khoát vô xàng xê. Thời điểm đó, tên tuổi của nghệ sĩ Minh Chí lẫy lừng khắp nơi trên cả nước từ Nam ra Bắc, thậm chí sự nổi tiếng của ông còn trải dài sang cả những nước láng giềng. Lúc đó, những bộ đĩa hát cùng với tiếng ca vang vọng của Minh Chí đã giúp ông ngày càng khẳng định được tài năng trời phú của mình trong làng cải lương Việt.
Vua vọng cổ Út Trà Ôn
Út Trà Ôn (1919 – 2001), tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh ra tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ông là một trong những giọng ca tài năng nhất của làng cải lương Việt Nam. Từ nhỏ Út Trà Ôn đã bộc lộ được niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật cải lương, giọng hát của ông trầm ấm, thắm đượm nét trữ tình. Trải qua nhiều năm rèn luyện cùng với chất giọng trời cho, Út Trà Ôn nhanh chóng trở thành nghệ sĩ cải lương nổi danh khắp cả nước lúc bấy giờ và được mọi người đặt cho cái danh “vua vọng cổ”. Mỗi khi nhắc đến nghệ sĩ Út Trà Ôn, người nghe liền nghĩ ngay đến bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”, đây là bản vọng cổ nổi tiếng gắn liền với tiếng tăm trong nghề của ông. Cũng chính “Tình anh bán chiếu” đã đưa tên tuổi của “ông vua vọng cổ” ngày một vươn xa khắp nơi. Đây là bài hát nói về tâm sự của một người thanh niên làm nghề bán chiếu, có tình cảm với một cô gái đặt mua hàng. Bài ca này khá giản đơn, cũng chính vì sự giản đơn đó nên mới có thể dễ dàng đi vào lòng khán giả, cộng thêm sự thể hiện hình tượng nhân vật xuất sắc của Út Trà Ôn, đã làm cho bài ca này tạo nên một làn sóng dữ dội thời ấy
Vua vọng cổ Viễn Châu
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông xuất thân trong một gia đình vọng tộc và là người con thứ sáu trong gia đình. Viễn Châu được người đời tông sùng là “vua của các vị vua cải lương”, là người đứng sau thành công của nhiều tên tuổi lẫy lừng trong làng cải lương thời đó. Từ những năm 1964, Viễn Châu đã tạo nên một làn sóng mới trong làng cổ nhạc khi ông cho ra mắt những bản “tân cổ giao duyên” bằng cách ghép tân nhạc vào bản vọng cổ với mong muốn tạo ra một luồng sinh khí mới mẻ, phong phú hơn. Vào giai đoạn những năm 50 đến năm 1975, nhiều bản vọng cổ hài do Viễn Châu là người soạn giả sau này được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Văn Hường, Hề Sa,… thể hiện qua và để lại một dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả lúc bấy giờ. Với sự thăng hoa trong bộ môn nghệ thuật cải lương, nửa thế kỷ qua Viễn Châu đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp sáng tác của mình với hơn 50 vở cải lương và 2000 bài ca vọng cổ.
Vua Tao Đàn Thanh Hải
Nghệ sĩ Thanh Hải tên thật là Hồ Văn Xia, ông sinh năm 1938 tại Dĩ An, Sông Bé, ngày nay là Bình Dương. Cha của ông là Sáu Kỳ, một người giỏi võ nghệ và chuyên dạy võ những nhiều thanh niên trai tráng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc ấy, ông Sáu Kỳ bị một tên Việt gian chỉ điểm đã tiếp tay cho thực dân Pháp bắt ông rồi tra tấn dã man sau đó ông bị giết và thả trôi sông. Khi nhắc về người cha quá cố của mình, nghệ sĩ Thanh Hải không kìm nén được cảm xúc, ông khóc: “Không vớt được xác cha, cũng không biết ngày chết nên mẹ tôi lấy ngày cha bị bắt làm ngày giỗ”. Vào thời điểm ông Sáu Kỳ qua đời, Thanh Hải phải bỏ học, cầm tấm bằng trung học đệ nhất cấp và giỏi tiếng Pháp, Thanh Hải đã xin vào làm việc tại trại cao su Bến Cát để kiếm tiền nuôi mẹ. Mỗi ngày ông đều dành hết thời gian vào công việc đem mủ cao su về phòng thí nghiệm để kiểm tra chất lượng. Trong khoảng thời gian vất vả nhất trong đời mình, chiếc radio nhỏ là người bạn duy nhất bên cạnh ông sớm tối. Nhờ vào việc thường xuyên nghe radio, ông đã bị đắm chìm vào giọng hát trầm lắng của nghệ sĩ Út Trà Ôn qua những bài ca như: Sầu vương biên ải, Tình anh bán chiếu,… Từ đó về sau Thanh Hải đã tìm mua nhiều bài ca vọng cổ về tập hát theo và coi nó như một thú vui để giải sầu.
Với niềm đam mê cải lương ngày càng lớn, năm 24 tuổi, sau khoảng thời gian 7 năm làm việc tại trại cao su, Thanh Hải quyết định lên đường đi theo gánh hát. Khoảng năm 1958, Thanh Hải gia nhập vào hát cho đoàn Kim Hoàng – Như Mai và được Điền Long, một nhà soạn giả giới thiệu về đoàn Hữu Chí, lấy nghệ danh là Thanh Hải. Trải qua nhiều năm tháng, bằng tài năng của mình Thanh Hải dần leo lên hàng kép chánh. Sau khi tên tuổi của ông bắt đầu nổi lên như diều gặp gió, Thanh Hải về đoàn Thủ Đô, nhờ có soạn giả Thu An đã viết cho ông một kịch bản có đoạn ngâm thơ theo điệu Tao Đàn cực khó, thế nhưng Thanh Hải vẫn hoàn thành xuất sắc khó ai bì kịp. Cũng vì vậy mà ông càng được khán giả yêu thích nhiều hơn và ưu ái đặt cho biệt danh là “Vua Tao Đàn”.
Vua hài Văn Hường
Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, là người con thứ sáu trong nhà, ông được nhiều bạn bè gọi là Sáu Văn Hường. Từ nhỏ, ngọn lửa đam mê đối với cải lương đã vụt cháy trong lòng ông. Khi mới 15 tuổi, nghệ sĩ Văn Hường phải rời xa gia đình, ông đặt chân đến vùng đất Sài Gòn làm nghề bán hạt dưa trước cửa nhà hát Nguyễn Văn Hảo thời xưa. Bình thường phải đi bán nhưng niềm đam mê ca hát trong ông vẫn không nhạt phai, thỉnh thoảng ông lại ngồi ngâm nga những câu hát vọng cổ. Theo như NSND Minh Vương kể lại rằng: “Nghệ sĩ Lệ Liễu – đang phụ trách chương trình ca nhạc cải lương đài phát thanh Sài Gòn – thấy cậu bé bán hạt dưa còn nhỏ mà ca hát rất mùi, bèn rủ hát cùng. Tình cờ, ông bầu Bảy Cao (1916-1996) – giám đốc đoàn hát Hoa Sen ghé chơi, nghe văn Văn Hường ca, chú ý và cùng nhiều nghệ sĩ khác đến xem để nhận xét. Trong số những người đến nghe Văn Hường ca, có soạn giả NSND Viễn Châu (1924-2016). Từ khi lọt vào mắt anh “vua soạn giả Vọng cổ”, cuộc đời Văn Hường sang một trang mới”. Về sau, bằng vọng ca của mình, Văn Hường đã hoàn toàn chinh phục được khán giả qua những bài vọng cổ như: Đêm tân hôn, Vợ tôi đi coi bói,… và sau đó nổi tiếng nhất là bài vọng cổ “Tư Ếch đi Sài Gòn”, đây là bài ca đã đưa tên tuổi của ông lên một tầm cao mới. Những năm 1960, ông nổi danh khắp nơi từ Nam ra Bắc, được khán giả mệnh danh là “ Vua vọng cổ hài”.
Nữ hoàng sầu muộn Út Bạch Lan
Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Vì cha mất sớm nên mẹ bà phải đi làm mướn để kiếm tiền nuôi con. Hai mẹ con nương tựa vào nhau thuê một căn nhà nhỏ ở khu Chợ Lớn, tại đây mẹ bà gặp được một người đồng chung cảnh ngộ và kết nghĩa thành chị em, người “chị em” đó cũng có một người con tên là Đinh Văn Dậm. Tuổi còn nhỏ nhưng Út Bạch Lan đã bộc lộ được tài năng ca hát của mình, thấy được giọng ca thiên phú của Út Bạch Lan, Dậm đã rủ bà đi hát dạo với mong muốn có thể cùng mẹ chia sẻ bớt gánh nặng. Thế là đâu đó trên các nẻo đường tại Sài Gòn, thi thoảng sẽ có người bắt gặp hình ảnh một cô bé đang cất tiếng hát và bên cạnh là cậu bé cầm trên tay cây đàn cũ tạo thành một “nhóm nhạc nhỏ” vừa hát vừa xin tiền người qua đường. Thời gian qua đi, Đinh Văn Dậm khi lớn lên đã trở thành một trong những nhạc công hàng đầu tại Việt Nam và lấy nghệ danh là Văn Vĩ. Còn Út Bạch Lan, nhờ giọng ca ngọt ngào của mình, bà được cô Năm Cần Thơ, một giọng ca tuyến đầu của sân khấu cổ nhạc giúp đỡ đưa bà đến gần hơn với giấc mơ ca hát. Bằng những cố gắng của bản thân, tên tuổi của Út Bạch Lan đã nổi lên như một hiện tượng của thời đó với vở diễn đầu tiên “Đồ Bàn Di Hận” của Lê Khanh. Không biết là có phải do cuộc đời bà đã trải qua nhiều giai đoạn khổ tâm hay không, mà khi tiếng hát của bà cất lên làm cho người nghe có cảm giác nghẹn ngào, u uất khó tả. Lúc bấy giờ, Út Bạch Lan được người hâm mộ và các nhà báo đặt cho rất nhiều danh xưng như: Hoa lan trắng, Sầu nữ, Nữ hoàng vọng cổ,… Nhưng đối với Út Bạch Lan, bà thích nhất là biệt danh “Sầu nữ”.
Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga
Thanh Nga (1942 – 1978), bà là một nghệ sĩ rất nổi tiếng trong làng cải lương Việt Nam những năm 1950. Khi chỉ mới 8 tuổi, Thanh Nga đã được nhiều khán giả biết đến và chính thức biểu diễn trên sân khấu trong các vở như: Đồ Bàn Di Hận, Phạm Công Cúc Hoa,… Với những nỗ lực cố gắng không ngừng cùng sự chỉ dạy nhiệt tình của những nghệ sĩ có chỗ đứng trong nghề như: Phùng Há, Kim Cương,… cộng thêm ngoại hình xinh đẹp, nổi trội của mình, Thanh Nga đã dành để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả lúc bấy giờ. Tên tuổi của nghệ sĩ Thanh Nga bắt đầu lên đến thời kỳ đỉnh cao nhất là lúc bà diễn vai sơn nữ Phà Ca của vở “Người vợ không bao giờ cưới” của soạn giả Kiên Giang. Sự thể hiện xuất sắc của bà trong vai diễn này đã làm cho nhiều khác giả cảm động trước câu chuyện tình yêu ngang trái của nàng sơn nữ Phà Ca cùng chàng Kiều Mộng Long, con trai của sứ quân Kiểu Thuận tại đất Sơn Tây. Cũng nhờ lối diễn xuất thần trong vai này cùng với sự cố gắng trong suốt thời gian dài, nghệ sĩ Thanh Nga đã nhận được huy chương vàng đầu tiên của giải Thanh Tâm khi còn rất trẻ. Đây là một chặng đường rất quan trọng trong sự nghiệp khẳng định tên tuổi của Thanh Nga và đưa bà trở thành “Nữ hoàng sân khấu cải lương” của nước ta thời xưa.
Vua không ngai Thành Được
Với chất giọng ngân vang, ngọt lịm của mình, Thành Được là một trong những nghệ sĩ cải lương lẫy lừng nhất ở Sài Gòn những năm 1975. Ông được coi là người thành công nhất trong làng cải lương Việt lúc ấy, là nghệ sĩ cải lương đầu tiên mua xe hơi, cũng là người dám chi tiền thuê máy bay từ Sài Gòn đi Buôn Mê Thuột để biểu diễn. Chính vì vậy nên ông được mọi người đặt cho biệt danh là “Vua không ngai”. Bằng giọng nói trầm ấm nghe rất sang trọng và trí thức của mình, Thành Được đã thể hiện rất chuẩn những vai diễn trong các tuồng xã hội như vai Lĩnh Nam trong “Sân Khấu Về Khuya” được nhiều người khen ngợi và yêu thích ngay từ lần đầu tiên xem ông biểu diễn. Ngoài ra, Thành Được còn cho mọi người thấy được sự linh hoạt của ông qua nhiều vai diễn khác nhau, đặc biệt phải kể đến vai tướng cướp Thi Đằng, đây được coi là vai diễn để đời trong sự nghiệp cải lương của nghệ sĩ Thành Được.
Nữ hoàng kiếm hiệp – Nữ hoàng Tân cổ giao duyên Mỹ Châu
Nghệ sĩ Mỹ Châu là một trong những giọng ca vàng của làng ca nhạc cải lương lúc bấy giờ. Bà tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu, sinh năm 1950 tại tỉnh Long An, cũng như nhiều nghệ sĩ thời đó, bà xuất thân trong một gia đình nghèo khổ, cha mất sớm, mẹ bà phải làm việc cực nhọc để kiếm tiền nuôi con. Mẹ của nghệ sĩ Mỹ Châu là một người rất mê cải lương, bà sớm đã nhìn thấy được năng khiếu của con gái nên đã cho Mỹ Châu nghỉ học để đi theo con đường ca hát. Khi Mỹ Châu lên 11 tuổi đã bắt đầu đi theo gánh hát, kể từ đây cuộc đời bà như bước sang một trang mới
Trong sự nghiệp ca hát của mình, nghệ sĩ Mỹ Châu đã thu về rất nhiều vai diễn để đời như vai Lan trong “Tìm lại cuộc đời”, Nàng Hai trong “Nàng Hai Bến Nghé”,… Tuy nhiên, khi nhắc đến tên Mỹ Châu nhiều người sẽ nghĩ ngay đến danh xưng “Nữ hoàng kiếm hiệp” vì bà đã thể hiện hết mình và nhận được nhiều thành công trong các vở cải lương với kịch bản rất “kiếm hiệp” như: Tâm sự loài chim biển, Bóng hồng sa mạc, Sở vân cứu vợ, Khi rừng mới sang thu,… Bằng giọng hát ấn tượng của mình, Mỹ Châu đã thu âm gần 380 bài tân cổ giao duyên và 168 vở cải lương nổi tiếng, bà cũng đã hoàn thành xuất sắc trong vai trò đạo diễn sân khấu và là tác giả của nhiều vở cải lương và tân cổ giao duyên lẫy lừng.
Nữ hoàng Tân cổ giao duyên Phượng Liên
Nghệ sĩ Phượng Liên tên thật là Lữ Phụng Liên, sinh năm 1947 tại Cần Thơ, bà là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng của nền ca nhạc cải lương trước những năm 1975. Lúc còn nhỏ, cha của bà không thích nghề ca hát, thế nhưng với sự đam mê mãnh liệt, Phượng Liên vẫn chọn bước đi trên con đường nghệ thuật này. Tên tuổi của bà bắt đầu nổi tiếng khi làm đào chính cho đoàn Kim Chưởng. Vào thời điểm ấy, Phượng Liên cùng với một nghệ sĩ khác là Dũng Thanh Lâm được xem là cặp diễn ăn ý và thu hút nhiều khán giả nhất lúc bấy giờ. Cặp đôi này đã diễn rất nhiều vở tuồng ấn tượng như: Tiếng hạc trong trăng, Mùa trăng và nước mắt,… cũng nhờ vào tài năng vượt trội của bản thân, Phượng Liên được xem là một trong những tên tuổi nổi tiếng thời đó, sáng ngang với nhiều nghệ sĩ như Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu,…
Sau những năm 1975, Phượng Liên được mời về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga và được giao cho nhiều vai diễn ấn tượng như: Sân khấu về khuya, Qua cầu đắng cay, Nửa đời hương phấn,… Cũng nhờ vào vai The trong “Nửa đời hương phấn” đã giúp bà khẳng định được tên tuổi của mình trong làng cải lương Việt và được mọi người phong tặng cho danh hiệu “Nữ hoàng Tân cổ giao duyên”.
Hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài
Nghệ sĩ Tấn Tài được khán giả yêu thích bởi chất giọng trầm lắng, mang theo chút buồn đặc trưng của ông. Tấn Tài sinh năm 1938 tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ông vốn xuất thân là một thầy giáo nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với đờn ca tài tử. Năm 1959, vì trong gia đình không có ai theo nghệ thuật, nên khi ông quyết định từ bỏ nghề nhà giáo để trốn theo gánh hát, mẹ của ông đã khóc lóc, khuyên răng rất nhiều nhưng vì ngọn lửa đam mê quá lớn, Tấn Tài vẫn kiên định chọn con đường ca hát. Cuộc đời nghệ thuật của ông đóng kép chính trong rất nhiều đoàn, nhưng khi tham gia vào đoàn Thủ Đô thì mới là lúc ông đứng trên đỉnh cao nhất của sự nghiệp. Nhờ vào tài năng và những cố gắng của bản thân, năm 1963 nghệ sĩ Tấn Tài đã nhận được giải Thanh Tâm. Thời điểm ấy, ông được khán giả và cánh báo chí ưu ái gọi là “Hoàng đế đĩa nhựa” vì kỷ lục thu 5 – 6 đĩa hát mỗi ngày và có số lượng đĩa tiêu thụ thuộc hàng “khủng” lúc bấy giờ.
Nữ hoàng hồ quảng Phượng Mai
Nghệ sĩ Phượng Mai tên thật là Trương Thị Bích Phượng, sinh năm 1956, bà được biết đến là một trong những tên tuổi vàng của làng cải lương Việt Nam, với chất giọng ấm, ngọt lịm và truyền cảm của mình, Phượng Mai đã để lại trong lòng khán giả một dấu ấn khó phai. Bà xuất thân trong một gia đình hai bên nội, ngoại đều là những tên tuổi nổi tiếng trong nghiệp ca hát, nghệ sĩ Phượng Mai thuộc về thế hệ thứ 5 trong gia đình. Năm 1970, cô trở thành một trong những cô đào chính lẫy lừng nhất và được đóng cặp với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Tòng, Đức Lợi, Hùng Cường,… Khi nhắc đến Phượng Mai người ta sẽ nghĩ ngay đến danh xưng “Nữ hoàng hồ quảng”, sở dĩ có tên gọi này là vì bà ca hồ quảng cải lương rất hay, tiếng ca của Phượng Mai như mang một làn gió mới đến với nền cải lương hồ quảng. Ngoài ra, nghệ sĩ Phượng Mai còn là một trong số ít người có thể hoàn thành được xuất sắc trong vai trò ca hát lẫn diễn xuất, vào những vai buồn thì khiến cho khán giả khóc hết nước mắt, còn trong những vai mạnh mẽ, võ thuật thì cho khán giả “rửa mắt” bằng những màn đánh võ xuất thần.
- Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trường Sa – tác giả của những ca khúc bất hũ “Xin Còn Gọi Tên Nhau”,
- Đôi nét về nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ – Người đóng góp vào nền âm nhạc Việt Nam hơn 500 nhạc phẩm.
- “Em lấy chồng xa” (Hoài Nam & Thanh Sơn)
- Nhớ về rạp xi-nê Rex, rạp tối tân nhất Đông Nam Á trước 1975
- “Đôi Ngã Đôi Ta” (Trần Thiện Thanh)