1969 là năm Trịnh Công Sơn ở đỉnh cao trong sự nghiệp, nhưng lại là năm mà ông đón nhận cái kết của một cuộc tình đẹp. Còn chính quyền Việt Nam Cộng hòa, sau một bản điều tra chi tiết, họ sẽ có những động thái nào?
“Lòng nhân ái lên nụ hồng”
John C.Schafer khi khảo lại tinh thần Ca khúc Da vàng trong cuốn Trịnh Công Sơn và Bob Dylan (nguồn đã dẫn) đã nhận định: “Trịnh Công Sơn, trái lại, luôn luôn cổ vũ lòng vị tha và kêu gọi nên chấm dứt hận thù”. John C.Schafer lấy dẫn chứng trong bài Gia tài của mẹ (1965), Trịnh Công Sơn đưa ra một danh sách những đại họa đã giáng xuống đầu Mẹ Việt Nam, nhưng ông khuyên nhủ đàn con nên “quên hận thù”: Dạy cho con tiếng nói thật thà/Mẹ mong con chớ quên màu da/Con chớ quên màu da nước Việt xưa/Mẹ trông con mau bước về nhà/Mẹ mong con lũ con đường xa/Ôi lũ con cùng cha quên hận thù.
Năm 1968, khi Trịnh Công Sơn viết Dựng lại người dựng lại nhà sau những đổ nát trên quê hương mình, thì ông lại “vẽ ra viễn tượng người Việt xây dựng lại quê hương khi hòa bình trở lại. Ông bảo rằng trước hết mọi người phải tự xây lại mình, tức là phải thay thế hận thù bằng tình thương”, theo John C.Schafer. Ta cùng lên đường đi xây lại tình thương/Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương/Những đứa con lạc dòng mừng hôm nay xóa hết căm hờn/Mượn phù sa đắp trên điêu tàn, lòng nhân ái lên nụ hồng.
Dẫu vậy, thì các Ca khúc Da vàng vẫn bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm duyệt gắt gao vì có sức lôi cuốn thanh niên dấy lên phong trào phản chiến. Như trong văn bản điều tra mật đã nêu, “hiện vật” mà Bộ Thông tin gửi lên Tổng trưởng Văn hóa giáo dục là 3 cuốn băng, một tập nhạc mới ấn hành của Trịnh Công Sơn. Giải pháp mà Bộ Thông tin Sài Gòn nêu ra trong trang cuối phiếu trình điều tra là: “Tiếp tục khai thác, theo dõi tư tưởng cùng mọi tiếp xúc liên lạc của Sơn (nếu có)”; “giúp đỡ, bảo vệ cho Sơn cùng khuyến khích sáng tác những nhạc phẩm đi đúng đường lối đấu tranh của chính phủ”, thuyết phục Trịnh Công Sơn “không tiếp xúc với thành phần sinh viên thân Cộng, chủ hòa, hòa bình giả tạo thường đến ve vãn học nhạc” để “đến ở một nơi an toàn do chúng tôi tìm kiếm đồng thời giúp đỡ phương tiện phát huy nhạc nghệ” và nhất là “chịu sự hướng dẫn về chính trị”.
Năm kết thúc một cuộc tình buồn
1969 cũng là năm Trịnh Công Sơn nhận cái kết buồn cho một cuộc tình mà ông nuôi dưỡng từ khoảng 1963, với người con gái tên là Ngô Vũ Dao Ánh. Dù là một tên tuổi đang có sức ảnh hưởng lớn ở Sài Gòn, không còn là chàng nhạc sĩ trôi nổi ở xứ sở mù sương B’lao hay Đà Lạt, nhưng lại là người nhận ra ước mơ đẹp về cuộc tình chỉ là “một ngọn đèn không được đốt lên”.
Bức thư ngày 3.4.1969 (về sau in trong tập Thư tình gửi một người), Trịnh Công Sơn kể lại chuyện mẹ cùng cô chị bà con của Dao Ánh đến thăm nhà ông tại Huế và báo tin con gái bà sắp lấy chồng. Lúc bấy giờ cô nữ sinh Huế đã mãn khóa ngành hàng không và có việc làm. Trong lá thư, ông viết những dòng buồn bã:
“Khỏi phải ghi lại dông dài nơi đây những gì anh đã nghĩ suốt đêm qua. Anh chỉ muốn nói với Ánh một lần cuối điều thầm kín anh đã giữ lại trong anh bấy lâu. Đó là mơ ước anh được có Ánh bên cạnh để cùng đi với nhau dài lâu trên đời sống này. Bây giờ mọi điều đã lỡ. Ước mơ chỉ còn lại trong anh như một ngọn đèn không được đốt lên.
Sao Ánh không báo tin đó cho anh, Anh cũng không còn lý do gì để trách Ánh. Và thời của những giận hờn cũng đã qua rồi. Anh chỉ thấy buồn vì sao điều hệ trọng đó mình không có quyền đề nghị. Có thể Ánh không bao giờ nghĩ rằng những nỗ lực bấy lâu của anh một phần cũng vì Ánh.
Mọi việc đến quá nhanh. Việc chuẩn bị cho tương lai của anh thì quá chậm. Đêm hôm qua anh đứng hàng giờ nhìn tu viện trước mặt. Sau tu viện âm u đó là hình ảnh khắc khổ của nhà tu. Anh bỗng có chút yên tâm nghĩ rằng mọi sự đã được an bài. Con người chưa đánh đổi được số phần mình. Trước đây anh tưởng mình sẽ làm được tất cả nhưng bây giờ thì vô vọng. Những gì anh đã dự đoán, đã lo ngại bây giờ bày biện ra đó cả và anh chỉ biết đứng im nhìn.
Người ta chỉ có một lần để thử thách về một điều gì đó. Qua rồi thì mất luôn. Đã sáu năm hay hơn sáu năm cũng đủ làm một kỷ niệm quý báu và dài lâu nhất cho một đời người. Một người có thể có nhiều kỷ niệm nhưng những kỷ niệm đó không thể đánh đổi được với nhau.
Bây giờ, nghĩa là từ buổi chiều nay hay là sớm mai này anh phải tập cho anh vào một lề lối mới. Tập cho anh biết rằng từ đây anh không bao giờ còn có Ánh được nữa. Tâm hồn anh lâu nay vẫn ỷ lại về lòng tin luôn luôn có sẵn một cái gì êm thắm để trở về. Bây giờ thì thôi”.
Ba năm sau, Nhân Bản ấn hành tập Phụ khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn. Trong lời tựa viết vào vào tháng 11.1972, tác giả bộc bạch rằng những ca khúc phản chiến lần này ra đời bởi ông “không thể nào quên đi tiếng kêu thất thanh của đám người cùng khổ. Cuộc chiến đã không muốn ngừng, và có lẽ còn mang nhiều bộ mặt mới mẻ, thảm khốc hơn” và cũng đồng thời nhận ra “Có điều gì bất tường đang chớm nở trong lịch sử”.
Cũng như các tài liệu khác thời điểm này, độ xác thực về chi tiết điều tra, lấy lời khai thể hiện qua bản tài liệu mật về Trịnh Công Sơn năm 1969 cần thêm những đối chiếu, minh định. Nhưng điều quan trọng nhất là nó phản ánh quan điểm, ứng xử của cơ quan chức trách thuộc chính quyền Sài Gòn vào một thời điểm đặc biệt; góp thêm vào kho tư liệu chung, giúp nhận diện hiện tượng Trịnh Công Sơn một cách đa diện và sâu sắc hơn.