Ngày nay khi nhắc đến đường sách, người ta sẽ nghĩ ngay đến đường sách Nguyễn Văn Bình nằm ở quận 1, dài đâu đó khoảng 144m, gần nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây trở thành không gian văn hóa, du lịch, hằng năm đón chào rất nhiều khách trong và ngoài nước đến đây thăm quan. Và tại đây cũng là nơi gặp gỡ, trò chuyện của những ai yêu sách.
Thật ra việc đường sách xuất hiện đã có từ lâu. Trước đây, Sài Gòn cũng đã có nhiều đường sách tự phát theo nhu cầu của bà con. Chẳng hạn như đường Lê Lợi và Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay), đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám),… Trong đó đường sách đoạn Lê Lợi giao với đường Công Lý rất nổi tiếng. Khu sách này mọc trên vỉa hè, nằm ở bờ tường Bộ Công Chánh. Đối diện nó là nhà sách Khai Trí (số 62 Lê Lợi, Khai Trí là tên nhà sách Fahasa ngày nay). Đoạn đường Lê Lợi này có bán cả sách báo mới và sách báo cũ, là nơi mọi người có nhu cầu để đến và tìm kiếm các loại sách khác nhau.
Vốn dĩ lúc đầu khu bán sách cũ chỉ có vài gian nhỏ lẻ tẻ. Nhưng dần dà nó lại bành trướng một cách mãnh liệt. Nhiều gian hàng còn lấn cả ra đường khiến người dân không thể đi lại được. Vậy nên cảnh sát đã đến để giải tán và cấm không cho các gian hàng sách được phép bán ở đây nữa. Tuy nhiên khi thấy cảnh sát tới, chủ sạp sẽ gom sách chạy đi, đến khi cảnh sát không còn ở đó thì họ sẽ quay trở lại. Cứ nhiều lần dẹp rồi dọn, cảnh sát cũng đành “bó tay” với chủ các gian hàng sách. Thấy thế, Tòa Đô Chánh đành chấp nhận cho khu bán sách này tồn tại với điều kiện phải đóng thuế hằng năm. Cuối cùng khu bán sách tự phát này đã được chấp nhận
Ở đường sách Lê Lợi ngoài nhà sách Khai Trí ra còn có các nhà sách khác Thanh Tuân, Vân Hữu, Vĩnh Bảo,… Các nhà sách này thường cung cấp những loại sách mới ra lò. Nếu ai muốn mua sách mới thì đến đây, còn nếu muốn mua sách cũ thì đi qua bên đường đối diện. Phải nói nơi này là “thiên đường” của sách báo vì sách cũ hay mới đều tập trung ở đây hết, muốn mua sách thì cứ đến đây mà không cần đi đâu xa.Ở đây sách gì cũng có, rất thích hợp cho các học sinh, sinh viên. Ngay cả sách ngoại ngữ cũng được bán ở đường sách này vì sách ở các công sở hay nhà ở của người nước ngoài không sử dụng nữa cũng sẽ đem ra bán lại cho chủ của các gian hàng sách cũ ở đây. Không những sách liên quan đến học tập mà những loại sách khác, mà các loại báo thiếu nhi, tiểu thuyết Duyên Anh, ngay cả sách mang tính chất đồi trụy cũng có ở đây với nhiều phân khúc mặt hàng và giá cả.
Chính quyền mới khi thấy sự “tạp nham” của các loại báo chí cũng đành bỏ qua. Những tưởng đường sách này sẽ được kéo dài, ngờ đâu với chiến dịch thu gom sách báo phản động và đồi trụy diễn ra, dẫn đến kết quả là đường sách Lê Lợi bị giải tán. Sau khi giải tán, một số chủ gian hàng sách cũ đã đi bán sách dạo ở đoạn thư viện Abraham Lincoln (đoạn khách sạn Rex hiện nay). Đến khi chợ sách Đặng Thị Nhu xuất hiện, họ lại đến đây để bán sách tiếp.
Vào năm 1977, dãy phố ở đường Đặng Thị Nhu (trước 1975 thì đường có tên là Bùi Quang Chiêu). Chợ sách Đặng Thị Nhu có vẻ khang trang hơn đường sách Lê Lợi cũ vì nơi đây được chính quyền cho phép hoạt động. Đường có chiều dài khoảng 200m, nối đường Ký Con và đường Calmette lại với nhau
Nơi đây tiếp tục bày ra những gian hàng sách báo và lại tấp nập người đến chọn mua sách. Sách ở đây được xuất phát từ nhiều nguồn, chẳng hạn như sách của những người có học vị cao nhưng phải bỏ ra nước ngoài sau biến cố năm 1975. Vì vậy sách của họ được gia đình bán cho chợ sách để có kinh phí trang trải cuộc sống. Nhiều người còn khoe rằng khi đến chợ sách sẽ mua được nhiều loại sách quý hiếm với giá thành lại vô cùng rẻ. Thêm một nguồn sách nữa là sách tại các thư viện Mỹ. Sau khi Mỹ rút quân về nước, người dân đã lấy sách trong thư viện đem bán để đổi gạo.
Thời đó có một vài loại sách bị cấm bán mà theo như hiện nay thì nó lại được bán buôn phổ biến. Chẳng hạn như sách bói toán, tử vi cũng thuộc loại sách cấm của ngày đó nhưng bây giờ thì nhiều nhà sách cho in ấn và phát hành, mọi người lại dễ dàng sở hữu được nó.
Chợ sách Đặng Thị Nhu còn là nơi tập hợp những “tín đồ” sách vở
Ở chợ sách Đặng Thị Nhu còn là nơi tập hợp những “tín ” sách vở. Vì người bán sách hay chủ sạp sách không đơn thuần chỉ là người dân bình thường mà còn có cả nhà giáo, sinh viên,… Thậm chí có nhiều người bán sách trong chợ có kiến thức văn thơ lai láng, nếu trong quá trình bán sách mà gặp ai hợp là coi như có thêm bạn để trò chuyện, bàn luận sách vở. Có nhiều chủ sạp sách còn giới thiệu sách cho khách nội dung quyển sách để nhiều người biết đến và mua chúng.
Chợ sách bán nhiều loại sách, người dân muốn mua sách sẽ đến đây tìm
Sách là nền tảng kiến thức vô tận, không giới hạn người tìm đến chúng. Tại chợ sách, người mua sách không chỉ đơn giản là người Sài Gòn mà có cả người ở ngoài Hà Nội vào và tìm mua các loại sách cũ khoảng độ trước năm 1945. Nhiều người còn đến đây để tản bộ và ngắm nhìn sách báo, nếu tìm được quyển sách thích hợp thì sẽ sở hữu nó ngay.
Có người kể lại rằng sách ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, sách về y dược, sách nghiên cứu Indochine hay các loại sách bách khoa là các loại sách được bán chạy nhất ở đây suốt bao nhiêu năm liền.
Còn bọn trẻ con thì thích đến đây để “coi cọp” truyện tranh Spirou, Lucky Luke, báo tuổi hoa,… bởi vì chúng không có tiền. Cũng phải thôi, thời đó kinh tế khó khăn, tiền cơm gạo hằng ngày còn phải chắt chiu chứ lấy đâu ra tiền mà mua truyện về đọc.
Vào khoảng năm 1980, những thanh niên học đại học ở Sài Gòn thường ra chợ sách Đặng Thị Nhu để tìm kiếm các loại sách quý mà trong thư viện trường, thư viện thành phố không có hoặc không mượn được. Vả lại khi mua sách ở chợ này, các thanh niên còn được nghe những chia sẻ về đời sống, văn hóa, sách vở từ các chủ tiệm sách “bác học”. Thậm chí có nhiều sinh viên còn xin giấy giới thiệu của nhà trường để mua sách ở cửa hàng sách quốc doanh rồi đem ra bán ở chợ sách Đặng Thị Nhu để họ có tiền trang trải cuộc sống, học tập. Việc mua bán sách diễn ra một cách khó khăn như vậy vì những loại sách “đặc biệt” như truyện dịch, sách ngoại ngữ, y dược, bách khoa,… vốn dĩ chỉ được bán cho các sinh viên với điều kiện có giấy giới thiệu mua sách. Vậy nên mới có chuyện những loại sách này được bán chạy suốt nhiều năm ở thời đó.
Được vài năm sau thì chợ sách có dấu hiệu bị “suy tàn” vì vào năm 1981 đã có đợt kiểm tra sách bán ở chợ. Nếu sách thuộc hàng bị cấm thì sẽ tịch thu, còn sách nào được phép bán thì sẽ được trả lại. Nhưng đến năm 1983 thì toàn bộ sách đã bị ký gửi trong cửa hàng nhà nước chứ không được trả lại cho chủ sạp nữa. Và thế là chợ sách Đặng Thị Nhu cũng không còn nữa vì thời gian đó là lúc các cửa hàng thương mại, dịch vụ của tư nhân sẽ phải làm mới lại.
Tuy chợ sách Đặng Thị Nhu đã bị dẹp bỏ, nhưng tinh thần yêu quý sách và coi trọng sách vẫn còn cháy âm ỉ trong tim của nhiều người. Chính vì thế mà vào năm 1988, tại vỉa hè ở trường tiểu học Trần Hưng Đạo, trên đường Trần Đình Xu đã có khoảng 8 sạp bán sách cũ được bày biện ở đây. Ý tưởng này đã được công ty phát hành sách quận Một đưa ra và thực hiện. Nhưng đến sau năm 2006 thì những sạp sách này cũng bị dỡ bỏ để trả lại vỉa hè cho người dân. Đến năm 2016 thì đường sách Nguyễn Văn Bình được mở ra với sự quản lý của nhà nước, tiếp tục là “sân chơi” cho những người mê sách.
Xét cho cùng, sách là cầu nối giữa nhiều người lại với nhau, là nơi cung cấp kiến thức cho mọi người. Chợ sách Đặng Thị Nhu là nơi lưu giữ những kỷ niệm khó quên của nhiều người.