Mộc Lan được biết đến là danh ca tiêu biểu của làng nhạc Sài Gòn từ cuối thập niên 1940 trở về sau. Thời gian đầu đi hát, tên tuổi của cô gắn liền với nhạc sĩ Châu Kỳ. Họ là cặp đôi song ca – đôi vợ chồng nổi tiếng thời bấy giờ, đã làm mưa làm gió tại các sân khấu từ miền Nam ra đến miền Trung, miền Bắc. Riêng Mộc Lan nổi tiếng khắp mọi miền với ca khúc “Đi chơi chùa Hương” (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê). Ngoài ra cô còn nổi tiếng với nhiều ca khúc khác như : Tiếng thời gian, Hình ảnh một buổi chiều (Lâm Tuyền), Gởi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến (Đoàn Chuẩn), Thoi tơ (Đức Quỳnh), Nhớ nhung (Thẩm Oánh), Phố buồn (Phạm Duy)… Không chỉ nổi tiếng với giọng hát, Mộc Lan còn sở hữu một nhan sắc mặn mà, lộng lẫy được miêu tả như sau “da trắng như trứng gà bóc, răng đều tựa như hạt cườm, tay cứ như tay tiên”.
Mộc Lan tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931 tại Hải Phòng trong một gia đình có 8 anh em. Sau khi cha mất, vì gia cảnh khó khăn, gắng nặng đè lên vai người mẹ, nên người anh lớn tên là Long của Mộc Lan quyết định đưa cô cùng một cô em gái nữa tên Ngọc vào Sài Gòn “tha phương cầu thực” tìm kế mưu sinh để giảm gánh nặng cho gia đình vào đầu những năm 1940.
Tại đất Sài Gòn nơi phồn hoa đô thị , Phạm Thị Ngà may mắn gặp được nhạc sĩ Lê Thương. Ông chính là người đã dìu dắt cô trở thành ca sĩ và đặt cho nghệ danh rất đẹp Mộc Lan.
Mộc Lan đi hát từ khá sớm lúc cô mới chỉ 14,15 tuổi ở Đài Pháp Á. Nhưng mãi đến khi cô thể hiện thành công ca khúc Đi chơi chùa Hương (nhạc sĩ – GS Trần Văn Khê phổ từ bài thơ Chùa Hương (hay Cô gái chùa Hương) của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp) thì tên tuổi của cô mới bắt đầu gây được tiếng tăm và bắt đầu nổi tiếng khắp nơi. Ca khúc này kén người hát vì nó rất dài và xen kẽ giữa những đoạn hát là phần ngâm thơ nên không phải ai cũng có thể thể hiện được nó. Thế nhưng, Mộc Lan đã thể hiện rất thành công ca khúc này, giọng hát của cô đã chinh phục mọi khán giả và nhanh chóng chiếm trọn trái tim của công chúng.
Ngoài nổi tiếng với ca khúc “Đi chơi chùa Hương”, Mộc Lan còn nổi danh với nhiều ca khúc khác như: Tiếng thời gian, Hình ảnh một buổi chiều (Lâm Tuyền), Gởi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến (Đoàn Chuẩn), Thoi tơ (Đức Quỳnh), Nhớ nhung (Thẩm Oánh), Phố buồn (Phạm Duy)… Sau đó, Mộc Lan hát trong ban “Tiếng Tơ Đồng” của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Lúc đó, Hoàng Trọng được mệnh danh là “Vua Tango” nên những bài tango của nhạc sĩ Hoàng Trọng đều do Mộc Lan hát đầu tiên…
Trong những năm thập niên 1950, Mộc Lan là cái tên nổi tiếng khắp làng giải trí với biệt danh tiếng hát “họa mi”. Không chỉ sở hữu giọng hát vi vút như tiếng hót của họa mi, Mộc Lan còn là cô gái sở hữu nhan sắc “đẹp như tranh vẽ”. Cô không chỉ là nữ ca sĩ có mặt ở mọi đại nhạc hội, quán bar mà còn là gương mặt tràn ngập các kệ đĩa. Ngày ấy, cái tên Mộc Lan là bảo chứng doanh thu của mọi đêm nhạc, các đĩa hát có tên cô luôn trong tình trạng cháy kệ. Lúc ấy, không một sân khấu đại nhạc hội nào vắng bóng Mộc Lan. Các ban nhạc trên đài phát thanh, các câu lạc bộ, phòng trà,… nơi nào cũng muốn có ca sĩ Mộc Lan hiện diện.
Mộc Lan quả là một cô ca sĩ tài sắc vẹn toàn, thế nhưng thường hồng nhan thì bạc phận. Với tài năng và nhan sắc của mình Mộc Lan nhanh chóng trở thành nữ ca sĩ của mọi nhà, cùng với đó cô làm say mê biết bao chàng trai, nhưng cũng vì quá được say mê mà cuộc đời của cô cũng phải trải qua những đoạn tình trường cay đắng.
Trong đường tình đầy truân chuyên của mình có lẽ người đàn ông bước vào cuộc đời của Mộc Lan đầu tiên phải kể đến là nhạc sĩ Châu Kỳ. Họ gặp nhau ở chốn Sài Gòn phồn hoa đô thị, cặp trai tài gái sắc nhanh chóng bén duyên và tạo nên hiện tượng của làng nhạc. Lúc ấy, Châu Kỳ là nhạc sĩ tài hoa lại còn hát hay, còn Mộc Lan là cô ca sĩ có giọng hát như chim họa mi vang danh khắp mọi miền. Khi kết hợp song ca, giọng hát của hai người là một sự tô điểm cho nhau. Không chỉ là tình nhân trong âm nhạc, Môc Lan – Châu Kỳ còn khiến người hâm mộ hân hoan khi nên duyên vợ chồng. Thế nhưng, hôn nhân của họ lại chẳng thể bền lâu. Sau nhiều sóng gió, hôn nhân của ông vua nhạc trữ tình Châu Kỳ cùng nàng họa mi Mộc Lan tan vỡ trong sự tiếc nuối của nhiều người. Sau đỗ vỡ, nhạc sĩ Châu Kỳ chìm đắm trong đau khổ, chông chênh suốt một thời gian dài. Với Mộc Lan, sau cuộc hôn nhân không trọn vẹn cũng đã để trong cô những khoảng trống không thể nào lấp đầy.
Sau này, trong một cuộc phỏng vấn Mộc Lan có chia sẻ về Châu Kỳ như sau : “ Ông ấy rất hiền lành, đã hứa làm cái gì thì làm tới nơi. Riêng với phong trào âm nhạc thì ông ấy rất nhiệt tình. Sống có tình cảm nên bạn bè rất quý. Có điều nhậu vô là nói lèm bèm. Tính tôi nghe nhiều không chịu được, bực lắm! Mình đi hát thì phải tiếp xúc với nhiều người mà ông ấy lại quá ghen…” và có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự tan vỡ của cuộc hôn nhân này.
Người đàn ông thứ hai thường được nhắc đến khi nói tới nữ ca sĩ Mộc Lan là “ông hoàng nhạc tình” Đoàn Chuẩn. Lúc bấy giờ xuất hiện nhiều giai thoại về câu chuyện tình lãng mạng giữa người nhạc sĩ phong lưu Đoàn Chuẩn và nữ ca sĩ lừng danh Mộc Lan. Thực hư như thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới thật sự rõ. Thế nên bài viết xin được trích ra một giai thoại từ bộ sách “Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến” (2 tập) do nhạc sĩ Lê Hoàng Long biên soạn, trong đó có bài viết “Gởi gió cho ngàn bay” nói về cuộc gặp gỡ và lối tỏ tình lãng mạn của Đoàn Chuẩn với Mộc Lan.
Theo những gì nhạc sĩ Lê Hoàng Long biên soạn thì câu chuyện tình này bắt đầu từ một lần Mộc Lan hát ca khúc “Đi chơi chùa Hương” ở Nhà hát Lớn, cô ca sĩ họa mi đã khiến người nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ngây ngất.
Khi ấy, Đoàn Chuẩn nổi tiếng đẹp tai, tài hoa và phong lưu bậc nhất thời bấy giờ. Ông là con của chủ hãng nước mắm Vạn Vân giàu nức tiếng ở Hải Phòng nên “cái nết” ăn chơi của Đoàn Chuẩn cũng nổi tiếng và là đề tài bàn luận râm ran của mọi người từ Hải Phòng đến tận Hà Nội. Ông có hai thú đam mê đó là âm nhạc và ô tô. Về âm nhạc, ông từng học đàn guitar với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và học guitar Hawaii với nhạc sĩ Wiliam Chấn. Sáng tác đầu tay của ông là ca khúc Ánh trăng mùa thu (1947) ký tên Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Về ô tô thì vào thời điểm đó ông có đến 6 chiếc, trong đó có chiếc Ford Frégatte (cả Việt Nam chỉ có 2 chiếc của ông và… Thủ hiến Bắc kỳ).Ngay từ lần gặp đầu tiên, sau khi nghe nữ danh ca Mộc Lan hát “Đi chơi chùa Hương” ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), Đoàn Chuẩn đã say mê giọng hát, nhan sắc rực rỡ của Mộc Lan và quyết tâm chinh phục người đẹp. Nhưng do thời gian Mộc Lan lưu lại Hà Thành quá ngắn nên ông không có dịp giãi bày tâm tư. Thế nên sau khi Mộc Lan quay về Sài Gòn, Đoàn Chuẩn cũng đáp máy bay vào theo. Nhưng qua tìm hiểu ông biết được Mộc Lan là hoa đã có chủ – vợ nhạc sĩ Châu Kỳ. Mặc dù chua xót bẽ bàng nhưng nhạc sĩ họ Đoàn vẫn chi một khoản tiền lớn cho một tiệm hoa và yêu cầu ông chủ ngày nào cũng mang hoa đến tặng cho Mộc Lan. Trước những bó hoa bí ẩn, Mộc Lan rất tò mò và bắt đầu tìm hiểu, sau đó thì cô biết nó được gởi đến từ một người nhạc sĩ ăn chơi nức tiếng Hà Thành Đoàn Chuẩn cũng là “ông hoàng nhạc tình” lúc bấy giờ.
Một hôm, Mộc Lan nhận được một lá thư trong đó là lời của một bài hát, khuông nhạc được kẻ bằng tay cẩn thận, ca từ được viết nắn nót trên tờ giấy Pơ – Luya xanh: “Gởi gió cho mây ngàn bay. Gởi bướm đa tình về hoa. Gởi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư về đây với thu trần gian…”. Sau đó, Đoàn Chuẩn còn viết bài “Gởi người em gái (Gởi người em gái miền Nam) tặng cho Mộc Lan. Thế nhưng, sau tất cả thì còn lại cũng chỉ là một giai thoại đẹp, chuyện tình không đi đến đâu, vì lúc bấy giờ cả hai đều đã có gia đình riêng của mình.
Tuy cuộc đời của nữ danh ca Mộc Lan gắn liền với các “ông vua”, “ông hoàng” của làng nghệ thuật. Ai cũng yêu bà tha thiết, yêu đến cháy bỏng, nhưng rồi cuối đời nữ danh ca nức tiếng ngày nào phải sống cô đơn trong hoàn cảnh khó khăn, lặng lẽ với những nỗi đau thầm lặng không biết tỏ cùng ai.
Những năm cuối đời, Mộc Lan sống cô độc trong một căn nhà chỉ chừng mười mấy mét vuông ở cuối con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, Quận 3, Tp. HCM. Càng vất vả hơn khi cô phải một mình nuôi nấng, chăm lo cho người con gái đã lớn tuổi của mình bị bệnh tâm thần. Mảnh lưng ong ngọc ngà một thời nay đã còng xuống, trí nhớ mai một, vẻ xuân sắc ngày nào cũng dần tàn phai với mái tóc đã điểm sương trắng.
Ngày 11 tháng 5 năm 2015, Mộc Lan trút hơi thở cuối cùng. Cô ca sĩ vang danh một thời đã sang cõi vĩnh hằng, rời xa những đắng cay trần thế. Sự ra đi của cô cũng đã để lại nhiều niềm tiếc thương cho những người mến mộ giọng ca “họa mi” ngày nào.
- Ngồi lại nghe chuyện Sài Gòn xưa: Nhớ về những tên đường từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa
- Tản mạn đôi chút về tình Cha qua ca khúc ƠN CHA của nhạc sĩ Y VÂN
- Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoài An (1929 -2012)
- Ngắm nhìn nhan sắc nữ hoàng sân khấu điện ảnh Thanh Nga – Một trong Tứ Đại Mỹ Nhân Saigon xưa
- Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Diễm Xưa” và lời bài hát chuẩn nhất