Cố nhạc sĩ Văn Phụng là một trong những nhạc sĩ đa tài, ông không những sáng tác ra được nhiều ca khúc để đời mà còn là một nhạc sĩ hòa âm xuất sắc nhất Sài Gòn trước 1975.
Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, ông sinh năm 1930 tại Hà Nộị, là anh thứ hai trong gia đình có bốn anh em.
Lúc đi học, Văn Phụng học rất giỏi. Ông học tiểu học tại trường Louis Pasteur, trung học ở trường Albert Sarraut. Sau khi tốt nghiệp Tú tài vào năm 16 tuổi, Văn Phụng học ngành Y theo ý muốn của gia đình. Tuy nhiên vì đam mê âm nhạc, sau một năm theo học ngành Y ông đã bỏ học để theo đuổi niềm đam mê của mình. Ông đặc biệt có năng khiếu về dương cầm, đồng thời được theo học dương cầm từ nhỏ và được sự chỉ dạy tận tình của hai giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng nên ông đã đoạt giải nhất độc tấu dương cầm trong cuộc tuyển lựa tại Nhà hát lớn Hà Nội với nhạc phẩm “La Prière d’Une Vierge” vào năm 15 tuổi.
Năm 1946, ông tản cư về Nam Định, Văn Phụng trú tại nhà thờ Tứ Trùng ở Chợ Cồn và may mắn gặp linh mục Mai Xuân Đình người đã chỉ dạy cho ông về âm nhạc và giáo lý.
Năm 1948, Văn Phụng quay trở lại Hà Nội. Theo lệnh tổng động viên, ông xin gia nhập Ban Quân nhạc Đệ tam tiểu đoàn danh dự. Chính nơi đây, Văn Phụng đã gặp và quen với những người mà về sau cũng trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam như Nhật Bằng, Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Văn Khôi, Vũ Thành… Trong thời gian đó, ông được nhạc trưởng người Pháp gốc Đức tên Schmetzer chỉ dẫn cho về hòa âm và trở thành nhạc sĩ hòa âm cho dàn nhạc đại hòa tấu đầu tiên của Việt Nam.
Cũng trong thời gian này ông cho ra đời nhạc phẩm đầu tay của mình “ Ô mê ly” do Văn Khôi viết lời, với giai điệu tươi vui, đầy sức trẻ “ Ô mê ly, mê ly! Ô mê ly, mê ly đời ta!
Ô mê ly đời sống với cây đàn. Tình tính tang dạo phím rồi ca vang. Chiều êm êm nhìn phía xa mây vàng. Dục lòng ta dạo khúc ca với đàn. Một chiều mưa ta hát vang “Mưa rơi!”. Rồi cùng ta mưa đáp: “Cho tươi đời!. “Một ngày nắng ta hát vang: “Nắng tươi! .”Đàn cầm tay say sưa hát là nguồn vui…” Ca khúc được sáng tác trong một lần ông vui chơi ca hát cùng bạn bè trong ban Quân nhạc. Nhạc phẩm đầu tay của ông được mọi người đón nhận và bước đầu đưa tên tuổi của ông đến gần với công chúng hơn. Ca khúc được thể hiện qua nhiều giọng ca nổi tiếng như Thái Thanh, Phạm Đình Chương, Ánh Tuyết…
Năm 1954, Văn Phụng chuyển vào miền Nam và trở thành nhạc trưởng của Đài Phát thanh Quân đội, đồng thời ông phụ trách chương trình ca nhạc trên Đài Phát thanh Sài Gòn.
Trên bước đường sự nghiệp của mình, ông cho ra đời hàng trăm bài hát, trong số đó có rất nhiều bài hát nổi tiếng như là: “Các Anh Đi” và “Trăng Sáng Vườn Chè” viết năm 1952, “Tiếng Hát Với Cung Đàn”, sáng tác năm 1954. “Tiếng Dương Cầm” viết năm 1955, “Ta Vui Ca Vang” năm 1957. “Vó Câu Muôn Dặm” năm 1959. “Giã Từ Đêm Mưa” và “Yêu Và Mơ” năm 1960, “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” năm 1963, “Yêu” năm 1965…
Ngoài ra còn có nhiều nhạc phẩm đặc sắc như: Bức họa đồng quê, Trăng sơn cước, Yêu, Tôi đi giữa hoàng hôn, Suối tóc, Mưa, Tiếng dương cầm, Giấc mộng viễn du, Tình,…
Đặc biệt ca khúc được sáng tác dành riêng cho vợ ông Châu Hà mang tên “Suối tóc” do Thy Vân viết lời cũng được nhiều người chú ý và biết đến. Ca khúc thể hiện nỗi lòng chan chứa yêu thương của ông dành cho người con gái ông yêu ” Như chúng ta đôi lần hàng gắn thương yêu, tôi muốn đưa em qua miền giòng núi xanh.Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm, nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền, nhưng thu qua không trong như đôi mắt em…”. Và chỉ có tiếng hát Châu Hà mới có thể diễn tả trọn vẹn được nhạc phẩm này.
Cho đến ngày nay mỗi dịp xuân về, người ta lại được nghe những giai điệu rộn ràng, tươi vui từ ca khúc “Xuân Họp Mặt”, ca khúc đã trở thành bất hủ và được đông đảo mọi người yêu thích:
“Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng
trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng
trong gió ngàn mừng đón xuân sang
Vui mùa xuân năm nay gần nhau,
Nhớ khi xưa lúc ngây thơ,
cầm tay hỏi nhau ngẩn ngơ,
đến bao giờ đón xuân mơ…”
Nhạc sĩ Văn Phụng trải qua 2 cuộc hôn nhân, cuộc hôn nhân đầu tiên khi ông chỉ mới ngoài 20 ( vợ ông sinh hạ được 5 gái, 1 trai), cuộc hôn nhân thứ 2 vào năm 33 tuổi với ca sĩ Châu Hà( họ có với nhau 2 con gái),bà cũng là người đi cùng ông đến suốt quãng đời còn lại.
Năm 1978, gia đình Văn Phụng vượt biển đến Malaysia. Sau gần nửa năm ở đây, gia đình ông định cư tại tại Jakarta trên đảo Java, Indonesia.
Năm 1994, tác phẩm của ông được vinh danh bởi Trung tâm Thúy Nga thực hiện băng Paris By Night 27: Văn Phụng – Tiếng hát với cung đàn .
Ngày 17 tháng 12 năm 1999, ông qua đời vào lúc 6 giờ chiều (giờ miền Đông Hoa Kỳ) sau một cơn hôn mê kéo dài 5 ngày, ở nhà riêng tại tiểu bang Virginia do biến chứng của bệnh tiểu đường.