Nhạc sĩ Quốc Dũng là một trong những tên tuổi nổi bật của làng nhạc Việt Nam, ông sáng tác hàng trăm ca khúc với nhiều thể loại khác nhau và hoà âm cho hàng ngàn bài hát từ nhạc quê hương, bolero đến nhạc trẻ… Vào những năm thập niên 70 và 80 là hai giai đoạn thăng hoa nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Quốc Dũng khi ông cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng bắt kịp xu hướng và đưa nhiều ca sĩ tới đỉnh cao qua những sáng tác. Với niềm đam mê mãnh liệt và sự miệt mài, cần mẫn trên con đường sự nghiệp âm nhạc, Quốc Dũng đã để lại những ấn tượng khó quên trong lòng khán giả Việt.
Nhạc sĩ Quốc Dũng tên đầy đủ là Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan. Cha mẹ của ông vốn là người gốc Nghệ nhưng qua Lào và Thái Lan làm ăn sinh sống, cha mẹ ông gặp nhau và đã kết duyên nên vợ chồng sau đó sinh ông ra trên đất Thái Lan. Năm 3 tuổi thì gia đình ông hồi hương và vào Sài Gòn để mưu sinh.
Do có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ nên khi mới 10 tuổi, Quốc Dũng đã được gia đình gửi vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc ở Sài Gòn, đồng thời theo học nhạc trong Ban Tuổi Xanh của kịch sĩ Kiều Hạnh.
Tuy tập tành sáng tác từ năm 11 tuổi nhưng mãi đến năm 17 tuổi khi đã tốt nghiệp trường nhạc thì Quốc Dũng mới hoàn thành một tác phẩm hoàn chỉnh và đặt tên là “Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa” trở thành tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của ông và nổi tiếng cho đến tận bây giờ.
Từ những năm của thập niên 1960, phong trào nhạc trẻ bắt đầu phổ biến ở miền Nam, ban đầu là sự xuất hiện của các ban nhạc trẻ tại các club Mỹ (chủ yếu hát nhạc nước ngoài). Sau đó, những giai điệu sôi động của nhạc ngoại bắt đầu gây được sự chú ý đối với giới trẻ Việt Nam lúc bấy giờ, thế nên từ cuối thập niên 1960 bắt đầu xuất hiện nhạc ngoại lời Việt để phục vụ cho nhu cầu nghe nhạc pop-rock bằng tiếng Việt của khán thính giả trẻ.
Sang đầu thập niên 1970, Quốc Dũng cùng các nhạc sĩ khác như: Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Tùng Giang… đã tiên phong soạn các ca khúc nhạc trẻ hoàn toàn bằng tiếng Việt. Giai đoạn này, Quốc Dũng đã cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng khác như: Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Còn mãi nơi đây, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly,…
Bên cạnh sự thành công trong lĩnh vực sáng tác, Quốc Dũng còn được biết đến với vai trò là một ca sĩ, thời kỳ đó Quốc Dũng và Thanh Mai là một cặp song ca nổi tiếng của nhạc trẻ Sài Gòn nhờ sự kết hợp của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ( Thanh Mai lúc đó là học trò của Nguyễn Ánh 9).
Quốc Dũng còn thử sức với lĩnh vực diễn xuất, năm 1973 ông từng đóng vai nam chính trong bộ phim Trường Tôi của đạo diễn Lê Dân.
Là một nghệ sĩ đa tài, với khả năng sáng tác, biểu diễn và sử dụng thuần thục mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard, organ,… Quốc Dũng được đánh giá là một trong những gương mặt tiêu biểu của nhạc trẻ thời đó.Năm 1974, Quốc Dũng ra băng nhạc cá nhân đầu tiên và bán rất chạy. Phần lớn các bài hát trong băng đều đã trở nên quen thuộc với công chúng cho đến tận bây giờ như: Lối Thu Xưa, Mai, Điệp Khúc Mùa Xuân, Biển Mộng, Bên Nhau Ngày Vui, …
Sau năm 1975, Quốc Dũng vẫn ở lại Việt Nam và bắt đầu sáng tác nhiều ca khúc nhạc vàng nổi tiếng như: Chuyện Hợp Tan, Ngại Ngùng, Chuyện Ba Người, Mắt Huế Xưa,…
Cuối thập niên 1980, Quốc Dũng phổ nhạc cho thơ của thi sĩ Xuân Kỳ thành những nhạc phẩm được nhiều người yêu thích như: Ngại Ngùng, Chuyện Ba Người, Kẻ Đau Tình.
Sang thập niên 1990, ông viết nhiều ca khúc nhạc trẻ ăn khách, tiêu biểu là Người Về Từ Lòng Đất, Cho Em Ngày Nắng Xanh, 9 Con Số 1 Linh Hồn, Chợt Như Năm 18…
Vào những năm của thập niên 1980-1990, Quốc Dũng còn là một trong những nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất ở trong nước, ông đã thực hiện hàng trăm băng dĩa nhạc với nhiều thể loại khác nhau.
Nhớ lại kỷ niệm thuở ban đầu gặp gỡ, danh ca Bảo Yến cho biết: “Lúc ấy tôi là ca sĩ còn anh làm biên tập, hòa âm phối khí. Để bày tỏ tình yêu dành cho tôi, anh viết tặng tôi ca khúc “Bài ca Tết cho em” khiến tôi vô cùng cảm động”. Bảo Yến chia sẻ rằng dù hát “Bài Ca Tết Cho Em” rất nhiều lần nhưng lần nào cô cũng cảm thấy vui và ấm áp trong lòng, cảm xúc rung động trước lời tỏ tình của Quốc Dũng vẫn còn vẹn nguyên như lúc đầu.
Quốc Dũng là một nghệ sĩ tài hoa và đa đình nên Bảo Yến không tránh khỏi nhiều lúc buồn phiền vì sự đào hoa của chồng mình. Nhạc sĩ Quốc Dũng cũng thấu hiểu được nỗi cam chịu và sự độ lượng của vợ nhưng ông không thể nào bắt con tim mình ngừng rung động trước những bóng hồng khác.
Đến năm 2013, khi Quốc Dũng gặp tai nạn trong tình trạng bể xương vai, xuất huyết não do bị té ngã trên đường phải nhập viện trong tình trạng nguy cấp thì người bên cạnh ông lúc đó là vợ, người luôn lo lắng và chăm sóc cho chồng, giúp ông qua cơn nguy hiểm và dần dần bình phục. Lúc này người nhạc sĩ đa tình mới dặn lòng buông bỏ hết mọi thứ và chỉ chung thuỷ với người vợ đang ân cần chăm sóc mình.
Nhạc sĩ Quốc Dũng tâm sự: “Sau những phiêu lưu và lận đận, tôi thật may mắn khi vẫn còn có người vợ là Bảo Yến bên cạnh”. Còn ca sĩ Bảo Yến cũng chia sẻ rằng: “Ngày xưa tôi giận anh ấy yêu quá nhiều, nhưng bây giờ tôi ngẫm ra cũng nhờ những khoảnh khắc lãng mạn ấy mà chồng tôi mới viết được nhiều ca khúc hay”.
Ngày 24/09/2023 – Nhạc sĩ Quốc Dũng – tác giả nhạc phẩm “Bài ca Tết cho em”, “Đường xưa”, chồng ca sĩ Bảo Yến – qua đời ở tuổi 72 vì bệnh tuổi già.
Nhạc sĩ Bảo Châu – con trai nhạc sĩ Quốc Dũng – đổi hình đại diện màu đen trên trang cá nhân với lời tưởng nhớ cha: “Con sẽ thực hiện những gì con hứa”.
Ca sĩ Cẩm Vân – đàn em thân thiết của Quốc Dũng – nhận tin buồn từ người thân của gia đình nhạc sĩ. Cẩm Vân cho biết 10 ngày qua, sức khỏe ông suy yếu vì nhiều chứng bệnh. “Trong ký ức của tôi, Quốc Dũng là đàn anh tài hoa, khiêm tốn, luôn nâng đỡ hậu bối trên con đường làm nghề”, chị cho biết
10 năm trước, nhạc sĩ Quốc Dũng từng bị tai nạn giao thông nguy kịch khiến sau đó sức khỏe ông dần suy giảm.
Nhạc sĩ tên đầy đủ Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, khi Quốc Dũng ba tuổi, gia đình ông về nước. Năm 10 tuổi, Quốc Dũng vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, năm 16 tuổi ông tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Sau khi đỗ Tú tài 2, Quốc Dũng vào học tại Viện Đại học Vạn Hạnh.
15 tuổi Quốc Dũng đã trình diễn mandolin trên truyền hình trong dàn nhạc đại hòa tấu. Bản nhạc đầu tiên của Quốc Dũng được ông viết khi mới 11 tuổi, là một nhạc phẩm không lời. Đến năm 17 tuổi, ông mới hoàn chỉnh bản nhạc đó thành ca khúc đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa. Sau đó ông viết nhiều ca khúc nổi tiếng khác như Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Chuyện ba người, Còn mãi nơi đây, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly, Hoang vắng.
Đầu thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ phổ biến, Quốc Dũng cùng Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà là những nhạc sĩ đầu tiên Việt hóa nhạc trẻ, bắt đầu soạn các ca khúc nhạc trẻ bằng tiếng Việt. Khi đó, ông cùng ca sĩ Thanh Mai tạo thành một cặp song ca nổi tiếng. Với khả năng sáng tác, biểu diễn và sử dụng mandolin, guitar, dương cầm, trống, bass, keyboard, organ, Quốc Dũng là một trong những gương mặt tiêu biểu của nhạc trẻ thời đó.
Sau năm 1975, Quốc Dũng kết hôn với Bảo Yến, làm biên tập, hòa âm phối khí cho Đài truyền hình TP HCM. Quốc Dũng còn là diễn viên, từng đóng vai nam chính trong bộ phim Trường tôi của đạo diễn Lê Dân.
Trong gia tài hàng trăm bài hát của Quốc Dũng, Bài ca Tết cho em là một trong những tình khúc kinh điển về mùa xuân, gắn liền với người vợ hiện tại của ông – danh ca Bảo Yến. Ra đời năm 1982, bài hát đánh dấu cột mốc tình yêu Quốc Dũng dành cho Bảo Yến.