Ca sĩ Giao Linh được biết đến thông qua những bản tình ca bất hủ. Tiếng hát mang âm sắc buồn của cô đã vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống, để đến bây giờ tiếng hát ấy vẫn luôn đánh thức những cảm xúc sâu kín nhất trong lòng mỗi người. Cũng bởi vì nét đặc trưng trong tiếng ca và phong cách biểu diễn trầm buồn của cô đã làm nên cái tên “Nữ hoàng sầu muộn”, để rồi tiếng hát ấy vẫn luôn là một phần của kỷ niệm và ký ức của bao người yêu nhạc từ xưa cho đến tận bây giờ.
Giao Linh tên thật là Đỗ Thị Sinh, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1949 tại Sài Gòn. Cô được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, gồm có 7 anh chị em nhưng không có ai tham gia lĩnh vực nghệ thuật. Hoàn cảnh gia đình của cô lúc ấy hết sức khó khăn, thiếu thốn về vật chất. Giao Linh từng chia sẻ: “Cha mẹ tôi sinh ra tất cả 10 người con, mất đi 3 người, còn lại tôi và 6 đứa em. Nhà nghèo, lại có đàn em nheo nhóc thơ dại…” .
Từ nhỏ Giao Linh đã tỏ ra rất thích âm nhạc và đam mê ca hát, lúc bấy giờ cha cô cấm đoán, không muốn con gái mình đi theo con đường nghệ thuật này vì ông cho rằng nghề ca hát là “xướng ca vô loài”. Nhưng mẹ cô đã ủng hộ và tạo điều kiện hết mình để Giao Linh đi “tầm sư học đạo” thực hiện mơ ước, mẹ cô còn lén mời thầy về dạy nhạc cho cô phần vì thương con, phần vì thấy được tài năng bẩm sinh của con gái mình.
Năm 1965, trong một chuyến đi chơi ở Đà Lạt, Đỗ Thị Sinh bày tỏ ước muốn ca hát của mình với người một người bạn thân và xin tư vấn đặt nghệ danh thì người bạn này gợi ý cái tên “Giao Linh” vì tin rằng “nghệ danh này sẽ gặp nhiều may mắn”.
Năm 16 tuổi, Giao Linh vừa làm nhân viên kiểm vé vừa tham gia biểu diễn văn nghệ ở Air Việt Nam. Năm 1966, cô đại diện cho Air Việt Nam tham dự chương trình văn nghệ của đoàn “Kim Hoàng – Như Mai” và giành được huy chương vàng, đánh dấu cột mốc bắt đầu sự nghiệp ca hát của cô. Cũng trong năm này, trong một buổi giao lưu văn nghệ, nhạc sĩ Thu Hồ nghe được giọng hát của Giao Linh và hẹn bà lên hãng đĩa Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để thử giọng vào ngày hôm sau. Thành công ở buổi thử giọng mở ra cơ hội giúp Giao Linh kí được với hãng Continental hợp đồng thu đĩa độc quyền trong ba năm.Cũng chính nhờ cuộc gặp định mệnh ấy đã làm thay đổi cuộc đời cô gái mang tên Đỗ Thị Sinh và đánh dấu sự ra đời của nghệ danh Giao Linh từ đó. Giao Linh từng chia sẻ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đặt ra yêu cầu thu âm rất khắt khe, có lần yêu cầu cô phải thu âm một ca khúc đến 48 lần, đến khi bản thu đạt mới thôi. Cô cũng từng dành hai năm để học cổ nhạc theo mong muốn của nhạc sĩ, tuy nhiên cô cho rằng mình “không có duyên” với thể loại này. Tuy trong công việc nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khó tính là vậy, nhưng ông luôn chỉ dạy, hỗ trợ nhiệt tình cho Giao Linh, nên cô luôn biết ơn ông vì điều đó và cô nghĩ có sự chỉ bảo tận tình của thầy mới có Giao Linh của ngày hôm nay. Giao Linh tâm sự: “Thầy ngày xưa khó lắm. Nhưng cũng bởi cái sự khó đó mà hầu hết các ca sĩ ngày xưa đều giữ được chỗ đứng trong lòng khán giả cho đến tận bây giờ”
Còn về biệt danh “Nữ hoàng sầu muộn” thì sau này cô chia sẻ: “ Biệt danh này là do ngày xưa, tuy còn trẻ trung thật nhưng trời cho tôi một tiếng ca buồn, nên từ đó, bạn bè trong nghề đồn thổi chết tên sầu muộn cho đến bây giờ. Ngày đó, cứ bài nào buồn vào tay tôi sẽ nổi tiếng, còn ca khúc nào vui, tôi hát nghe cũng thành buồn”.
Đến năm 1970, khi hết hạn hợp đồng với hãng đĩa Continental, Giao Linh tiếp tục cộng tác với các hãng đĩa khác, đồng thời được hãng dĩa Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông giúp phát hành băng nhạc đơn ca “Sơn Ca 6”.
Năm 1982, Giao Linh rời Việt Nam để sang Canada đoàn tụ với gia đình. Trong thời gian này “Tiệm phở Linh” ở Toronto là nguồn thu nhập chính của cả nhà vì những năm tháng ấy Giao Linh không đi hát nữa.
Năm 1987 cô kết hôn với một người bạn từ thời thanh mai trúc mã, người đó đã từng có 3 đời vợ và đang nuôi 6 đứa con, còn Giao Linh cũng đã 37 tuổi. Tuy nhiên đối với cô điều đó không quan trọng, quan trọng là tình cảm của hai vợ chồng rất tốt. Ca sĩ Giao Linh kể rằng chồng cô là người rất yêu thương vợ và biết cách chăm sóc con cái. Chồng của cô tuy không hoạt động nghệ thuật nhưng rất yêu nghệ thuật, đặc biệt ông rất yêu tiếng hát của vợ.
Sau khi kết hôn, cô sang định cư ở San Jose, California, Hoa Kỳ. Cô tiếp tục đi hát nhiều nơi và thu âm nhiều băng đĩa cho các trung tâm ca nhạc, trong đó có Trung tâm Băng nhạc Giao Linh (Giao Linh Productions) của chính cô tại Westminster, California, Hoa Kỳ.
Năm 2000, Giao Linh trở về Việt Nam biểu diễn, cô tiếp tục mang giọng hát của mình phục vụ khán thính giả yêu nhạc khắp mọi nơi, tham gia một số chương trình truyền hình và các hoạt động từ thiện giúp đỡ đồng bào mình.
Một số CD có sự góp mặt của ca sĩ Giao Linh khi cô đã về nước như:
CD Đổi thay(Giao Linh & Tuấn Vũ)
CD Một lần lỡ bước(2001)
CD Tình hững hờ(2001)
Hồng Lộc Film (phát hành):
CD Giao Linh Vol. 19: Hàn Mặc Tử(2010)
Tuấn Trinh:
CD Chuyến phà dĩ vãng(Giao Linh & Tiến Vinh; 2012)
Giao Linh cũng thường xuyên tham gia các chương trình truyền hình trong nước như: Solo cùng Bolero (2015 – 2017), Tình Bolero (2015 – 2016), Ca sĩ giấu mặt (2017), Hãy nghe tôi hát (2016 – 2019), Sao nối ngôi (2018), Chân dung cuộc tình (2018), Thần tượng Bolero (2019), Người kể chuyện tình (2019), Ký ức vui vẻ (2019)…
- Câu chuyện đẫm nước mắt đằng sau ca khúc: Chuyện Tình Mộng Thường
- Nhớ về khăn búi tóc người Việt xưa – vẻ đẹp thuần Việt thời đã rời vào dĩ vãng
- “Đường Về” – Một bản Tango mẫu mực của “ông vua tango” Hoàng Trọng
- Hoài niệm Tết thời bao cấp: Sự cố pháo nổ nhớ đời của gia đình tôi.
- “Khi Xa Sài Gòn” – Bài hát được nhiều người Sài Gòn xa quê sau 1975 biết tới