Hình ảnh Việt Nam xưa: Trở về Sài Gòn cách đây đúng một thế kỷ (1921 – 2021)

Đăng ngày 02/09/2024

Dưới thời Liên bang Đông Dương, Sài Gòn do người Pháp tập trung quy hoạch và xây dựng, với ước muốn biến Sài Gòn trở thành một “Paris thu nhỏ”, như một khu đô thị sang trọng mang phong cách và kiến trúc châu Âu. Từ vẻ đẹp của những công trình kiến trúc như tòa nhà hành chính, bưu điện trung tâm, nhà thờ,….cho đến những bức tượng đài, căn biệt phủ, dãy cửa hàng trên đường phố,….dù là ở khu vực trung tâm hay ở ven sông Sài Gòn cũng đều được lưu lại trong những bức ảnh trắng đen đầy quý giá, làm tư liệu tưởng nhớ về một thời đã qua.

Hình chụp hướng về quai Francis Garnier (Bến Bạch Đằng). Photo – Studio tại số136 đường Rue Catinat của nhà nhiếp ảnh Crespin, kế bên khách sạn Continental (chính giữa hình).

Khách sạn Continental là một khách sạn lịch sử nổi tiếng ở Thành phố, bắt đầu xây vào năm 1878 dưới thời Pháp thuộc và mất 2 năm để hoàn thành (tức năm 1880). Trong cùng khoảng thời gian này, thành phố Sài Gòn cũng có thêm nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng khác do người Pháp xây dựng như: Nhà thờ Đức Bà xây năm 1880, Bưu điện Sài Gòn năm 1886, và Tòa Đô Chánh Sài Gòn năm 1898. Trong những năm thập niên 1960 – 1970, chính quyền bắt buộc các cơ sở thương mại phải dùng bảng hiệu tiếng Việt, nên khách sạn này còn có một cái tên khác là “Đại Lục Lữ Quán”

Quảng trường Nhà hát – Lối vào đường Rue Catinat (thời Việt Nam Cộng hòa đổi thành đường Tự Do từ năm 1954 đến 1975. Sau năm 1975, chính quyền Việt Nam đổi tên đường Tự Do thành đường Đồng Khởi, cùng với đường Công Lý thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Đoạn đường này lưu lại khá nhiều nét hoài cổ xưa và riêng biệt của một đô thị thuộc địa Đông Nam Á, nhưng từ năm 1954 thì mất dần khi nhiều tòa cao ốc mọc lên.

Câu chuyện về những bức ảnh chụp Sài Gòn cách đây 100 năm

Bến Bỉ Quốc – Đoạn đầu đường Rue Catinat (nay được đổi tên thành Bến Bạch Đằng và đầu đường Đồng Khởi).

Hình này là của nhà nhiếp ảnh Ludovic Crespin (có cửa tiệm “Photo Studio” ở số 136 đường Rue Catinat). Bên phải là khách sạn “La Rotonde” (trên lầu là văn phòng của công ty tàu biển “Chargeurs Réunis” mà Nguyễn Tất Thành đến xin làm phụ bếp tàu để đi qua Pháp). Theo Niên giám Đông Dương năm 1910 thì văn phòng Chargeurs Reunis là do ông Saravane quản lý. Bên trái hình là hai tiệm đổi tiền của ba người Ấn (mà người Pháp gọi là “malabar”), tọa tại số 1 đường Rue Catinat của ông Mougamadou Abdoullah (1909), ông Mougamadou Oussaine (1910) và số 1bis của ông Mougamade Abdoullah. Cho đến tận năm 1912, tại số 1 đó vẫn là nơi đổi tiền của người Ấn

Bến của hãng tàu Vận tải đường sông ở đầu đường Rue Catinat

Tượng Giám mục Bá Đa Lộc nắm tay dẫn Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) được dựng giữa vườn hoa phía trước nhà thờ Đức Bà năm 1903. Tượng đài này bao gồm một bệ bằng đá hoa cương đỏ hình trụ tròn và bên trên là bức tượng tạc hình Giám mục Adran với phẩm phục Giám mục, tay trái dẫn hoàng tử Cảnh. Tượng làm bằng đồng, được đúc tại Pháp, giới bình dân thời đó thường gọi là tượng “hai hình” để phân biệt với tượng “một hình”, là bức tượng của Đô đốc Hải quân Pháp Genouilly ở phía công trường Mê Linh (nay là cuối đường Hai Bà Trưng, gần bờ sông Sài Gòn). Năm 1945, tượng này bị Chính phủ Đế quốc Việt Nam của Thủ tướng Trần Trọng Kim phá bỏ, nhưng cái bệ đài bằng đá hoa cương đỏ thì vẫn còn tồn tại ở đó mà không có bất cứ một bức tượng nào đặt lên trên. Đến năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên đặt tạc một Tượng Đức Mẹ Hòa bình bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý và đến năm 1959 thì tượng Đức Mẹ được dựng lên bệ đá đó.

Giờ tan lễ nhà thờ Đức Bà Sài Gòn – Vị trí ban đầu của nhà thờ là ở đường Số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế), được xây dựng năm 1863, nhưng vì không gian quá hẹp không đủ để các giáo dân đến thi lễ. Do đó mà Đô đốc Victor Auguste Duperré đã quyết định cho khởi công xây dựng ở nơi khác một nhà thờ khác bằng gỗ bên bờ “Kinh Lớn” (còn gọi là kinh Charner, thời Việt Nam Cộng hòa là vị trí trụ sở Tòa Tạp tụng, tương ứng với vị trí tòa nhà Sun Wah ngày nay). Nhà thờ được xây bằng gỗ năm 1865, lấy tên là Nhà thờ Sài Gòn, về sau lại bị hư hại nghiêm trọng do côn trùng gây hại. Nên mới chuyển dời đến vị trí hiện tại vào năm 1877, mất 3 năm để hoàn thành (tức năm 1880)

Cảnh sắc và khí vị phố phường, nhà cửa Sài Gòn 100 năm trước

Nhà nguyện bên trong Nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc – Đây là một nhà thờ Công giáo tại Thành phố, tên thường gọi là Nhà thờ Ngã Sáu ở khu vực Chợ Lớn xưa. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1922 và hoàn thành vào tháng 5 năm 1928, mang tên Thánh Jeanne d’Arc, cũng là thánh bổn mạng nhà thờ. Nhà thờ mang trong mình lối kiến trúc độc đáo cùng có phong cách Romanesque, được xây trên khu nghĩa trang Hoa kiều.

Vòng xoay Công trường Lam Sơn, đoạn giao nhau của hai đại lộ lớn của Sài Gòn là Bonard (Lê Lợi) và Charner (Nguyễn Huệ). Thời Pháp thuộc, phần công trường phía mặt tiền Nhà hát có tên là Place Francis Garnier. Năm 1910, nhà cầm quyền thuộc địa cho đặt một bức tượng vinh danh sĩ quan Francis Garnier. Còn một phần khác cũng thuộc công trường ở phía sau nhà hát gọi là Place Augustin Foray từ năm 1935. Năm 1955, khi nền Cộng hòa được thiết lập tại miền Nam Việt Nam, công trường được đổi tên thành Công trường Lam Sơn. Về sau, người ta dựng một bức tượng khắc họa hai binh sĩ Thủy quân Lục chiến VNCH nhưng lại đặt theo hướng giương vũ khí vào nhà Hạ nghị viện – vốn là nhà hát được cải tạo từ năm 1955. Chính giữa hình có một xe lớn đó là xe buýt tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn, giá vé $20 – Trên nóc xe buýt quảng cáo két sắt “LE GAULOIS” của hãng DESCOURS & CABAUD.

Tòa Hòa Giải nằm trên đại lộ Charner (sau năm 1975 thì chính thức đổi tên thành đường Nguyễn Huệ) – Trước năm 1975, đây được gọi là Tòa Án Quận 1, nhưng sau này đã bị tháo dỡ và xây dựng lên một cao ốc Sunwah ngay tại vị trí đó. Bìa trái là đường Huỳnh Thúc Kháng, phía bên phải là đường Tôn Thất Thiệp.

Dinh xã Tây – Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ điển của thành phố, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909. Dưới thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hôtel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây. Đến thời VNCH thì được đổi thành Tòa đô chánh Sài Gòn và trưng dụng là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô. Sau năm 1975, tòa nhà này trở thành nơi làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố  và một số cơ quan khác. Nằm ngay đầu đường Charner, hướng ra sông Sài Gòn.

Bến Bỉ Quốc (góc đường Adran), nay là Bến Chương Dương và góc Hồ Tùng Mậu (Võ Di Nguy trước năm 1975). Bên phải là đi về phía cầu quay Khánh Hội – Bìa phải là nhà kho của quan thuế – Ở giữa hình là xe buýt tuyến Tân Định – Xưởng Ba Son – Chợ Sài Gòn. Giá vé cho lộ trình này là $10. Trên nóc xe quảng cáo “Rượu sâm banh G.H.MUMM”, “Thuốc lá GLOBE” và “kem đánh giày LION NOIR”

Câu chuyện về những bức ảnh chụp Sài Gòn cách đây 100 năm

Kho thuế quan và Cột tín hiệu (hay còn gọi là cột cờ Thủ Ngữ) – Cột cờ Thủ Ngữ được người Pháp xây dựng vào tháng 10 năm 1865 với tên gọi lúc đầu là Mât des signaux, có nghĩa là Cột tín hiệu để làm tín hiệu cho tàu bè ra vào luồng lạch khu vực Sài Gòn – Gia Định. Trong giai đoạn 1890 – 1910, cột cờ được dựng lại bằng sắt, cao 35m và bổ sung thêm sàn đứng kéo cờ. Cầu tàu trước cột cờ được mở rộng. Khu vực gần Cột cờ có thêm một số công trình phục vụ cho chức năng bến cảng như tòa nhà kiểm tra thuế quan và nhà kho

Góc đường Rue Cartinat – Trước năm 1975 nơi đây là ngã tư đường Tự Do và đường Gia Long (nay là đường Đồng Khởi và đường Lý Tự Trọng).

Dinh Thượng Thơ (nay là trụ sở của Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM) – Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc lâu đời khi được người Pháp xây dựng từ năm 1864. Không những thế, qua nhiều nghiên cứu về sách sử đã cho thấy rằng nền đất Dinh Thượng Thơ là một trong những dấu tích quan trọng của Thành Gia Định và là dấu tích tiêu biểu của thời kỳ người Việt bắt đầu khai phá, thành lập Sài Gòn.

Đường Rue de Gia Long ở Chợ Lớn, nay được đổi tên thành đường Trịnh Hoài Đức – Phía xa là ngã tư Trịnh Hoài Đức với Phùng Hưng. Trong hình trên nhìn thấy có vẻ như ở giữa giao lộ là một tháp canh có mặt bằng hình bát giác, có cửa sổ nhìn ra 4 phía và bên trên mái có một cột đèn 4 ngọn. Nằm ngang nơi tiền cảnh là đường Vạn Tượng, rẽ về bên trái hình là ra đường Khổng Tử, rẽ về bên phải là đi về phía cầu Quới Đước và kinh Tàu Hủ.

Sông Sài Gòn và cột cờ Thủ Ngữ – Sông Sài Gòn là một phụ lưu của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ rạch Chàm. Sông này có các cảng lớn thuộc hệ thống Cảng Sài Gòn cùng các tuyến buýt đường sông xuất phát từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực Thủ Đức – Còn cột cờ Thủ Ngữ, nếu tính đến nay thì đã hơn 150 năm tuổi. Trong những năm 1920, một công trình hình bát giác một tầng có mái dốc được xây dựng dưới chân cột cờ. Cầu tàu trước Cột cờ được mở rộng. Khu vực trước Cột cờ có một quầy bán hàng giải khát tên tiếng Pháp là La Pointe des Blagueurs, dịch ra có nghĩa là Mũi Tán dóc.

Hình ảnh người bán hàng rong đã chẳng còn xa lạ với tất cả mọi người – Không khó để bắt gặp hình ảnh của người lam lũ trên đường phố, mang theo những gánh hàng để mưu sinh kiếm sống. Không đến nỗi bán mặt cho đất bán lưng cho trời như những người nông dân ngoài đồng ruộng, nhưng họ cũng phải đổ biết bao mồ hôi và công sức để tạo ra đồng tiền.

Quảng trường Hải quan (Hải quan

Xe tăng hạng nhẹ Renault FT trước cổng doanh trại Trung đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa, trước năm 1975 nó còn được gọi là Thành Cộng Hòa – Năm 1890, Trung đoàn dã chiến Nam Kỳ được tổ chức lại, đã phân thành các trung đoàn bộ binh hải quân số 9, 10 và 11. Nơi đây được dùng làm căn cứ, dưới quyền sử dụng của Trung đoàn bộ binh hải quân thứ 11. Đến năm 1900, trung đoàn được đổi tên thành Trung đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa. Người bình dân bấy giờ thường gọi căn cứ của trung đoàn này là trại Ông-dèm hoặc thành Ông-dèm. Sau khi Ngô Đình Diệm đắc cử Tổng thống thì muốn xóa bỏ hết những tàn dư văn hóa của chế độ thực dân cùng kỷ niệm một thể chế mới nên đã cho đổi tên nơi đây thành Thành Cộng Hòa.

Một tòa nhà thuộc khu vực của doanh trại Trung đoàn 11 Bô binh Thuộc địa – Ngày nay, đây là khu vực tương ứng với diện tích gồm Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Dược Đại học Y Dược, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, được giới hạn bởi các đường Lê Duẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Minh Khai và Mạc Đĩnh Chi.

Quang cảnh duyệt binh trên đường Đại lộ Norodom (sau năm 1975 thì được đổi tên thành đường Lê Duẩn) – Trong hình là xe tăng hạng nhẹ Renault FT của Pháp với biên chế chỉ gồm 2 người, một người lái và một xạ thủ. Đây là kiểu tăng được sản xuất hàng loạt trong Thế chiến thứ nhất và là kiểu mẫu xe tăng hiện đại đầu tiên mà tất cả các xe tăng trên thế giới sau này đều phát triển theo.

Xe tăng Renault FT (thường được đề cập đến trong các tài liệu, sách báo sau Thế chiến thứ nhất với tên gọi là FT-17, FT17, hoặc tương tự) là một xe tăng hạng nhẹ của Pháp, là một trong những thiết kế xe tăng mang tính cách mạng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Xe tăng FT là loại đầu tiên được sản xuất có vũ khí nằm trong một tháp pháo xoay quanh được mọi hướng. Các cấu hình của xe tăng Renault FT – khoang người lái và xạ thủ nằm ở phía trước, khoang động cơ ở phía sau, và vũ khí chính nằm trong một tháp pháo quay vòng – đã trở thành và đến nay vẫn là bố trí tiêu chuẩn của xe tăng. Vì vậy, một số sử gia về chiến tranh xe bọc thép đã gọi Renault FT là chiếc xe tăng hiện đại đầu tiên trên thế giới.

Phòng Thương Mại Sài Gòn được đặt trên Quảng trường Rigault de Genouilly – Nằm khoảng giữa hai đầu đường Hồ Huấn Nghiệp và Phan Văn Đạt (thời Pháp thuộc, hai con đường này có tên là Rue Turc và Rue Doudart de Lagrée).

Quảng trường Rigault de Genouilly, nay là Công trường Mê Linh – Bìa trái là tháp kỷ niệm nhà thám hiểm sông Mekong Doudart de Lagrée (1823-1868), nằm thẳng đầu đường Ngô Đức Kế (Rue Vannier). Bên phải là tòa nhà Phòng Thương Mại Saigon nằm cạnh bên đường Hồ Huấn Nghiệp ở giữa hình (Rue Turc).

Phòng Canh Nông nằm ở góc đường Chasseloup Laubat và đường Massiges (trước năm 1975, thì hai đường này có tên là Hồng Thập Tự và Mạc Đĩnh Chi; sau năm 1975 thì thêm một lần đổi tên nữa thành Nguyễn Thị Minh Khai và Mạc Đĩnh Chi). Trước năm 1975, nơi đây còn được trưng dụng làm Trụ sở Cảnh Sát Cuộc Quận 1, còn hiện tại ở vị trí này là tòa nhà Somerset Chancellor Court.

Bệnh viện của người Hoa tại Chợ Lớn – Phước Thiện Nghĩa Từ của người Phước Kiến, được xây dựng vào năm 1909. Bắt đầu từ năm 1946 thì bắt đầu đưa những thiết bị hiện đại vào sử dụng kèm với Tây y để điều trị cho bệnh nhân. Năm 1957 thì bệnh viên đã mở thêm một khoa hộ sản. Đến sau năm 1975 thì chính thức đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Trãi và giữ nguyên tên gọi cho đến tận ngày nay.

Chợ Bình Tây – Một khu chợ có tuổi đời lớn nhất ở thành phố, do một thương gia người Hoa là Quách Đàm (còn gọi là Thông Hiệp) bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1928 rồi tặng cho chính quyền thành phố lúc bấy giờ, khánh thành năm 1930. Chợ tọa lạc trong khu vực gọi là Chợ Lớn nên chính bản thân nó cũng thường được gọi không chính thức là chợ Lớn. Chợ nằm giữa 4 tuyến đường Tháp Mười – Lê Tấn Kế – Phan Văn Khỏe – Trần Bình, với mặt bằng hình chữ nhật gồm 12 cổng (cả chính lẫn phụ) và được thiết kế theo lối kiến trúc Á Đông.

Khải Hoàn Môn Việt Nam – Nơi đây còn được dùng để vinh danh Thống chế Joffre

Thống chế Joffre trong chuyến ghé thăm Sài Gòn – Tên đầy đủ là Joseph Jacques Césaire Joffre, ông là Thống chế Pháp gốc Catalan, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp từ 1914 đến 1916 trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Thống chế Joffre trao tặng huân chươn

Tiếp đón Thống chế Joffre tại Dinh Tổng thống ở Sài Gòn – Ban đầu, đây là nơi ở của Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière và được đặt tên là Dinh Norodom và đại lộ trước dinh cũng được gọi là đại lộ Norodom. Từ 1871 đến 1887, dinh được dành cho Thống đốc Nam kỳ nên gọi là dinh Thống đốc Nam kỳ. Từ 1887 đến 1945, các Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc nên dinh gọi là dinh Toàn quyền

Một chuyến tàu thư cập bến ở Sài Gò

Sông Sài Gòn – Cột tín hiệu (cột cờ Thủ Ngữ

Chuyến tàu mang tên “André Lebon” đã xuất hiện trên cảng sông Sài Gòn.

Công xưởng Hải quân Ba Son nhìn từ sông Sài Gòn – Năm 1861, thực dân Pháp cho xây dựng một ụ nhỏ cùng lán trại để sửa chữa các chiến thuyền nhằm tiếp tục công cuộc xâm chiếm Việt Nam. Tháng 4 năm 1863, Chính phủ Pháp tổ chức, xây dựng và điều hành nhà máy. Sau năm 1975, xí nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu cùng các phương tiện nổi, đảm bảo cho quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển hoạt động cùng nhiều tàu biển tại thị trường nước ngoài khác. Tháng 9 năm 2009, điều chuyển Nhà máy X51 về xí nghiệp liên hiệp Ba Son. Ngày 14 tháng 6 năm 2014, xí nghiệp được đổi thành Tổng công ty Ba Son.

Lễ ra mắt con tàu “Albert-Sarraut” tại cảng sông Sài Gòn

“Albert-Sarraut” sau khi xoay các móng guốc

Tàu Albert Sarraut là một trong những con tàu được đóng tại xưởng đóng tàu Ba Son

Khúc giao giữa đại lộ Bonnard và đại lộ Charner, sau này đổi tên đường thành Lê Lợi và Nguyễn Huệ.