Trần Ngọc Trà – Đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa được cho là người khiến Công tử Bạc Liêu và Bạch công tử đốt tiền nấu sôi nồi trứng để chứng tỏ tình yêu.
Sài Gòn 100 năm trước, người phụ nữ được phong hoa khôi tuy không vương miện nhưng quyền năng sắc đẹp khuynh đảo Nam Kỳ. Một trong những người đẹp nổi tiếng, tạo nên cơn sốt đầu tiên ở Sài Gòn là Trần Ngọc Trà hay còn gọi Ba Trà. Tên tiếng Pháp là Yvette Trà.
Từ quê nghèo Cần Đước (Long An), Trần Ngọc Trà đặt chân lên đất Sài Gòn năm 16 tuổi. Sắc đẹp của cô được người đương thời ví như: “Ngôi sao Sài Gòn” (Étoile de Saigon), “Huê Khôi Nam Kỳ” hay “Hoa hậu Đông Dương”.
Một nhà văn xưa từng gặp Trần Ngọc Trà và mô tả bà là thiếu nữ đẹp tuyệt trần, đài các như một bà hoàng. Quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn khắp đường phố Sài Gòn.
Học giả Vương Hổng Sển, người sinh sống cùng thời với Ba Trà, cho biết đã đôi lần tiếp chuyện và được người đẹp hạ cố đến thăm. Ông cũng từng si mê sắc đẹp của “Huê khôi Nam Kỳ”. Trong cuốn Sài Gòn tả pí lù, ông viết rằng những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp…
“Cô Ba Trà, đệ nhất Huê khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc”, ông viết.
Nhan sắc tuyệt trần nhưng tuổi thơ của người đẹp này lại vô cùng cay đắng. Vì ghen với vợ, cha và bên nội không thừa nhận bà là con đẻ. Khi cha chết, mẹ con bà bị nhà chồng đuổi khỏi nhà.
Mẹ bà vì uất ức dồn hết bực bội lên đứa con nên Trà thường xuyên bị đòn roi. Trong câu chuyện về đời mình mà Ba Trà chia sẻ với Vương Hồng Sến, bà bị đánh đến nỗi không còn cảm giác đau đớn. Vì điều này nên khi trưởng thành, bà nhìn đời bằng một con mắt lạnh lùng, vô cảm.
Sau khi bị ép gả cho một người Pháp rồi bị bỏ rơi, Ba Trà quen Toàn – một thiếu gia giàu có quê Phan Rang (Ninh Thuận). Ngẩn ngơ trước sắp đẹp, Toàn hối gia đình cưới ngay. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng nhanh chóng tan vỡ sau 2 năm vì Toàn bắt đầu lăng nhăng, bồ bịch.
Đau đớn vì cuộc hôn nhân không thành, cô nhanh chóng kết thân và làm vợ của một bác sĩ danh tiếng nhưng đứng tuổi khi vừa tròn 18. Tuy nhiên, lần kết hôn thứ ba này cũng không đi đến đâu khi Ba Trà chưa quên được Toàn
Chia tay ông bác sĩ, Trà lao vào ăn chơi, cặp kè hết người này đến người khác. “Bộ sưu tập” người tình của cô Ba Trà toàn các đại điền chủ, đại công tử bậc nhất Nam Kỳ như: Lê Công Phước (biệt hiệu Bạch công tử) – con trai của quan Đốc Phủ Sứ Lê Công Sủng, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (biệt hiệu Hắc công tử) hay công tử Bích, chủ nhà băng Đông Pháp.
Ngoài ra, các trí thức máu mặt thời Pháp thuộc như quan tòa, luật sư, bác sĩ hay đến cả vua cờ bạc Sài Gòn thời bấy giờ là Sáu Ngọ cũng mê mẩn cô. Họ sẵn sàng cung phụng, yêu chiều mỹ nhân. Trong vòng mười năm nhan sắc nở rộ, hoa khôi không vương miện của miền Nam được cho đã nướng của mười tỷ phú thời ấy số tiền nếu quy ra vàng thì khoảng trên mười nghìn lượng.
Sắc đẹp của Trần Ngọc Trà còn được cho đã gây ra cuộc đối đầu lúc đó giữa Hắc – Bạch công tử. Chuyện kể rằng, không cần cô Ba mở lời, hễ Bạch công tử nghe cô Ba được Hắc công tử tặng món gì quý, ông sẽ hỏi giá và tìm mua kỳ được món quà đắt hơn để tặng người đẹp. Vì thế, cô sở hữu không biết bao nhiêu đồ quý giá từ trang sức, áo quần hàng hiệu cho đến nhà cửa, xe cộ.
Trong đó giai thoại nức tiếng kể lại rằng, để lấy lòng người đẹp, hai vị công tử này đã tổ chức cuộc thi nấu trứng (hoặc chè) bằng tiền giấy. Theo tính toán, để nấu sôi được nồi chè có một kg đậu xanh, trong thời gian gần một giờ, mỗi công tử đã đốt gần 100 tờ giấy bạc. Nếu Hắc công tử đã đốt toàn giấy 50 đồng trở lên, thì chí ít ông cũng phải đốt 5.000 đồng Đông Dương. Số tiền có thể mua được 3.000 giạ lúa lúc đó.
Lửa của tiền giấy rất kém nhiệt, chỉ cháy nhỏ, vì thế nấu chè rất lâu trong sự căng thẳng của nhiều người chứng kiến. Cuối cùng, nồi chè của Bạch công tử sôi trước, công tử Bạc Liêu đành thua cuộc.
Nói về Bạch công tử, ông vốn đi du học ở Pháp về. Tài giỏi cộng với nhà lắm tiền, lại đẹp trai, trắng trẻo nên ông không thiếu gì người đẹp vây quanh. Nhưng công tử Phước bỏ hết sang bên để đeo đuổi hoa khôi Yvette Trà.
Để được gần gũi người đẹp, Bạch công tử lái chiếc xe bốn bánh thuộc loại lộng lẫy đương thời đến rước Trà xuống Cần Thơ đổi gió. Ông lột chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 3.000 đồng (thời đó vàng chỉ 60 đồng một lượng) tặng Ngôi sao Sài Gòn.
Biết chuyện, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy tỏ ra không thua kém liền đến gặp và tặng cô nhẫn khác trị giá gấp đôi chiếc nhẫn của công tử Phước. Thế nhưng, những phần quà của Hắc – Bạch công tử hay tất cả những tay chơi tiếng tăm ở Sài Gòn và Nam Kỳ cũng không khiến Ba Trà xiêu lòng mà thuộc về ai.
Những tài sản có được từ đại gia, Yvette Trà đem nướng hết vào sòng bạc. Xinh đẹp, thông minh đệ nhất nhưng cô cũng là con bạc “khát nước” số một. Tài sản của Ba Trà có bao nhiêu đều “nướng” hết vào những ván bài đỏ đen. Hết tiền, cô lại được các đại gia chu cấp.
Trong lời tâm sự với Vương Hồng Sến, Ba Trà cho rằng người thương và chu cấp cho bà nhiều nhất là Lâm Kỳ Xuyên, còn gọi là công tử Bích. Ông này làm chủ chi nhánh ngân hàng Đông Dương ở Cần Thơ, có cha là chủ hãng rượu lớn ở miền Tây. Lâm Kỳ Xuyên vì si tình Yvette Trà mà tặng cho bà hơn 70.000 tiền Đông Dương bấy giờ.
Dần theo năm tháng, Ba Trà qua tuổi xuân thì, hương phấn nhạt phai. Các công tử, đại gia dần lãng tránh, bà cũng không còn tiền đổ vào cờ bạc. Năm 1966, người ta bắt gặp Yvette Trà làm công ở một tiệm tồi tàn trong Chợ Lớn. Ở tuổi lục tuần, bà mặt mày tiều tuỵ, nhưng sống mũi vẫn còn thanh tú, mắt vẫn còn đen láy và loang loáng ánh gương.
Sau Trần Ngọc Trà, Sài Gòn xuất hiện thêm những mỹ nhân đình đám như: Tư Nhị, cô Ba xà bông… Mỗi người một cách sống nhưng người đẹp nào sau cái thời của mình cũng mất hút và chỉ còn danh tiếng lưu truyền đến đời nay.
- Tìm lại quá khứ với các kiến trúc cổ ở Sài Gòn – Những nét đẹp của một Sài Gòn xưa để lại.
- Xuôi ngược những nẻo đường Sài Gòn xưa: Đại lộ mang tên vị phú hào giàu “thứ hai” của Nam Kỳ
- Thảo Cầm Viên (Vườn Bách Thảo) – Ký ức về một trong 8 vườn sinh vật cổ nhất thế giới
- “Biển nhớ” – “Cơn khát” của nhạc trịnh và “Cơn say” của lòng người
- “Bóng Mát” (Phạm Thế Mỹ)