Có lẽ khi nhắc đến Chế Linh thì không một người yêu nhạc vàng nào lại không biết đến danh ca này. Ông là một trong 4 giọng nam nổi tiếng nhất nền bolero thời kỳ đầu và từng được xếp vào hàng “tứ trụ nhạc vàng”, cùng với Duy Khánh, Nhật Trường và Hùng Cường. Những ca khúc mang đậm dấu ấn của ông phải kể đến như: Mùa xuân của mẹ, Hoa trinh nữ, Đoạn buồn cho tôi, 10 năm tình cũ… Đây đều là những ca khúc có ca từ da diết sâu lắng, được giọng hát mùi mẫn đặc trưng của nam danh ca Chế Linh biến thành những ca khúc bất hủ, trường tồn với thời gian. Không những là một ca sĩ lẫy lừng, Chế Linh còn là một nhạc sĩ với bút danh Tú Nhi, ông đã cùng với nhạc sĩ Bằng Giang sáng tác những ca khúc nổi tiếng sau này như Đêm buồn tỉnh lẻ, Bài ca kỷ niệm, Đếm bước cô đơn,…
Chế Linh tên thật là Jamlen (Trà – len), tên Việt là Lưu Văn Liên, sinh ngày 3 tháng 4 năm 1942 tại Paley Hamu Tanran, gần Phan Rang ( nay thuộc làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận), ông là người gốc Chăm. Sinh ra trong gia cảnh khó khăn, cha mất sớm khi mới 4 tuổi, nhưng Chế Linh may mắn được học hành đầy đủ, tử tế. Khi còn học ở bậc tiểu học chương trình Pháp ở trường làng thì Chế Linh đã được các linh mục Pháp trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý. Sau khi hết bậc tiểu học, ông theo học tiếp bậc trung học tại trường Bồ Đề Phan Rang.
Tháng 8 năm 1959, Chế Linh bỏ học, rời mảnh đất quê hương quanh năm khô cằn nắng cháy để một mình vào Sài Gòn tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn. Đó là năm Chế Linh 17 tuổi, ông leo lên xe lửa đi Sài Gòn khi vẫn chưa nói rành tiếng Kinh. Tới Sài Gòn, ông làm việc cho một gia đình người Hoa tốt bụng – người này đã giúp đỡ Chế Linh đi học và xem ông như con.
Sau này ông kể lại thời điểm đó như sau:
“Gia đình tôi ở Ninh Thuận, nghèo lắm. Tôi nghĩ nếu cứ bám quê, mình sẽ không học hỏi gì được những gì khác hơn ngoài ruộng rẫy. Tôi tự nhủ, phải lên thành phố, gặp gỡ nhiều người hơn, có thêm cơ hội học hỏi nhiều hơn. 16 tuổi, tôi bỏ mẹ, bỏ cha, bỏ gia đình vào Sài Gòn, như là đi ra nước ngoài vậy. Tôileo lên xe lửa chỉ với một chồng bánh tráng, một bộ đồ, phía đó không có một người quen biết nào cả, nhưng tôi đã nghĩ chỗ nào cũng là con người, rồi sẽ có tình thương, bao cậu bé đánh giày cũng sống được cơ mà. Khi ấy tôi thậm chí chưa nói thông thạo được tiếng Kinh, chưa biết chữ nên việc đầu tiên là tôi lo kiếm việc để sống chứ chưa có ý thức sẽ học nhạc.
Đến Sài Gòn, ba ngày đầu tôi chẳng có nơi ngủ, chẳng có gì ăn ngoài bánh tráng. Đến ngày thứ tư một ông xích lô đã chở tôi đến gặp gia đình người Tàu để nhận trông con giúp. Ban ngày trông trẻ, buổi tối tôi tự học nhưng không dám thắp đèn của chủ, mà tự mua đèn dầu để học. Thấy tôi như vậy, họ sợ cháy nhà và thương tôi nên đã mua bàn, mua đèn neon cho tôi học. Từ đó gia đình coi tôi như con, ông bà cho tôi đi học.
Tuy rằng gia đình người chủ đối xử rất tốt với ông, cho ông làm công việc không quá nặng nhọc và cho ăn học đàng hoàng nhưng việc làm thuê như vậy không phải là lí tưởng ban đầu lúc rời quê lên thành thị của Chế Linh, vì công việc đó không thể giúp ông tiến thân và hơn nữa nó không liên quan gì tới âm nhạc (thứ mà ông đam mê). Và cứ ở mãi với ông bà người Hoa, Chế Linh sợ mình sẽ thành người thụ động khi được đùm bọc quá nhiều.
Với niềm đam mê âm nhạc đã ăn sâu vào máu từ lúc nhỏ, Chế Linh quyết tâm bước chân vào làng nhạc với suy nghĩ rằng chỉ có âm nhạc mới có thể giúp ông hoà đồng được với cuộc sống ở đây. Nên ông ra ngoại thành sống vừa học nhạc vừa học chữ, mãi cho đến khi thấy mọi thứ có vẻ ổn thì ông mới vào nội thành.
Năm 1962, đoàn văn nghệ Biệt Chính Biên Hoà tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ để bổ sung cho đoàn đi hát trong các miệt làng xa tại Biên Hoà, gặp được cơ hội Chế Linh ngay lập tức đăng ký tham gia và xuất sắc giành được giải nhất rồi trở thành ca sĩ của Biệt Chính Đoàn. Từ đó, ông được làm việc chung với nhiều nhạc sĩ có tiếng như: Trúc Phương, Bằng Giang, Châu Kỳ,… Với công việc đi hát trong Đoàn đã giúp Chế Linh có được thu nhập tương đối để có thể tự nuôi sống bản thân mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của ai nữa.
Về cái tên Chế Linh được ông sử dụng làm nghệ danh đi hát là vì ông muốn công chúng biết đến xuất thân của mình là người Chăm, ông chia sẻ: “ Tôi nghĩ nếu lấy tên thật, người ta sẽ không biết xuất thân thực sự của mình. Chữ “Chế” xác định rõ ràng tôi là người dân tộc Chăm. Tôi vẫn nghĩ nếu mình đi hát thành công, tình thương mến của khán giả dành cho mình sẽ tạo thành tình thương mến dành cho người Chăm nói chung.”Tuy nhiên, hai năm sau thì đoàn Văn nghệ Biệt Chính tan rã. Những người nghệ sĩ đã có tên tuổi sẵn trong đoàn như Châu Kỳ, Trúc Phương,.. đều trở về Sài Gòn, riêng Chế Linh và Bằng Giang thì ở lại Biên Hòa và chuyển sang làm tài xế chở đá tại núi Bửu Long. Trong thâm tâm, Chế Linh vẫn biết rõ đây chỉ là công việc tạm bợ, nên ngoài giờ làm việc ông dành thời gian rảnh để luyện thanh và tìm kiếm phong cách riêng biệt cho mình.
Ngoài luyện giọng, Chế Linh còn viết nhạc, ông cùng Bằng Giang sáng tác nên nhiều ca khúc trong thời gian này như: Bài ca kỷ niệm, Đêm buồn tỉnh lẻ, Đoạn tái bút,… Đó là những bài hát phù hợp với cách hát mới của ông, với mong muốn các ca khúc này sẽ dễ dàng tiếp cận với công chúng nghe nhạc. Trong những sáng tác đầu tay này, Chế Linh để bút danh là Tú Nhi.
Thời gian còn ở Biên Hoà, nhạc sĩ Bằng Giang luôn là người ở bên cạnh và biết rõ ý định của Chế Linh nên khi cảm thấy bạn mình đã có đủ khả năng để bước chân vào sự nghiệp ca hát thì đã khuyên ông sớm quay trở lại Sài Gòn. Đồng thời lúc ấy, hai nhạc sĩ Châu Kỳ và Trúc Phương cũng từ Sài Gòn quay lại tìm Chế Linh để khuyên ông sớm gia nhập làng nhạc. Hai người quyết định sáng tác cho riêng Chế Linh những nhạc phẩm về lính và những bài hát mang tính đại chúng, dễ nghe và dễ tiếp cận với phần đông khán thính giả, phù hợp với cách hát mà Chế Linh đã chọn.
Và thế là Chế Linh trở lại Sài Gòn với giọng hát gần gũi, chan chứa tình cảm trong các bài hát được sáng tác riêng cho giọng hát của mình, và ông nhanh chóng trở thành một hiện tượng.
Danh ca Chế Linh
Năm 1964, Chế Linh hợp tác với công ty Continental cho ra đời đĩa nhạc đầu tay “Vùng biển trời và màu áo em” và cuối năm này ông ký hợp đồng với công ty Đĩa Hát Việt Nam. Kể từ đó, Chế Linh chính thức bước chân vào làng nhạc và dần trở thành một trong những nam ca sĩ được yêu thích nhất của dòng nhạc vàng. Giọng hát riêng biệt của ông sau này đã ảnh hưởng nhiều đến các giọng ca nam hát nhạc vàng thế hệ sau này.
Nữ ca sĩ đầu tiên song ca cùng với Chế Linh là Thanh Tâm, nhưng Thanh Tuyền mới là người song ca ăn ý nhất với ông. Năm 1967, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông muốn có sự thay đổi nhằm tạo ra sự mới mẻ, tránh cho khán thính giả nhàm chán với những nhạc phẩm đơn ca nên ông đã đưa ra đề nghị Chế Linh song ca cùng với học trò của ông là nữ ca sĩ Thanh Tuyền.
Với giọng hát trầm ấm, mềm mại của Chế Linh kết hợp với giọng ca cao vút, thanh mảnh của Thanh Tuyền đã tạo nên một cặp đôi song ca ăn ý, hoà quyện trong các nhạc phẩm viết về tình yêu đôi lứa, được khán giả chào đón nồng nhiệt. Ca khúc đầu tiên mà có sự song ca của Chế Linh – Thanh Tuyền đó là “Hái hoa rừng cho em” của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, khi đĩa hát có bài này được tung ra thị trường đã được mọi người nồng nhiệt đón nhận một cách không ngờ. Tiếp nối thành công, những hãng đĩa khác sau đó đã tiếp tục khai thác cặp đôi song ca này. Và từ đó, Chế Linh – Thanh Tuyền được xem là đôi song ca nhạc vàng thành công nhất và được yêu thích nhất.
Vào những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 đánh dấu thời kỳ hoàng kim của danh ca Chế Linh. Đặc biệt là năm 1972, Chế Linh đoạt giải Kim Khánh – Huy chương vàng đệ nhất hạng nam ca, do nhật báo Trắng Đen tổ chức. Tuy nhiên, cũng trong năm này, các hoạt động âm nhạc của Chế Linh bị chính quyền đương thời bắt đầu kiểm soát và bị cấm hát ở nhiều nơi đặc biệt trên đài phát thanh, truyền hình, vì lời hát không phù hợp và giọng hát của ông gây ảnh hưởng xấu cho tâm lý người lính.
Sau sự kiện lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, Chế Linh bị chính quyền mới cấm hát hoàn toàn. Năm 1978, ông bị bắt tại Sông Mao, Mỹ Đức, sau 28 tháng biệt giam, Chế Linh vượt biên thành công sang Malaysia. Năm 1980, ông đến được Canada và định cư tại Toronto, Canada. Tại đây, ngoài việc đi hát, thu âm dĩa và đi lưu diễn ở nhiều nước có người Việt sinh sống thì Chế Linh còn mở vài cơ sở kinh doanh và mở phòng thu.
Năm 1984, Chế Linh hợp tác với trường đại học Sorbonner của Pháp thực hiện một dự án về văn hoá Chăm. Ông cũng từng nghiên cứu về âm nhạc Chăm tại Pháp trong 2 năm.
Năm 2007, Chế Linh về Việt Nam theo đoàn văn hoá của UNESCO. Tuy nhiên, lúc này ông vẫn chưa được cấp phép biểu diễn thế nên ông chỉ tham gia biểu diễn giao lưu tại một chương trình riêng dành cho cộng đồng người Chăm. Đến tận năm 2011, Chế Linh mới được cấp phép biểu diễn trong nước cho đến nay, và trong năm này ông cũng đã tổ chức liveshow 30 năm tái ngộ tại Hà Nội.
Hiện nay, dù đã bước sang tuổi 80 nhưng Chế Linh vẫn đi hát thường xuyên, có thể nói ông là một trong những ca sĩ gạo cội lớn tuổi nhất thế giới và vẫn còn hoạt động văn nghệ ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, Chế Linh cũng là người rất nghiêm túc trong sự nghiệp ca hát, ông là ca sĩ hiếm hoi nói “không” với hát nhép trong suốt sự nghiệp của mình, ngoại trừ một số chương trình buộc phải diễn để thu DVD và công khai cho khán giả biết ca sĩ hát nhép (Như trên Paris By Night hay Asia..). Chế Linh từng chia sẻ: “Tôi không thích hát nhép, chương trình nào có Chế Linh tham gia, tôi cũng bảo ban tổ chức là: Cho Chế Linh hát live, bởi nhiều khán giả chờ đợi mình cả năm trời để nghe nghệ sĩ hát mà nhép thì tội lắm”.
Không chỉ gây ấn tượng với công chúng bởi phong thái và tài năng của mình, chuyện tình cảm của Chế Linh cũng tốn không ít giấy mực của báo giới. Chia sẻ về chuyện đời tư, Chế Linh bày tỏ: “Trong đời, tôi có 4 người vợ, 14 đứa con, 7 trai và 7 gái. Những người vợ đã qua rồi, thì vẫn còn liên lạc bình thường, sinh hoạt bình thường, tôn trọng nhau như ngày nào. Các con tôi giờ vẫn thương mến tôi, vẫn tha thiết gần gũi tôi. Niềm hạnh phúc đó khiến tôi rất mãn nguyện”.
Năm 21 tuổi, Chế Linh cưới người vợ đầu tiên, họ có với nhau 5 người con trong vòng 4 năm. Năm 1967, ông cưới người vợ thứ hai (bà là em gái ruột của người vợ đầu tiên) và có với nhau 4 người con. Sau khi chia tay người vợ thứ hai vào năm 1971, chỉ một năm sau đó ông cưới người vợ thứ ba tên là Thúy Hằng, lúc đó mới 17 tuổi. Mặc dù bị gia đình cấm cản nhưng Thúy Hằng vẫn về sống với Chế Linh và có với nhau 2 người con. Nhưng sau 3 năm chung sống với nhau thì Thuý Hằng mất.
Cuối năm 1975, Chế Linh cưới vợ lần thứ 4 và có thêm 3 người con. Người vợ thứ 4 này là Vương Nga và vẫn gắn bó với Chế Linh cho đến ngày nay. Mặc dù hai người cách biệt về tuổi tác nhưng hai vợ chồng vẫn rất tình cảm. Bà Vương Nga không chỉ giỏi việc nhà mà còn là một tri kỷ trong âm nhạc với chồng. Bà luôn thuộc lòng những ca khúc mà chồng biểu diễn, tận tình góp ý để Chế Linh cải thiện. Bên cạnh đó, bà còn là người chăm sóc, hỗ trợ ông sắp xếp lịch diễn. Cho đến hiện tại danh ca Chế Linh thật sự hạnh phúc với cuộc sống viên mãn của mình.Thoixua biên soạn
- “Đám Cưới Đầu Xuân” – Ước mơ đẹp của người lính chiến về một đám cưới vui tươi đầu xuân
- Choáng ngợp một Sài Gòn xa hoa của năm 1969 qua ống kính của Wayne Trucke
- Cảm nhận về ca khúc “Thuyền Hoa”
- Loạt hình ảnh quý về đám cưới của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu
- Kiều Chinh – ‘Tứ đại mỹ nhân’ của Saigon xưa nhận giải thưởng Điện ảnh tại Mỹ ở tuổi 84