Những năm thập niên 1940 tại miền Nam Việt Nam, một thế hệ nói gần không gần nhưng xa thì cũng không phải là quá xa, những người thuộc thế hệ này còn không ít nhưng cũng không tính là nhiều. Bởi có những quy luật cuộc sống phần nào đã mang họ đi, vì bệnh tật, già yếu, vì những dâu bể của cuộc đời, những biến cố xảy ra trước và sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng….Những người còn trụ lại được đến ngày nay, người thì lưu vong, sống cuộc đời tha hương nơi xứ người; người ở lại đất nước những trải qua những ngày bên lề cuộc sống, họ không sống bằng bệ phóng tương lai và mượn những hồi ức quá khứ để hoài niệm về một thời gian khổ chiến chinh….
Nhưng tạm gác lại những bom đạn sương khói của một thời oanh liệt ấy, hôm nay, Thời Xưa muốn nhắc lại đôi chút về những chuyện học ngày xưa – “Những vụn vặt về chuyện học ở miền Nam thời Đệ Nhất Cộng hòa (1955 – 1963)”. Có không nhiều tài liệu chính thức về thời kỳ giáo dục xưa, cũng phải hơn năm, sáu mươi năm rồi, tất cả cũng chỉ là những mảnh ký ức mơ hồ còn sót lại. Nếu có những khiếm khuyết nào đó, hoặc những sai lầm trong quá trình tìm hiểu về tư liệu, bạn đọc có thể giúp Thời Xưa bổ sung cũng như đính chính để cùng nhằm hoài niệm về một nền giáo dục đã bị mai một từ hơn nửa thế kỷ qua.
Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc, và cả Lào cùng Cao Miên. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ. Đến ngày 17/4/1945, chính phủ Việt Nam được thành lập, chương trình học của Việt Nam hay còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn cũng được ban hành trong khoảng thời gian từ 20/4 đến 20/6/1945, và đem ra áp dụng ở miền Trung và miền Bắc, nhưng chỉ 2 tháng sau thì Đế quốc Việt Nam sụp đổ. Sau đó, chương trình học vẫn là chương trình của Pháp do sự trở lại của người Pháp, duy trì cho đến giữa những năm thập niên 1950. Dưới thời kỳ Đệ Nhất Cộng hòa, chương trình học của Việt Nam mới được áp dụng ở miền Nam thay cho chương trình cũ của Pháp. Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ Nhất Cộng hòa, những người làm công tác giáo dục ở miền Nam đã bắt đầu xây dựng các nền móng đầu tiên cho nền giáo dục. Những vấn đề như là: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị.
Trước năm 1954, dường như không có bất kỳ chương trình giáo dục nào dành cho lứa tuổi mầm non (những em dưới 6 tuổi). Tất cả những đứa trẻ từ 6 tuổi, cũng có thể là 7 hoặc 8 tuổi mới được phụ huynh cho đến trường và được nhận vào lớp Một để bắt đầu chương trình bậc tiểu học. Phụ huynh có thể lựa chọn cho con em của mình vào học ở những trường công lập miễn phí cho đến hết bậc tiểu học hoặc tốn học phí (còn tùy thuộc vào quy định của nhà trường) vào những trường tư thục. Từ thời Đệ Nhất Cộng hòa đã có quy định, trẻ em phải học ít nhất ba năm tiểu học và mỗi năm học sẽ có những kỳ thi để được lên lớp. nếu bị trượt thì bắt buộc phải “đúp” có nghĩa là học lại, thi lại đến khi lên lớp (cũng giống như nền giáo dục ngày nay). Các trường công lập thời đó, toàn bộ đều miễn phí, bao gồm học phí và những khoản phí khác đều không thu của gia đình học sinh. Học sinh tiểu học chỉ cần học một buổi trong ngày (ca học buổi sáng hoặc ca học buổi chiều) và học sáu ngày trong một tuần.
Từ trước thời kỳ Đệ Nhất Cộng hòa, hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng hòa gồm 3 bậc học chính là tiểu học, trung học và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương tới địa phương. Song, ở hai bậc học đầu tiên là Tiểu học và Trung học, mỗi bậc sẽ được chia tiếp thành hai cấp nữa. Ở Tiểu học, bao gồm năm lớp, lớp Năm hay còn gọi là Đồng ấu (Cours Enfantin), lớp Tư hay còn gọi là lớp Dự bị (Cours Préparatoire), lớp Ba là lớp Sơ đẳng (Cours Elémentaire), lớp Nhì lại được chia ra thành Nhì một năm (Cours Moyen de 1ère Année) và Nhì hai năm (Cours Moyen de 2è Année), lớp Nhất (Cours Supérieur) – cách tính theo thứ tự từ lớp 1 đến lớp 5 như ngày nay. Trong đó, từ lớp Năm đến lớp Ba được xếp vào cấp Sơ học, khi học sinh học xong 3 lớp sẽ thi lấy bằng Sơ học Yếu lược (Primaire Elémentaire), còn sau cấp Sơ học mới tính là cấp Tiểu học bao gồm hai lớp còn lại. Sau khi học xong lớp Nhất, học sinh sẽ tiếp tục tham gia một cuộc thi nữa để lấy bằng Tiểu học (Certificat D’Etude Primaire Complémentaire Indochinois, viết tắt là C.E.P.C.I), chỉ những ai đỗ mới được học lên bậc Trung học, trượt thì có thể học lại và chờ năm thi tiếp theo. Thời đó, lấy được bằng C.E.P.C.I đã được coi là giỏi và đủ tự hào với hàng xóm láng giềng lắm, bởi có thể suôn sẻ tiếng Tây, nói chuyện thạo với cả Tây rồi!
Trước thời Đệ Nhất Cộng hòa, học sinh sau khi đỗ Tiểu học cũng chưa trực tiếp vào lớp Đệ nhất niên, mà buộc phải học xong một lớp trung gian là Tiếp liên (Cours Certifié), chỉ khi học hết năm này thì mới được vào Đệ nhất niên của bậc Trung học. Dưới thời Pháp thuộc, bậc học này lại được chia làm hai cấp: Cao đẳng – Tiểu học và Trung học. Cao đẳng – Tiểu học sẽ bao gồm bốn năm tương đương với bốn lớp: Đệ nhất niên, Đệ nhị niên, Đệ tam niên và Đệ tứ niên. Sau bốn năm sẽ thi lấy bằng Thành Chung (Diplôme d’Étude Primaire Supérieur Franco-Indigène), người Việt bình dân thời đó thì lại quen gọi nó là “bằng Đít-lôm”. Sau đó, lại học tiếp lên Tú tài (cụm từ này xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam vào thời kỳ Pháp thuộc). Tháng 8/1928, Nha học chính Đông Dương đã mở ra kỳ thi Tú tài I đầu tiên, sang đến năm sau là tháng 9/1929 thì tổ chức kỳ thi Tú tài II. Nha học chính Đông Dương quy định, học sinh sắp xong lớp 11 phải thi Tú tài I (còn gọi là Tú tài bán phần – Baccalauréat Première Partie) để lên lớp 12, Tú tài II được thi vào cuối năm lớp 12 (tức là Tú tài toàn phần – Baccalauréat Deuxième Partie, gọi tắt là BAC). Muốn tham gia Tú tài II, học sinh bắt buộc phải có trong tay bằng Tú tài I.
Đến thời kỳ Đệ Nhất Cộng hòa, chương trình Tiểu học không còn phức tạp như trước. mặc dù vẫn được chia ra năm lớp, nhưng bãi bỏ đi kỳ thi Sơ học Yếu lược, lớp Nhì cũng được gộp chung thành một chứ không chia một năm và hai năm. Sau khi kết thúc chương trình học lớp Nhất, học sinh chỉ trải qua kỳ thi Tiểu học để lên Trung học. Những năm đầu thập niên 1950, chương trình học tiếng Pháp sẽ được đưa vào năm lớp Tư, giai đoạn năm 1954 – 1955 trong các chương trình thi còn có bài ám tả tiếng Pháp (sau này là chính tả), tuy nhiên nó lại không phải là bắt buộc.
Thời Đệ Nhất Cộng hòa, Đệ nhất niên của bậc Trung học lại được chia thành: Trung học Đệ nhất cấp và Trung học Đệ nhị cấp.
Trung học Đệ nhất cấp bao gồm bốn lớp gọi là lớp Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ; tương đương với trung học cơ sở hiện nay. Muốn đậu vào Trung học cũng không phải là điều dễ dàng, hàng năm, các trường Trung học công lập đều tổ chức thi cử để tuyển sinh vào lớp Đệ thất, tỷ lệ chọn lọc khá cao (chỉ khoảng 62% chung toàn quốc, còn những trường học danh tiếng thì tỷ lệ đậu chỉ khoảng 10%). Những học sinh không đậu trường công, có thể lựa chọn trường tư thục nhưng phải tự trả học phí. Tại bậc học này, lớp Đệ thất sẽ được dạy thêm sinh ngữ thứ hai là Anh ngữ, bởi Pháp ngữ đã được dạy từ lớp Tư Tiểu học, nên gần như người học không có sự lựa chọn. Và một điều tất nhiên chính là, Anh ngữ và Pháp ngữ sẽ được đưa vào hệ thống học và thi như một môn học bắt buộc, Pháp ngữ là sinh ngữ 1 (điểm thi có hệ số 3), Anh ngữ là sinh ngữ 2 (điểm thi có hệ số 2).
Sau khi hoàn thành lớp Đệ tứ, học sinh sẽ thi lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp (Brevet D’études du Premier Cycle) thay cho bằng Thành Chung. Và được học tiếp đến Trung học Đệ nhị cấp với các lớp: Đệ tam, Đệ nhị và Đệ nhất; tương đương trung học phổ thông hiện nay. Vào Đệ nhị cấp, học sinh phải chọn học theo một trong bốn ban như dự bị vào đại học. Bốn ban thường gọi A, B, C, D theo thứ tự là khoa học thực nghiệm hay còn gọi là ban vạn vật; ban toán; ban văn chương và ban văn chương cổ ngữ (thường là Hán văn và La Tin). Ngoài ra học sinh cũng bắt đầu học thêm một ngoại ngữ thứ hai.
Do tỷ lệ đậu kỳ thi Tú tài khá thấp nên việc muốn vào được đại học là một chuyện khó. Thí sinh đậu sẽ được xếp thành: Hạng “tối ưu” hay “ưu ban khen” (18/20 điểm trở lên), thí sinh đậu Tú tài II hạng tối ưu thường hiếm, mỗi năm toàn quốc chỉ được vài em, thậm chí có năm không có; hạng “ưu” (16/20 điểm trở lên); “bình” (14/20); “bình thứ” (12/20), và “thứ” (10/20). Học sinh sau khi đậu được Tú tài II thì có thể ghi danh vào học ở một trong các viện đại học, trường đại học, và học viện trong nước. Tuy nhiên, ở một số nơi vì số lượng tuyển sinh rất có giới hạn nên học sinh phải dự một kỳ thi tuyển có tính chọn lọc rất cao; các trường này thường là Y, Dược, Nha, Kỹ thuật, Quốc gia Hành chánh, và Sư phạm. Việc tuyển chọn dựa trên khả năng của thí sinh, hoàn toàn không xét đến lý lịch gia đình. Sinh viên học trong các cơ sở giáo dục công lập thì không phải đóng tiền học phí. Chỉ ở một vài trường hay phân khoa đại học thì sinh viên mới đóng lệ phí thi vào cuối năm học. Ngoài ra, chính phủ còn có những chương trình học bổng cho sinh viên.
Có một câu chuyện vui được kể lại tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn vào những năm 1959 – 1963: Thời điểm đó, sinh viên ghi danh vào lớp Dự bị khá đông mà hội trường giảng dạy thì thuộc quy mô vừa nên không đáp ứng được, nhiều người phải ngồi dưới đất để học. Vậy nên, mọi người thống nhất cùng nhau, trước giờ học, đồng loạt ném sách tá lả vào trong lớp, hễ sách tập của ai trên bàn thì được ngồi vào nơi đó, còn không thì chấp nhận ngồi đất. Sau khi lấy xong chứng chỉ dự bị, sinh viên chọn các chứng chỉ ưa thích hoặc phù hợp với năng lực riêng, chuyện chen chúc trong phòng học không còn nữa…
Giáo án, sách giáo khoa và đội ngũ giảng dạy:
Năm 1958, chính phủ Đệ Nhất Cộng hòa cho lập Ban Tu thư thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để soạn, dịch, và in sách giáo khoa cho hệ thống giáo dục toàn quốc. Tính đến năm 1962, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ấn hành xong 39 đầu sách tiểu học, 83 sách trung học, và 9 sách đại học. Các giáo chức và họa sĩ làm việc trong Ban Tu thư đã soạn thảo trọn bộ sách cho bậc tiểu học. Bộ sách này được đánh giá cao cả về nội dung lẫn hình thức, còn về chương trình giáo dục thì có tính ổn định lâu dài và chỉ có chút thay đổi nhỏ trong quá trình thực hiện. Có nhiều sách đã được viết, dịch, và phát hành để học sinh và sinh viên có tài liệu tham khảo. Phần lớn sách giáo khoa và trang thiết bị dụng cụ học tập do Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục sản xuất và cung cấp với sự giúp đỡ của một số cơ quan nước ngoài. Hầu hết sách giáo khoa các bậc học Tiểu học, Trung học và Đại học đều theo khuynh hướng phi chính trị hóa, chú trọng chủ yếu đến việc giáo dục con người nên người viết sách giáo khoa không bị một áp lực nào hay phải tuân theo một sự chỉ đạo nào.
Thời đó không có khái niệm của hai từ “giáo án” và cũng không thực sự có việc giáo viên soạn thảo để giảng dạy theo bất kỳ tiêu chuẩn nào hay trình lên cho một giới chức nào. Người dạy học dựa hoàn toàn vào chương trình chính thức do Bộ Giáo dục soạn thảo và dạy học sinh theo cách thức riêng của mỗi người, miễn sao kết quả trong kỳ thi cuối cấp có nhiều học sinh đạt điểm cao nhất trong môn của họ.
Đối với bậc Tiểu học sẽ sử dụng bộ sách giáo khoa “Việt Nam Tiểu học Tùng thư” do Nha học chính Đông Pháp soạn thảo trong giai đoạn 1920-1930. Bộ sách gồm nhiều đề mục khác nhau như: Quốc văn Giáo khoa thư; Luân lý Giáo khoa thư; Sử ký – Địa dư Giáo khoa thư; Cách trí Giáo khoa thư; Vệ sinh Giáo khoa thư; Toán pháp Giáo khoa thư…sử dụng cho ba lớp sơ học: Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng. Ban soạn thảo các sách giáo khoa này gồm 4 vị có tên tuổi và uy tín trong học giới: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận. Tuy bao gồm nhiều chuyên mục nhưng được nhắc nhiều nhất là bộ “Quốc văn Giáo khoa thư” – Đây là ấn tượng đầu đời sâu đậm nhất của những người đi học ở thời kỳ giao thoa giữa nền học cũ và nền học mới Đệ Nhất Cộng hòa, nó luôn được nhắc đến như một hoài niệm về thời thơ ấu, với những bài học đáng nhớ, kim chỉ nam cho họ trong cách xử sự ở đời. Từ những năm của thập niên 1960 trở về sau, người ta không còn dùng “Quốc văn Giáo khoa thư” như hình thức của một bộ sách giáo khoa nữa, nhưng nó vẫn nằm trong tâm hồn và ký ức của nhiều thế hệ học trò. Cả tác phẩm “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam hay truyện ngắn “Tình nghĩa Giáo khoa thư” cũng không quên nhắc đến những bài học khó quên. Trong “Quốc văn Giáo khoa thư” tái bản, Nam California, Mĩ, thập niên 1980 có một câu:
“Cho tái bản “Quốc văn giáo khoa thư” và “Luân lý giáo khoa thư”, chúng tôi mong bổ khuyết sự thiếu thốn sách vỡ lòng và giáo khoa dành cho các em thiếu nhi. Mặc khác, qua các tập sách, các vị phụ huynh sẽ có dịp tìm về những kỷ niệm buổi ấu thời để gợi hứng chuyện trò kể lể cho con cháu nghe về những cuộc sống thuở thanh bình trên đất nước ta. Những hình ảnh, kỷ niệm, phong tục nơi quê cha đất tổ này sẽ vẽ vào trí tưởng non nớt hồn nhiên các em một ý niệm quê hương, thay vì để cả gia đình lặng thinh mệt nhoài ngồi trước máy tivi hoạt náo không hồn, chẳng dính dấp gì tới nỗi nhớ niềm mong của kẻ ly hương.
Nếu ngôn ngữ, hình ảnh, kỷ niệm… không được thường trực khơi dậy, gia đình sẽ mất gốc, quốc gia tan loãng vào xã hội Âu Mỹ. Dù ta sẽ ở mãi nơi xứ người, tuy nhiên thiếu sự am hiểu về gốc ngọn nước mình, thì khó lòng góp công trong việc hội thoại với thế giới hầu xây dựng cảnh thái hòa của một nền văn minh tổng hợp có trí tuệ và không bạo động.”
Đến khoảng những năm của thập niên 1990, một nhà xuất bản trẻ TP.HCM cũng có sáng kiến muốn in lại những tập sách giáo khoa này. Khoảng thập niên 1990, nhà xuất bản trẻ TPHCM có sáng kiến in lại mấy tập sách giáo khoa này dưới yêu cầu của nhiều độc giả lớn tuổi. Họ muốn tìm lại những hình ảnh một thời thơ ấu, hồi tưởng một thời đã qua, tuy nhiên sau cùng khi in ra, trên nền giấy trắng láng lạng nó lại mất đi sự đậm đà và giá trị hồi tưởng.
Bên cạnh đó, các trường học Tiểu học còn sử dụng loại sách Tập Đọc Vui được soạn thảo và phát hành song song với sách giáo khoa. Nó bao gồm những bài đọc vui, bổ ích về mặt hình thành nhân cách cho trẻ thuộc các lĩnh vực: học đường, gia đình, thân thể, việc học và chơi…
Nửa sau thời Đệ nhất Cộng hòa, khoảng năm 1958, Bộ Quốc gia Giáo dục định ra các triết lý giáo dục gồm ba yếu tố cơ bản là: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng, sách giáo khoa cho bậc Tiểu học được soạn mới, song vẫn giữ cốt cách của “Quốc văn Giáo khoa thư” và “Luân lý Giáo khoa thư”.
Trong hệ thống Bộ Quốc gia Giáo dục có hai cơ quan cao nhất là Nha Tổng Giám đốc Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục, sẽ chịu trách nhiệm về việc dạy và học tại miền Nam. Hai cơ quan này sẽ bao gồm một số đơn vị trực thuộc nhỏ hơn như: Nha Trung học, Nha Tiểu học, Nha Tư thục, Nha Khảo thí và cơ quan Thanh tra. Ở bậc Trung học, không có một bộ sách giáo khoa nào do cơ quan giáo dục chính thống biên soạn và phát hành để thầy và trò dạy và học theo. Giáo viên tự chọn sách giáo khoa để dạy cho phù hợp với hoàn cảnh và quan điểm giáo dục của mình miễn sao tôn trọng đúng nội dung chương trình giáo dục do Bộ Quốc gia Giáo dục soạn thảo, giúp học sinh đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi. Trên thị trường cũng xuất hiện rất nhiều loại sách giáo khoa do các nhà giáo biên soạn. Sự chọn lọc, đào thải của thị trường sách giáo khoa giúp các giáo chức, học sinh tìm được những sách đứng đắn, có chất lượng để dạy và học.
Cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, loại sách “Luận đề văn chương” của các giáo sư tư thục Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Văn Mùi… được xếp vào quốc văn được bán tràn ngập thị trường, giới dạy văn và học sinh cũng tham khảo nồng nhiệt. Một quyển sách luận đề khảo về văn chương của các tác giả cổ như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến…, là những loại sách khổ nhỏ, độ dày vừa phải, nội dung được cô đọng nên dù là thầy hay trò cũng đều rất ưa chuộng. Người viết lại là học trò môn văn Đệ tứ (1958 – 1959) của giáo sư Nguyễn Duy Diễn – Ông chính là người đã mang lại tình yêu nồng nàn cho cậu thanh niên 14 – 15 tuổi về môn văn học nước nhà.
Ngoài ra, còn có thêm các quyển tham khảo của giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 – 1946) (Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển), cùng nhiều giáo sư khác….Hay bên mảng sử học và địa lý thì có sách của ông bà giáo sư Tăng Xuân An, giáo sư Nguyễn Văn Mùi…; Toán học thì phải nhắc đến giáo sư Đinh Qui – Bùi Tấn – Lê Nguyên Diệm,… Ngoại ngữ, đặc biệt là Anh ngữ thì có loạt sách L’anglais vivant của nhà xuất bản Ziên Hồng được nhượng quyền khai thác từ nhà Hachette của Pháp…
Ở bậc Đại học, với chủ trương một nền đại học tự trị, chính quyền dành cho các viện Đại học quyền hạn rộng rãi trong việc sắp xếp chương trình giảng dạy, bố trí một đội ngũ giáo sư đại học phù hợp. Thông thường sách giáo khoa ở bậc học này do chính giáo sư các bộ môn soạn thảo và giảng dạy. Đại học Luật thì có thể tham khảo sách của các giáo sư thạc sĩ Luật Vũ Văn Mẫu – người từng đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm; Thạc sĩ Kinh tế Vũ Quốc Thúc – Khoa trưởng trường Đại học Luật khoa; Thạc sĩ Công pháp Quốc tế Nguyễn Văn Bông (sau ngày 1.11.1963 được cử làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh)…. Tại Đại học Văn Khóa thì có sách của giáo sư Nguyễn Đăng Thục – quyển này chủ yếu dạy về những Triết học Đông phương…..Còn ở những phân khoa khác như Y, Dược, Khoa học,…những bài giảng sẽ được soạn chủ yếu từ các tài liệu nước ngoài. Điểm đặc biệt, hầu hết những giáo sư giảng dạy cho những trường ở miền Nam dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa đều tốt nghiệp tại những trường Đại học Pháp, bằng thạc sĩ ở thời điểm giáo dục đó là văn bằng cao nhất, trên cả Tiến sĩ.
Giáo chức thời Đệ Nhất Cộng hòa:
Dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa, giáo chức chính ngạch sẽ bao gồm những thành phần chính như sau:
– Giáo viên bậc Tiểu học bắt buộc phải có bằng Trung học Đệ nhất cấp trở lên và phải được đào tạo một năm tại trường Quốc Gia Sư Phạm. Chỉ số lương thực nhận ban đầu là 250.
– Giáo học bổ túc hạng 5 bắt buộc phải có bằng Trung học Đệ nhất cấp trở lên phải được đào tạo ba năm tại trường Quốc Gia Sư Phạm. Chỉ số lương ban đầu là 320, sau thời Đệ Nhất Cộng hòa thì được tăng lên 350. Đến năm 1962, điều kiện trở thành giáo học bổ túc cũng cao hơn khi yêu cầu văn bằng tối thiểu là Tú tài I.
– Giáo sư Trung học Đệ nhất cấp – là những người có bằng Tú tài II (Tú tài toàn phần). Cuối những năm thập niên 1950, giáo sư Trung học Đệ nhất cấp được đào tạo cấp tốc bởi nhu cầu khan hiếm giáo chức, trong khi tình trạng học sinh gia tăng một cách tột biến trong cuộc di cư năm 1955. Chỉ số lương ban đầu hạng 4 là 400.
– Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp – là những người có bằng Tú Tài II được đào tạo trong 3 năm, nhưng sau này thì tăng thêm 1 năm đào tạo. Chỉ số lương cũng được chia thành hai hàng: hạng 5 là 430 và hàng 4 là 470.
– Giáo sư Đại học – Là những giáo sư có bằng tiến sĩ và thạc sĩ (trên tiến sĩ), không qua đào tạo trong nước. Hầu hết đều học ở nước ngoài và chủ yếu là ở Pháp. Chỉ số lương của ngạch giáo sư thực thụ từ 640 – 690 trở lên. Đặc biệt, theo quy chế tự trị của bậc Đại học, việc tham gia giảng dạy của các thành phần này được thực hiện dưới dạng ký kết khế ước với các viện đại học. Dưới giáo sư Đại học chính là những giảng sư, thường thì những người này phải có từ bằng tiến sĩ trở lên. Ngoài ra, còn có thêm thành phần giảng viên, họ là những người làm việc không chính thức cho các trường, cũng không được phân khoa đại học, mà chủ yếu là giảng dạy theo hợp đồng và có thời hạn nhất định.
Giáo viên tiểu học và trung học tại các trường công được vào biên chế nhà nước, được xem là công chức, còn giáo sư đại học làm việc tại các Viện đại học công lập theo hợp đồng do qui chế tự trị của bậc đại học. Với mức lương căn bản như vậy, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố thời Đệ Nhất Cộng hòa có cuộc sống khá thoải mái, có thể thuê được người giúp việc trong nhà.
Thời kỳ đầu Đệ Nhất Cộng hòa, cả miền Nam có tổng 3 trường đào tạo chính:
– Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn (thành lập vào năm 1957, trước đó là trường Cao đẳng Sư phạm, chủ yếu đào tạo giáo sư Trung học Đệ nhất cấp)
– Trường Đại học Sư phạm Huế trực thuộc Viện Đại học Huế
– Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn, sau là Trường Trung học và nhiều nhất là Trung học Đệ nhị cấp (tức là dạy đến lớp nhất (tương đương với lớp 12 hiện nay). Còn trường thứ ba thì chủ yếu đào tạo giáo học bổ túc, giáo viên Tiểu học đáp ứng nhu cầu giáo dục tiểu học của toàn miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở xuống.
Ở bậc Trung học Đệ nhất cấp, người có bằng Trung học Đệ nhất cấp sẽ được phân dạy ở những lớp học thấp như Đệ thất, Đệ lục (tương đương với lớp 6, lớp 7 hiện nay); các lớp Đệ ngũ, Đệ tứ (lớp 8, lớp 9) chỉ dành cho những người có bằng Tú tài trở lên.
Thời kỳ của những năm 1954 – 1963, số lượng giáo chức Trung học Đệ nhị cấp rất ít trong khi đó, số lượng học sinh thì lại tăng cao. Điển hình là số trường trung học công lập dạy đến hết lớp Đệ nhất không phải tỉnh nào cũng có, cho nên những sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm sẽ được đưa về các tỉnh lớn để điền khuyết vào những trường còn thiếu nhân số. Ví dụ, ở tỉnh Gia Định có trường Hồ Ngọc Cẩn, tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) có trường Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) có trường Phan Thanh Giản, tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang) có trường Võ Tánh, tỉnh Bình Định (Quy Nhơn) có trường Cường Để… Những học sinh Trung học Đệ nhị cấp ở tỉnh nhỏ phải đi sang những tỉnh khác nếu muốn tiếp tục học cao. Giáo viên Tiểu học tốt nghiệp trường Quốc gia Sư phạm được phân bổ xuống tới các trường Tiểu học cấp Quận. Sang nửa sau thập niên 1960, các trường Tiểu học cấp xã được bổ sung một thành phần giáo chức đặc biệt là “giáo viên ấp tân sinh”, cũng nhờ thế mà gánh nặng giáo dục trên vai của những giáo viên Tiểu học công lập mới nhẹ bớt đôi chút. Các trường tư thục thường xuyên bị thiếu giáo viên được đào tạo chính quy, thời đó quy định, bắt buộc phải có ít nhất bằng Tiểu học thì mới có thể dạy bậc Tiểu học; dạy bậc Trung học Đệ nhất cấp bắt buộc phải có tối thiểu bằng Trung học Đệ nhất cấp; tương đương, dạy bậc Trung học Đệ nhị cấp bắt buộc phải có bằng Tú Tài II trở lên (Tú tài toàn phần). Có trường tư thục vì thiếu giáo viên đã tuyển người có khả năng giảng dạy nhưng không có điều kiện về bằng cấp theo quy định, đến cuối niên khóa, khi làm sổ Học bạ cho học sinh, phải thay tên người dạy thực sự bằng tên người khác có đủ điều kiện về văn bằng. Ở bậc Trung học Đệ nhị cấp, ngoài những giáo chức chuyên nghiệp, các trường tư thục còn sử dụng những sinh viên đang học mấy năm cuối bậc Đại học (đại khái như dạng giáo viên thực tập của hiện tại), ưu tiên cho những sinh viên Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học.Dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa, các giáo sư Đại học được xem là thành phần cao của xã hội, sự cách biệt của nó rất lớn so với những giáo chức cấp thấp hơn như giáo chức Tiểu học, Trung học hay sinh viên Đại học. Thời điểm đó, xe gắn máy xuất hiện không nhiều trong danh mục phương tiện giao thông nên phần đông các giáo sư đến trường đều bằng ô tô. Điều này vẫn có thể lý giải được, bởi họ đều là những sinh viên có điều kiện du học nước ngoài, phần đông là sinh trưởng trong các gia đình thượng lưu, chỉ có số ít là vượt khó từ những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu hoặc hạ lưu.
Trong khuôn khổ ngành Đại học theo chế độ tự trị, các giáo sư Đại học gần như là dành toàn bộ tâm trí cho công cuộc giáo dục, đào tạo thế hệ tri thức trong tương lai; họ hoàn toàn không chịu bất cứ áp lực nào về kinh tế cũng như chính trị.