Cố nhạc sĩ Mạnh Phát được nhiều người mến mộ biết đến qua nhiều ca khúc nổi tiếng như: Hoa nở về đêm, Vọng gác đêm sương, Nỗi buồn gác trọ (nhạc Hoài Linh), Sương lạnh chiều đông, Chuyến xe kỉ niệm,… Ông là một trong những nhạc sĩ nhạc vàng trước năm 1975, có nhiều sáng tác được yêu thích nhất và cho đến hiện tại nhiều ca khúc của cố nhạc sĩ vẫn được mọi người đón nhận nồng nhiệt và được các ca sĩ lựa chọn để hát trên các sân khấu lớn. Ngoài vai trò là một nhạc sĩ nổi tiếng, vào những năm thập niên 1940 Mạnh Phát còn được đông đảo khán thính giả thời bấy giờ biết đến với vai trò là một nam ca sĩ có tiếng của đài phát thanh Pháp Á, nhất là khi hát đôi với ca sĩ Minh Diệu ( người mà sau này đã trở thành vợ ông). Mạnh Phát là một người nhạc sĩ tài hoa, ông cống hiến gần như cả cuộc đời mình cho âm nhạc, cho sự nghiệp sáng tác, tuy nhiên ông lại là người khá kín tiếng, ông rất ít chia sẻ với bên ngoài về gia đình, tình cảm và đời sống riêng tư của mình. Ông được nhận xét là một người khá khôi ngô, tuấn tú cùng sắc mặt điềm đạm phù hợp phong thái của một người làm nghệ thuật.
Và ít ai biết được rằng cố nhạc sĩ Mạnh Phát là người thầy đã góp phần đưa nhiều ca sĩ lên đỉnh vinh quang, trong đó có các nữ danh ca Phương Dung, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh,… như danh ca Phương Dung từng chia sẻ: “Nhạc sĩ Mạnh Phát là một danh ca, nhạc sĩ nổi tiếng từ thập niên 45 – 50. Ông là người đã giúp Phương Dung và danh ca Hoàng Oanh có trên 300 đĩa nhạc thời bấy giờ.” Và trong một chương trình truyền hình mang tên “ Chân Dung Cuộc Tình” phát sóng vào tháng 1 năm 2019 cô ca sĩ “Nhạn trắng gò công” cũng đã tâm sự rằng “Tôi có một món nợ ân tình rất lớn với một người tạo cho mình chỗ đứng trong lòng khán giả, đó chính là nhạc sĩ Mạnh Phát. Không có anh, không có một Phương Dung như ngày hôm nay”.
Cố nhạc sĩ Mạnh Phát tên đầy đủ là Lê Mạnh Phát, ông sinh năm 1929 tại Nghệ An. Đến năm 1940, Mạnh Phát cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống và định cư ở đây. Có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, nên sau khi học song bậc trung học ông đi theo con đường ca hát, lúc bấy giờ ông được mời hát cho hai hãng đĩa có tiếng là Asia và BéKa. Đến giữa thập niên 1940 Mạnh Phát đã khá nổi tiếng và vươn lên đỉnh cao sự nghiệp ca sĩ khi ông hát chung với nữ ca sĩ Minh Diệu trên Đài phát thanh Pháp Á. Lúc bấy giờ tiếng hát của ông được rất nhiều khán thính giả yêu thích, nhất là khi thể hiện ca khúc “ Ai về sông Tương” của nhạc sĩ Văn Giảng.
Giai đoạn cuối năm 1949 đến năm 1955, Mạnh Phát bắt đầu sáng tác với 2 bút danh là Thúc Đăng và Tiến Đạt. Những sáng tác của ông trong giai đoạn này như: Anh đã về, Hồn trai Việt, Ai về quê tôi, Gửi cánh mây trời, Mong người trở lại, Trăng sáng trong làng,… Hầu như những ca khúc vào giai đoạn này của ông đều viết về tình yêu gắn liền với quê hương, đất nước với những giai điệu nhẹ nhàng mà sâu lắng, ca từ trong sáng, bình dị mà dễ đi vào lòng người. Điển hình như ca khúc “Trăng sáng trong làng” được nhiều ca sĩ thời bấy giờ thể hiện như Thanh Lan, Thảo Ly và không thể thiếu cặp đôi Mạnh Phát – Minh Diệu “Đêm nay, trăng sáng soi làng tôi. Một vài cô thôn nữ, xay lúa lo ngày mai. Cười vui theo ánh trăng huyền lan. Đưa câu hò tình tứ, lúa thoáng bao mùi hương,…”(Trích Trăng sáng trong làng)
[wpcc-iframe title=”Trăng Sáng Trong Làng – Thanh Lan | Album Trường Sơn 7″ width=”900″ height=”506″ src=”https://web.archive.org/web/20231204053720if_/https://www.youtube.com/embed/5yi4Kyvp1tw?feature=oembed” frameborder=”0″ allow=”accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share” allowfullscreen]Bấm vào hình để nghe ca khúc Trăng Sáng Trong Làng do Thanh Lan trình bày.
Ngoài ca hát và sáng tác, Mạnh phát còn tham gia đóng phim. Năm 1958, ông đóng vai chính trong phim “Tình Quê Ý Nhạc” ( và đây cũng là tên một bản nhạc của ông).
Đến đầu thập niên 1960, cùng với sự phát triển và thịnh hành của thể loại nhạc Bolero, cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thời khác như Hoài Linh, Châu Kỳ, Minh Kỳ,… nhạc sĩ Mạnh Phát chuyển sang sáng tác nhạc vàng theo điệu Bolero. Các ca khúc vào giai đoạn này của ông rất được mọi người yêu thích và vẫn được phổ biến cho đến tận ngày nay như: Nhớ mùa hoa tím, Hoa nở về đêm, Ngày xưa anh nói, Sương lạnh chiều đông, Vọng gác đêm sương,…
Trong đó ca khúc nổi tiếng “ Hoa nở về đêm” của Mạnh Phát được con dâu ông tiết lộ rằng ca khúc này được ông viết trong một lần ông ra Huế công tác và có một mối tình bí mật cùng người con gái tên Hoa, nhưng vì công việc nên hai người chỉ gặp nhau và hẹn hò vào buổi tối nên ông lấy đó làm nguồn cảm hứng viết nên ca khúc này. Đây là một trong những tình khúc vô cùng nổi tiếng, viết về chủ đề tình yêu nam nữ với lời ca vô cùng nhẹ nhàng và da diết của một câu chuyện tình buồn nhưng đầy lãng mạn “ Chuyện từ một đêm cuối nẻo một người tiễn một người đi. Đẹp tựa bài thơ nở giữa đêm sương nở tận tâm hồn. Chuyện một mình tôi chép dòng tâm tình tặng người chưa biết một lần. Vì giây phút ấy tôi tình cờ hiểu rằng. Tình yêu đẹp nghìn đời là tình yêu khi đơn côi,…”
Năm 1962, Mạnh Phát cùng Nguyễn Văn Đông đưa ca sĩ Thanh Tuyền ( lúc bấy giờ cô vẫn chưa nổi tiếng) từ Đà Lạt về Sài Gòn để đào tạo và lăng – xê, dưới sự dìu dắt của những người nghệ sĩ gạo cội đầy tài hoa cùng tài năng thiên phú của mình Thanh Tuyền đã nhanh chóng được khán thính giả biết đến và cô cũng nổi tiếng từ đó.
Trong cuộc sống Mạnh Phát được nhận xét là một người khá dễ chịu, thoải mái và không hà khắc nhưng trong công việc ông lại là người rất nghiêm khắc và kỹ tính như danh ca Phương Dung từng chia sẻ “Ông là một người thầy rất kỹ tính, mỗi khi có bài hát mới ông đều đến nhà tập cho Phương Dung hát đúng ý, đúng tâm tình của từng ca khúc mới thôi”.
Ngoài ra, Mạnh Phát còn phụ trách chương trình “Tiếng Ca Gửi Người Tiền Tuyến” trên Đài Tiếng nói Quân đội của Đài vô tuyến Việt Nam thời bấy giờ.
Ngày 2 tháng 1 năm 1973, nhạc sĩ Mạnh Phát qua đời để lại niềm tiếc thương vô vàn đối với gia đình cùng những người mến mộ ông.
Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng cố nhạc sĩ Mạnh Phát đã để lại cho kho tàng âm nhạc Việt Nam nhiều bản nhạc hay lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Danh sách những sáng tác phổ biến của cố nhạc sĩ Mạnh Phát:
Ai về quê tôi (Tiến Đạt)
Áo tím ngày xưa ( đồng sáng tác với Lan Đài)
Anh đã về
Anh đi phố vắng (Thúc Đăng)
Anh về vui khúc tình ca
Bến nước tình quê ( đồng sáng tác Lê Mộng Bảo)
Buồn ơi giã biệt
Bước chân kỷ niệm (Thúc Đăng)
Chiều nhớ bạn (Thúc Đăng)
Chỉ có một mình anh (Thúc Đăng – Thanh Phương)
Chuyến đi về sáng (đã mua từ Trần Thiện Thanh)
Chuyến xe kỷ niệm (Thúc Đăng)
Cô gái sông Hương
Cô hàng dừa xiêm
Cung thương ngày cũ (đồng sáng tác Nguyễn Văn Đông)
Dấu chân kỷ niệm (Thúc Đăng – Thanh Phương)
Đêm không trăng sao
Đêm trắng hậu phương (Thúc Đăng – Dzũng Đạt)
Đợi sáng
Đường tơ chưa dứt (Mạnh Phát – Hoài Linh)
Gặp anh
Gió biển (Thúc Đăng)
Gió chuyển mùa thương
Gửi cánh mây trời
Hoa nở một lần
Hoa nở về đêm
Hồn trai Việt (Tiến Đạt)
Khi mình còn thương
Khúc nhạc đồng quê
Lỗi hẹn (đồng sáng tác Huy Lai)
Mong người chiến sĩ (Thúc Đăng)
Mong người trở lại (Tiến Đạt)
Mộng phiêu lưu
Ngày xưa anh nói (Thúc Đăng – Thanh Tuyền)
Ngày nào em với tôi
Nhớ một người (Mạnh Phát – Hoài Linh)
Nhớ mùa hoa tím (Mạnh Phát – Lan Đài)
Nhớ viết thư cho em (Mạnh Phát – Trần Thiện Thanh)
Nỗi buồn gác trọ (Mạnh Phát – Hoài Linh)
Phố vắng em rồi (Mạnh Phát – Nguyễn Đan Thanh)
Qua xóm nhỏ
Rồi một ngày
Sao anh lỗi hẹn (Mạnh Phát – Y Vân)
Sao khuya
Sương lạnh chiều đông (Thúc Đăng)
Thành đô ơi giã biệt (Thúc Đăng)
Thư về thăm mẹ
Trăng sáng trong làng (Tiến Đạt)
Tàu nhổ neo rồi (Mạnh Phát – Trần Thiện Thanh)
Tiến lên Việt Nam
Tôi gặp em
Tôi vẫn đi tìm (Mạnh Phát – Trọng Khương)
Vầng trăng ai xẻ làm đôi (Thúc Đăng – Tuấn Khanh)
Viết cho anh
Vọng gác đêm sương
Xa nhau mới biết đêm dài
Xuân về gác nhỏ (Thúc Đăng)