Nếu được đặt ra một câu hỏi: “Là người Sài Gòn, bạn thường nhớ đến điều gì nhất của một Sài Gòn hoa lệ?” Chắc là sẽ có một khoảng lặng trôi qua để hồi tưởng, để trí nhớ qua trở lại khoảng không xưa cũ, những hình ảnh Sài Gòn chạy dọc trong tâm trí của những người bạn tóc đã ngả hai màu (tóc muối tiêu, tóc bạc). Chắc sẽ là những tiếng rao khắp nẻo đường con ngõ lớn hẻm nhỏ, cũng có thể là những tiếng xe cộ ồn ào của Sài Gòn ban ngày đầy hối hả, hay sự rầm rộ của những khu phố lao động lắm người nhiều thú vui, cũng có khi là những mối tình ngây ngô cầm tay nhau đi dưới hàng me xanh mướt trên những con đường phố đầy bóng mát,….còn nhiều thứ để nhớ lắm, kể biết làm sao cho hết bây chừ!
Chỉ một câu hỏi giản đơn, nhưng từng mảng ký ức cứ như cuộn phim mà lũ lượt ùa về trong tâm trí, nhưng với tôi, có lẽ nhớ nhất chính là hình ảnh của những góc đường Sài Gòn – Hình ảnh lúc nào cũng đẹp, cũng đọng lại trong tim những cảm xúc bồi hồi và xao xuyến.
nước Sâm uống mát đây…
Đoạn đường gợi nhớ đầu tiên, xuất hiện trong tâm trí tôi lúc được hỏi nhớ nhất điều gì ở Sài Gòn chính là Bùng binh Quách Thị Trang nằm phía trước của chợ Bến Thành. Ngày trước có tên là công trường Eugène Cuniac – tên của một thị trường người Pháp, có công trong việc xây dựng chợ Sài Gòn. Về sau nơi đây được đổi tên thành “Công trường Cộng Hòa”, “Công trường Diên Hồng”. Về sau cuộc đảo chính diễn ra năm 1963, người dân Sài Gòn gọi là “Bùng binh Quách Thị Trang”. Tôi vẫn còn nhớ, khi còn nhỏ, có một lần ba tôi dẫn đi ngao du Sài Thành có đi ngang qua đây, đó cũng là lần đầu tiên biết đến bùng binh này. Nhìn từ hướng bùng binh sang chợ Bến Thành, sẽ thấy trước cổng chợ được dán đầy những biển quảng cáo hình kem đánh răng anh Bảy Chà Hynos và Perlon, được dán kín cả cổng chợ, chỉ làm mất mỹ quan chứ chẳng có gì đẹp. Trong chợ buôn bán những gì, có những món ăn nào đặc sản, bán những mặt hàng nào đặc trưng thì tôi lại chẳng thể nào ấn tượng nổi, bởi “ngao du” nên ba tôi chỉ chở tôi đi khơi khơi, lạng qua cho ngắm thôi chứ không được dừng lại tận hưởng như khách du lịch.
Chạy mỏi chân rồi thì dừng lại, ngồi nghỉ trên băng ghế xi măng giữa công viên thưa thớt cây xanh, chung quanh trang trí vài bồn hoa sặc sỡ và bóng người cũng ít chứ chẳng đông đúc như bây giờ. Ngồi đây, uống miếng nước, ăn chút bánh, ba và tôi cùng ngắm nhìn cảnh phố phường Sài Gòn ở bốn phương tám hướng, nhìn những dòng xe xuôi ngược ồn ào và nhộn nhịp cả một khoảng không tưởng chừng yên tĩnh, người người thì tay xách nách mang vô số là hành lý để băng qua cầu thang sắt ngang đường đến ga xe lửa về quê, những người buôn thúng bán bưng ngồi chật phía ngoài cửa chợ cất cao tiếng rao mời khách, nào là bánh, nào là nước uống, lát đát những đứa bé đánh giày lăng xăng đánh bóng mấy đôi giày “botte de sault” của mấy anh lính Mỹ, có đứa thì ôm một xấp báo dày mà rao bán người nhỏ nhưng giọng vang khắp cả khu chợ…
Nhìn lại, thấy mình may mắn hơn nhiều, cùng trang lứa với nhau mà tôi thì được ba đèo đi ngao du khu phố, còn các bạn thì lại phải lon ton khắp chốn để mưu sinh kiếm sống. Và tôi cố tìm trong những đứa đánh giày xách thùng đi trong công viên trước chợ một hình dáng thân quen. Nhìn thế, đột nhiên tôi lại nhớ đến mấy đứa bạn hàng xóm của mình, có vài đứa thì còn chăm chỉ học hành, nhưng có vài đứa đang khi không lại chán học mà bỏ ngang đi bụi đời. Mới chừng ấy tuổi, ra đời, tụi nó làm được gì nhỉ? Kiếm sống kiểu gì được đây, khi tuổi còn nhỏ quá? Hoàn cảnh nhà tụi nó đâu đến nỗi nào, có vài đứa do chán mà nghỉ, có vài đứa “do chuyện gia đình”, tự dưng ba nó bỏ nhà theo vợ bé, má nó cũng không vừa, bỏ mặc đám con sống chết tự lo, đi buôn chuyến xe hàng dài ngày, cả tháng mới về nhà năm ba bữa. Còn bé mà đã phải chịu cảnh đấy, nên có đứa nghĩ quẩn mà bỏ nhà đi bụi luôn! Không biết tại sao, còn nhỏ mà nó gan to bằng trời đến thế, lâu lâu tôi đi ngang thử xem có người ở nhà không, thì thấy cửa đóng im lìm chẳng người chăm nom.
Vậy đóm cứ thế là tôi mất đi đứa bạn nối khố, không còn người chơi chung, không có người bắn bi chơi đùa cùng. Thầm nghĩ, không biết bây giờ nó sống như thế nào, có mạnh giỏi không, giống có được ấm êm chút nào không hay phải “ngủ bờ ngủ bụi”, suốt ngày chui rút nơi “đầu đường xó chợ”. Nghĩ đến nó, tôi lại chợt nhớ đến bài hát “Nó” của nhạc sĩ Anh Bằng:
“Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo
Ngàу nó sống kiếp lang thang
Ngẩn ngơ như chim xa đàn
Nghĩ mình tủi thân muôn vàn
Mẹ nó ra đi khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no
Ϲuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Ϲhuỗi ngàу tăm tối bơ vơ…”
Ca từ bài hát cứ văng vẳng nơi tai tôi, xót xa làm sao cho một kiếp nhân sinh!
Hồi bé, tôi chẳng hề thích nghe bài hát này chút nào cả! Bởi ca từ của ca khúc cứ thăm thẳm biết bao là niềm đau, nghe cứ như có một chiếc roi thiếc đang ra sức quất vào da thịt của một đứa bé nhỏ, khiến nó “sống không được mà chết cũng chẳng xong”, đớn đau biết là bao nhiêu! Nhưng sau này, lớn lên một chút, tôi cũng thấm thía theo từng câu từ của bài hát, cảm thấy nó thật hay, nó phản ánh toàn diện cảnh sống của những đứa nhỏ trong thời chinh chiến. Thời đó, còn mất cha, vợ mất chồng, người chinh phụ cứ ngày ngày ngóng trông nhưng chẳng thấy người thương trở lại, con thơ dần lớn cũng quên dần mặt cha. Những đứa bé mồ côi vì bom đạn đã cướp đi sinh mệnh của cha mẹ chúng, vô tình biến chúng thành những đứa vô gia cư vì nhiều lý do. Lòng cảm thương với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, nhạc sĩ Anh Bằng đã sáng tác nên ca khúc này.
Lớn lớn chút xíu, tôi đã biết la cà hết con phố này tới con hẻm sau mỗi giờ tan học rồi, cuốc bộ về nhà nên cứ lon ton cùng chúng bạn hết quán này tới tiệm kia. Con phố đang yên tĩnh, bỗng chốc lại “um sùm” khi tiếng cười đùa của bọn tôi rộn vang lên, tung tăng dưới những hàng cây rợp bóng, quá mát mẻ nên đùa giỡn lại càng thêm vui.
Những hàng cây cao bóng mát này lại là ký ức đẹp, tôi mang hình ảnh đó vào bài tập văn “Những hàng cây thị xã” trong một lần về thị xã Tân An – nó cũng là một tỉnh lỵ của tỉnh Long An, gần sát thành phố Sài Gòn luôn. Nơi đây, có nhiều địa điểm tham quan du lịch, các di tích văn hóa lịch sử. Cứ mỗi khi có dịp đi qua tỉnh nào đó, tôi hay hỏi người bản xứ về cảnh đẹp địa phương. Hôm xuống Long An, tôi có dò hỏi thăm chị chủ khách sạn – nơi tôi ở trọ. Chị chỉ cho tôi nhiều nơi lắm, nào là khu bảo tàng Long An, những ngôi chùa cổ kính,…và có những cánh đồng sen như ở Đồng Tháp Mười đẹp lắm nhưng do không đúng mùa nên sen vẫn chưa có…hơi tiếc đôi chút. Nhưng tôi tự nhủ, sẽ có dịp quay lại và chiêm ngưỡng bằng được vẻ đẹp của Đầm sen ấy.
Chiều dần buông, đứng ngoài ban công khách sạn nhìn về góc xanh thị xã thấy rõ những vạt nắng vàng vương trên những tàn me tây làm những vòm lá trông thật mơ màng. Hình ảnh ấy đã quyến rũ tôi rời khách sạn thả bộ về hướng đó. Cước bộ thêm vài bước đi đến một hàng hoa dầu hồng non ửng. Dầu là loại cây rừng cho gỗ, thân có nhựa dùng để trét ghe rất tốt nên người ta cũng gọi là dầu rái, có người gọi là dầu dù. Trái dầu có hai cánh lá, nhưng nói đúng hơn thì gọi là cánh hoa. Lúc còn non, hai cánh này có chút màu hồng pha thêm chút màu cafe sữa, hạt lộ hoàn toàn ở phần cuống hoa. Có ai biết hạt xí muội ra sao không? Hạt dầu non có màu xanh và có khía như hạt xí muội vậy đó. Ðến cuối tháng Bảy thì trái dầu già khô lại. Trái cùng hai cánh hoa của nó đều ngả sang màu nâu đất sét, chỉ cần một cơn gió lộng buổi chiều, những cánh hoa sẽ bị thổi bay rơi khỏi cành mẹ, rơi xuống đất như cơn mưa dù xoay tít bay bay trong không trung mang theo chiếc hạt, nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất. Hình ảnh đó thích mắt lắm, cứ như hòa mình vào chốn “bồng lai tiên cảnh” nơi nhân gian huyền ảo, cảnh tượng đó đã để lại trong ký ức của tôi và nhiều người khác nữa. Chẳng thế, hình ảnh cánh hoa dầu bay trong gió đã vào thơ vào nhạc:
“Cánh hoa dầu xoay tít bay bay
Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày
Có những chiều đợi gió bay lên
Tay cầm tay đón những cánh hoa dầu…”
Đó là lời bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch – “Cánh hoa dầu” – Một bức tranh sống động nên thơ của mùa hạ phương Nam khi những cây hoa dầu đơm hoa tung rải giữa bầu trời lộng gió cùng mưa bay.
Từ nhà, hai cha con đi bằng xe ngựa, rồi lội bộ dọc theo đường Hồng Thập Tự vào vườn Tao Ðàn. Công viên Tao Đàn ngày đó vắng người lắm, chứ không đông đúc người dạo, tập thể dục như bây giờ, quanh vườn chỉ toàn những cây dầu cao tít và tàn lá che mát cả một vùng trời rộng lớn. Chân giẫm lên những chiếc lá dầu khô nghe xào xạc vui tai lắm, cứ có cảm giác như bản thân là một nhà thám hiểm đang khám phá khu rừng già. Ba đã từng xúi tôi cầm trái dầu khô rồi quăng lên trời thử đi, tôi cũng ngây ngô mà nghe lời làm theo. Kể từ sau đó, những trái dầu dù theo tôi đến lớp cùng chúng bạn thả từ lầu ba xuống chào đón ngày khai giảng năm học mới, khi những cánh phượng hồng đã rời xa mùa hạ. Những cánh hoa dầu bay bay không mất tiền mua của lũ nam sinh chúng tôi đã làm bọn con gái học trò thích mê…
Với mỗi người, họ đều lựa chọn một mảnh ký ức được cho là tươi đẹp nhất để lưu giữ trong hồi ức của bản thân, và nó theo họ đến khi trưởng thành. Cái đẹp làm tâm hồn lắng đọng cho ta khoảnh khắc bình yên giữa nhịp sống hối hả xôn xao của chốn thị thành. Có nhiều còn lựa chọn quên đi một mảnh ký ức không tốt đẹp của ngày xưa, họ ghét cái xóm lao động đã nghèo mà còn hay sanh sự, đánh lộn nhau hà rầm. Họ sợ cái đám lưu manh cứ thích kiếm chuyện hết đầu này đến ngõ kia, rồi lại cãi vã đánh nhau đến loạn xà ngầu. Họ thích những con hẻm trung tâm thành phố hơn, đó là những con hẻm bình dị và hiền lành khác xa hẻm lao động xô bồ xô bộn.
Nói là quên vậy thôi, chứ thử hỏi họ những chuyện xảy ra trong hẻm thử xem, họ sẽ kể cho bạn nghe ngàn lẻ một câu chuyện, kể không biết bao giờ hết. Dường như trong tiềm thức của họ, họ yêu cái mảnh đất mình “ghét bỏ” hơn bao giờ, hơn ai hết.