Nhắc đến những nhạc sĩ sáng tác nhạc vàng trước năm 1975, ta không thể không nhắc đến nhạc sĩ Ngọc Chánh. Người đã được đông đảo khán thính giả biết đến với vai trò là tác giả của những ca khúc bất hủ: Bao Giờ Biết Tương Tư, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang và Tuổi Biết Buồn được viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy (cả 3 ca khúc này đều do nhạc sĩ Ngọc Chánh soạn nhạc và nhạc sĩ Phạm Duy viết lời).
Ngoài ra, ông còn được công chúng nhắc đến nhiều với tư cách là trưởng ban nhạc Shotguns từng làm mưa làm gió một thời. Là ông chủ của Trung tâm băng nhạc Shotguns tạo ra những sản phẩm âm nhạc có giá trị tinh thần to lớn, mỗi sản phẩm do trung tâm Shotguns tạo ra là một đúc kết vẹn toàn về nghệ thuật lẫn kỹ thuật. Với sản phẩm giá trị như vậy đã khiến Shotguns trở thành một trung tâm băng nhạc được yêu thích nhất miền Nam Việt Nam từ năm 1969-1975.
Bên cạnh đó nhạc sĩ Ngọc Chánh cũng là người đã lăng xê thành công nhiều bài hát và ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc miền Nam trước năm 1975. Ông đã góp phần to lớn trong việc giới thiệu (trực tiếp hoặc gián tiếp) những giòng nhạc mới đến với khán thính giả như ban Phượng Hoàng (Lê Hựu Hà – Nguyễn Trung Cang), Vĩnh Điện, Trần Quang Lộc, Đynh Trầm Ca,…
Sau năm 1975, nhạc sĩ Ngọc Chánh còn được biết đến là một ông chủ của những vũ trường, phòng trà ca nhạc lớn tại hải ngoại. Và sau này khi đã quyết định giải nghệ, rút khỏi thị trường âm nhạc ông bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chuyên chụp ảnh thiên nhiên với những bức hình đẹp ngỡ ngàng được mọi người trầm trồ khen ngợi mỗi khi ông công bố bức ảnh.
Nhạc sĩ Ngọc Chánh tên thật là Nguyễn Ngọc Chánh sinh ngày 13 tháng 3 năm 1937 ở khu vực Nhà thờ Chí Hòa (Ngã Ba Ông Tạ, quận Tân Bình), Sài Gòn. Gia đình ông có tất cả 10 anh chị em, nhưng không may tất cả đã mất từ khi còn nhỏ, chỉ còn lại hai người là nhạc sĩ Ngọc Chánh (thứ sáu) và cô em út (thứ mười một) tên Ngọc Lan (trên giấy tờ là Nguyễn Thị Trí).
Từ bé nhạc sĩ Ngọc Chánh đã tỏ ra đam mê và có năng khiếu về âm nhạc. Lên 6 tuổi, ông đã học guitar với một người bạn lớn tuổi hơn tên là Cổ Tấn Tịnh Châu ( là em ruột của đại tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu – Chỉ huy Trưởng Đặc Khu Rừng Sát) anh này có ngón đàn Flamenco rất giỏi. Sau đó, Ngọc Chánh còn học hỏi thêm về nhạc lý với một nhạc sĩ người Philippines là Benito, nhờ vậy mà ngay từ lúc nhỏ, ông đã có kiến thức khá vững vàng về nhạc lý để từ đó soạn riêng cho mình 2 cuốn sách chỉ dẫn Tự Học Đàn Guitar từ lúc ông mới được 13, 14 tuổi.
Năm Ngọc Chánh 8 tuổi (1945), gia đình xin cho ông vào trường dòng Lasan Đức Minh (Tân Định) để theo học, tại đây ông được sư huynh Nguyễn Văn Đức chỉ dạy nhiều điều tốt đẹp.
Năm 1948, lúc 11 tuổi, ông rời Lasan Đức Minh chuyển sang trường Lê Văn Hai học 2 năm. Ở đây, ông dành thì giờ học Pháp văn và Việt văn với giáo sư Ngọc Thứ Lang – là một tiểu thuyết gia và cũng là người dịch truyện Bố Già.
Năm 1950, Ngọc Chánh được vào học Trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Trong khoảng thời gian học tại đây, ông đã viết 2 cuốn sách Tự Học về guitar, đến năm 1953 (khi ông mới 16 tuổi), đã bán bản quyền 2 cuốn sách này cho nhà xuất bản Mỹ Tín ở đường Võ Tánh, chủ nhân chuyên làm đàn violon (Tiệm đàn Mỹ Tín này có tên trong tự điển Pháp về tài chế tạo đàn violon và ông chủ tiệm này cũng là một kịch sĩ, giáo sư Kịch Nghệ của trường Quốc Gia Âm Nhạc trước 75).
Số tiền bán được từ bản quyền của 2 cuốn sách được 24 ngàn, ông lấy 22 ngàn để mua đàn piano, còn dư 2 ngàn ông dùng làm tiền học phí để học piano, hòa âm và sáng tác với Thầy Dung ở đường Hiền Vương.
Năm 1957 khi vừa tròn 20 tuổi, Ngọc Chánh đến tuổi động viên. Nhưng trước ngày phải đi Thủ Đức, ông được nhận vào làm trong ban Công Dân Vụ. Tại đây, ông có dịp gặp gỡ với các nghệ sĩ Thanh Hoài, Thanh Việt, tài tử Kim Vui, kịch sĩ Cảnh, Hoàng Long, Huyền Anh… Ngọc Chánh làm việc ở Công Dân Vụ được 3 tháng thì nghỉ việc và bắt đầu ra ngoài tự tìm nơi chơi đàn để mưu sinh.
Công việc đầu tiên sau khi ông ra ngoài đó là chơi đàn trong những hàng quán nhỏ, như nhà hàng An Lạc (ở Xa Cảng Miền Tây). Một thời gian ngắn sau, ông tìm thêm được những chỗ làm mới khá hơn, như nhà hàng Melody, nhà hàng Tàu Lai Yun.
Đến năm 1960, Ngọc Chánh được ông Hoành, một người gốc Hoa, chủ nhân thầu ca nhạc tại Hồ Tắm Cộng Hòa (cũng là chủ nhân vũ trường Văn Cảnh) mời về làm nhạc trưởng tại đây. Một hôm, có một nhạc sĩ tên Tư giới thiệu cho Ngọc Chánh một nữ ca sĩ trẻ quê ở Bình Long lên Sài Gòn lập nghiệp, cô có giọng hát lạ và khá hay mong có dịp tham gia vào làng ca nhạc. Với giọng hát ngọt ngào cùng khuôn mặt xinh đẹp, cô ấy đã chinh phục được tất cả mọi người có mặt tại buổi thử giọng kể cả Ngọc Chánh cho đến người chủ nhân Hồ Tắm Cộng Hòa – ngay từ phút đầu tiên cô cất lên tiếng hát những bản Kiếp Nghèo, Nỗi Lòng, Gợi Giấc Mơ Xưa – cô ấy chính là danh ca Minh Hiếu sau này. Sau khi được nhận, Minh Hiếu được Ngọc Chánh dạy thêm về nhạc lý và chẳng bao lâu, cô được nhiều vũ trường và phòng trà khác mời về cộng tác.
Năm 1962, Ngọc Chánh được mời về làm trưởng ban nhạc tại vũ trường Văn Cảnh, tiếp đó là nhà hàng Văn Phụng rồi tới Eden Rock (1964).
Năm 1966, với tình hình tổng động viên, nhạc sĩ Ngọc Chánh tham gia vào Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Năm 1967, Ngọc Chánh tham gia vào Ban Hoa Tình Thương và có dịp gặp gỡ, làm việc chung với những nghệ sĩ nổi tiếng khác như: Khánh Băng, Phùng Trọng, Duy Khiêm, Nguyễn Ánh 9, Elvis Phương, Hoàng Liêm, Pat Lâm, Đức Hiếu..
Đến tết mậu thân 1968, các phòng trà, vũ trường đều ngừng hoạt động, vì thế giới nghệ sĩ lúc này đa số bị mất việc ngoại trừ một số người hát được nhạc ngoại quốc thì còn có công việc làm tại các Club Mỹ.
Trong hoàn cảnh khó khăn này, ca sĩ Pat Lâm được người cha nuôi người Mỹ có chức quyền cao trong cơ sở USO đề nghị ông và nhạc sĩ Ngọc Chánh quy tụ những nghệ sĩ có sẵn trong Ban Hoa Tình Thương lúc bấy giờ thành lập một ban nhạc để chơi hàng tuần (thứ Bảy tại U.S.O. Tân Sơn Nhất và mỗi Chủ Nhật tại U.S.O. 119 Nguyễn Huệ Saigon) cũng như đi lưu diễn thêm ở các Club Mỹ khác tại Biên Hòa, Long Bình, Vũng Tàu..
Chỉ sau một tuần, ban nhạc theo yêu cầu đã được hình thành với tên gọi là Shotguns gồm những thành viên tài năng như: Ngọc Chánh (piano), Duy Khiêm (bass), Đức Hiếu (trống), Hoàng Liêm (guitar) và 2 tiếng hát Pat Lâm, Elvis Phương. Sau đó một thời gian ngắn, có thêm sự tham gia của Ngọc Mỹ – một giọng ca nữ chỉ mới 22 tuổi mà đã được coi là một giọng ca vững vàng nhất về nhạc ngoại quốc, nhất là về nhạc Jazz. Được một thời gian thì tay trống Lưu Bình vào thế Đức Hiếu và có thêm sự hiện diện của Quốc Hùng (chơi bass), Duy Khiêm (đánh guitare accord).
Còn tên gọi Shotguns bắt nguồn từ một bài nhạc chào có tên “Shotgun” rất ăn khách vào thời gian đó. “Shotgun” là tên một dĩa đơn do Junior Walker & All Stars phát hành năm 1965, được sáng tác bởi Walker (viết lời và nhạc), sản xuất bởi Berry Gordy Jr. và Lawrence Horn.
Năm 1969, khi tình hình chiến sự bớt căng thẳng, sinh hoạt ca nhạc về đêm trở lại bình thường, nhạc sĩ Ngọc Chánh chuyển hướng muốn về đóng đô trình diễn hàng đêm tại Sài Gòn.
Theo nhà báo Nguyễn Việt viết về giai đoạn này như sau: “Ngọc Chánh cùng Hoàng Liêm, Elvis Phương quyết định chuyển hướng từ một ban nhạc chuyên trình diễn loại nhạc Pop Rock kích động sang trình bày nhạc Việt. Bởi Ngọc Chánh có tâm tư, tại sao cứ phải trình diễn cho các Club Mỹ với loại nhạc kích động Pop Rock, Twist, Bebop.. ồn ào náo nhiệt, mà không trở về với cội nguồn cho khán giả Việt thưởng thức những nhịp điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, trữ tình như Slow, Boston, Rumba, Tango, Bolero… Một quyết định xem ra đơn giản nhưng không đơn giản vào thời đó, vì có một số anh chị em trong ban nhạc không đồng tình. Lý do trình diễn ở các Club Mỹ được nhiều tiền hơn trên các sân khấu Việt”.
Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng có lúc mời ban Shotguns về trình diễn Show mỗi đêm với thời lượng một tiếng đồng hồ. Khán thính giả tại Maxim rất yêu thích phong cách của ban nhạc Shotguns và lối trình diễn sinh động của Ngọc Mỹ, Pat Lâm và Elvis Phương.
Cuối năm 1969, khi Jo Marcel rời Queen Bee, danh ca Khánh Ly đã mướn lại Queen Bee và mời ban nhạc Shotguns về trình diễn mỗi đêm. Ngoài ban nhạc Shotguns, khán giả đến với Queen Bee còn nghe được tiếng đàn piano của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và tiếng trống Anh Thoại
Đầu năm 1971, danh ca Khánh Ly, Ngọc Minh và cô em gái Ngọc Anh đi trình diễn tại Mỹ. Sau khi trở lại Việt Nam, Khánh Ly rời Queen Bee và khai trương chỗ mới ở phòng trà Tự Do. Thế là tại Queen Bee, nhạc sĩ Ngọc Chánh cùng ban Shotguns quyết định “thầu” lại và mời tiếng hát nữ danh ca Thanh Thúy “tái xuất giang hồ” sau 5 năm cô rời ánh đèn sân khấu đi lấy chồng. Theo bài viết của Ngọc Hoài Phương đăng trên tuần báo Hồng số 10 phát hành ngày 14 tháng 7 năm 1971 thì sau 5 năm vắng bóng và trở lại sân khấu danh ca Thanh Thuý vẫn được khán giả yêu mến và đón nhận một cách nhiệt thành như ngày nào.
Trích đoạn trong bài viết của Ngọc Hoài Phương như sau: “Sau hơn 5 năm xa lánh ánh đèn màu sân khấu, khi tái xuất giang hồ, giọng hát liêu trai của Thanh Thúy vẫn còn ăn khách như thuở nào. Nàng vẫn được đón tiếp với trọn vẹn cảm tình của giới ái mộ dành cho một thần tượng. Và có lẽ ngay chính nàng cũng không thể ngờ được sau quyết định tiếp tục trở lại nghiệp cầm ca này, nàng lại được tiếp đón nồng hậu đến như vậy.”Trụ ở Queen Bee được hơn 3 năm, Ngọc Chánh dời phòng trà về số 91 đường Công Lý để sinh hoạt. Tháng 5 năm 1974, nhạc sĩ Ngọc Chánh khai trương phòng trà Quốc Tế ở góc đường Lê Lợi – Công Lý.
Trong chặng đường dài 5 năm của ban nhạc Shotguns và Ngọc Chánh, từ Queen Bee cho đến Quốc Tế, ở đây đã là nơi quy tụ những nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Sài Gòn như: Nhạc sĩ dương cầm Lê Văn Thiện; nhạc sĩ Hoàng Liêm; những tay trống cừ khôi Đức Phú, Lưu Bình, Hoàng Hải, Mạnh Tuấn; Saxo Trần Vĩnh, Xuân Tiên; guitar Duy Khiêm; nhạc sĩ Đan Thọ; nhạc sĩ Cao Phi Long. Và những giọng ca lừng danh như: Thái Thanh, Thanh Thúy, Elvis Phương, Khánh Ly, Lệ Thu, Mỹ Thể, Trúc Mai.. Đó cũng là những bệ phóng tuyệt vời của những giọng ca trẻ như Thanh Lan, Dạ Hương, Thái Châu, Diễm Chi, Trọng Nghĩa, Nguyễn Chánh Tín.
Ngoài ra, nhạc sĩ Ngọc Chánh cũng bắt đầu việc sản xuất băng nhạc từ những năm 1969 và vẫn lấy tên Trung tâm băng nhạc mới này là Shotguns. Tuy nhiên tác phẩm Shotguns đầu tay của Ngọc Chánh phát hành ngày 22 tháng 7 năm 1969 được thực hiện ở phòng thu Bùi Hữu Nghĩa trong Chợ Lớn lại thất bại khi ông lần đầu tiên bước chân vào lĩnh vực mới này. Với sản phẩm đầu tay này, Ngọc Chánh luôn tin tưởng rằng ông sẽ thành công bởi có trong tay ca sĩ Hùng Cường hát 5 ca khúc đang nổi lúc ấy, đó là Một Trăm Phần Trăm, Ông Lái Đò, Chiều Hoang Vắng, Kim, Đêm Trao Kỷ Niệm.. bên cạnh đó cuốn băng này còn có sự hiện diện của những giọng ca ăn khách thời đó như Thanh Tuyền, Duy Khánh, Ban Sao Băng, Mai Lệ Huyền, Lệ Thu, Giao Linh, Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm… thế nhưng chẳng hiểu sao, cuốn băng không gây được tiếng vang như nhạc sĩ Ngọc Chánh mong muốn.
Theo nhà báo Nguyễn Việt lý giải chuyện này như sau: “Giới thưởng thức âm nhạc thời bấy giờ rất kén nghe ca sĩ hát, và ca khúc thuộc dạng lãng mạn trữ tình hay dành cho “sến nương” trong một nhãn hiệu băng nhạc nào đó. Hai trường phái này luôn đối nghịch, nếu nhãn băng có những Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Thanh Lan… thì sẽ không có những Chế Linh, Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Chung Tử Lưu, Giang Tử, Duy Khánh v.v… Có các nhạc phẩm như Tình nhớ, Con thuyền không bến, Đêm đông, thì thường không nghe những bài thuộc dòng “nhạc sến” như Chuyện tình Lan và Điệp, Nhẫn cỏ cho em v.v… Khán thính giả đã phân chia các hạng bậc ca sĩ, nhạc phẩm như thế để thưởng thức nhằm thư giản tinh thần.
Cho nên khi Ngọc Chánh mở đầu cho nhãn hiệu băng nhạc Shotguns với bài “Một trăm phần trăm” do Hùng Cường hát, trong một cuốn băng có những giọng ca như Thanh Thúy, Thanh Lan, Xuân Sơn, Khánh Ly, Elvis Phương… đã không được giới thính giả chào đón, đi đến thất bại.”
Từ những kinh nghiệm của lần đầu tiên, ở các băng đĩa sau đó nhạc sĩ Ngọc Chánh đã rất thận trọng chọn lựa từ bài hát đến ca sĩ. Ông phát hành cuốn Shotguns 4 (không có sự xuất hiện của cuốn số 2 và 3 vì ông muốn tránh xa cuốn số 1 thất bại) và ở cuốn này đã được công chúng đón nhận, ông bán được nhiều, có lợi nhuận và có động lực để đầu tư tiếp. Cho đến cuốn Shotguns 6 là “Băng Vàng Shotguns” được phát hành năm 1970 đã thành công vang dội. Một tờ nhật báo bán chạy nhất vào thời bấy giờ đã viết đến kỹ thuật thu âm audio cao cấp của băng nhạc này, giới mộ điệu âm nhạc cũng bắt đầu chú ý và từ đó trở thành nhãn hiệu băng được mọi người tin cậy, bán chạy nhất lúc ấy.
Các băng nhạc Shotguns của Trung tâm băng nhạc Shotguns sản xuất được yêu thích và đánh giá cao vì có giá trị nghệ thuật lớn, bên cạnh đó phần hoà âm do nhạc sĩ Lê Văn Thiện hay Ngọc Chánh phụ trách hết sức độc đáo. Những băng nhạc Shotguns này có thể được xem là tiên phong trong việc tạo ra những sản phẩm âm nhạc có chất lượng tốt nhất thời đó.
Ngoài những băng nhạc chuyên về dòng nhạc trữ tình, tiền chiến với các giọng ca tuyệt đỉnh như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, … Nhạc sĩ ngọc Chánh còn tung ra thêm nhiều băng nhạc với những dòng nhạc khác nhau như băng Nhạc Trẻ, băng Siêu Âm, băng Chế Linh, băng Cải lương với nhãn hiệu Hồn Nước do soạn giả Viễn Châu phụ trách. Đối với các băng nhạc, Ngọc Chánh rất chau truốt, kĩ càng trong từng khâu sản xuất. Điển hình là dòng Nhạc trẻ, với những cuốn đầu tiên do Kỳ Phát chăm sóc, chọn bài, ca sĩ chủ lực trong những cuốn băng này là Elvis Phương, Thanh Lan, Minh Phúc & Minh Xuân, Bích Loan và CBC, Julie Quang, Cathy Huệ, Thái Hiền, Tuấn Ngọc, Thanh Mai,…
Từ năm 1971 -1975, thị trường băng nhạc xuất hiện loạt băng chủ đề Thanh Thuý (do ca sĩ Thanh Thuý thực hiện) rất được mọi người yêu thích và để tạo nên thành công của băng nhạc này không thể không nhắc đến nhạc sĩ Ngọc Chánh, người đã phụ trách phần thu thanh, hoà âm và ban nhạc.
Về sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Ngọc Chánh được người mến mộ biết đến qua 3 ca khúc bất hủ được ông viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy đó là Bao Giờ Biết Tương Tư, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Tuổi Biết Buồn (cả 3 bài đều do nhạc sĩ Ngọc Chánh viết nhạc, sau đó nhạc sĩ Phạm Duy viết lời).
Đối với ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư, ban đầu là bản nhạc nền của nhạc sĩ Ngọc Chánh viết cho phim “Điệu Ru Nước Mắt” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa năm 1970, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Duyên Anh. Sau khi phim được trình chiếu thành công, được đông đảo công chúng biết đến thì nhạc sĩ Ngọc Chánh đã nhờ nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời ca cho đoạn nhạc mà ông viết. Và từ đó ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư ra đời.
Hoàn cảnh ra đời của ca khúc Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang cũng tương tự như thế. Đây cũng là bài nhạc chính của cuốn phim cùng tên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh mang tên “Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang”.
Khác với hai ca khúc trước, Tuổi Biết Buồn được viết vào hoàn cảnh hoàn toàn khác. Đó là vào năm 1973, ban tổ chức đại hội nhạc quốc tế Yamaha tại Nhật Bản mời đoàn Việt Nam và trong đó có nhạc sĩ Phạm Duy. Ngay sau khi nhận được lời mời, nhạc sĩ Phạm Duy đã tìm gặp nhạc sĩ Ngọc Chánh và ngỏ ý muốn viết chung một ca khúc để gửi đi dự thi. Thế là nhạc sĩ Ngọc Chánh nhận viết nhạc, còn nhạc sĩ Phạm Duy viết lời. Sau khi hoàn thành, ca khúc mới đó được đặt tên là Tuổi Biết Buồn, tại Nhật Bản, ca khúc này qua tiếng hát của danh ca Thanh Lan đã vào đến vòng chung kết của đại hội âm nhạc Yamaha.
Sau sự kiện tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Ngọc Chánh nhận lời cộng tác với đoàn kịch Kim Cương.
Đến năm 1978, Ngọc Chánh cùng gia đình vượt biển đến đảo Pulau Tengah của Mã Lai. Tháng 4 năm 1979, gia đình ông đến Mỹ do nhà thờ bảo lãnh. Ở San Pedro được 1 tháng, thì gia đình ông dời lên thành phố Van Nuys cư ngụ khoảng 6 tháng. Cuối năm 1979, trong một dịp tình cờ nhạc sĩ Ngọc Chánh gặp lại Đinh Thành Châu – một thân hữu giờ làm chủ một nhà hàng tại San Jose muốn giao cho Ngọc Chánh làm vũ trường với tiền cho mướn chỉ có 2200$ một tháng.
Tháng 12 năm 1979 diễn ra đêm nhạc khai trương của nhạc sĩ Ngọc Chánh cùng ban nhạc Shotguns với tiếng hát Kim Anh (Mùa Thu Lá Bay), Huy Sinh, Hải Lý, Ánh Lệ, … đã thu hút giới thưởng ngoạn âm nhạc tại hải ngoại.
Từ 1980 – 1981 dù vô cùng bận rộn với công việc nhưng Ngọc Chánh vẫn dành thì gian để đi học chụp ảnh nghệ thuật với nhà nhiếp ảnh Trần Cao Lĩnh. Nhờ đó, ông đã có thêm một số kiến thức về nhiếp ảnh để những năm sau này, khi rời xa sân khấu phòng trà, vũ trường ông đã có thú vui chụp hình như một đam mê vào tuổi già của mình.
Năm 1983, đang sinh hoạt nhộn nhịp, thì vũ trường Ngọc Chánh Phụ trách bị cháy. Ông chuyển về Quận Cam mở vũ trường Ritz được sang lại từ nhạc sĩ Vô Thường. Sau 5 năm Ritz đã được mở rộng gấp nhiều lần sau 5 năm hoạt động, đó cũng là bệ phóng của hàng loạt ca sĩ thế hệ sau 1975 trở nên nổi tiếng như: Ngọc Lan, Ý Lan, Don Hồ, Lynda Trang Đài,…
Năm 1998, nhạc sĩ Ngọc Chánh quyết định giải nghệ và sang lại vũ trường Ritz cho ông Phương. Sau đó, nhạc sĩ Ngọc Chánh cùng vợ dành thời gian để đi du lịch rong chơi nhiều quốc gia và chơi các bộ môn thể thao tốt cho sức khoẻ.
Năm 2007, nhạc sĩ Ngọc Chánh bắt đầu bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, và nhiều lần ghi danh dự thi, ông cũng nhiều lần đoạt được những giải thưởng hạng nhất. Dưới đây là một số tác phẩm do nhạc sĩ Ngọc Chánh chụp được.