Hồi ức về một Sài Gòn trong những đêm mưa với hình ảnh chiếc xe hủ tiếu gõ

Đăng ngày 31/08/2024

Hầu hết trên khắp các nẻo đường Sài Gòn, từ những con hẻm lớn nhỏ không khó để có thể bắt gặp được một xe hủ tiếu gõ với mùi thơm lan tỏa bao trùm cả con hẻm. Mảnh đất Sài Gòn không chỉ nổi tiếng bởi các khu trung tâm thương mại, khu đô thị nhộn nhịp, tấp nập mà đây còn là nơi được nhiều người biết đến với nền văn hóa ẩm thực độc đáo và đa dạng. Khi nói đến ẩm thực Sài Gòn, thì hẳn ai cũng biết nơi đây tập hợp rất nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau từ Đông sang Tây đều có đủ, từ những món thời xa xưa đến những món hiện đại dường như là không thiếu một món nào. Một trong số nhiều món ăn chứa đựng nhiều ký ức gắn liền với nền văn hóa xưa và nay phải nhắc đến là món hủ tiếu gõ, đây là món ăn mà đặc trưng của người dân Sài Gòn làm cho các du khách trong và ngoài nước ai cũng đều mê mẩn.

Đêm Sài Gòn nhớ tiếng hủ tiếu gõ! - Thời sự 11g00 09/08/2020

Hủ tiếu gõ là một món ăn bình dân, thường được bán vào mỗi buổi tối cho đến tận khuya trên các lề đường, vỉa hè và các con hẻm. Nhắc đến hủ tiếu gõ, mọi người sẽ mường tượng trong đầu hình ảnh những con đường ở Sài Gòn lúc đêm với một chiếc xe đẩy có dán kính bên ngoài, phía bên trong xe là nơi người bán để nồi nước dùng nóng hổi, khói nghi ngút, có ngăn để tô, chén, muỗng đũa, gia vị,… Xe mà người bán hủ tiếu gõ sử dụng là một chiếc xe nhỏ gọn để có thể thuận lợi trong việc di chuyển. Bề ngoài của chiếc xe này được dựng lên rất đơn giản, thô sơ, thậm chí có nhiều nơi người ta còn dùng luôn cả xe máy, xe đạp để sửa lại thành một chiếc xe bán hủ tiếu gõ. Sở dĩ món ăn này có tên là hủ tiếu gõ là bởi vì nó xuất phát từ chính cái cách thức mà người ta dùng để bán hàng. Khi di chuyển xe, người bán sẽ sử dụng một vật dụng gõ để tạo ra âm thanh lóc cóc giúp thực khách có thể dễ dàng nhận biết được. Cứ về đêm, hình ảnh chiếc xe nhỏ đơn sơ cùng với âm thanh lóc cóc của tiếng gõ sẽ len lỏi trên khắp các con đường, con hẻm của Sài Gòn. Ở thời xưa, tại mỗi hàng bán hủ tiếu sẽ có một cậu bé cầm trên tay hai thanh sắt hoặc thanh tre, vừa đi vừa gõ lóc cóc để tạo ra âm thanh cho khách nhận biết. Người nào muốn ăn thì chỉ cần gọi lớn, một lát sau là sẽ có ngay tô hủ tiếu gõ nóng hôi hổi đem đến tận cửa nhà, đây cũng là một trong những lý do giúp cho hủ tiếu gõ trở thành một món ăn đặc biệt trong lòng mọi người, mỗi khi nhắc đến Sài Gòn thì đa số người sẽ nghĩ ngay đến món ăn độc lạ này

Dù đi đâu cũng nhớ về một Sài Gòn với chiếc xe hủ tiếu gõ - ChuduInfo

Không có ai biết chính xác được hủ tiếu gõ có từ thời điểm nào, chỉ có một số người sống nhiều năm tại Sài Gòn nói rằng món ăn này đã xuất hiện từ rất lâu rồi, khoảng từ năm 1975 trở về trước. Nếu là người đã từng và đang sinh sống trên đất Sài Gòn thì chắc chắn đã ít nhất một lần nhìn thấy được hình ảnh chiếc xe hủ tiếu gõ “lóc cóc” trên các vỉa hè, lề đường vào mỗi buổi đêm.

Để làm nên một tô hủ tiếu gõ chính hiệu, nguyên liệu chế biến cũng rất phong phú, mỗi thứ một ít. Một ít hủ tiếu sợi nhỏ, vài lát thịt heo thái mỏng, giá đỗ, hành hẹ, kèm thêm một ít tóp mỡ giòn tan,… Người nào có nhu cầu cao hơn thì gọi thêm giò, móng heo và chả bò. Cuối cùng thứ không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc trưng của tô hủ tiếu gõ là phần nước dùng được hầm với xương heo, củ cải và cà rốt giúp cho nước dùng được thơm và ngọt thanh hơn. Ngày nay, khi xã hội đã phát triển hơn rất nhiều, cơ sở vật chất hiện đại hơn kéo theo giá cả của nhiều mặt hàng cũng tăng lên, dĩ nhiên giá của hủ tiếu gõ cũng cao hơn so với trước kia. Bây giờ một tô hủ tiếu gõ có thể lên đến tận 20.000đ tùy nơi và tùy theo yêu cầu của khách. Mặc dù vậy, hương vị của món ăn này vẫn không thay đổi, vẫn ngon và hấp dẫn nhiều người ăn, ăn được một lần thì lại muốn ăn thêm lần thứ hai.

HỦ TÍU GÕ - MÓN ĂN BÌNH DỊ SÀI GÒN TỪ XƯA ĐẾN NAY

Ngày xưa, thời điểm Sài Gòn vào mùa mưa, những cơn mưa rào như trút nước làm nước ngập lênh láng trên khắp các con đường. Trong những ngày thời tiết ẩm ướt đó, tại những con hẻm, những ngõ ngách đông đúc các khu dân cư, đêm xuống vẫn vang vọng tiếng gõ lóc cóc đều đều báo hiệu có một xe hủ tiếu gõ đang tiến vào xóm, âm thanh lóc cóc ấy đã đánh thức cơn đói trong lòng của những người còn chưa chịu ngủ, những học sinh, sinh viên thức khuya học bài, những nhà văn đang mày mò suy nghĩ ý tưởng hay những người công nhân dọn rác đêm,… Trong cái thời tiết giá lạnh của mùa mưa, đối với những người thức đêm thức hôm thường rất đói bụng nhưng lại lười đội mưa ra đường tìm đồ ăn thì một tô hủ tiếu gõ chính là giải pháp hoàn hảo nhất để xua tan đi cơn đói. Còn gì tuyệt vời hơn khi trạng thái làm việc giảm sút bởi cơn đói, bỗng nhiên xuất hiện âm thanh lóc cóc của tiếng gõ, tiếng lóc cóc ấy như hòa vào tiếng bụng đang cồn cào vì đói.

Mới đầu âm thanh nghe còn rất xa vọng lại từ đầu hẻm, rồi từ từ rõ dần, thứ âm thanh này được gắn liền với hình ảnh đứa trẻ mặc áo ngắn tay, quần cụt mang dép lê, trên người có mặc một cái áo mưa nilong mỏng và trong suốt nên rất dễ để thấy được gương mặt của một chú nhóc nhỏ tầm 12 đến 13 tuổi, với nước da đen sạm, đôi mắt sáng mở to cùng với nụ cười ngây thơ đúng chuẩn “con nít” khi đứng ngay dưới ánh đèn đường. Nhiều lúc muốn ăn hủ tiếu gõ, thực khách không cần phải lớn tiếng gọi hoặc mở toang cửa nhà mà chỉ cần ló đầu ra ngoài khung cửa sổ ra hiệu bằng tay, thì chú bé liền gật đầu hiểu ý ngay và quay bước chạy về hàng bán. Không lâu sau, cũng là hình ảnh chú bé một lần nữa xuất hiện, nhưng lần này khác ở chỗ là trên tay chú còn bưng theo một tô hủ tiếu gõ nghi ngút khói giao đến tận tay khách. Trên mặt tô hủ tiếu chỉ có vài ba miếng thịt cắt lát mỏng, nước dùng vừa đủ ngập qua mặt phần hủ tiếu, trên miệng tô được đặt một đôi đũa tre, cạnh đó là chiếc muỗng sắt bên trên còn có để thêm lát chanh và vài miếng ớt đỏ. Khi giao hủ tiếu cho khách xong, chú bé lại một lần nữa quay bước, đi cùng với chú vẫn là âm thanh lóc cóc quen thuộc len lỏi dần vào con hẻm xa. Lúc quay trở ra, chú bé lại ghé vào nhà khách để lấy tô và nhận tiền, ngày đó vào khoảng thời gian tiền chưa mất giá thì tiền của một tô hủ tiếu gõ chỉ có 2.000đ.

Sài Gòn hủ tiếu gõ

Về sau, một tô hủ tiếu gõ chỉ vỏn vẹn vài miếng thịt, nước dùng, giá hẹ ấy vậy mà đã tăng lên 5.000đ rồi 7.000đ, ai có “điều kiện” hơn thì ăn thêm với giá 10.000đ. Hủ tiếu gõ chính là sự lựa chọn hàng đầu của những người làm việc vào buổi đêm, những người thường thức khuya đang trong tình trạng cơn đói “ghé thăm” mà ngại ra đường trong thời tiết mưa rào, se lạnh. Đây là một món ăn khuya được bán lưu động, giá cả cực kỳ rẻ, lại còn được mang đến tận nhà, trao tận tay mà không phải mất thêm một khoản “phí dịch vụ” nào cả. Hủ tiếu gõ là món ăn quen thuộc, gần gũi với những đối tượng khách hàng là những người có thu nhập thấp, công nhân, học sinh, sinh viên hoặc những người đang trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế,… Những đối tượng này lựa chọn hủ tiếu gõ vì đây là một món ăn giản dị không cầu kỳ, giá lại rẻ, chỉ cần ăn một tô thôi cũng đã đủ đánh bay cơn đói. Thế nên người ta thường nói, hủ tiếu gõ được sinh ra là để dành cho những người nghèo. Nhưng về sau, quan niệm này không còn nữa, đối tượng ăn hủ tiếu gõ cũng đa dạng hơn. Không chỉ có người nghèo mới được ăn mà dần dần nhiều người cũng ăn thử rồi thấy ngon và vẫn thường xuyên cho hủ tiếu gõ vào thực đơn những món phải ăn khi “ngán cơm”. Ngày nay, hình ảnh cậu bé phục vụ nhiệt tình và âm thanh lóc cóc bên cạnh những hàng bán hủ tiếu gõ đã không còn nữa. Thay vào đó những người muốn ăn sẽ trực tiếp đến tận xe ngồi ăn vì đã được bố trí bàn, ghế nhựa, trên bàn sẽ có đầy đủ đũa muỗng, chanh ớt và giấy ăn, nếu không muốn ngồi tại quán thì có thể mua mang về.

Trải qua nhiều giai đoạn biến động của lịch sử, hủ tiếu gõ vẫn luôn là món ăn ngon mà giá lại còn rẻ, được nhiều tầng lớp trong xã hội ưa chuộng. Dần dần món ăn này đã tạo được cho mình một dấu ấn riêng biệt và là một trong những ký ức đẹp khiến nhiều người không kiềm được xúc động mỗi khi nhắc đến ẩm thực Sài Gòn.