Trận chiến Bạch Đằng năm 938 là một trận đánh giữa quân dân Tĩnh Hải quân (ở thời điểm đó, nước Việt Nam chưa có quốc hiệu chính thức) do Ngô Quyền lãnh đạo đánh với quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Kết quả sau cùng của cuộc chiến anh dũng của người Việt chính là quá nửa quân Nam Hán bị chết đuối và Hoàng tử Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo cũng bị Ngô Quyền giết chết. Đây là một trận đánh quan trọng, mang ý nghĩa to lớn trong lịch sử Việt Nam. Nó đánh dấu cho việc chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc của Việt Nam, nối lại quốc thống cho dân tộc Việt. Sau chiến thắng lịch sử đó, Ngô Quyền lên ngôi vua, tái lập đất nước và được xem là “vua của các vua” khi vạch đường cho đại thắng trên sông Bạch Đằng, khắc họa mưu lược và khả năng đánh trận của ông.
Sau khi đánh đuổi được quân Nam Hán, Dương Đình Nghệ giành lại quyền tự chủ và xưng là Tiết độ sứ. Đến năm 937, nha tướng Kiều Công Tiễn sát hại, cướp ngôi và bị con rể cùng một tướng khác của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đuổi đánh tội phản chủ. Sợ hãi nên Kiều Công Tiễn sai người cầu cứu Nam Hán. Cũng nhân cơ hội đó mà vua Nam Hán (chính là Lưu Nguyễn) quyết định tái đánh lần hai Tĩnh Hải quân. Phong cho con trai thứ 9 là Lưu Hoằng Tháo làm “Bình Hải tướng quân” và “Giao Chỉ vương”, đem 2 vạn quân sang với danh nghĩa là cứu Kiều Công Tiễn. Trước đó, vua Nam Hán cũng hỏi kế Tiêu Ích và Ích nói:
“Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến.”
Nhưng vội vàng muốn chiến thắng, do nghĩ Dương Đình Nghệ chết thì Tĩnh Hải quân không còn tướng giỏi nên cũng chẳng nghe theo lời khuyên, sai con trai đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào. Còn bản thân Lưu Nghiễm cũng tự mình làm tướng, đóng ở Hải Môn – là một trấn, tên đặt từ thời nhà Đường, vùng mà thời phong kiến gọi là Hải Dương, cũng chính là Quảng Đông ngày nay – để tiện cho việc tiếp viện.
Một cuốn sách có tên là “Đại Việt Sử ký Toàn thư” có ghi lại một cách ngắn gọn về trận đánh trên sông Bạch Đằng như sau:
Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, ông bảo với các tướng rằng: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.”.
Kế sách đã được định ra, Ngô Quyền cho người đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi thủy triều lên che đi bãi cọc, còn ông thì cho quân đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, vờ thua bỏ chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền lại ra lệnh cho đội quân bỏ chạy lên thượng lưu để dụ địch tiến vào bẫy cọc. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng với hơn một nửa quân sĩ. Vua Lưu Nguyễn thương khóc con trai bỏ mạng nhưng không thể làm gì, đành thu nhặt quân lính còn sót lại rút về nước. Cũng từ đó bỏ hẳn giấc mộng xâm lược Tĩnh Hải quân.
Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Trận Bạch Đằng năm 938 được coi là chiến thắng quan trọng bậc nhất trong lịch sử dân tộc ta, tuy nhiên, ngoài Ngô Quyền, chính sử cũng không ghi rõ công lao của những người khác góp công trong trận chiến lịch sử đó.
Một điều bất ngờ, ít người nghĩ đến chính là – người dâng kế sách lựa chọn quyết chiến trên sông Bạch Đằng lại chính là Kiều Công Hãn (ông là con của Kiều Công Chuẩn, anh trai sứ quân Kiều Thuận và là cháu nội của Kiều Công Tiễn).
Khi đó, Kiều Công Tiễn mưu đồ làm chuyện đại nghịch – đoạt ngôi giết chủ, ám hại Dương Đình Nghệ, sau đó lại cầu cạnh cứu viện từ quân Nam Hán. Con trai ông – Kiều Công Chuẩn đã cố ngăn cha nhưng bất thành. Lo lắng cho xã tắc, Kiều Công Chuẩn đã viết thư nêu rõ việc cha mình cầu viện Nam Hán, rồi đưa thư cho con trai mình là Kiều Công Hãn đến Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay) trao tận tay cho Ngô Quyền.
Sau đó, Kiều Công Hãn cũng hiến kế rằng:
“Nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng để vào Đại La (tên cũ của thành Thăng Long). Ta nên bày trận đánh chúng ngay khi mới vào cửa sông Bạch Đằng.”
Người ra kế sách:
Đóng cọc nhọn trên sông, giả thua dẫn dụ quân địch tiến vào “ma trận” chính là một kế sách tài tình và độc đáo. Trong quyển “Ngọc phả xã Lương Xâm” (Lương Xâm là một xã thuộc huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương – nay là phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng), hay còn một tên gọi khác là “Ngọc phả về Tiền Ngô Vương Thiên tử” có ghi chép lại rằng:
Khi Ngô Quyền cùng các tướng bàn kế sách, Ngô Xương Ngập đã hiến kế:
“Quân địch có lợi thế ở chiến hạm, ta chưa chuẩn bị trước thì thắng thua chưa biết thế nào. Xin Vương cho trồng cọc ở hai bên cửa biển, khi nước thủy triều dâng lên, sai người lấy thuyền nhẹ giao chiến với quân địch, giả dạng thua chạy để mà đánh, tất quân của Hoằng Tháo tự như ngói mà tan vỡ”. Ngô Quyền cho là phải và quyết định thực hiện theo kế sách này.
Được biết, Ngô Xương Ngập chính là là một vị vua nhà Ngô, trị vì từ 951 đến 954, cũng là con trưởng của Ngô Quyền. Ông đã từng tham gia vào trận đánh thành Đại La (cùng với cậu là Dương Tam Kha làm tiên phong) diệt Kiều Công Tiễn và có dự Trận Bạch Đằng năm 938.
Người lập trận địa cọc dưới sông
Có người hiến kế, có người gợi ý địa điểm, tổng hợp ý kiến cho cuộc họp bàn đánh giặc, Ngô Quyền quyết định nghe theo đề xuất và giao cho em vợ Dương Tam Kha (tức con trai của Dương Đình Nghệ, cũng là một vị vua Việt Nam, trị vì từ 944 đến 950, xen giữa triều đại nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam) lập một trận địa cọc dưới sông.
Theo bản thần tích đền Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định):
“Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, đợi lúc nước lên đem quân khiêu chiến dụ địch vượt qua bãi cọc khi nước xuống.” (Được biết tướng Dương Thục Phi và Dương Cát Lợi, quê ở Ái Châu, đều là gia tướng của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ).
Còn theo “Thần phả đình Đạo Truyền” thì Ngô Quyền cũng sai Phạm Đức Dũng (người ở thôn Đạo Truyền, nay thuộc Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) cho quân chặt cây làm cọc nhọn, phía trên cho bịt sắt rồi sau đó cắm xuống sông Bạch Đằng để tạo thành một trận địa cọc. Giúp đỡ Phạm Đức Dũng có Hoàng Công Thái – Ông là một người địa phương nên rất thạo địa hình sông nước, cũng như góp phần tìm được vị trí tốt nhất cùng thuận lợi nhất để tạo nên bãi cọc có tính “tiêu diệt” cao nhất.
Người mang quân giả thua nhử quân Nam Hán:
Theo các nhà quân sự, việc áp dụng chiến thuật lấy cọc nhọn đâm thuyền địch muốn thành công cần có sự kết hợp chặt chẽ với một số mưu mẹo khác:
Thứ nhất, phải dụ địch đến đúng bãi cọc đã đóng giăng bẫy khi thuỷ triều còn cao, bãi cọc chưa bị phát lộ.
Thứ hai, phải nắm rất vững quy luật thủy triều theo từng giờ và tính toán thời điểm để khi thuyền quân địch tới bãi cọc rồi, thủy triều mới rút, có như vậy thuyền địch mới bị mắc cạn và bị cọc đâm.
Sau khi trận địa cọc ngầm làm xong, Ngô Quyền cũng đã hoàn tất xong công việc mai phục ở hai bên bờ sông nơi có bãi cọc. Thời điểm này, cần nhất chính là một người dẫn quân thuyền nhẹ giả đánh rồi vờ thua dụ địch “vào tròng”. Người này, cần am hiểu được quy luật thủy triều lên xuống theo chính xác giờ, giả thua vừa đánh vừa rút lúc thủy triều cao và nhử địch vào ngay vị trí bãi cọc đúng lúc thủy triều rút. Đây là một nhiệm vụ khó khăn.
Theo “Ngọc phả xã Lương Xâm” có nói rằng, Nguyễn Tất Tố (người làng Gia Viên – thuộc nội thành Hải Phòng ngày nay) đã tình nguyện đem 20 thuyền nhẹ ra cửa biển chờ giặc tới, khiêu chiến nhử giặc vào trận địa cọc.
Sử sách Việt Nam chép lại lời ông khi bàn việc đối phó với giặc: “Vùng sông nước này tôi rất quen thuộc, biết được lúc nước lên xuống. Nay muốn giặc mắc bẫy, chỉ có cách dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, chọn đúng giờ khắc thích hợp thì giả thua bỏ chạy”.
Trong trận chiến này, phụ tá hỗ trợ ông, ngoài Đào Nhuận là người cùng làng còn kể đến ba anh em họ Lý ở làng Hoàng Pha (nay thuộc xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) là Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo và hàng trăm trai tráng quanh vùng. Họ đều là những người dân ven biển, sống bằng nghề sông nước.
Người giết hoàng tử Hoằng Tháo:
Hoằng Tháo theo lệnh vua Nam Hán, cũng chính là cha mình – Lưu Nguyễn – chỉ huy 2 vạn quân cùng chiến thuyền theo sông Bạch Đằng, tiến đánh Tĩnh Hải quân. Sau khi giành được vào trận thắng mà dẫn đến chủ quan khinh địch, thấy những chiến thuyền nhẹ của quân ta cùng với số quân ít ỏi tưởng là “dễ bắt nạt” nên không nghi ngờ mà đuổi theo. Đến cuối lại rơi vào trận địa cọc ngầm đã được bố trí sẵn, dẫn đến quân Nam Hán bị đại bại, vua Lưu Nguyễn cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới cũng không kịp trở tay. Kết cục sau cùng của “đứa trẻ dại khờ – Hoằng Tháo” được ghi ngắn gọn trong sử sách: Bắt được Hoằng Tháo rồi giết đi.
Trong bản thần tích ở đền Cổ Lễ (nay thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định)có ghi chép lại rằng: “Tam Kha dẫn quân dưới trướng, dùng tên dài bắn từ hai bên bờ, chém được Hoằng Tháo.”
Ở đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha tại thị trấn Cổ Lễ (thuộc tỉnh Nam Định) cũng có câu đối:
“Khuông phù Ngô Chủ, lập Nam bang, thiên thu hách tạc,
Trảm diệt Hoằng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong.”
Tạm dịch là:
“Dốc phù Ngô Chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách,
Chém chết Hoằng Thao, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong.”
Trong sử sách của Trung Quốc cũng không nêu lý do Hoằng Tháo tử trận trong trận chiến Bạch Đằng năm 938. Tuy nhiên, vài nhà nghiên cứu từng cho rằng, Hoằng Tháo chết là do thuyền trúng cọc, bị chìm sau đó chết đuối.
Ngoài ra vẫn còn nhiều vị tướng lĩnh khác góp công trong chiến thắng này nhưng ít được biết đến như Đinh Công Trứ, Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ, Phạm Cự Lãnh,…..
Chiến thắng Bạch Đằng có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Phải đặt trong bối cảnh Bắc thuộc kéo dài sau 1117 năm (179 TCN – 938) mới thấy hết ý nghĩa lịch sử vĩ đại của nó. Ng ô Quyền – người anh hùng của chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938 – trở thành vị vua có “công tái tạo, vua của các vua” theo như nhận định của Đại Việt Sử ký Toàn thư. Ông xứng đáng với danh hiệu là “vị Tổ Trung hưng” của dân tộc như nhà yêu nước Phan Bội Châu lần đầu tiên đã nêu lên trong Việt Nam quốc sử khảo.