Dù dòng thời gian đã thấm thoát đã bốn thập niên qua, âm hưởng trẻ trung ngọt ngào của ba giọng ca mầm non trong Ban Tam Vân vẫn còn vang vang trong lòng giới thưởng ngoạn văn nghệ của Sài Gòn năm xưa.
Nhắc đến Bích Vân, Phước Vân, Ngọc Vân tức là nhắc đến bước đầu của một công trình đào tạo cam go và một đóng góp lâu dài cho nền Tân nhạc Việt Nam của một tên tuổi quen thuộc: Nhạc Sĩ Nguyễn Đức.
Quê quán tận miền Tây (Bạc Liêu, Cà Mau), nhạc sĩ Nguyễn Đức đã bước chân vào ngưỡng cửa âm nhạc vào lúc tuổi đời còn rất trẻ. Năm lên 8, Nguyễn Đức đã biết sử dụng Mandoline và đến năm 15 tuổi, đã biểu diễn sử dụng hai nhạc khí Mandoline và Harmonica cùng một lúc trong chương trình chọn lựa tài tử do ông 9 Ng Duc 2Hoàng Cao Tăng (Đài phát thanh Pháp Á) tổ chức. Vào năm 1953, Nhạc sĩ Nguyễn Đức bắt đầu dạy hát và thành lập nhóm Rạng Đông.
Trong bước đầu dấn thân vào việc thực hiện công trình tuy lý thú nhưng đầy khó khăn này, nhạc sĩ Nguyễn Đức chú trọng đến các em thiếu nhi (đa số là các em gái tuổi từ 12-13) và đã lựa chọn 3 em để thành lập Ban Tam Vân (Bích Vân, Phước Vân và Ngọc Vân). Ban Tam Vân có lối trình diễn rất đặc biệt, vừa nhảy thiết hài (Claquette), vừa sử dụng maraccao, Guiero, Tambourin và hát ba bè.
Bộ “tam ca kích động nhạc” này đã từng trình diễn trong các chương trình Đại Nhạc Hội và vài khiêu vũ trường tại Sài Gòn. Song song với việc thành lập ban Tam Vân, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo thần đồng Phương Lan và ca sĩ Thanh Phong lúc ấy mới 12 tuổi. Sau này, chính nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đưa Thanh Phong về hợp tác với Phương Đại và Duy Mỹ để thành lập ban Sao Băng đã một thời vang tiếng trên Đài Phát Thanh và Đài Truyền hình Việt Nam trước 1975.
Vào những năm vàng son của nền Tân nhạc Việt Nam, giới yêu nhạc Sài Gòn khôg ai là không biết đến những giọng ca nổi tiếng một thời như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Kim Loan, Quốc Dũng, Anh Thoại… và một số ca sĩ bắt đầu bằng chữ “Phương” như Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Ngọc (Cẩm Hồng)… Đó đều là những công trình đào tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức từ năm 1960.
Cũng trong năm này, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã thành lập Ban Việt Nhi ở Đài Phát Thanh Quốc Gia vào năm 1962, cho ra đời ban Nhi Đồng Sao Băng, cả 2 qui tụ khoảng 40 em thiếu nhi. Về sau, vì số lượng quá đông, anh có lập thêm “Ban Gia Đình Văn Nghệ Nguyễn Đức” trên làn sóng của đài Truyền Hình VN (Đài số 9). 9 Ng Duc 5G.Đ.V.N.N.Đ gồm có 4 ban hợp ca nữ, mỗi ban có 14 ca sĩ và mỗi năm đều có mặt trên màn ảnh thời sự chiếu ở các rạp chiếu bóng để mừng xuân.
Sự đóng góp của nhạc sĩ Nguyễn Đức vào lãnh vực văn nghệ hết sức đa dạng. Ngoài việc đào tạo ca sĩ và hướng dẫn tài năng trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo xướng ngôn viên cho các đài truyền thanh và truyền hình như: Bạch Yến, Xuân Kiều, Phương Hồng Trinh. Anh cũng từng là cố vấn văn nghệ cho các đài truyền thanh và truyền hình như Tiếng Nói Thủ Đô, Chương trình Nha Động Viên, Chương trình Người cày có ruộng của Phòng Nông Nghiệp.
Người nghệ sĩ đa tài này rời khỏi quê hương và đến định cư tại Toronto vào tháng 11 năm 1991. Sự có mặt của nhạc sĩ Nguyễn Đức tại Toronto đã thổi một luồng gió mới sinh động vào những hoạt động văn nghệ của thành phố thương mại này. Kiếp tằm phải tiếp tục nhả tơ, mặc dầu tuổi đời đã cao, sức khỏe kém, nhạc sĩ Nguyễn Đức vẫn tiếp tục con đường đã định sẵn: phục vụ âm nhạc, phục vụ giới trẻ, lòng thiết tha mang tâm hồn của tầng lớp trẻ Việt Nam ở hải ngoại trở về với nét đẹp quê hương qua cung đàn tiếng nhạc.
Trong niềm hòai vọng đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã tham gia trong chương trình Việt Ngữ (Heritage Languages Program) để hướng dẫn cho một số giáo viên về ký âm pháp để tập hát cho học sinh Việt Nam. Ngòai ra, nhạc sĩ còn giúp đào luyện một số tài năng trẻ say mê âm nhạc có cơ hội trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Trong chiều hướng đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã qui tụ được một số giọng ca đầy triễn vọng vào năm 1993, nhóm Bừng Sáng ra đời tại Toronto với tiếng hát Hòan Vũ, Minh Nguyệt, Tử Lê, Lan Hương, Ái Ly, Huy Khang, Thùy Trang, Xuân Hằng và Thái Hòa. Được sự hướng dẫn tận tình của người nhạc sĩ và cũng là bậc thầy giàu kinh nghiệm, nhóm Bừng Sáng đã hoạch định cho mình một hướng đi trong tương lai: “Đòan kết, luyện tập chu đáo với những tiết mục mới lạ mong đem lại cho giới mộ điệu một làn gió mới cho không khí văn nghệ ở Toronto”.
Bước thời gian sẽ không bao giờ ngưng đọng và mỗi ngày qua đi sẽ để lại trong lòng người nghệ sĩ nhiều kỷ niệm khó quên. Giờ đây, với tuổi đời cao, mái tóc phai màu, nhìn lại quá khứ, suốt đoạn đường dài, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã sống và cống hiến từng hơi thở mình cho giới trẻ và cho tiền đồ của nền Tân Nhạc Việt Nam.
Rồi đây, nếu có lúc nào “đốt lò hương cũ, so phím tơ xưa”, người nghệ sĩ lão thành chắc sẽ cảm thấy mãn nguyện vì trong những công trình và những gắn bó yêu thương đã ràng buộc đời nghệ sĩ theo từng bước hưng vong của làng âm nhạc Việt Nam.
(Bài viết của cố ký giả Trường Kỳ – 12/9/2005)
- Bộ sưu tập những bức ảnh về những quán nước giải khát của người Sài Gòn xưa
- Bùng binh Hồ Con Rùa ở Sài Gòn – Giai thoại về trấn yểm đuôi rồng mà ít ai biết
- Henry Solomon Wellcome – Người phát hiện ra Đồng mồ mả tại Sài Gòn cách đây hơn 150 năm
- Ngồi lại nghe chuyện Sài Gòn xưa: Nhớ về những tên đường từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa
- Lời tâm tình giản đơn nhưng mang đầy ý nghĩa yêu đương qua ca khúc “Điệu ru ca tình yêu”