Khi nhắc đến Sài Gòn, người ta thường thả hồn theo dòng thời gian để nhớ về những kỷ niệm cũ. Về những ngày ngồi lê la quán cóc, trên tay cầm ly bạc xỉu rồi nhâm nhi miếng bánh mì, hay những lần dạo quanh chợ ngồi hàng quán ăn sáng,… Người Sài Gòn chắc ai cũng gắn liền với một chợ nào đó, có khi là dạo quanh chợ “quý tộc” Bến Thành, buôn bán trong chợ Lớn hay lấy hàng ở chợ đầu mối,… Khi nhớ lại những kỷ niệm ấy, người ta lại tự hỏi: “Chợ Sài Gòn xưa và nay khác nhau như thế nào?
Chợ Bến Thành cũng như bao khu chợ khác, thường mở ở nơi đông người, có giao thông thuận tiện. Trước đây, chợ Bến Thành họp ở bờ sông, bờ kênh, người nào đi chợ thường sẽ đi bằng ghe, thuyền để đến mua hàng.
Chợ Bến Thành và Tân Định là khu chợ tiêu biểu cho trung tâm Sài Gòn – Chợ Lớn, là những nơi có nhiều dân cư qua lại. Nơi đây chủ yếu dành cho giai cấp trung lưu, tư sản. Thường thì giới nhà giàu, đặc biệt là mấy bà vợ sĩ quan sẽ đi dạo trong chợ này. Không như những chợ có đồ được bán tràn lan ngoài đường khác, sạp bán hàng trong chợ này tương đối sạch sẽ và ngăn nắp. Xung quanh chợ thường có các xe hơi, xe jeep của mấy bà vợ sĩ quan đi chợ. Ngoài chợ Bến Thành, chợ Tân Định cũng được xem là nơi mua hàng của mấy người giàu vì chợ này bán hàng giá khá đắt nhưng thực phẩm, cá tôm ở đây rất tươi ngon, đáng đồng tiền.Hiện nay, chợ Bến Thành bán hàng có giá cả tương đối cao, họ xem đó là khẳng định của giới thượng lưu, chỉ những ai giàu có hoặc du khách nước ngoài mới đến xem và mua hàng. Những mặt hàng thời trang, quà lưu niệm tương đối độc, lạ và hiếm cũng thu hút một số khách hàng đến và tìm mua chúng. Vì có nhiều khách du lịch đến chợ Bến Thành để mua hàng nên những tiểu thương trong chợ hầu như ai cũng rành ngôn ngữ nước ngoài đủ để giao tiếp kế bên tiếng mẹ đẻ. Ít thì biết tiếng Anh, nhiều thì biết cả tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Pháp.
Trong chợ Bến Thành ngày nay vẫn còn một số cửa hàng đã xuất hiện từ xa xưa, chẳng hạn như tiệm ông Tám cà ri, Bé Chè,… Những hàng hóa trong chợ Bến Thành được quản lý nghiêm ngặt từ xuất nhập khẩu cho đến giá cả để đảm bảo chất lượng tốt nhất đem ra bán ngoài thị trường.
Chợ Lớn
Khi nhắc đến chợ Lớn, người ta liên tưởng ngay đến phố Tàu nằm ở Sài Gòn. Là khu chợ tấp nập có từ lâu đời, buôn bán tại các quận 5, 6, 10 và một phần quận 11. Trong đó, chợ Bình Tây được nhiều người biết đến là nơi cung cấp các vật dụng như vải sợi, đồ gia dụng,… nổi tiếng. Nằm ở trung tâm khu vực Chợ Lớn, là nơi có nhiều người Hoa sinh sống và làm việc ở khắp miền Nam tề tựu tại đây. Ngoài ra, chợ Bình Tiên gần chợ Kim Biên – Nơi cung cấp hàng điện máy, sản xuất hàng hóa cung cấp cho toàn miền Nam từ Sài Gòn cho đến Cà Mau. Xung quanh khu vực chợ Lớn còn có xe giúp vận tải hàng hóa đi khắp cả nước. Đồng thời, nơi đây còn tiếp nhận nông sản để phân phối đến các chợ lớn nhỏ khắp Sài Gòn. Phải nói, chợ Lớn là nơi trọng điểm để phát triển kinh tế nước nhà.
Chợ Bình Tây hiện nay đã được sửa sang lại và bán hàng theo từng khu. Nơi đây vẫn giữ trọng trách phân phối hàng hóa nhưng nhiệm vụ ấy đã bị giảm sút do các hãng buôn ngày nay đều có phân phối ở các tỉnh lớn nhỏ. Hàng sản xuất hay ngoại nhập nếu như trước đây đều đi qua chợ Bình Tây thì ngày nay, sản phẩm đi thẳng xuống các chợ mà không cần đi qua trung gian chợ Bình Tây nữa.
Trong khu vực chợ Lớn còn có thêm chợ An Đông. Ngày nay đã xuất hiện thêm Khu thương mại An Đông Plaza nên nơi đây trở nên sầm uất và nhộn nhịp. Hằng năm đều đón số lượng lớn khách Quốc tế như Singapore, Đài Loan, Trung Quốc,… Khi đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những mặt hàng như vàng bạc đá quý, thủ công mỹ nghệ và đặc sản Việt Nam. Nhiều du khách nước ngoài thường ghé đây mua những đặc sản ấy để làm quà.
Chợ đầu mối
Trước năm 1975, người dân Sài Gòn khá quen thuộc với khu chợ cá Trần Quốc Toản. Đây là chợ đầu mối, tọa lạc gần siêu thị Sài Gòn đoạn đường 3/2 giao với Lý Thái Tổ. Tuy nhiên, sau năm 1975, chợ đầu mối này đã không còn, thay vào đó là chuyển về chợ Cầu Ông Lãnh, quận 1. Rồi sau đó vào tháng 10/2003 lại phải dời về chợ Bình Điền, quận 8. Chợ Cầu Muối thì dời về chợ đầu mối Thủ Đức và chợ đầu mối Tân Xuân, Hóc Môn.
Ngày nay, các chợ đầu mối cũng trở nên sạch sẽ, có chỗ đậu xe và lên xuống hàng dễ dàng. Trái cây chuyển từ các tỉnh miền Tây lên chợ Cầu Ông Lãnh cũng nhanh và thuận tiện hơn nhờ đường sông. Những chủ ghe sau khi chuyển hàng từ các nhà vườn lên cho tiểu thương sẽ mang tiền về cho nhà vườn nên việc làm ăn buôn bán giữa các bên cũng công bằng và dễ dàng hơn.
Chợ nhỏ mọc lên
Khi xưa, ngoài những chợ lớn như chợ Bến Thành, Tân Định,… thì quanh Sài Gòn còn xuất hiện một số chợ nhỏ với cái tên giản dị như: chợ Cây Quéo, chợ Cây Thị, chợ Cây Điệp,… cũng tồn tại lên tới trăm năm. Bởi vì Sài Gòn mỗi ngày đều đón dân nhập cư nên những chợ nhỏ cũng từ đó mà mọc lên theo. Có một số chợ dành cho nhóm người địa phương như chợ Bà Hoa ở Tân Bình. Chợ này bán những đặc sản địa phương ở tỉnh Quảng Nam như mì Quảng, mạch nha, bánh tráng,… Một số tên chợ khác như chợ ông Địa, chợ ông Hoàng quanh khu vực Tân Bình, thậm chí có rất ít người nghe đến những tên chợ này.
Có một chợ sau năm 1975 phát triển thành chợ lớn, đó là chợ Nguyễn Văn Thoại – Bây giờ là chợ Tân Bình. Trước kia nơi này chủ yếu bán đồ lính cũ, bây giờ trở thành trung tâm chuyên phân phối đồ may sẵn, bỏ mối khắp Việt Nam.
Tương lai của chợ Sài Gòn
Hiện nay, Sài Gòn vẫn còn giữ lại nhiều khu chợ nổi tiếng đã có từ lâu đời. Đồng thời, các cấp chính quyền còn đề xuất dự án xây dựng nhiều trung tâm thương mại, siêu thị tại nơi đầu mối giao thông, tập trung ở khu dân cư, phố đi bộ,… Ngoài ra, tổ chức di dời những chợ nông sản trong nội thành ra 3 chợ đầu mối ngoại thành là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn.
Có thể thấy, người dân Sài Gòn đã quá quen thuộc với những khu chợ đã có từ lâu đời. Dù cho kinh tế phát triển và thành phố có thêm nhiều trung tâm thương mại thì người Sài Gòn vẫn thích dạo quanh các chợ, quen với tiếng gọi mời mua hàng và cả đôi lần mặc cả giá rồi trở thành khách quen của sạp.
- Những ‘nàng thơ’ quan trọng nhất cuộc đời nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
- Đôi nét về sự nghiệp của nhạc sĩ Võ Đức Thu (1911-1964)
- Chuyện học ở miền Nam thời Đệ Nhất Cộng hòa – Những chuyện vụn vặt, kể hoài không hết…
- “Cuối Ngày Trên Phố Buồn Hiu” (Trầm Tử Thiêng)
- Những hình ảnh hiếm có về nghề hớt tóc lấy rái tai dạo của người Việt