Trần Quang là một trong những tài tử nổi tiếng bậc nhất làng phim miền Nam trước năm 1975. Với vóc dáng cao lớn, vẻ ngoài phong trần lãng tử, đôi mắt đa tình, hàm râu nam tính cùng tài năng diễn xuất đáng nể, ông đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem qua các vai diễn của mình.
Ban đầu, khi mới vào nghề diễn xuất, Trần Quang vốn là một diễn viên kịch nói, ông từng đỗ thủ khoa trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn khóa 1 năm 1963. Nhưng sau khi bén duyên với phim ảnh, Trần Quang ngay lập tức trở thành một tên tuổi lớn của làng điện ảnh miền Nam với các vai diễn đa dạng luôn tạo cho người xem sự cuốn hút trong mỗi vai diễn của mình. Trong hơn 10 năm tham gia đóng phim, tính đến năm 1975, Trần Quang tham gia khoảng 40 phim, trong đó ông đóng gần 20 vai chính. Ông đã đóng chung với nhiều diễn viên ăn khách nhất thời bấy giờ như: Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kiều Chinh, Bạch Tuyết, Phương Thanh, La Thoại Tân,…
Những năm thập niên 1960-1975, Trần Quang nổi danh với các vai diễn giang hồ, tài tử trong các bộ phim nổi tiếng như: Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Long Hổ Sát Đấu, Điệu Ru Nước Mắt, Như Hạt Mưa Sa,… Đó đều là những bộ phim từng làm mưa làm gió trên các rạp chiếu bóng với những nhân vật có thật như Đại CaThay, James Dean Hùng, Hoàng Ghita, Tín Mã Nàm,…
Sau năm 1975, ông lại tiếp tục hoạt động diễn xuất của mình qua các vai diễn ấn tượng trong các bộ phim như: Cô Nhíp, Cầu Rạch Chiếc, Tội Lỗi Cuối Cùng, Con Thú Tật Nguyền,…
Nghệ sĩ Trần Quang được sinh ra trong một gia đình dòng dõi danh giá. Ông là người gốc bắc, ông nội ông là một nhà nho, còn cha là nhà ngoại giao nên thường xuyên làm việc tại nước ngoài. Năm 1942, cha mẹ ông đang ở Lào nên sinh ông ra tại đó, vài năm sau cha ông lại chuyển công tác sang Thái Lan nên từ nhỏ Trần Quang chỉ nói tiếng Anh và tiếng Thái. Vì sợ con trai không nói được tiếng Việt nên cha mẹ ông đã gửi ông về ở với chú ruột tại Sài Gòn để có thể tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Việt. Khi về Việt Nam, Trần Quang được khai sinh lại thành năm 1944 để vào học lại lớp 4, là được học tiếng Pháp bên cạnh tiếng Việt, nhưng đó đều là 2 ngôn ngữ mới nên ông nói rất ngọng nghịu, không được trôi chảy. Ông quyết định bỏ học và nhờ chú thuê thầy về nhà dạy riêng.
Sau khi lấy tú tài xong, cha ông muốn ông theo ngành của mình để nối nghiệp, nhưng Trần Quang lại yêu thích nghệ thuật vì thế không muốn theo ngành của cha mà quyết định thi vào khoa kịch nghệ Trường Quốc Gia Âm Nhạc Việt Nam.
Năm 1963, Trần Quang tốt nghiệp thủ khoa khoa kịch nghệ nhờ diễn 2 vai kinh điển của sân khấu là Hamlet và Thành Cát Tư Hãn (của tác giả Vũ Khắc Khoan), sau đó ông được bạn bè trong khóa gọi bằng cái tên Đại Hãn thay vì gọi tên thật.
Sau khi ra trường, Trần Quang tham gia đóng vai phụ trong phim Phản Bội và đóng một vài vai kịch nhưng không quá nổi bật vì thế không được chú ý đến. Do đó ngoài đi diễn, ông còn kiếm thêm thu nhập bằng nghề hướng dẫn viên cho công ty du lịch nhờ khả năng ngoại ngữ tốt.
Đến năm 1965, Trần Quang đăng ký khóa thông dịch viên cho quân đội Mỹ. Năm 1968, cơ duyên tới, Trần Quang gặp được đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc và được ông mời ký hợp đồng đóng phim. Trước đó vị đạo diễn nổi tiếng này đã từng xem Trần Quang đóng 2 vai diễn khi tốt nghiệp và đã rất ấn tượng với người sinh viên trẻ này. Thế nên khi có dự án phim mới, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc đã quyết đi tìm bằng được để mời đóng trong cuốn phim mà ông đang chuẩn bị thực hiện là “Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương”, với giá cát sê là 20.000 đồng. Với gương mặt điển trai cùng diễn xuất tự nhiên, Trần Quang đã hoàn thành vai diễn thành công và được các đạo diễn khác để ý tới và muốn mời ông hợp tác.
Năm 1969, Trần Quang tiếp tục nhận lời đóng phim “Nàng” với diễn viên chính là Thẩm Thuý Hằng và La Thoại Tân. Tuy ông chỉ diễn vai phụ nhưng diễn xuất của ông đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả và được đánh giá cao với lối diễn xuất thông minh cùng ngoại hình sáng.Đến năm 1970, Trần Quang tham gia bộ phim “Điệu Ru Nước Mắt” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Duyên Anh, trong bộ phim này ông vào vai James Dean Hùng hay còn gọi là “Hùng đầu bò” vốn là một tri thức cũ, lãng tử, thích ngao du theo Đại Cathay bởi cái khí khái của con người này, sau khi hoà bình lập lại, ông “rửa tay gác kiếm” trở thành một ký giả nổi tiếng.
Sau thành công của bộ phim “Điệu Ru Nước Mắt”, Trần Quang được báo chí săn đón nhiều hơn, cũng kể từ đó ông được định hình là một tài tử điện ảnh. Ông kể lại” Thời đó báo chí đã giật tít về tôi như vầy: Một nhân dáng điện ảnh vừa xuất hiện, đó là vai “Hùng đầu bò”, một trong sáu chiến hữu thân cận nhất của Đại Cathay trong bộ phim này… Nói thật ngày đó đọc xong thấy mình oai lắm”.Ông cũng kể lại trong quá trình quay, khi phim sắp hoàn thành thì ông gặp “Hùng đầu bò” thứ thiệt. Đó là lần ông tới vũ trường Maxxim chơi, đang ngồi vi vu theo tiếng nhạc thì có một anh bồi xách chai rượu đến và nói: “Dạ thưa, bàn bên kia có người muốn mời ông chai rượu này.” Ông cũng vui cười tiếp nhận, sau đó một anh chàng mặc comple trắng trẻo, đẹp trai bước tới nhìn thẳng vào Trần Quang và nói: “Anh không biết tôi nhưng tôi biết anh, tôi là Hùng đầu bò đây. Nếu anh đóng vai mà không hay tôi sẽ xin anh… tí huyết. Còn nếu anh đóng hay, anh muốn gì ở trong cái vũ trường này tôi chịu hết.”
Thế là ngày ra mắt phim cũng đến, “Hùng đầu bò” trong phong thái lịch lãm bước đến bắt tay Trần Quang nói nhỏ: “Anh Quang, tối mai tôi mời anh lên Maxxim chơi với tụi tôi.” Đêm đó cả vũ trường náo nhiệt hơn mọi ngày. Hùng đầu bò bước tới ôm Trần Quang và nói “Em cám ơn anh, anh đóng quá hay và quá đẹp trai, tụi em đâu có thể nào đẹp bằng anh được.” Đó là câu nói thật lòng của một tên trùm khét tiếng thời bấy giờ.
Dù chỉ diễn vai thứ chính bên cạnh vai chính là Đại Cathay do tài tử Hùng Cường thủ vai nhưng diễn xuất của Trần Quang được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Sau khi phim khởi chiếu, Trần Quang đã được báo giới ca ngợi rất nhiều. Ông cũng đã taọ cho mình chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ.Cũng trong năm 1970, Trần Quang vào vai chính trong phim Như Hạt Mưa Sa của đạo diễn Bùi Sơn Duân bên cạnh 2 mỹ nhân màn ảnh là Thẩm Thuý Hằng và Bạch Tuyết. Tiếp đó ông lại hợp tác với đạo diễn Bùi Sơn Duân và nghệ sĩ Bạch Tuyết trong phim Như Giọt Sương Khuya.
Nhưng vai diễn để lại nhiều ấn tượng nhất trong cuộc đời sự nghiệp của tài tử Trần Quang có lẽ là vai Hoàng guitar trong phim Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang của đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh. Trong bộ phim này ông diễn chung với Thanh Nga và Bạch Tuyết, 2 nữ diễn viên cực kì ăn khách thời bấy giờ.
Với gương mặt nam tính, mái tóc bồng bềnh lãng tử, ánh mắt đa tình cùng thân hình rắn chắc, Trần Quang đã phác hoạ chân dung một Hoàng guitar vừa thư sinh nhưng cũng rất nổi loạn trong thân phận một đàn anh giang hồ. Sở hữu kỹ năng võ nghệ cao cường, trong phim này, Trần Quang đã đóng tất cả các pha hành động mạo hiểm. Nhờ đó mà vai diễn của ông vô cùng sống động và cuốn hút người xem.
Với vai Hoàng guitar trong phim Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Trần Quang đã vinh dự nhận được giải diễn viên chính xuất sắc tại giải thưởng Văn học Nghệ thuật Sài Gòn, đồng thời ông còn đoạt luôn giải Kim Khánh cho Nam diễn viên được khán giả ái mộ nhất.
Ngoài những danh hiệu trên, Trần Quang còn được trao tặng danh hiệu Ảnh đế của làng nghệ thuật Sài Gòn, là ngôi sao sáng chói trong làng điện ảnh miền Nam với số tiền cát sê khủng lên đến 3,3 triệu đồng (giá vàng lúc bấy giờ là 20.000/lượng).
Điều đó là xứng đáng cho tài năng và những nổ lực hiếm có của ông. Mỗi năm, ông được mời đóng vai chính trong 4-5 phim trên tổng số khoảng 10 phim sản xuất một năm. Có nhiều lúc, 2,3 hãng phim phải dàn xếp thời gian để có Trần Quang trong cùng một thời điểm. Có lúc ông phải làm việc liên tục suốt 72 giờ không nghỉ, rồi chạy đi diễn từ Nha Trang, Đà Lạt đến Vũng Tàu, Sài Gòn.
Là một tài tử điện ảnh nên xung quanh Trần Quang cũng không thiếu các bóng hồng. Khi đóng chung với Thanh Nga trong phim Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, ông hay lui tới nhà cô để luyện tập chung thì gặp và yêu người em gái thứ 9 của nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. Họ đến với nhau và có một cô con gái, nhưng không lâu sau đó, đường tình đôi ngã và Trần Quang tiếp tục trải qua những mối tình khác.
Sau bộ phim Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Trần Quang tiếp tục thành công với các vai diễn trong những bộ phim kế tiếp như: Người Tình Không Chân Dung, Hồng Yến, Anh Yêu Em, Men Tình Mùa Hạ,…
Năm 1973, trong “Ngày Điện Ảnh Việt Nam” lần thứ 5 tổ chức ở rạp Rex, Trần Quang đã vinh dự được trao giải “Diễn viên nam xuất sắc và được ưa chuộng nhất”.
Danh tiếng Trần Quang ngày càng vang xa, ông bắt đầu được giới điện ảnh châu Á để mắt và mời hợp tác cùng. Đó là hai bộ phim hành động hợp tác với Hongkong và Thái Lan mà Trần Quang được mời vào vai chính là Long Hổ Sát Đấu và Hải Vụ 709.
Trong đó Hải Vụ 709 được bấm máy vào năm 1973, hoàn tất vào cuối năm 1974 và đã được gửi qua Mỹ để đạo diễn Bùi Sơn Duân chỉnh sửa, cắt, ghép. Thế nhưng phim chưa kia trình chiếu thì biến cố 1975 xảy ra.
Sau năm 1975, Trần Quang tiếp tục tham gia trong các bộ phim: Cô Nhíp, Cầu Rạch Chiếc, Tội Lỗi Cuối Cùng, Con Thú Tật Nguyền,… Trong đó hai bộ phim thành công nhất mà Trần Quang đóng sau năm 1975 là Tội Lỗi Cuối Cùng của đạo diễn Trần Phương (diễn chung với Phương Thanh) và Con Thú Tật Nguyền của đạo diễn Hồ Quang Minh.
Đến năm 1992, Trần Quang sang Mỹ, ông theo học khoá tu nghiệp đạo diễn và học về sản xuất phim ở Hollywood Film Istitute. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia sân khấu kịch và là người dẫn chương trình được yêu thích tại hải ngoại.
Cuối 2019, Trần Quang nói lời giã từ sân khấu kịch sau suất diễn trong vở “Vì Đó Là Em” tại California. Ông vào vai một sĩ quan quân y rơi vào tình yêu tay ba ngang trái. Dù lúc này tuổi đã cao nhưng với kinh nghiệm diễn xuất dày dặn, ông đã hoàn thành vai diễn một cách thành công trọn vẹn, khiến khán giả yêu cầu ông hãy tiếp tục, đừng vội nói lời chia tay với sân khấu.