Chú Hỷ: Ông vua sông nước nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh khiến người Sài Gòn ngưỡng mộ

Đăng ngày 29/08/2024

Câu hát: “Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa” nói về sự giàu có của các phú hào ngày xưa. Từng có giai thoại kể về sự giàu có của chú Hỏa khi ông sở hữu đất đai trải khắp lục tỉnh Nam Kỳ cùng mấy ngàn căn nhà mặt phố. Những điều ấy đã phần nào giải thích cho câu hát “Ở nhà chú Hỏa”. Vậy còn câu “Đi tàu chú Hỷ” nghĩa là gì? Liệu có phải chú Hỷ cũng là người giàu có ở Sài Gòn xưa, hay chú Hỷ là người tạo ra con tàu?

Để giải thích cho câu nói ấy, ta phải quay ngược thời gian vào thời kì Pháp thuộc. Khi ấy, khắp Nam Kỳ lục tỉnh dân cư còn thưa thớt, giao thông đường bộ cũng chưa được phát triển như hiện nay, mọi người đi lại chủ yếu dựa vào đường thủy. Vì vậy, người Pháp phát triển kinh tế bằng cách thành lập công ty vận tải đường sông nước. Họ nhập từ nước ngoài những chiếc tàu và đem về Việt Nam. Thời đó dường như chỉ có Pháp là độc quyền kinh doanh loại dịch vụ này, người Việt mình hầu như không có ai có thể cạnh tranh với người Pháp. Tuy nhiên, có một người đã thay đổi suy nghĩ của người Việt mình, đứng lên cạnh tranh với người Pháp. Không ai biết tên thật của người ấy, chỉ biết người ta hay gọi ông ấy là “chú Hỷ”.

Chú Hỷ – Ông vua tàu thủy Sài Gòn | Tạp Chí Đáng Nhớ

 

Chú Hỷ có thể được xem là người đầu tiên kinh doanh tàu thủy ở Việt Nam nếu như không nhắc đến người Pháp. Gọi là chú Hỷ vậy thôi chứ thực ra chú chỉ mới 17 tuổi. Theo như một số gia đình ở khu vực Chợ Lớn cho biết chú Hỷ định cư ở vùng Đề Ngạn (Chợ Lớn) và sống chủ yếu bằng nghề buôn bán “hàng xén” trên sông. Chú bán vật dụng đơn giản nhưng hữu ích cho đời sống bà con, chẳng hạn như kim, chỉ, muối, đường, tiêu, tỏi,… Những món đồ này giá trị cũng không lớn, được bày bán trên chiếc xuồng nhỏ. Chủ yếu chú Hỷ bán dọc theo các con kênh rạch chằng chịt, thi thoảng thì đi xa một chút đến Kinh Đôi, Nhà Bè. Cứ ngỡ đâu chú sẽ sống qua ngày với nghề bán hàng này, ngờ đâu chính vì những lần đi đây đi đó, chú đã nung nấu ý định “làm vua” sông nước.

Một hôm chú cập chiếc xuồng nhỏ của chú vào một chiếc tàu khách của Pháp. Khi nhìn thấy chiếc tàu, chú đã vô cùng bất ngờ và tỏ ra thích thú với chiếc tàu lớn gấp trăm lần chiếc xuồng nhỏ của mình. Thấy chú có vẻ quan tâm đến chiếc tàu, vả lại cũng là người lanh lẹ nên một tài công Pháp đã hỏi đùa rằng: “Mày có muốn đi tàu không?”. Nào đâu chú Hỷ gật đầu rốp rẻng. Thấy thế, viên tài công ấy đã giới thiệu chú Hỷ cho chủ tàu và cho chú một chân hỏa đầu vụ trên chiếc tàu to lớn này. Và đây chính là bước đệm đầu tiên để chú trở thành “vua sông nước”.

Sau khi được nhận làm việc trên tàu, chú Hỷ làm việc rất chăm chỉ. Cũng nhờ vào việc được đi đây đó khắp các miền sông nước ở Nam Kỳ, thi thoảng còn được mở rộng tầm nhìn ra đến tận Nam Vang (Phnôm Pênh, Campuchia). Trải qua thời gian ba năm làm việc trên tàu và được đi đến nhiều nơi, chú thấy điều này thú vị hơn rất nhiều so với công việc trên chiếc xuồng bé nhỏ của chú. Từ từ việc này đã hình thành nên mơ ước được bản thân mình trở thành chủ của những chiếc tàu to lớn như thế này.

Khoảng năm 1883 – 1884, công ty Messageries fluviales là doanh nghiệp kinh doanh những chiếc tàu thủy tại Nam Kỳ. Sau này công ty được đổi tên thành Compagnie saigonnaise de navigation, chủ công ty là người Pháp tên Jules Rueff. Các người lái tàu toàn bộ là người Pháp. Tuy nhiên công ty trả lương cho họ khá thấp mặc dù họ là những người lành nghề và có kinh nghiệm lái tàu dồi dào. Chính vì không đảm bảo thu nhập nên những người lái tàu Pháp ấy có phần chán nản và không mấy mặn mà với công việc.

Có thông tin cho rằng việc không đảm bảo lương cho họ khiến những người lái tàu cùng nhau lén đem thuốc phiện từ Campuchia về Sài Gòn để tiêu thụ nhằm kiếm thêm tiền. Thấy thế, chú Hỷ nảy ra ý định sẽ cạnh tranh trong ngành vận tải hàng hải này.

Bắt đầu “công cuộc” trở thành “vua sông nước”

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi: Dám nghĩ lớn, dám làm lớn

Đầu tiên, chú Hỷ mua một con tàu cũ của công ty chú đang làm. Loại tàu này thường dùng để chứa chở phân để trồng rau. Chi phí mua tàu nhờ vào số tiền chú dành dụm và tiền đồng hương quyên góp. Người Pháp khi nghe chú nói điều đó thì lộ vẻ ngạc nhiên, cho rằng chú bị thần kinh, nhưng sau đó họ vẫn bán cho chú. Sau khi mua được con tàu cũ ấy, chú nghỉ việc tại công ty. Một năm sau khi sở hữu chiếc tàu, tên chú xuất hiện tại Sở đăng kiểm tàu để đăng ký cho việc chở người dân khắp Nam Kỳ lục tỉnh đi trên sông. Biết được tin ấy, ông chủ tàu cũ nơi chú làm việc tỏ rõ thái độ coi thường, nói với lính làm của ông rằng: “Cho nó chết nhăn răng”. Bởi vì từ trước đến nay chưa có ai có thể cạnh tranh qua nổi người Pháp.

Thế nhưng thời gian trôi qua đã chứng minh được sự coi thường của ông chủ tàu người Pháp là sai. Từ khi hoạt động, con tàu Nam Long (Rồng Nam) của chú Hỷ luôn đông khách, ăn đứt tàu chở khách của người Pháp. Sở dĩ tàu của chú Hỷ đông khách đến vậy là do khách hàng của chú Hỷ đa số là người bình dân, họ đi tàu của chú Hỷ cảm thấy thoải mái, tự do. Ngoài ra, chú còn lấy chi phí đi lại rẻ nên nhiều người chọn tàu của chú. Đi tàu của chú Hỷ được chăm sóc thoải mái, ăn uống hợp khẩu vị, vả lại khách muốn xuống bến nào thì chú Hỷ cho xuống bến đó, mọi việc đều nhanh gọn lẹ chứ không rườm rà như tàu của người Pháp. Người Pháp chỉ cho tàu đáp bến chính mà thôi.

Nhờ việc thu nhập ngày càng ổn định, chẳng bao lâu sau, chú Hỷ mua thêm một chiếc tàu bên Singapore, đặt tên là Nam Hưng (có nghĩa là Việt Nam hưng thịnh). Năm năm sau, đội tàu của chú Hỷ mở rộng lên đến 20 chiếc. Đi tàu của chú Hỷ vừa được ăn uống thoải mái, vừa được cập bến tùy thích lại có thể mang đồ cồng kềnh nên mọi người chuyển qua đi tàu chú Hỷ, không đi tàu Tây nữa.

Lúc đầu vì ngại và thấy mình chưa đủ mạnh nên những nơi nào có tàu Pháp thì chú Hỷ sẽ tránh đi đường đó. Tuy nhiên sau một thời gian, khi đội tàu của chú đã đủ mạnh, chú Hỷ không còn kiêng dè tàu của người Pháp nữa. Khắp các miền sông nước của Nam Kỳ lục tỉnh đều có bóng dáng tàu thuyền của chú Hỷ. Giờ đây chú Hỷ đã có thể cạnh tranh công bằng với người Pháp. Vào cuối thế kỷ XIX, tàu của chú Hỷ đông khách đến mức khi tàu Pháp chạm trán với tàu chú Hỷ, tàu Pháp phải tránh đường vì sợ phải “trưng” chiếc tàu không có khách khi đi ngang tàu Việt ta. Theo như những người Nam Bộ thời bấy giờ, chú Hỷ đã trở thành “vua sông nước”. Tiếng tăm tàu chú Hỷ vang xa khắp nơi và được nhiều người biết đến. Một ngày nọ, có người giàu có ở Hồng Kông đến hỏi mua công ty của chú Hỷ nhưng chú Hỷ lại từ chối với lý do mình là người làm ra nó, mình phải biết giữ gìn nó.

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương – 10 kỳ – CVD

Phương tiện đi lại bằng tàu thủy của chú Hỷ vẫn luôn được người dân ủng hộ cho đến khoảng thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra (1914 – 1918). Sau này Sài Gòn phát triển thêm đường bộ như ô tô, tàu hỏa,… nên đường thủy của chú Hỷ cũng không còn được ưa chuộng như trước. Đầu thế kỷ XX, chú Hỷ qua đời, công ty được chuyển nhượng lại cho con cháu của chú. Tuy người dân mình dần dần chuyển qua đi lại bằng đường bộ nhưng khi nhắc đến tàu thủy, mọi người ở khắp Nam Kỳ lục tỉnh nhớ ngay đến tàu của chú Hỷ. Nhớ đến một người tốt, có chí hướng và tạo điều kiện đi lại cho người dân mình với chi phí thấp, đi lại được tự do, thoải mái. Ở nước ngoài cũng có người biết đến công ty tàu thủy của chú. Trên một tờ báo nước ngoài, người ta nhắc đến chú và phong chú làm “vua sông nước” tại Châu Á.