Vào thập niên 30 của thế kỉ trước đã ra đời một đoàn cải lương nổi tiếng mang tên Phước Cương do Công tử hột xoàn Nguyễn Ngọc Cương đứng ra thành lập. Sở dĩ mọi người gọi ông là công tử hột xoàn vì trên cổ ông luôn có một hột xoàn thật lớn.
Đương thời, ông được rất nhiều nghệ sĩ cải lương mến mộ. Bởi vì ông đã góp phần nâng cao và đào tạo những nghệ sĩ tài năng như Năm Phỉ, Sáu Ngọc Sương, Bảy Nam, Bảy Nhiêu, Năm Châu, Ái Liên, Thanh Tùng, Duy Lân,… Bản thân vốn được lĩnh hội kiến thức từ Pháp, lại học được tinh hoa của nghệ thuật nên khi về nước, ông đã xây dựn
g đoàn cải lương với mô hình tương tự như đoàn hát bên Pháp nhưng được cải biên theo phong cách nghệ thuật của Việt Nam.
Ông còn hướng dẫn cho mọi người trong đoàn hát biết phân biệt giữa hát bội và hát cải lương. Nói về hát bội thì đây là loại hình nghệ thuật mang đậm phong cách Á Đông, lời hát chủ yếu là tả ý. Còn về cải lương thì giống với kịch của phương Tây, lời hát chủ yếu là tả thực. Cả hai loại hình này đều là niềm tự hào của Việt Nam, tùy theo sở thích mỗi người sẽ chọn loại hình nghệ thuật khác nhau để cảm nhận. Tuy nhiên để phong cách nghệ thuật của Việt Nam gần gũi hơn với nghệ thuật của phương Tây, ông Ngọc Cương đã biên soạn lại những tác phẩm của hát bội trở thành những bài hát cải lương để mọi người có cái nhìn rộng hơn về nghệ thuật, chẳng hạn như tuồng Xử án Bàng Quý phi. Hoặc ông sẽ dựa theo những tuồng của Pháp mà đem về diễn lại ở Việt Nam như Tứ đổ tường, tơ vương đến thác,… sao cho đảm bảo những tuồng này có ý nghĩa hợp với văn hóa của Việt Nam.
Bản thân là du học sinh của Pháp nên ngoài việc lĩnh hội kiến thức về nghệ thuật, ông còn học được cả cách thức kinh doanh. Vốn là người sáng dạ, ông nghĩ ra cách tăng doanh thu cho gánh hát bằng việc tăng giá những hàng ghế thượng hạng so với hàng ghế hạng nhất khoảng 2 cắc bạc, bao gồm 3 hàng ghế gần sân khấu. Đây cũng được xem như là đánh vào tâm lý khách hàng.
Là một người tài giỏi, chỉ mất khoảng 20 năm từ năm 1925 – 1945 thì ông Nguyễn Ngọc Cương đã có thể đưa cải lương trở thành loại hình nghệ thuật thu hút được nhiều người xem, nhất là ở miền Nam Việt Nam. Để có được thành tựu như vậy cũng phải kể đến xuất thân của ông. Ai cũng nói ông Cương được thừa hưởng tính cách phong lưu từ mẹ. Bởi vì mẹ của ông từng là đào hát, chủ gánh hát, ngay cả bà ngoại cũng là chủ bầu gánh hát bội. Vậy nên trong dòng máu của ông luôn sôi sục niềm tin yêu nghệ thuật mãnh liệt. Người xưa có câu “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, có thể nói rằng Nguyễn Ngọc Cương đã thừa hưởng toàn bộ tài năng của bà ngoại và mẹ để rồi chính ông là người đã đem nghệ thuật cải lương đến với miền Nam nước ta.
Để miêu tả về mẹ của ông, nghệ sĩ Ba Vân đã đến chơi nhà mẹ ông là bà Ba Ngoạn, bà Ba Vân nói rằng đó là một người phụ nữ rất tân thời, con nhà giàu có và giao thiệp rộng. Trong nhà của bà, ông Ba Vân thấy có treo một bằng lái xe số 11 của bà. Là một người hiện đại, mẹ của ông Cương được xem là người phụ nữ đầu tiên lái xe hơi ở thời Pháp thuộc. Ngoài ra, nghệ sĩ Ba Vân còn thấy trên tường nhà bà có hai thanh gươm của vua Thành Thái được đặt chéo nhau, thanh gươm này là quà tặng của vua khi đến nhà bà dự tiệc. Chuyện là vua Thành Thái trong một lần đi du ngoạn phương Nam đã quen biết với cô đào Ba Ngoạn, rồi sinh ra Nguyễn Ngọc Cương. Mọi chuyện được giấu kín đến sau 1975, những người ở gia tộc Huế đến tìm gặp nghệ sĩ Kim Cương rồi cả hai bên mới nhận nhau. Hiện tại, trên bàn thờ gia tiên của nghệ sĩ Kim Cương vẫn đặt hình vua Thành Thái. Nghệ sĩ Kim Cương là con gái của ông Nguyễn Ngọc Cương.
Với gia cảnh giàu có như vậy, việc ông được ra nước ngoài du học là điều hiển nhiên. Ban đầu ông được mẹ là bà Ba Ngoạn cho sang học ngành y khoa ở bên Pháp để ông trở thành bác sĩ. Nhưng ông chỉ học được một năm, sau đó với tinh thần yêu nghệ thuật bền bỉ. Từ bé đã sống trong tiếng đàn, tiếng hát cùng những đèn màu lấp lánh, ông đã chuyển sang học ngành sân khấu. Mặc dù ngành y luôn được đánh giá cao, và với cương vị là một người mẹ thì bà Ba Ngoạn dĩ nhiên muốn con trai mình trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vì thương con nên bà cũng chiều theo sở thích và chấp nhận để con mình chuyển ngành học, đến năm 1918 thì ông trở về nước. Khi trở về nước, ông như một viên ngọc quý của ngành sân khấu ca diễn. Bởi vì ở những năm tháng của thế kỷ XX thì người theo nghề sân khấu đa số là do năng khiếu chứ không được học hành gì cho nhiều. Việc ông Cương tham gia vào nghề sân khấu dường như là một bước tiến quan trọng vì thời đó cải lương chưa xuất hiện ở miền Nam Việt Nam mà chỉ có “ca ra bộ” ở Mỹ Tho, Sa Đéc. Sau này ông Cương đã thành lập đội đờn ca tài tử để phát triển “ca ra bộ” ở Sài Gòn và sau này phát triển thành bộ môn nghệ thuật cải lương.
Khi đã bước chân vào con đường sân khấu một cách rành rẽ, ông mở một gánh hát cải lương mang tên Phước Cương vào năm 1926. Gánh hát của ông đã đi diễn ở Hà Nội khoảng những năm 1930 và còn sang cả Pháp để lưu diễn. Điều đó có thể cho ta thấy rằng đoàn cải lương của ông đã vô cùng thành công khi được đi biểu diễn cả ở bên nước ngoài. Để nói về sự ra đời của gánh hát, con gái của ông là nghệ sĩ nhân dân Kim Cương đã kể rằng bà được xem một tấm hình của cha mình chụp chung với 3 người khác và phía sau ghi chú dòng chữ: “Bốn công tử Sài Gòn”. Trong bức hình còn có một người được mệnh danh là Bạch công tử với tên gọi là Georges Phước. Vậy thì bây giờ ta đã hiểu đoàn hát Phước Cương là tên ghép của từ “Phước” và “Cương” trong tên Nguyễn Ngọc Cương và Lê Công Phước (được mệnh danh là Bạch công tử). Vì gánh hát đã được 2 ông cùng nhau thành lập.
Nguyễn Ngọc Cương còn tích cực biến ngành nghệ thuật sân khấu của Việt Nam trở nên phát triển và chuyên nghiệp hơn. Ông cũng là người đi đầu trong việc đưa kịch bản, trang phục, cảnh trí để những tuồng diễn được trở nên bài bản và hoàn thiện hơn. Ngoài ra, ông còn làm được ba việc cho đoàn hát Phước Cương từ năm 1925 và 3 điều ấy được xem là niềm tự hào của đoàn hát. Đầu tiên, mỗi khi đoàn diễn tuồng Tàu thì phải đúng bài bản. Để vở tuồng được diễn ra một cách trơn tru và chính xác, ông còn mời kép Quảng Đông về dạy đào kép trong đoàn từng chi tiết nhỏ như quan văn thì lên ngựa như thế nào, quan võ thì lên ngựa ra sao,… Những y phục của đoàn hát khi hát vở tuồng Tàu nhất định phải tương tự như bên Tàu.
Điều thứ hai là ông Cương cho thờ thánh tổ, sau tấm phông mỗi rạp sẽ để bàn thờ và cốt ông tổ để mọi người thờ phụng. Lễ bái thánh tổ sẽ được cúng vào đêm 11 tháng 8 âm lịch. Tối 12 sau khi hát xong, nhạc sĩ đờn ca và đào kép sẽ đứng trước bàn thờ tổ và cúng ra mắt. Tối 13 thì tùy theo kép chính và kép phụ sẽ được cho tiền thưởng và chơi cờ bạc suốt đêm. Tóm lại trong 3 ngày 11, 12, 13 tháng 8 âm lịch là ngày bái thánh tổ và mọi người sẽ được thoải mái nghỉ xả hơi.
Điều thứ 3 là những người trong đoàn hát sẽ được trả lương đầy đủ và được nghỉ ngơi đủ giấc. Quy định của đoàn hát là 9 giờ mỗi ngày phải điểm danh tại rạp hoặc dưới ghe. Thời ấy đoàn hát Phước Cương có ghe chài lớn và những người trong đoàn có thể tập ở đây. Khi đến rạp, trang phụ phải đàng hoàng. Ngoài ra ông Cương còn cấm cho vay tiền bạc và đánh cờ bạc trong đoàn. Mọi người chỉ được đánh bạc vào ngày giỗ tổ và ngày Tết.
Nhiều người nhận xét rằng nghề hát này cô cùng khó khăn, như ông Bảy Nhiêu đã nói: “Đi hát cho gánh Phước Cương thêm một bước hiểu biết chút ít về sân khấu ca hát: biết được cái khó… hết sức khó của nghề hát, tôi rất say mê tự tìm học hỏi…”.
Ông Tư Cương (Nguyễn Ngọc Cương) cũng rất quan tâm đến nơi đào tạo nghệ thuật của miền Nam khi ông đứng ra xin chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ thành lập trường Quốc gia Âm nhạc Kịch nghệ tại Sài Gòn để đào tạo nghệ sĩ Việt Nam. Điều đó đã được Thống đốc Hoeffel chấp nhận, chỉ còn đợi ngân sách là đã có thể xây dựng được. Những nghệ sĩ như Năm Châu, Tư Chơi, Bảy Nhiêu đều ủy quyền để ông Tư Cương có thể quản lý trường nếu trường được xây dựng. Tuy nhiên ngôi trường vào thời gian này đã không thể hoàn thành vì ông Tư Cương đã mất vào năm sau đó.
Với những tư tưởng hiện đại, ông luôn nghiên cứu và tìm tòi sự mới mẻ với mong muốn nghệ thuật sẽ được bước trên con đường phát triển hơn về sau này. Tuy nhiên những tư tưởng ấy chỉ được những nghệ sĩ như Năm Châu, Năm Nở,… ủng hộ vì dù sao thời đó học thức của mọi người cũng không hoàn toàn được phổ biến rộng rãi.
Những hồi ức về ông Nguyễn Ngọc Cương của con gái ông – Nghệ sĩ Kim Cương
Mất cha từ năm 8 tuổi, ký ức về ông Nguyễn Ngọc Cương của nghệ sĩ Kim Cương cũng không nhiều. Cô chỉ nhớ cha mình là một người khá lịch lãm. Vì được ảnh hưởng bởi văn hóa Pháp nên mỗi khi đi ra ngoài, ông Nguyễn Ngọc Cương luôn khoác lên mình bộ tussor complet, thắt cà vạt đỏ, chân mang giày da trắng xám, đầu chải brillantine, túi áo nhét khăn pochette có mùi nước hoa Champagne thoang thoảng.
Ông Nguyễn Ngọc Cương trải qua 3 đời vợ là nghệ sĩ Năm Nhỏ (cô đào hát trong gánh hát của mẹ mình), nghệ sĩ Năm Phỉ, nghệ sĩ Bảy Nam (em ruột nghệ sĩ Năm Phỉ). Kim Cương là con gái của ông với nghệ sĩ Bảy Nam. Vì hơn 40 tuổi mới có đứa con gái đầu lòng nên ông rất thương Kim Cương. Cô nhớ lại hồi bé bị sốt, ông Cương mướn xích lô rồi ôm cô, cho chạy cả đêm ngoài đường để cô hạ sốt.
Từ bé cô đã được cha cho đi diễn ở đoàn. Mỗi lần có tiết mục các đào kép diễn yêu thương nhau, cưới nhau rồi có con thì Kim Cương sẽ chạy ra diễn vai đứa con đó. Nhưng mà Kim Cương vốn dĩ là con nít nên không thích ngủ trưa, đến tối thì buồn ngủ, lắm lúc chịu không nổi lại chui vào góc tối để ngủ mặc dù mặt đã trang điểm xong. Biết ý con gái, ông Cương đi tìm rồi dỗ dành, cho uống sữa để cô tỉnh táo rồi bồng vô bàn thờ tổ, thắp nhang rồi sau đó mới diễn.
Hồi đó đoàn cải lương Phước Cương hay đi diễn ở miền Tây và miền Trung là nhiều. Khi lưu diễn ở miền Tây thì cả đoàn đi ghe, đi diễn ở miền Trung thì đi xe lửa. Khi nào mà không diễn nhưng đêm hôm ấy trăng sáng là mọi người sẽ lên mui ghe để nói chuyện với nhau. Còn Kim cương thì được cha bế trong lòng. Vậy nên cô rất thương cha và cái tâm hồn lãng mạn của cô được hình thành nhờ vào những đêm trăng thanh gió mát như thế này.
Ông Tư Cương có một cách dạy chữ cho con rất đặc biệt, ông dẫn đứa con gái của mình đi vòng quanh các ghế quan sát để xem có sạch sẽ hay không trước khi khách đến. Sau đó ông chỉ vô các chữ cái ở các hàng ghế đầu rồi dạy con ghép chữ lại thành tên của mình.
Tư Cương còn là một người vô cùng trượng nghĩa. Có một câu chuyện dò bà Bảy Nam kể lại rằng trong một chuyến lưu diễn ở Tourane Đà Nẵng, hai vợ chồng được vợ chồng viên chánh án mời đến nhà để nghỉ ngơi trong suốt quá trình diễn tuồng bởi vì vợ chồng ông chánh án là một người rất quý nghệ sĩ. Thế nhưng vào lúc chuẩn bị rời khỏi nhà ông bà chánh án, bà Bảy Nam phát hiện mình bị mất tiền, cụ thể là tờ giấy bạc bộ lư 100 đồng. Bà định báo với chủ nhà nhưng ông Cương đã ngăn lại, nói rằng tiền bạc là do mình giữ, còn tình nghĩa với người ta thì không nên để mất. Sự việc dừng lại ở đó cho đến khoảng nửa tháng sau, vợ chồng ông chánh án mới thấy đứa con trai của mình xài tiền phung phí. Ông hỏi rõ ngọn ngành mới hay chuyện đã xảy ra. Lúc này vợ chồng ông chánh án lặn lội bao xe đi tìm đoàn hát lúc này đã đi xa, khi gặp lại vợ chồng Tư Cương – Bảy Nam, hai vợ chồng chánh án đã xin lỗi và hoàn lại tiền cho bà Bảy Nam.
Cháy hết mình ở đất trời phương Bắc
Năm 1931, Tư Cương tham dự triển lãm (còn gọi là đấu xảo) ở Paris về và đến năm 1932, ông mở cuộc lưu diễn ra cả miền Trung và miền Nam. Cũng phải nói thêm, ông Tư Cương sau khi đã phát triển sự nghiệp vững vàng ở miền Nam, ông bắt đầu đi diễn ở cả miền Trung và miền Bắc và điều đó nhận được sự ủng hộ rất lớn của mọi người trên con đường đi của đoàn hát từ Nam ra Bắc. Tại phòng hòa nhạc Bờ Hồ, đoàn đã diễn đi diễn lại 3 tuồng: Phụng Nghi Đình, Xử án Bàng Quý Phi, Áo người quân tử. Trong 15 đêm diễn, phòng hòa nhạc chật ních người. Nhiều người còn hâm mộ đoàn hát đến nỗi đứng chờ suốt đêm để được nhìn thấy các nghệ sĩ của đoàn hát. Những nghệ sĩ chính của đoàn đã được báo chí phương Bắc phỏng vấn như Năm Phỉ, Tám Danh, Bảy Nhiêu,… Điều đó cho thấy được sự nổi tiếng của nhiều nghệ sĩ trong đoàn và cả đoàn hát còn nhận được sự hâm mộ rất lớn không chỉ từ người dân miền Nam mà cả từ người dân miền Bắc.
Đến năm 1932, đoàn hát Phước Cương lại lưu diễn ở miền Trung và miền Bắc thêm một lần nữa. Và như những lần trước đây, lần này đoàn cải lương của ông lại nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ người dân của cả 2 miền Trung và Bắc. Khán giả thích nghe nhất là bài xàng xê của đoàn, mỗi lần nghệ sĩ trong đoàn giọng lên là khán giả vỗ tay rầm trời khiến rạp hát như muốn vỡ tung ra.
Ít lâu sau đoàn hát Phước Cương của ông lưu diễn ở Hà Nội. Lúc này đoàn hát Trần Đắt cũng ở đó và hai đoàn đã gặp nhau. Nếu như đoàn hát Phước Cương có những nghệ sĩ tài năng như Năm Phỉ, Tám Danh, Bảy Nhiêu thì đoàn hát Trần Đắt cũng không kém cạnh với những nghệ sĩ gạo cội như Năm Châu, Tư Út, Từ Anh, Tư Chơi,…
Cả hai đoàn hát cân tài cân sức khi đoàn Phước Cương biểu diễn vở tuồng “Tội của ai” thì đoàn Trần Đắt sẽ diễn vở “Tơ Vương Đến Thác”. Trong cùng một thời điểm, đoàn Phước Cương diễn ở nhà hát lớn Theatre Municipate. Còn đoàn Trần Đắt diễn ở rạp Trung Quốc, Hàng Bạc. Lúc bấy giờ ông Phước Cương mới chơi chiến thuật là cho xe tang đi rao. Ngờ đâu chiến thuật của ông lại thành công khi 5 giờ chiều, khán giả miền Bắc đã ùn ùn kéo đến, chen chúc đông nghẹt ở nhà hát nơi đoàn hát Phước Cương biểu diễn.
Đến năm 1936, đoàn đổi tên thành Đại Phước Cương và đến Bắc Hà biểu diễn. Nghệ sĩ trong đoàn gồm có Năm Châu, Từ Anh, Tám Danh, Ba Du, Năm Phỉ, Thanh Tùng, Sáu Ngọc Sương. Sau đó đoàn còn quay lại Hà Nội để diễn tuồng Túy Hoa Vương Nữ của Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) và được khán giả cả miền Trung và miền Bắc yêu mến.
Ông Nguyễn Ngọc Cương mất năm 1946 tại Phan Thiết trong sự khốn khổ và hắt hủi của ông chủ rạp hát. Xuất thân từ gia đình nghệ thuật, bản thân học y nhưng sau này vẫn bỏ tất cả để đi theo nghệ thuật và từng bước giúp nghệ thuật cải lương có chỗ đứng trong xã hội. Vậy mà đến cuối đời ông lại phải chịu sự bạc bẽo của số phận.