Từ trước đến nay, khi nhắc đến Sài Gòn, người ta thường liên tưởng ngay đến quận 1 hoa lệ với khu mua sắm sầm uất, những quán cà phê hạng sang hay những con đường rộng thênh thang lấp lánh ánh đèn đường mỗi khi đêm về. Thực ra khi nhắc đến Sài Gòn với những ai đã có tuổi đời lâu năm ở đây, họ lại bồi hồi hơn khi nhắc đến vùng đất giản dị, mộc mạc, nơi lưu giữ cái hồn của Sài Gòn suốt 300 năm lịch sử, vùng đất ấy mang tên: Chợ Lớn.
Xưa kia, Chợ Lớn là nơi cung cấp lúa gạo cho toàn Đông Dương. Nhưng mà dù cho là ngày xưa hay ngày nay thì nơi đây vẫn là nơi quan trọng của nền kinh tế Nam Kỳ khi cung cấp hàng hóa, lương thực thực phẩm đến cho tất cả mọi người. Người ta nói tên Chợ Lớn có khi lại có trước cả tên Sài Gòn, vì Sài Gòn có thể được bắt nguồn từ từ “Tai Ngon” hoặc “Tin-gan” (Hán Việt đọc là Đề Ngan, đây là thành phố gần đê đi dọc kênh Tàu Hủ), người Quảng Đông thì hay đọc từ này thành “Thầy Ngòn” hoặc “Thì Ngòn”. Đặc biệt, khi mà Chợ Lớn được hoạt động thì phía trung tâm quận 1 thành phố Sài Gòn thuộc tỉnh Gia Định xưa còn chưa được hình thành. Sau cuộc chiến Nguyễn Ánh và Tây Sơn kết thúc, Chợ Lớn đã bị phá nhưng những người gốc Hoa di dân từ phía Cù lao Phố (Biên Hòa ngày nay) đến vùng đất này và đã xây dựng lại nó, hình thành nên vùng đất sầm uất và nhộn nhịp.
Tất cả những hình ảnh tuyệt đẹp về đường phố, ngõ ngách và con người của khu Chợ Lớn đã được nhiếp ảnh gia người Pháp Patrick Zachmann ghi lại. Ông sinh năm 1955 và thường đi khắp nơi để chụp ảnh tự do từ năm 1976. Bằng tình yêu nghệ thuật và tài năng của mình, năm 1990, ông trở thành thành viên của tạp chí ảnh Quốc tế Magnum Photos. Năm 1991, ông đã đến Việt Nam và ngắm nhìn tất cả những nét đẹp của đất nước hình chữ S này, trong đó có cả Sài Gòn. Khi ghé thăm Chợ Lớn, chứng kiến sự đặc sắc của con người ở Chợ Lớn, ông đã nhờ máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc đó và những tấm hình ấy được lưu lại cho đến ngày nay.
Ở trên hình bạn sẽ thấy hình ảnh Nhà thờ Cha Tam. Đây là một nhà thờ cổ, nằm ở đường Học Lạc, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Khi xưa, đô đốc Lagrandière thấy người ở khu Chợ Lớn theo đạo công giáo không có nơi để cầu nguyện cũng như số lượng người Hoa theo đạo công giáo ngày càng ít đi. Vậy nên ông đã cho xây dựng một nhà thờ cho người dân để họ có nơi đến cầu nguyện. Sau đó, giám mục Dépierre đã nói với linh mục Pierre d’Assou, tên tiếng Hoa của vị linh mục này đọc là Đàm Á Tố – Tam An Su, âm tiếng Việt đọc là Cha Tam. Ông đã đứng ra mua một khu đất rộng 3 ha ở Lò Rèn, đối diện đường Thủy Binh (đường Trần Hưng Đạo ngày nay), vùng đất rộng 3 ha này nằm ở ngay trung tâm Chợ Lớn, nơi có đông đúc người qua lại.
Đến ngày 3/12/1900, vào ngày lễ thánh Saint Francisco Xavier, giám mục Mossard đến làm phép đặt viên đá đầu tiên để ngôi thành đường này được xây dựng và lấy tên của ông đặt tên cho thánh đường. Tuy nhiên, vì linh mục Pierre d’Assou là người đứng ra mua đất xây nhà thờ và ông cũng là cha sở đầu tiên của thánh đường nên mọi người gọi nhà thờ này bằng cái tên Cha Tam.
Năm 1931, Pháp ký sắc lệnh hợp nhất 2 thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn lại với nhau và cho ra đời cái tên chung là khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Đến năm 1956, khu này đổi tên thành Đô thành Sài Gòn. Từ đó trở đi, Chợ Lớn chỉ được dùng để nhắc đến khu vực quận 5, quận 6 và một phần của quận 11. Hiện nay, quận 5 và quận 6 của khu Chợ Lớn này cũng là nơi tập trung đông đúc của người Việt gốc Hoa an cư lạc nghiệp tại đây
Chợ Lớn trong ký ức của nhiều người Sài Gòn cách đây hơn 30 năm trước đến bây giờ vẫn là vùng đất rất riêng biệt. Xa rời sự hiện đại như trung tâm quận 1, Chợ Lớn chọn cho mình cách một văn hóa và phong cách sống rất riêng cho mình. Bất luận như thế nào đi chăng nữa, nơi đây vẫn là nơi tôi yêu quý và luôn trân trọng.