Cách đây hơn 40 năm trên các sân khấu cải lương, Bạch Tuyết và Hùng Cường đã nên hiệu ứng cặp đôi ‘sóng thần’ tung hoành ngang dọc. Trong bức tâm thư chia sẻ vào ngày 20.10, NSND Bạch Tuyết đã tiết lộ bí mật cách đây hơn 40 năm vào trước ngày cố nghệ sĩ Hùng Cường rời Việt Nam.
Vừa qua trên trang cá nhân, NSND Bạch Tuyết đã có những chia sẻ hết sức cảm động qua bức tâm thư Tản mạn về 20/10. Là một tên tuổi lớn của sân khấu cải lương suốt hơn nửa thế kỷ qua, NSND Bạch Tuyết đã được công chúng ưu ái và trân trọng gọi bằng danh xưng vô cùng cao quý: “Cải lương chi bảo”.
Trong suốt cuộc đời ca hát đầy vinh hiển, dường như với NSND Bạch Tuyết, khán giả lúc nào cũng nhìn thấy ở đó là liên tiếp những thành công, từ hàng loạt các vai diễn đình đám cho đến việc tốt nghiệp Tiến sĩ về nghệ thuật cải lương ở nước ngoài đầy danh giá. Thế nhưng, ít ai biết rằng đằng sau những hào quang của ánh đèn sân khấu ấy, đã có một khoảng thời gian “Bà hoàng của sân khấu cải lương” vô cùng hụt hẫng khi mất đi người tri kỷ, bạn tâm giao trên sân khấu – cố nghệ sĩ Hùng Cường.
Tại một đêm diễn của Phụng Hoàng Bang, MC Trác Thúy Miêu đã từng sánh ví sự “mất mát” ấy giống tựa việc Thái hậu Dương Vân Nga phải biệt ly với hoàng đế Đinh Tiên Hoàng. Nhưng chính từ trong sâu thẳm của nỗi niềm chia ly, mà hôm nay sân khấu cải lương và khán giả mới có được một giọng ca đầy nỗi niềm, đầy tự sự của một NSND Bạch Tuyết tài hoa.
Bằng sự từng trải ở tuổi hơn 70, NSND Bạch Tuyết hơn ai hết là người chứng kiến từng bước thăng trầm của sân khấu. Cũng như biết bao lần cô đã phải lắng lòng mình để tiễn đưa đồng nghiệp về cõi vĩnh hằng. Những người nghệ sĩ ấy có khi là những bậc tiền bối như: cố nghệ sĩ Năm Châu, cố nghệ sĩ Phùng Há… Có khi là những nghệ sĩ cùng thời như cố nghệ sĩ Ánh Hoa, cố nghệ sĩ Tấn Tài… Và kể cả những gần đây nhất là những nghệ sĩ thế hệ kế cận như: cố nghệ sĩ Chí Tài, Phi Nhung…
Từng đứng chung sân khấu và tạo thành cặp đôi “sóng thần” nổi danh một thời, NSND Bạch Tuyết thấu tỏ sự mất mát vô tận khi mất đi những “bạn diễn ăn ý” của Hoài Linh và Mạnh Quỳnh.
Qua đó, cô chia sẻ tâm sự của riêng mình về cố nghệ sĩ Hùng Cường: “Ngày hay tin anh Hùng Cường mất, tim tôi như thắt lại, ‘Tôi cảm thấy đời đi hát của mình như chấp dứt rồi’. Vì lúc đó còn nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, nên đám tang của anh lặng lẽ như chính cái ngày anh rời Việt Nam sang đất Hoa Kỳ, chỉ lặng lẽ chào nhau sau cuộc gọi năm 1978 ‘Tuyết ơi! Em phải diễn thay cho anh, em phải trả ơn khán giả… Anh mãi mãi là nghệ sĩ Việt Nam…’ lời nói đó cứ ở mãi trong trí nhớ tôi suốt 43 năm qua”.
Không chỉ về cố nghệ sĩ Hùng Cường, NSND Bạch Tuyết như đã bày tỏ hết lòng mình về người phụ nữ Việt Nam: “Ngày 20/10 nhớ về những người mẹ, những người bà, những người con gái… Nhớ hết những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam… Luôn cất mãi những đức tính tốt đó làm hành trang đi vào đời! Chân thật với cuộc đời, yêu thương bao dung mọi người, sống hết lòng với người thương, chan hòa trong từng hơi thở! Đó là những lời “kinh – đạo” tuyệt diệu của kiếp người…”.
Sáu mươi năm đứng trên sân khấu, NSND Bạch Tuyết không chỉ biến hóa qua các nhân vật với đầy đủ hỷ – nộ – ái – ố qua tài năng ca diễn của mình. Chính cô cũng là người đã cùng sân khấu, cùng khán giả đi qua những biến chuyển của thời cuộc. Hẳn rằng đằng sau những trải nghiệm ấy, hơn ai hết cô sẽ có cho riêng mình những cảm nhận và đánh giá đầy khách quan về chuyện đời, chuyện nghề.
Nhân ngày 20/10, cầu chúc NSND Bạch Tuyết luôn tràn đầy năng lượng sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật dân tộc. Tin chắc rằng, chỉ cần vẫn được nhìn thấy cô trên sân khấu thì dù khán giả cao niên hay trẻ tuổi vẫn sẽ luôn ở đó, dõi theo và ủng hộ. Bởi chính cô – NSND Bạch Tuyết là một “tượng đài” uy nghiêm của sân khấu cải lương.
- Cuộc đời u buồn của nàng tiên Giáng Hương qua nhạc khúc “Cành hoa trắng”
- Danh sách các rạp chiếu bóng của Saigon xưa trước những năm 1975
- Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với ca khúc “Tàu Về Quê Ngoại” đưa ta trở về với miền ký ức tuổi thơ, dạt dào tình yêu quê hương đất nước.
- “Phượng Buồn” (Lê Kim Khánh & Tuấn Hải)
- Hồi ức về thập niên 1920 qua những hình ảnh sản xuất lúa gạo của người Việt xưa