Lam Phương – Nhạc sĩ tài hoa nhưng lận đận trong tình duyên và sự nghiệp

Đăng ngày 20/07/2024

Lam Phương – người nhạc sĩ tài hoa, tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam, với hơn 200 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, nhiều nội dung khác nhau, có thể nói ông đã dùng cả cuộc đời của mình để gắn bó với âm nhạc và quê hương bên cạnh những bài ca về tình yêu đặc sắc khác. Những ca khúc để đời của ông như: Kiếp nghèo, Đèn khuya, Ngày hạnh phúc, Chuyến đò vĩ tuyến, Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Thành phố buồn,.. cho đến ngày nay vẫn được khán thính giả yêu mến và được nhiều ca sĩ trình bày.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, ông sinh 20/03/1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá ( hiện nay là thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) trong một gia đình có 6 anh em, và theo cách gọi miền Nam thì Lâm Đình Phùng là anh hai, tức là con trai lớn trong nhà. Cha của Lam Phương là ông Lâm Đình Chất gốc hoa, mẹ là bà Trần Thị Nho, một thôn nữ nghèo. Ông trải qua một tuổi thơ đầy đau buồn và bất hạnh. Nhà nghèo, cha ông không chịu được cảnh cơ cực và phải lòng người phụ nữ khác nên đã đi theo tiếng gọi của tình yêu mới, bỏ lại 6 đứa con thơ dại cho người vợ không nghề nghiệp ổn định chăm nom. Thiếu đi trụ cột của gia đình, mẹ của ông một mình đầu tắt mặt tối, tất tả ngược xui trên sông, lúc làm mướn, khi thì bán buôn để kiếm tiền nuôi bầy con còn thơ dại. Bởi vậy trong tâm trí ông, luôn hiện hữu hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó, luôn gánh vác mọi việc để lo cho các con. Sau này trong một bài phỏng vấn ông từng chia sẻ: “ Tôi thương má tôi lắm! Má tôi mơ ước cái nhà che nắng mưa. Chỉ có vậy mà tôi làm cật lực, làm chết bỏ để có tiền mua nhà cho má”. Người mẹ tảo tần giữa buổi loạn ly vẫn không lo được đầy đủ những bữa no cho các con, nói chi cho con đặt chân đến những ngôi trường Tây trong vùng. Vì vậy, dù rất khát khao được đi học nhưng Lam Phương cùng các em khó lòng được thỏa nguyện. May sao ông được một người dượng phía ngoại là thầy giáo Phan Văn Mỹ từng dạy tại trường Tiểu học Vĩnh Lạc, Rạch Gía đã bảo bọc, lo cho ông đi học để “ đặng biết đọc biết viết với thiên hạ”. Chính nhờ vậy mà ông mới có thể học chữ một cách bài bản.

Về một quãng đời thăng trầm của nhạc sĩ Lam Phương sau năm 1975

Năm 10 tuổi, ông được mẹ gửi lên Sài Gòn, nương nhờ ở nhà bác ruột để được tiếp tục đi học và sớm có thể kiếm tiền phụ giúp gia đình, đỡ đần cho mẹ. Ngoài giờ đến trường, ông thường lân la các lớp dạy nhạc để nghe trộm những thanh âm luôn khiến ông bị cuốn hút. Niềm đam mê thực sự với âm nhạc của ông đã khiến một người thầy dạy nhạc thương cảm và đã cho ông được học miễn phí. Không phụ sự chỉ bảo tận tình và sự kỳ vọng của người truyền nghề nhân hậu, Lam Phương tiếp thu rất nhanh, không chỉ chơi đàn điệu nghệ mà còn tập tành sáng tác. Ngoài ra, ông còn may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương chỉ dẫn.

Năm 15 tuổi, ông viết ca khúc đầu tay “Chiều thu ấy” và lấy bút danh là Lam Phương. Bút danh Lam Phương là do ông lấy từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng”. Ca khúc được bạn bè tán thưởng, nhưng Lam Phương vẫn chưa biết cách đưa sáng tác của mình ra công chúng. Sau nhiều lần suy nghĩ đắn đo, Lam Phương quyết định vay tiền để in ca khúc “Chiều thu ấy” dưới dạng những tờ nhạc và ông mang đi bán dạo. Nhưng không ai ủng hộ một kẻ còn vô danh, Lam Phương thua lỗ nặng. Không nản chí, ông tiếp tục vay tiền để in những ca khúc mới của mình. Mãi đến năm 1954, ca khúc “Khúc ca ngày mùa” ra đời, lúc này bài hát do ông sáng tác mới thực sự tạo được tiếng vang, giúp Lam Phương thanh toán hết nợ nần. Bài hát “Khúc ca ngày mùa” còn được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa.

Cũng trong năm 1954, ông nổi danh với bài hát “Kiếp nghèo”. Lần đầu tiên nghe bài “ Kiếp nghèo” của Lam Phương, thế hệ nhạc sĩ đàn em và cũng là học trò của nhạc sĩ Lê Thương đã phải thốt lên trầm trồ “ Người ta chỉ có thể dạy nhau kỹ thuật âm nhạc. Không ai có thể dạy nhau nghệ thuật sáng tác được. Cảm xúc mới là thứ quan trọng nhất để làm nên bản nhạc”. Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc “ Kiếp nghèo” nhạc sĩ Lam Phương chia sẻ: “ Tôi viết Kiếp nghèo trong hoàn cảnh hoàn toàn thật của tôi lúc đó. Viết bằng rung động chân thành, và lần đầu tiên tôi viết bài Kiếp nghèo bằng những dòng nước mắt …Lúc đó tôi còn trẻ lắm, khoảng 1954, sau khi tôi bán được bài Trăng thanh bình đầu năm 1953, tôi đã dành được một số tiền, mua một chiếc xe đạp để di chuyển đến trường.  Nhà tôi ở Đakao. Thường thường, muốn về Đakao phải đi qua con đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) con đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Khoảng ngang trường Gia Long không có một căn nhà nào… Đêm đó tôi chẳng may gặp một trận mưa rất to, không có nơi để trú mưa, đành phải đi dưới mưa để “tìm thú đau thương”. Lúc đó tôi thấy mình thật cô đơn, bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi đến khi về nhà, không kịp thay quần áo, tôi ôm cây đàn và cứ thế viết về kiếp nghèo, về phận bạc của mình”.

Lam Phương mất một tuần để chỉnh sửa lời và giai điệu cho bài hát này trước khi công bố ra công chúng qua nhà xuất bản Tinh hoa miền nam. Trong giai đoạn này ông còn tung ra các ca khúc khác như:  Nhạc Rừng Khuya, Khúc Ca Ngày Mưa, Đoàn người lữ thứ, Nắng Đẹp Miền Nam v.v…

Về Nhạc Sĩ Lam Phương Và Kịch Sĩ Túy Hồng – Nhạc Vàng

Năm 1958, Lam Phương nhập ngũ. Thời ấy, thanh niên đi quân dịch chỉ có một năm bởi vì nghĩa vụ quân sự trong thời bình. Tại quân trường, ông viết “Bức Tâm Thư”, hô hào thanh niên sốt sắng đi quân dịch. Ngày ra quân ngũ, ông sáng tác thêm 2 bản nhạc nổi tiếng khác là “Tình Anh Lính Chiến” và “Chiều Hành Quân”.

Khi trở về đời sống dân sự, Lam Phương tiếp tục sáng tác và tự xuất bản các tác phẩm của mình. Nhạc của ông có sức phổ biến rộng rãi, là một trong những nhạc sĩ thành công nhất ở miền Nam lúc bấy giờ.

Cũng trong thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Duy đang phụ trách trung tâm Quốc Gia Điện Ảnh, nghe tiếng Lam Phương, Phạm Duy gọi ông đến và giới thiệu với đạo diễn Lưu Bạch Đàn để Lam Phương đóng vai chính trong phim “Chân Trời Mới” bên cạnh nữ tài tử Mai Ly và kịch sĩ lão thành Vũ Huân. Ngoài ra ông còn tham gia thêm bộ phim “ Niềm tin mới”.

Khi tên tuổi Lam Phương được hầu hết mọi người biết đến và khi đã có sự nghiệp vững chắc, ông lập gia đình với kịch sĩ – ca sĩ Túy Hồng. Thời gian đó, ông cho ra đời nhiều tác phẩm vui tươi điển hình nhất là ca khúc “Ngày hạnh phúc”. Bài hát được chọn làm nhạc hiệu của Chương Trình Gia Binh thuộc Đài Phát Thanh Quân đội và được người dân hát rất nhiều trong các đám cưới. Cũng từ đó ông đảm trách thêm công việc viết nhạc nền cho ban kịch Sống – Túy Hồng, hàng loạt ca khúc đặc sắc ra đời như: Thu Sầu, Nghẹn Ngào, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Phút Cuối, Ngày Buồn v.v…

Khi tình hình chiến sự miền Nam phức tạp, Lam Phương được gọi tái ngũ. Ông trở lại quân doanh và gia nhập Ban Văn Nghệ Bảo An (Địa Phương Quân). Sau khi ban này giải tán, ông chuyển qua ban văn nghệ Hoa Tình Thương. Rồi Hoa Tình Thương sau cũng giải tán và biến thành Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, nơi Lam Phương cộng tác cho đến ngày Sài Gòn thất thủ.

Trong khoảng thời gian này, Lam Phương sáng tác nhiều thể loại rất phong phú, đặc biệt hầu hết các ca khúc mà ông đưa ra đều được công chúng đón nhận nồng nhiêt, điển hình như: Chờ Người, Tình Bơ Vơ, Duyên Kiếp, Thành Phố Buồn, Tình Chết Theo Mùa Đông v.v… giúp ông trở thành một nhạc sĩ thành công nhất Việt Nam về mặt tài chính.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình lên tàu Trường Xuân để di cư sang hải ngoại, nhưng do không chuẩn bị trước nên ông không kịp mang theo tài sản gì. Ông đến định cư tại Virginia, Hoa Kỳ, sau đó lại chuyển về Texas, rồi California.

Những bóng hồng trong cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương

Công việc đầu tiên ông làm khi sang hải ngoại là lau sàn nhà và cọ cầu tiêu trong hãng Sears! Rồi chuyển sang làm thợ mài, thợ tiện, bus boy. Tuy vậy, nhưng cứ mỗi cuối tuần ông vẫn cố gắng thuê một nhà hàng, biến thành phòng trà ca nhạc để đồng hương có chỗ gặp mặt và để chính ông cùng Túy Hồng đỡ nhớ sân khấu. Nghề này, kiếm tiền không có bao nhiêu mà còn sau một khoảng thời gian ngắn, ông phát hiện ra người bạn đời không còn thủy chung với ông nữa. Ông cay đắng cố gắng hàn gắn nhưng không được. Ông biết rõ cái thế của ông đã mất hẳn từ khi sang hải ngoại, bởi tiền bạc, danh vọng đều chỉ còn là quá khứ. Nỗi đau của cuộc tình tan vỡ trên đất khách đã trở thành nguồn động lực khiến ông sáng tác ra các bản nhạc rất bi thương như: Điên, Mất, Tiếc…, trong đó có một bài nổi tiếng nhất là ca khúc mang tên “Lầm” : “Anh đã lầm đưa em sang đây. Để đêm trường nghe tiếng thở dài. Thà cuộc đời im trong lòng đất…”

Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, Lam Phương rời Hoa Kỳ sang Paris, xin vào làm công việc đóng gói quét dọn cho một tiệm tạp hóa. Cũng tại đây, ông gặp lại ông bà Tô Văn Lai, chủ nhân Trung tâm băng nhạc Thúy Nga, vốn đã quen biết với ông lúc còn ở Sài Gòn từ trước năm 1975. Tuy nhiên lúc ấy Thúy Nga cũng còn quá nghèo, chỉ sang lại những băng cũ mang theo từ Việt Nam, nên không có việc gì cho Lam Phương làm.

Ông lại tiếp tục lầm lũi sống cho qua ngày ở Paris, mãi cho đến khi ông bất ngờ có một tình cảm mới. Một người phụ nữ rất đẹp đã đến với trái tim ông, giúp ông xóa đi những ngày tháng tăm tối vừa qua. Nhờ ngã rẽ ấy, ông lại có cảm hứng sáng tác ra một loạt ca khúc chan hòa niềm vui như: Mùa Thu Yêu Đương, Tình Hồng Paris, Tình Đẹp Như Mơ, và nhất là Bài Tango Cho Em. Tuy nhiên cuộc tình này cũng không đi đến đâu, nên ông viết “Tình vẫn chưa yên’.

Cũng trong thời gian tạm cư ở Paris, ông cho ra đời 3 ca khúc vô cùng nổi tiếng khác mà đến nay nhiều khán thính giả vẫn thích nghe đó là: Cho em quên tuổi ngọc, Em đi rồi, Một mình.

Sang thập niên 1990, Trung tâm Thúy Nga mới tương đối vững vàng ở Paris lẫn Cali sau khi sản xuất thành công một loạt video tuồng cải lương và các chương trình Paris By Night bắt đầu từ năm 1983. Lúc đó, Thúy Nga mới quyết định thực hiện một cuốn Paris By Night chủ đề nhạc Lam Phương.

Trung tâm Thúy Nga, đã thực hiện 4 chương trình vinh danh nhạc sĩ Lam Phương bao gồm:

Paris By Night 22: 40 Năm âm nhạc Lam Phương

Paris By Night 28: Lam Phương 2 – Dòng nhạc tiếp nối – Sacrée Soirée 3

Paris By Night 88: Lam Phương – Đường về quê hương

Paris By Night 102: Nhạc yêu cầu – Tình ca Lam Phương

Trung tâm Asia cũng đã thực hiện 1 chương trình vinh danh nhạc sĩ Lam Phương đó là:

Asia 77: Dòng Nhạc Anh Bằng & Lam Phương (cùng với nhạc sĩ Anh Bằng)

Nhạc sĩ Lam Phương - con người của những bình dị, cô đơn và đậm chất tình

Nhiều ca sĩ cũng đã thực hiện album chủ đề nhạc Lam Phương như: Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa Mi, Ý Lan, Hạ Vy, Ngọc Anh…

Năm 2016, trong chương trình “Âm nhạc 168” trên kênh VOV3 của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Lam Phương đã được giới thiệu cùng với ca khúc nổi tiếng “Thành phố buồn” với những lời lẽ hết sức trân trọng: “Nhạc sĩ Lam Phương: 64 năm tận hiến cho âm nhạc”.

Năm 2018, dự án do ca sĩ hải ngoại Hoàng Hiệp cùng nhóm bạn tại Mỹ khởi xướng mang tên “Lam Phương – The Gift (Món quà)” được giới thiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có sự góp mặt của ca sĩ Phạm Quỳnh Anh, cô xuất hiện xuyên suốt các tập. Nhạc sĩ Lam Phương cũng có mặt để động viên tinh thần các ca sĩ và ban nhạc trong một vài tập. Dự án này được phát vào tối thứ bảy hàng tuần trên YouTube từ ngày 18 tháng 8.

Năm 2019, cuốn sách  Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương viết về cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Lam Phương, do nhà báo Nguyễn Thanh Nhã chấp bút, qua nguồn tư liệu từ gia đình nhạc sĩ được Phanbook – NXB Phụ Nữ phát hành.