Số phận buồn thảm của nữ ca sĩ phòng trà nổi tiếng một thời ở Sài Gòn – Ca sĩ Huỳnh Ngọc Bình

Đăng ngày 31/08/2024

Từng là ca sĩ phòng trà xinh đẹp tại Sài Gòn thập niên 70 của thế kỷ trước, học trò của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Đỗ Lễ, Anh Bằng, Minh Kỳ… nhưng đám cưới năm 23 tuổi với người chồng cờ bạc, rượu chè đã khiến cuộc đời Huỳnh Ngọc Bình rẽ sang một bước ngoặt, đến mức từng bị chồng đánh đến sảy thai.

Hơn 1h sáng, những quán nhậu bình dân ở quận 12, TP HCM rục rịch đóng cửa. Lẫn trong tiếng chúc tụng rời rạc của những con người đã gần như kiệt sức vì uống, tiếng rao tẩm quất dạo khản đặc lẩn khuất trên đường… người ta vẫn nghe thánh thót một giọng hát cao vút:

“Nhưng năm tháng vô tình. Mà lòng người cũng vô tình. Rồi mộng úa thay màu xanh. Người yêu xa bến mộng. Đò xưa đã sang sông…” – Ca từ của cha con nhạc sĩ Anh Bằng – Trần Ngọc Sơn bỗng khắc khoải lạ thường, bởi dường như người đàn bà tóc tém đứng giữa quán nhậu bình dân ấy đang say mê hát cho chính mình, mặc kệ… mùi khét của nồi nước lèo đã cạn tới đáy, mùi bia rượu, mùi mồ hôi nhớp nháp… mùi của thành phố về đêm trong những quán nhậu nghèo…

Số phận buồn thảm của nữ ca sĩ phòng trà nổi tiếng một thời ở Sài Gòn

Bài hát kết thúc, những kẻ ngà ngà say nhưng yêu cái đẹp vẫn đủ tỉnh táo vuốt phẳng phiu tờ 20 ngàn, 50 ngàn… nhàu nhĩ trong túi quần, trang trọng cài vào cành hoa giả, tặng người vừa dùng lời ca để nói hộ nỗi lòng họ.Nhiều năm nay, giọng ca liêu trai, ăm ắp cảm xúc của người đàn bà ấy luôn khiến khách nhậu tê tái mỗi khi bà cất giọng với những ca khúc tiếng Anh thập niên 80 hoặc ca từ của Trịnh, của Ngô Thụy Miên, Lam Phương… Bài nào cũng khắc khoải, đau đáu như thể bà hát cho lần cuối cùng được hát dù chỉ là đứng giữa một sân khấu không thể nghèo nàn, đơn giản hơn…

Kết thúc một đêm mệt nhoài, người đàn bà nổ máy chiếc xe Honda cũ kỹ, từ từ chạy về nhà, dưới ánh đèn đường hiu hắt. Trút bỏ lớp phấn son, bà đặt lưng xuống tấm đệm trải vội trên sàn nhà, ngủ một giấc an bình, để rồi sáng sớm hôm sau lại tất bật từ chùa này qua chùa kia làm công quả…

Đó là một ngày giản dị nhất trong chuỗi ngày tất bật đầy sóng gió của nữ ca sĩ phòng trà một thời nổi danh Sài Gòn Huỳnh Ngọc Bình.

Chừng đó khán giả bình dân ở những quán nhậu quận 12 sẽ không biết bà từng có một quá khứ huy hoàng nếu như một ngày không coi tivi và thấy bà tỏa sáng với cái tên mĩ miều do các danh ca nổi tiếng đặt cho: “Susan Boyle Việt Nam”.

Hình ảnh "xưa và nay" của các ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng trước 1975 (Phần 1)

Lớn tuổi nhất trong số các thí sinh của cuộc thi “Ai sẽ thành sao” phát trên Đài Truyền hình Vĩnh Long, lại hoàn toàn không có lợi thế về hình thể, nhưng với giọng hát cao, ấm và đầy nội lực, người phụ nữ này đã khiến ca sĩ Phương Thanh và Minh Tuyết phải cúi đầu thán phục và giành giật bà về đội của mình.

“Đêm nào khách boa nhiều, tôi cũng được vài trăm đến một triệu cầm về, chưa kể tiền phải chia với ban nhạc. Tuy nhiên, không phải đêm nào, khách cũng boa nhiều như vậy. Dù sao tôi vẫn thấy vui vì vừa thỏa mãn đam mê ca hát, vừa có thu nhập, không phải phụ thuộc vào con cháu” – Ca sĩ 64 tuổi cất giọng chậm rãi trước khi lần giở từng trang đời đẫm nước mắt của mình

Lấy nhầm chồng và chuỗi ngày mưu sinh cay đắng

Ngọc Bình sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Sài Gòn. Sở hữu nhan sắc xinh đẹp và giọng ca cao vút, Bình được cha mẹ gửi đi học nhạc tại lớp luyện thanh của những nhạc sĩ nổi tiếng như Đỗ Lễ, Anh Bằng, Minh Kỳ, là bạn đồng môn của những ca sĩ nổi tiếng Hương Lan.

Những năm đầu thập kỷ 70, ở tuổi 17, Ngọc Bình đã hát tại những phòng trà nổi tiếng Sài Gòn như Victoria, Gió Chiều… đứng chung sân khấu với các đàn chị Giao Linh, Phương Dung. Thân hình nhỏ bé, sở hữu đôi mắt to tròn, lại hát được nhạc ngoại, cô ca sĩ trẻ được nhiều người theo đuổi.

“Tuy nhiên, lúc đó tôi còn rất trẻ, còn sợ hãi nhiều thứ. Tôi chỉ biết đi hát và về nhà, đưa tiền cho cha mẹ, không hề dám nghĩ đến chuyện yêu đương. Đời ca sĩ ngắn ngủi, tôi chỉ sợ nếu lập gia đình sớm, sẽ không được đi hát, không được sống với đam mê của mình…” – Ngọc Bình nhớ lại tuổi trẻ.Sau năm 1975, Ngọc Bình theo gia đình từ TP HCM lên tỉnh Sông Bé cũ (bao gồm Bình Dương – Bình Phước hiện nay) làm kinh tế mới. Biến cố cuộc đời khởi đầu từ đây khi bà kết duyên với người chồng mà bản thân không hề yêu thương.

“Năm đó tôi 23 tuổi, là đội trưởng đội văn nghệ, ông ấy là đội trưởng đội sản xuất. Ngày ấy mỗi lần nghe tôi hát, ông ấy đều nói với bạn bè: “Tôi mà có vợ ca sĩ, ngày tôi đánh mấy trận”.

Vậy mà vài tháng sau, chính người bạn đó dắt anh ấy đến gặp mẹ tôi, hỏi cưới tôi trong lúc tôi đi vắng. Khi sự việc vỡ lở, anh năn nỉ xin tôi chấp nhận vì mẹ anh đã lên tận đây hỏi cưới, anh không muốn bà bị mất mặt” – Nữ ca sĩ nhớ lại lần nên duyên định mệnh của mình.

Sau đám cưới là những chuỗi ngày ê chề của người vợ trẻ. Vốn là công tử con nhà giàu chỉ quen hưởng thụ, người chồng phó mặc chuyện kiếm ăn, chăm mẹ già, con dại cho vợ, chạy theo những cuộc vui bất tận.

Ngày mang thai ba tháng, nhà tranh bị tốc mái vào mùa mưa, chờ mãi chồng không sửa, bà đành vác bụng bầu leo lên xốc mái trong sự xót xa của hàng xóm.

“Nếu chưa sinh con thì không sao. Giờ có con chung rồi mà chồng mải chơi thì mình đành chấp nhận, phải tự đem thân ra mà gánh vác. Tôi chính thức bỏ nghề, vi phạm lời hứa với Tổ, không dám đi hát trở lại” – Ngọc Bình lý giải cho việc chấp nhận chung sống 30 năm với người đã gây biết bao đau khổ cho cuộc đời mình.

Từ một ca sĩ phòng trà nổi tiếng, bà làm đủ nghề để có tiền nuôi con khi cả gia đình chuyển lại về TP HCM, từ làm hương, bán vé số, buôn ve chai…

“Sở dĩ tôi bỏ không bán vé số để xoay ra bán ve chai vì tủi thân. Có lần tôi mời một cậu trai trẻ mua, tưởng cậu ta không nghe thấy tôi mời hoài, cuối cùng cậu ta la tôi: lỳ như trâu. Chỉ vì câu nói đó thôi, tôi ra về nước mắt giàn giụa, quyết định bỏ nghề bán vé số”, bà Ngọc Bình kể.

Cái khó ló cái khôn, khi buôn ve chai, bà dỡ chiếc tủ quần áo hỏng, nhờ ông anh chồng hàn gắn thêm hai cái bánh xe và tay kéo, làm thành một chiếc xe chở ve chai kéo đi khắp thành phố. Trong khi đó, người chồng vẫn triền miên trong rượu chè, say xỉn rồi về đánh chửi vợBuôn bán khó khăn, bà vẫn lén chồng thi thoảng đi hát kiếm thêm

“Ổng thấy tôi đi hát ổng lén đi theo. Tôi hát một đêm hai bài được 50 ngàn thì ổng uống ba lon bia hết 38 ngàn, tôi còn có 11 ngàn mang về. Tôi bất lực, chỉ biết tự an ủi kiếp trước chắc mình nợ người này quá nhiều” – bà chia sẻ.

Gom góp được chút vốn, bà dành dụm từng đồng, mua cho con trai từ cái ốc vít, đến cái kìm, cái cờ lê… từ từ tích cóp thành một thùng đồ nghề để làm nghề sửa xe. Vậy mà người chồng vẫn lén lấy trộm mang đi bán để có tiền uống rượu… Đỉnh điểm là một lần bà mang thai, ông đá vợ đến sảy thai khiến bà đưa ra quyết định ly hôn sau nhiều năm chịu đựng.

Tuy nhiên, sau ly hôn, ông vẫn tiếp tục hành hạ, tra tấn bà cả thể xác và tinh thần. Nữ ca sĩ vẫn kiên nhẫn chịu đựng cho đến khi chồng qua đời – thời gian ê chề “cơm nguội thiu nấu lại thành cháo để ăn” đó của Ngọc Bình kéo dài chẵn 30 năm.

Ba đứa con mỗi ngày mỗi lớn, chạy ngược chạy xuôi lo liệu rồi cuộc sống cũng đâu vào đó. Con gái lớn lấy chồng xa, con trai sửa xe honda rồi cũng lập gia đình, chỉ còn con gái út làm thợ may hiện đang sống cùng mẹ.

Ở tuổi 64, nỗi đau đáu lớn nhất của cuộc đời người đàn bà hát, nghe chua xót biết bao. Bà bảo sống gần hết cuộc đời, bà chưa hề biết thế nào là tình yêu thật sự.

“Nhiều lúc đứng hát trên sân khấu mà tôi buồn lắm, hát như khóc cho mình. Vì tôi muốn có một tình yêu, một hạnh phúc như những ai kia mà sao tôi không có.

Cũng có nhiều đàn ông đến với tôi, nhưng tôi không dám mở lòng bởi đời tôi đã tan nát rồi, tôi không muốn mạo hiểm dấn bước vì muốn giữ cuộc sống yên bình cho những đứa con” – Ngọc Bình ngậm ngùi tâm sự.

Nhìn lại cuộc đời mình, bà không oán hờn, chỉ bảo: “Kiếp cầm ca nó vậy, giờ đã lo cho các con xong, tôi mãn nguyện rồi, thời gian còn lại dành cho việc đi hát cho thỏa đam mê, lấy tiếng hát của mình làm phương tiện quyên góp tiền, vật phẩm từ thiện. Nếu may mắn, tôi vẫn mong gặp được người đàn ông chân thành, trung thực và cảm thông với mình”.

Mắt ngân ngấn nước, bà Ngọc Bình hát lại “Hạnh phúc lang thang” để tạm khép câu chuyện của mình. Sài Gòn bắt đầu những cơn mưa đầu mùa, như mọi đêm, bà lại rời quán nhậu nghèo trong ánh đèn đường nhập nhòa.

Trong cơn mưa trút vội xuống thành phố đêm nay, tôi chỉ còn nhớ những lời cuối cùng của bà: “Giờ cô cũng chỉ ao ước có một gia đình, một hạnh phúc để biết thế nào là được yêu thương thật sự”.

Theo CAND