Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Tô Thanh Tùng

Đăng ngày 20/07/2024

Tô Thanh Tùng là một nhạc sĩ sáng tác nhạc vàng trước năm 1975, ông được biết đến qua nhiều sáng tác nổi tiếng và đi vào lòng bao thế hệ khán giả Việt Nam như: Hồng Ngự mang tên em, Xót xa, Tiễn biệt, Tình cây và đất, Sao nỡ đành quên, Gĩa từ, Thà em đi lấy chồng, Về miền Tây, Giăng câu,…. Tính cách mộc mạc, giản dị rặt Nam Bộ của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng cũng được đóng dấu vào trong các nhạc phẩm của ông.

Tô Thanh Tùng sinh năm 1944 tại quận Hồng Ngự, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh Đồng Tháp), lúc nhỏ ông sống cùng gia đình tại đây.Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng và chuyện tình trong những ca khúc nổi tiếng: Giã Từ, Sao Anh Nỡ Đành Quên, Mắt Diễm Buồn...

Năm 1963 khi ấy Tô Thanh Tùng mới 19 tuổi nhưng đã nổi tiếng với sáng tác đầu tay mang tên “Hồng Ngự mang tên em”. Người ca sĩ đưa ca khúc này và tên tuổi của ông đến với khán giả là ca sĩ Bảo Yến.

Năm 20 tuổi Tô Thanh Tùng lên Sài Gòn học trường Luật. Thời gian này ông hay cùng một nhóm sinh viên Văn Khoa hay ghé quán cà phê gần trường để ngồi vì lúc ấy có một người con gái đẹp tên Diễm ngày ngày vẫn ngồi ở quầy thu ngân, cuốn hút bao ánh nhìn và níu giữ trái tim của bao anh thanh niên lúc bấy giờ. Sau một thời gian, giữa ông và cô gái tên Diễm nảy sinh tình ý, và cô cũng là nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên ca khúc “ Mắt Diễm buồn”. Qua giọng hát truyền cảm của ca sĩ Elvis Phương đã đưa ca khúc lẫn tên tuổi của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng thêm dấu ấn trong lòng khán thính giả.

Nhưng tiếc thay cuộc tình của Tô Thanh Tùng cùng cô Diễm nọ ngắn ngủi, họ kết thúc cuộc tình sau bốn năm quen biết. Trong nỗi buồn tan nát khi tình yêu kết thúc ông viết bài “Giã từ” nhưng không xuất bản. Sau khi học xong, Tô Thanh Tùng về lại Hồng Ngự phụ giúp gia đình kinh doanh.

Cho đến năm 1971, Tô Thanh Tùng quen biết được một cô ca sĩ miệt vườn có tên Thu Vân ở Sa Đéc. Ông đã chọn cô ca sĩ không tên tuổi này để đưa lên Sài Gòn và thể hiện ca khúc “Gĩa từ” của mình thay vì chọn một ca sĩ nổi danh lúc bấy giờ. Lúc đầu, nhạc sĩ Quốc Dũng đã phối âm nhưng khi đem trình cho nhạc sĩ Lê Dinh (người lúc đó là trưởng ban văn nghệ Đài phát thanh Sài Gòn) thì bị ông từ chối cho lên sóng phát thanh vì Thu Vân là một cái tên không ai biết, hầu như lúc đó những ca sĩ xuất hiên trên sóng đều phải là người nổi tiếng. Tuy nhiên, sau khi nghe qua băng cassette thì nhạc sĩ Lê Dinh lại đồng ý cho phát thử vào “giờ vàng” ngày chủ nhật để dò dư luận. Không ngờ với những ca từ sâu sắc cùng giọng ca mượt mà của cô ca sĩ Thu Vân thể hiện, bài hát đã gây được sự chú ý cho khán giả Sài Gòn lúc bấy giờ. Nhà xuất bản Minh Phát lập tức ký độc quyền để phát hành ca khúc “Giã từ”. Và đó cũng chính là bước khởi đầu để giúp cô ca sĩ vô danh nọ trở nên nổi tiếng, sau này định cư ở nước ngoài. Hơn thế nữa, trải qua năm tháng nhạc phẩm “Gĩa từ” cũng đã gắn bó với nhiều giọng ca nổi tiếng trong nước và hải ngoại như: Giao Linh, Phương Dung, Quang Lê, Trường Vũ, Đan Nguyên, Mạnh Quỳnh, Bảo Yến, Chế Thanh, Ngọc Sơn, Quốc Đại…​

Tiếp nối thành công, Tô Thanh Tùng sáng tác tiếp một loạt bài như: Xót xa, Mừng Chúa ra đời, Sao nỡ đành quên, Nhớ người tình phụ… mà trong đó bài “Sao nỡ đành quên” cũng là nói về một câu chuyện tình khác của ông với một cô gái tên Tuyết khi còn ở quê nhà.Tình yêu khắc cốt ghi tâm nhạc sĩ Thanh Tùng dành cho vợ qua lời kể của con gái

Thời đỉnh cao sự nghiệp, Tô Thanh Tùng sống sung túc với một cửa hàng băng đĩa lớn bậc nhất tại căn nhà trung tâm Sài Gòn.

Sau sự kiện tháng 4 năm 1975, Tô Thanh Tùng làm Trưởng ban Văn công thị trấn Hồng Ngự trong ba năm. Sau đó, ông lên lại Thành phố Hồ Chí Minh để lập nghiệp với đủ thứ nghề: bán xà bông, dầu gió, nước mắm, phụ tùng xe đạp, mở nhà may. Vào lúc kinh tế gia đình khá giả nhất thì vợ chồng ông lại gặp trục trặc và đành phải chia tay. Ông giao lại cửa hàng băng đĩa để vợ nuôi con, bán căn nhà ở đường Cao Thắng quận 3 rồi phiêu bạt nhiều nơi trước khi về Bình Dương định cư.

Năm 1979, Tô Thanh Tùng phát hành album cassette “Tình ca hương lúa” với những ca khúc nổi tiếng như: Hồng Ngự mang tên em, Người hàng xóm,… do ca sĩ Nhật Trường và Bảo Yến trình bày. Có thể nói, ông là nhạc sĩ nhạc vàng đầu tiên trong nước sau năm 1975 phát hành album nhạc vàng ngợi ca quê hương. May mắn là album này đã được Sở Văn Hóa, Thông tin Đồng Tháp đồng ý cho phát hành. Album này đã thu hút được nhiều người nghe yêu thích và được bán rất chạy.

Sau đó, Tô Thanh Tùng tiếp tục sáng tác nhạc quê hương (Giăng câu 1,2,…), trong đó có bài “Tình cây và đất” năm 1988 đã nhận được giải nhì trong cuộc bình chọn những bài hát viết về nông nghiệp nông thôn hay nhất thế kỷ 20 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2009.

Tháng 8 năm 2015, Tô Thanh Tùng phát hiện mình bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt, nhưng lúc này căn bệnh đã di căn qua gan và xương khiến chân trái của ông không đi lại được và phải chữa trị tại bệnh viện Bình Dân. Những ngày nằm viện, ông gặp nhiều khó khăn về tài chính do tiền sinh hoạt hàng tháng chỉ dựa vào tiền tác quyền sáng tác ít ỏi, lúc này ông được bạn bè, đồng nghiệp, các nghệ sĩ chung tay giúp đỡ

Sau thời gian điều trị bệnh tại Bệnh viện Bình Dân, do sức khỏe quá yếu nên nhạc sĩ Tô Thanh Tùng được gia đình đưa về quê nhà ở Đồng Tháp theo nguyện vọng của ông, để mỗi ngày ông được sống vui vẻ và lúc mất đi được an nghỉ bên cạnh người thân.

8 giờ 15 phút sáng ngày 19/07/2017, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng ra đi tại Bệnh viện Thành phố Sa Đéc sau hai năm chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Lễ động quan vào ngày 21.7, sau đó đưa đi an táng tại khu vực đất nhà ở TP.Sa Đéc theo ước nguyện của ông.

Tuy nhạc sĩ Tô Thanh Tùng không được đào tạo bài bản về âm nhạc nhưng bằng tình yêu, niềm đam mê và sức sáng tạo không mệt mỏi ông đã để lại cho đời hơn 120 tác phẩm rất có giá trị và phổ biến được khán giả yêu thích.