Trường học là nơi gắn liền với bao kỷ niệm thời tuổi trẻ, những câu chuyện buồn vui, những mối tình thuở học trò,… khi nhắc về mái trường, ai cũng bồi hồi nhớ bao kỷ niệm. Ở Sài Gòn, có rất nhiều ngôi trường được xây dựng từ thời xưa vẫn còn tồn tại đến ngày nay, trong đó phải nhắc đến Đại học Văn Khoa (ngày nay có tên là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Tính đến thời điểm hiện tại, Đại học Văn Khoa đã có hơn nữa thế kỷ thành lập. Ngôi trường được ví như một cuốn sách có nhiều chương, trong mỗi chương lại tái hiện một thời kỳ lịch sử khác nhau của mảnh đất Sài Gòn. Hôm nay, hãy cùng nhau ngược dòng thời gian, lật từng chương lịch sử để tìm lại một Văn khoa những ngày tháng cũ.
Ngôi trường được xây dựng trên nền cũ thành lũy, đồn binh
Theo sử sách, mảnh đất Sài Gòn hơn 300 năm về trước chỉ là một vùng đầm lầy, rừng và cây cỏ. Sau đó, mới được phát hiện và khai hoang, dân cư cũng từ đó mà dời về vùng đất này làm ăn sinh sống ngày càng nhiều. Đến cuối thế kỷ 16, quanh bến sông Sài Gòn có hơn 4000 cư dân sinh sống. Dân cư tụ tập sinh hoạt, buôn bán ở các khu đất cao ven sông, vị trí của trường ngày nay cũng nằm trên một trong những khu đất ấy.
Đến năm 1970, theo lệnh của Nguyễn Phúc Ánh nơi này được xây dựng thành thành pháo đài với tên gọi là thành Bát quái (do thành có 8 cạnh và 8 cửa) hay thành Quy. Năm 1835 thì thành bị phá hủy do Lê Văn Khôi lấy thành làm căn cứ chống nhà Nguyễn, khu đất 1,1 ha hiện tại của nhà trường hiện nay chính là góc đông bắc của tòa thành năm xưa. Đến năm 1836 nhà Nguyễn lại cho xây một tòa thành mới nhỏ hơn thành cũ cũng nằm trên nền đất cũ phía đông bắc, thường được gọi là thành Gia Định hay thành Phụng. Vị trí của trường ngày nay vẫn nằm trong khuôn viên thành mới.
Năm 1858, sau khi liên quan Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thì đến ngày 17-02-1859 liên quan Pháp – Tây Ban Nha tấn công Sài Gòn. Mặc dù quan quân triều Nguyễn đã chiến đấu hết sức quyết liệt nhưng do chênh lệch quá lớn về kỹ thuật quân sự mà chỉ sau một ngày tấn công Pháp đã chiếm được thành Gia Định, nhưng do không đủ quân để giữ thành nên trong tháng 03/1859 Pháp đã cho đặt thuốc nổ phá hủy thành.
Trong giai đoạn 1870-1873, Pháp cho xây một khu quân sự khép kín trên nền đất cũ của hai tòa thành này. Trong khu quân sự khép kín có 3 tòa nhà được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, sử dụng làm doanh trại cho trung đoàn pháo binh thuộc địa số 11, bao gồm: trại lính, kho đạn, nhà giam,… Đây là công trình duy nhất được xây dựng theo phong cách kiến trúc pháo đài phòng thủ ở trung tâm thành phố. Trong công trình đó có tòa nhà K , hiện nay tòa nhà vẫn còn nằm trong khuôn viên trường.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Pháp rút quân khỏi Việt Nam. Đồn binh được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sử dụng làm nơi giam giữ, tra tấn tù chính trị và các lực lượng đối lập khác. Đến năm 1957, tòa nhà thuộc trường đại học Văn Khoa và sau này trở thành khu văn phòng chức năng thuộc trường Đại học Tổng hợp, hiện nay thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Văn Khoa những ngày đầu thành lập
Năm 1950, do tình hình chính trị chuyển biến phức tạp nên Pháp đã bỏ tên đại học Đông Dương. Sau đó tập hợp các trường Y Khoa, Luật và Khoa học thành Viện Đại học hỗn hợp Việt – Pháp. Do nhu cầu theo học đại học ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ trong giai đoạn này phát triển mạnh nên chính quyền Pháp đã mở thêm chi nhánh ở Sài Gòn với một số lớp học đại học và cao đẳng dự bị.
Để tạo điều kiện cho người Việt và con em người Pháp được trang bị kiến thức trước khi tiếp tục theo học ở đại học Pháp mà chính quyền Pháp đã mở lớp Cao đẳng dự bị Văn chương Pháp. Đến năm 1955, phát triển thành Ban dự bị Văn Khoa Pháp, lớp học vào buổi tối tại trường Kỹ nghệ Thực hành năm trên đường Hồng Thập Tự (hiện nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Một thời gian sau đó, lớp được dời về trường Petrus Ký (nay là trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong) thì chuyển sang học ban ngày. Tiếp đến được sát nhập vào Đại học Văn Khoa từ Hà Nội chuyển vào và trở thành Đại học Văn Khoa, trụ sở nằm ở góc đường Nguyễn Trung Trực và Gia Long. Lúc này, trường trực thuộc Viện Đại học Quốc gia Việt Nam do đã được chuyển giao cho Chính quyền Quốc gia Việt Nam.
Muốn trở thành sinh viên của Đại học Văn Khoa, người học phải có bằng tú tài toàn phần Việt Nam hoặc bằng tú tài ở nước ngoài. Từ năm học 1958-1959 trở đi, người học phải có bằng tú tài văn chương. Sinh viên khi nhập học phải trải qua một năm dự bị, sau đó sẽ trải qua một kỳ thi cuối năm dự bị, sinh viên vượt qua kỳ thi sẽ tiếp tục học các chứng chỉ cử nhân.
Trong giai đoạn chiến tranh, Đại học Văn Khoa là một trong những trung tâm đấu tranh của sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn. Một trong những sự kiện tiêu biểu của sinh viên Văn Khoa đã diễn ra là phong trào xuống đường cùng công nhân để đưa yêu sách gồm 39 điều của Tổng Liên đoàn Lao động vào 01/05/1957; hay việc đấu tranh đòi mở thêm trường công, thực hiện chuyển ngữ ở đại học, tạo nên làn sóng đấu tranh đòi sử dụng tiếng Việt ở bậc đại học sau đó lan rộng ra các trường đại học ở miền Nam,… Đến năm 1964, trường Đại học Văn khoa được dời về đường Cường Để (nay là đường Đinh Tiên Hoàng) trong khuôn viên thành lũy, đồn binh cũ đã được nêu ở trên. Chính nơi này, Đại học Văn Khoa cùng với Khoa Dược, trường Nông Lâm Súc hình thành nên khu “tam giác sắt” ở trung tâm Sài Gòn.
Dù sống trong thời kỳ chiến tranh căng thẳng, phải đứng lên đấu tranh đòi lại quyền độc lập cho đất nước nhưng những chàng trai, cô gái Văn Khoa vẫn có một tâm hồn thơ mộng khi được sống trong khung trời mộng mơ của một ngôi trường cổ kính. Họ vẫn có những kỷ niệm đẹp thời sinh viên, niềm vui nỗi buồn của tuổi học trò khiến ai cũng bồi hồi nhớ mãi.
Bằng trái tim nồng nhiệt, lòng nhiệt thành yêu nước đến tận cùng, sinh viên Văn Khoa đã đứng lên tham gia vào cuộc chiến chống lại kẻ thù xâm lược. Những thư sinh trước giờ chỉ biết dùi mài kinh sử giờ đây đứng lên chống lại kẻ thù bằng mọi hình thức: tham gia biểu tình, tổ chức triển lãm, tham gia biểu diễn văn nghệ,… họ không sợ dùi cui, súng đạn, xiềng xích của quân thù. Những cô sinh viên xinh xắn cũng góp mình cho công cuộc đấu tranh bằng việc thức dậy thật sớm làm bánh mì, pha cà phê,.. phục vụ trong hội quán sinh viên.
Rất nhiều cái tên tiêu biểu trong phong trào đấu tranh có xuất thân từ sinh viên Văn Khoa như: Nguyễn Tuấn Kiệt, Trần Văn Long, Tôn Thất Lập,… Dù là ai, với tên gọi gì, đến từ đâu, thì cuối cùng họ đều có chung một mục tiêu là đánh đuổi kẻ thù, đều hết mình vì ước mơ cháy bỏng của bản thân.
Như vậy, bắt đầu từ lớp đại học, cao đẳng dự bị trải qua nhiều lần sát nhập, phát triển, Đại học Văn Khoa hiện nay đã trở thành trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Giờ đây chiến tranh cũng đã chấm dứt, nhưng dù là thời đại nào, với tên gọi nào đi chăng nữa thì ngôi trường vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, hàng năm ngôi trường vẫn đón tiếp hàng nghìn lớp trẻ đến học tập, tiếp nhận tri thức, đào tạo ra bao lớp nhân tài cho đất nước. Bên cạnh đó, trường đại học hơn 60 năm tuổi đời lại mang trên mình dòng chảy hơn 300 năm lịch sử cũng đã góp phần xoa dịu những tâm hồn hoài cổ trước nhịp sống hiện đại hối hả của Sài Gòn, người ta vẫn tìm về Nhân văn để ngắm nhìn vẻ cổ kính một thời đã xa. Câu hát “Con đường mộng hoa xưa, vẫn từng đôi từng lứa. Con đường vào mộng mơ, con đường mặn mà. Hỡi người tình Văn khoa, bóng người trên hè phố. Lá đổ để đưa đường, hỡi người tình Trưng Vương” của nhạc sĩ Phạm Duy có lẽ vẫn còn vang vọng mãi đối với những ai vẫn yêu mến và đi tìm một Văn Khoa những ngày xưa cũ.