Cuộc đời của cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn – Người nhạc sĩ gạo cội của nền tân nhạc Việt Nam

Đăng ngày 05/09/2024

Cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn là một trong những nhạc sĩ thuộc thời kì đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Là một nhạc sĩ có số lượng sáng tác không nhiều, nhưng đa số ca khúc ông viết rất hay và giá trị, mỗi bài hát đều mang một nét độc đáo riêng. Các nhạc phẩm có cấu trúc, giai điệu và ca từ đều được ông chọn lọc kĩ lưỡng từng hình nốt, cung bậc. Trong số đó nổi bật nhất là “Nắng Chiều”, nhạc phẩm này đã đưa tên tuổi của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn vang danh sang các nước khác. Với chất nhạc lãng mạn trữ tình, mềm mại, réo rắc, buồn man mác nhưng không bi lụy làm say đắm lòng người nghe, “Nắng Chiều” được chuyển lời sang tiếng Hoa, Nhật, Anh, Thái Lan,… với các tên gọi như Nam Hải tình ca, Việt Nam tình ca, Tịch dương,… . Ngoài ra nhiều nhạc phẩm khác của cố nhạc sĩ cũng được nhiều người yêu thích như: Chiều bên giáo đường, Lá rơi bên thềm, Sao đêm,…

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn | TÁC GIẢ & TÁC PHẨM

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn lấy tên thật của mình làm bút danh, ông sinh ngày 1 tháng 5 năm 1926 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Cha ông mất sớm, mẹ ông một mình tần tảo nuôi hai anh em ông trưởng thành. Nhưng rồi em gái ông sau lập gia đình và cũng sớm qua đời để lại 3 đứa cháu cho mẹ ông và ông nuôi dưỡng.

Khoảng năm 1942 đến năm 1945, Lê Trọng Ngyễn sống và học ở Hà Nội, trong thời gian này ông làm bạn với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát.

Năm 1946, Lê Trọng Nguyễn cho ra đời ca khúc đầu tay của mình mang tên “ Ngày mai trời lại sáng”  sau đó ông liên tiếp sáng tác: Đừng Quên Nhau, Trăng Lại Sáng, Thuyền Lãng Tử, Lời Việt Nữ, Ngày Mai Trời Lại Sáng, Nắng Chiều,…. Tuy số lượng nhạc phẩm do ông sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm của ông đều có giá trị nghệ thuật cao, giai điệu, ca từ trau chuốt, hình ảnh đẹp như: Chiều bên giáo đường, Lá rơi bên thềm, Sóng Đà giang, Sao đêm… Trong đó nổi tiếng hơn cả là ca khúc Nắng Chiều được ông sáng tác vào năm 1952. Người thâu tiếng hát đầu tiên bản “Nắng Chiều” vào dĩa nhựa là ca sỹ Minh Trang. Ca khúc này không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được phổ biến ở Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông với nhiều tên gọi khác nhau.

Lê Trọng Nguyễn từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Nắng Chiều như sau: “Tôi viết bản đó ở Huế, thời gian sau khi bỏ vùng kháng chiến về thành… Tâm sự tôi trong bài Nắng chiều nó như thế này, kể anh nghe cho vui. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 3 năm 45, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!”

Những ca khúc do Lê Trọng Nguyễn sáng tác đã được các cơ sở chuyên in tập nhạc trước năm 1975 như Tinh Hoa (Huế), Tinh hoa miền Nam (Sài Gòn), An Phú (Sài Gòn),… đã tái bản rất nhiều lần, mỗi lần in 3.000 bản. Trong đó “Nắng chiều” được in vài chục lần, tổng số bản in thực tế có thể lên đến cả trăm ngàn bản. Nhạc phẩm này cũng liên tục được yêu cầu phát trên một số đài phát thanh tại Huế và Sài Gòn từ năm 1953 trở về sau “Nắng chiều” lan tỏa khắp miền Trung và Nam nước Việt Nam.

NHẠC SĨ LÊ TRỌNG NGUYỄN | Một thời Sài Gòn

Trước năm 1954, Lê Trọng Nguyễn cũng từng phụ trách âm nhạc cho Liên khu Năm gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, sau đó ông không làm nữa và về cư trú tại Hội An.

Lê Trọng Nguyễn từng có thời gian dạy âm nhạc tại trường trung học Nguyễn Duy Hiệu. Sau này ông theo học hàm thụ trường École Universelle của Pháp, tốt nghiệp và trở thành hội viên của “SACEM” – Hội Nhạc sĩ Pháp (La Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique).

Tuy là nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng Lê Trọng Nguyễn không chỉ sống bằng âm nhạc. Năm 1965, ông làm Giám đốc một công ty thương mại của Pháp – Công ty Centra Co.. Năm 1968, Lê Trọng Nguyễn làm Giám đốc điều hành công ty Sealand tại Đà Nẵng.Năm 1970, Lê Trọng Nguyễn kết hôn cùng với bà Nguyễn Thị Nga, lễ cưới được tổ chức tại nhà hàng Continental. Sau khi lập gia đình ông từ bỏ chức vụ giám đốc công ty Sealand và cùng gia đình về sống tại Sài Gòn.

Năm 1973, Lê Trọng Nguyễn làm giám đốc nhà máy Dầu hỏa Cửu Long.

Sau sự kiện năm 1975, Lê Trọng Nguyễn mở lớp dạy nhạc tại nhà và tự tay chế tạo một số loại nhạc cụ phổ thông như Mandolin và Guitar.

Tháng 3 năm 1983, Lê Trọng Nguyễn cùng vợ và bốn người con sang định cư tại Rosemead, Hoa Kỳ.

Ngày 9 tháng 1 năm 2004, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn qua đời tại bệnh viện City of Hope, Rosemead vì bệnh ung thư phổi.

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 5)

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *