Kể từ mùa xuân Mậu Dần 1698 khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào nam kinh lược, “lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn…” đến nay đã hơn 300 năm. Ba trăm năm với bao biến cố thăng trầm, dấu tích của Sài Gòn xưa đã dần nhạt phai dưới lớp bụi thời gian. “Vật đổi sao dời”, đây đó còn lưu lại một vài ngôi đình, chùa miếu, lăng mộ… đã qua sửa chữa tu bổ nhiều lần dù có làm mất dần nét cổ kính nhưng phần nào còn thể hiện sự lưu tâm gìn giữ. Lần theo sử sách và một vài dấu tích, chúng tôi đi tìm lại một “Sài Gòn Xưa” lâu nay chưa được nhiều người biết đến. Đó là một làng nghề nổi tiếng đã từng góp phần cho sự phát triển của vùng đất này: Xóm Lò gốm.
Là trung tâm của lưu vực Đồng Nai rộng lớn và trù phú, Sài Gòn – Bến Nghé ngay từ khi mới hình thành đã sớm mang dáng vẻ của một đô thị sôi động bởi hoạt động thương nghiệp và sản xuất của nhiều ngành nghề thủ công. Khoảng cuối thế kỷ XVIII tại đây đã có 62 ty thợ do nhà nước quản lý và hàng trăm phường thợ trong dân gian. Nhiều ngành nghề tập trung trong các khu vực nhất định để rồi xuất hiện những địa danh như xóm Chiếu, xóm Cốm, xóm Lò Rèn, xóm Dầu, xóm Chỉ, xóm Vôi, xóm Bột… riêng xóm Lò Gốm vẫn còn để lại một số địa danh như đường Lò Gốm – đường Lò Siêu – đường Xóm đất – bến Lò gốm – rạch Lò gốm – kênh Lò gốm – khu lò lu… thuộc khu vực quận 6, 8, 11 ngày nay. Sử liệu sớm nhất nói đến nghề làm gốm ở Sài Gòn xưa là sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức viết khoảng năm 1820.
Đoạn viết về Mã trường Giang-kênh Ruột Ngựa như sau: “Nguyên xưa từ cửa Rạch Cát ra phía Bắc đến Lò Gốm có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được.Mùa thu năm Nhâm Thìn (1772) cho đào con kênh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt ra tên ấy…” Kênh Ruột Ngựa đã giúp cho ghe thuyền đi lại giữa Sài Gòn với miền Tây thêm thuận lợi.
Bản đồ Thành Gia Định do Trần Văn Học vẽ từ cuối năm 1815 đã có ghi địa danh Xóm Lò Gốm ở khoảng làng Phú Lâm- Phú Định (ngày nay là khu vực quận 6 tiếp giáp quận 8). Bài “Phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh” sáng tác khoảng đầu thế kỷ XIX miêu tả: “Lạ lùng xóm Lò Gốm, chân vò vò bàn cổ xây trời…” Trong 62 ty thợ tập trung tại Sài Gòn làm việc cho nhà nước vào cuối thế kỷ XVIII đã có các ty thợ Lò chum, ngói mộc, gạch mộc, lò gạch…
Một vài tài liệu của Pháp, tuy tản mạn và có phần phiến diện, cũng phản ánh về việc sản xuất gốm ở Chợ Lớn vào cuối thế kỷ XIX: Tại Chợ Lớn có khoảng 30 lò gốm tập trung ở Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai… vùng Chợ Lớn sản xuất lu và các đồ gốm thông dụng như chậu vịm, siêu ấm, nồi trách, hũ khạp, cà ràng… vùng Cây Mai có một lò sản xuất đồ sành. Các lò này lấy nguyên liệu tại chỗ, tuỳ chất đất mà sản xuất thành các loại sản phẩm. Mỗi lò gốm hàng năm có thể sản xuất hàng trăm ngàn sản phẩm. Đến đầu thế kỷ XX vẫn còn nhiều lò gốm nổi tiếng như lò Tín Di Hưng, Quảng Di Thành, Hiệp Hưng, Bửu Nguyên, Đồng Hòa, các lò chuyên sản xuất lu, khạp và đồ gia dụng… Theo học giả Vương Hồng Sển thì: “Từ khi lấp rạch Chợ Lớn thì rạch Lò gốm, kinh Vòng Thành không thông thương và lò gốm chỉ còn sót lại cái tên trơn và không sản xuất đồ gốm nữa…”
Từ những tư liệu lịch sử trên và qua khảo sát thực tế có thể nhận biết địa bàn xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định-Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo-Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa, kênh-rạch Lò Gốm. Những con kênh này là tuyến đường giao thông chính của khu vực Sài Gòn cũ – nay là Chợ Lớn: một vùng thấp trũng chằng chịt kênh rạch lớn nhỏ, mọi sự đi lại đều dùng ghe xuồng. Kênh Ruột Ngựa và rạch Lò Gốm còn nối liền rạch Chợ Lớn với rạch Cát (Sa Giang) và rạch Bến Nghé. Từ ngã ba “Nhà Bè nước chảy chia hai” xuồng ghe theo rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ qua kênh Ruột Ngựa ra sông Cát về miền Tây. Ngày nay rạch Chợ Lớn không còn nữa, nhiều đoạn rạch Lò Gốm biến mất – nhất là khu vực Gò Cây Mai hầu như không còn dấu tích con đường thuỷ quan trọng này. Kênh Ruột Ngựa không còn thẳng như tên gọi do bị bồi lấp lấn chiếm hai bên bờ. Kênh Lò Gốm ngày càng cạn hẹp dù đã nạo vét nhiều lần… Tuy nhiên ghe xuồng vẫn theo con nước mà xuôi ngược, dù nơi đây đã phát triển hệ thống đường bộ chằng chịt như mạng nhện, dù các làng nghề – phố nghề ven kênh rạch không còn nữa… Đủ biết trước đây trước đây tuyến đường thủy này quan trọng như thế nào.
Dấu tích vật chất của xóm Lò Gốm ngày xưa nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi thuộc làng Hòa Lục (phường 16 quận 8), nằm ven kênh Ruột Ngựa. Đối diện là làng Phú Định cách đây vài năm còn một số gia đình làm nghề “nặn ông lò” – bếp gốm. Di tích là gò lớn chứa đầy mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu… Cuộc khai quật năm 1997-1998 đã tìm thấy tại đây phế tích 3 lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu) là loại lò thông từ bầu lửa đến ống khói, dốc và hẹp, nền lò được gia cố nhiều lần, thành lò đắp dày bằng phế phẩm. Các đoạn vách lò còn lại được xây bằng loại gạch lớn chảy men dày, lòng lò chứa đầy mảnh sản phẩm mà qua đó có thể nhận biết một số loại sản phẩm đặc trưng của lò Hưng Lợi. Ba lò gốm này sản xuất nối tiếp nhau trong một thời gian khá dài nhưng có thể không liên tục vì lò gốm của giai đoạn sau được xây trên một phần lò cũ hoặc sửa chữa gia cố lại lò cũ.
Giai đoạn đầu khu lò này chủ yếu sản xuất lu chứa nước bằng chất liệu sành nâu, dáng thuôn vào đáy hoặc bầu tròn, kích thước khá lớn: thường được gọi là “lu 3 đôi” hay “lu 5 đôi” (mỗi đôi nước – 2 thùng – khoảng 40 lít nước). Lu gốm làm bằng phương pháp nặn tay bằng “dải cuộn kết hợp bàn dập, bàn xoa” nên độ dày và dáng tròn đều, bên trong vành miệng lu còn dấu ngón tay để lại khi dùng tay vuốt cho vành miệng tròn và gắn chặt vào thân lu. Trong số hàng ngàn mảnh lu thống kê được thì mảnh nắp chiếm đến gần 2/3, cho biết nắp được sản xuất nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu vì nắp hay bị vỡ hỏng khi sử dụng. Do mảnh lu, nắp lu nhiều nên khu lò này còn được gọi là Lò Lu. Lò sản xuất lu đựng nước có niên đại sớm nhất ở khu lò này, khoảng nửa sau thế kỷ XVIII. Mảnh phế phẩm của lò lu còn phân bố trên một diện rất rộng xung quanh lò, đào sâu xuống hơn 1m vẫn gặp mảnh lu gốm.
Chiếm tỷ lệ lớn nhất là mảnh các loại sản phẩm gốm và sành men nâu, men vàng hoặc không men. Đó là hũ, khạp, hộp, siêu, nồi có tay cầm… dưới đáy có in 3 chữ Hán “Hưng Lợi diêu” (lò Hưng Lợi). Bên cạnh đó là các kiểu chậu bông hình tròn hay lục giác, bát giác phủ men xanh lam hay xanh đồng – màu men đặc trưng của “Gốm Sài Gòn”. Chậu bông phần lớn có kích thước nhỏ, hoa văn in nổi trong các ô không men là hoa mai, hoa cúc hoặc tứ quý, bát tiên…
Đây là sản phẩm của giai đoạn thứ hai, giai đoạn có tên lò Hưng Lợi khoảng thế kỷ XIX. Các sản phẩm này vẫn dùng kỹ thuật nặn tay nhưng có kết hợp khuôn in, chất liệu gốm sành nhẹ lửa, không sử dụng “bao nung” (hộp nung) nhưng phổ biến các loại “con kê” trong việc chồng kê sản phẩm trong lò nung. Đặc trưng là “con kê” hình ống có thể chồng lên nhau tạo nhiều độ cao thấp khác nhau nhằm tận dụng thể tích lò nung.
Giai đoạn thứ 3 ở đây sản xuất gốm sứ gồm các loại chén, tô, đĩa, ly, cốc, muỗng, ấm trà, lư hương… men trắng hoa văn men xanh và men nhiều màu, chai men trắng ngà… Sản phẩm làm bằng bàn xoay, có nhiều loại bao nung cho một hay nhiều sản phẩm. Các loại đồ gốm gia dụng tuy đơn giản về kiểu dáng nhưng có nhiều kích thước khác nhau, theo thời gian có sự khác biệt nhỏ ở chi tiết tạo dáng hay hoa văn. Một số sản phẩm có chữ Hán như Việt lợi, Kim ngọc, Chấn hoa xuất phẩm, Nhất phiến băng tâm… các chữ này không phổ biến trên sản phẩm, không có chữ Diêu kèm theo nên chắc hẳn không phải tên lò sản xuất mà rất có thể là tên của vựa gốm lớn hay cửa hàng bán đồ gốm in lên các sản phẩm mà họ đặt lò sản xuất, tức là giai đoạn này lò sản xuất theo đặt hàng cả về số lượng và từng loại sản phẩm. Tình trạng sản xuất theo sự đặt hàng của chủ hàng là người buôn bán cho biết đã có sự chuyên hóa giữa sản xuất và lưu thông hàng hóa khi nhu cầu của thị trường ngày càng đa dạng và thay đổi thường xuyên. Chất liệu làm gốm là loại đất sét tương đối trắng không có tại chỗ mà chắc phải khai thác từ miền Đông về. Dựa vào loại hình sản phẩm và tính chất sản xuất nói trên có thể nhận thấy lò gốm này có niên đại khoảng nửa đầu thế kỷ XX.
Tuy có ba giai đoạn với những loại sản phẩm đặc trưng cho từng giai đoạn nhưng kỹ thuật sản xuất ở khu lò cổ này khá thống nhất: Cấu trúc lò gốm (loại lò ống – lò tàu), kỹ thuật tạo dáng (bàn xoay, in khuôn), hoa văn, phương pháp chồng lò và nung gốm, sản phẩm của hai giai đoạn đầu (lu, khạp, siêu, nồi có tay cầm…) đều mang đậm dấu ấn kỹ thuật làm gốm của người Hoa. Theo nhiều nhà nghiên cứu, nguồn gốc của nghề làm gốm mang tính chất sản xuất hàng hóa ở Gia Định-Đồng Nai là sự kết hợp nghề gốm của lưu dân người Việt với truyền thống kỹ thuật sản xuất gốm mà người Hoa mang vào vùng đất này trong bước đường lưu lạc kiếm sống. Từ khi được các Chúa Nguyễn cho vào định cư tại Cù Lao Phố, vùng Sài Gòn (cũ) và rải rác một số nơi khác, người Hoa sinh sống chủ yếu bằng thương nghiệp và thủ công nghiệp. Tại Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai (nay thuộc thành phố Biên Hoà) cũng có Rạch Lò Gốm, bến Miểng Sành mà qua khảo sát, các loại sản phẩm hầu như không khác biệt với sản phẩm ở khu lò gốm cổ Hưng Lợi. Các phường thợ làm gốm của người Hoa thường gồm những người “đồng hương” và chuyên sản xuất một vài loại sản phẩm: người Hẹ chuyên làm lu, khạp, hũ men nâu và men vàng (men da lươn, da bò); người Tiều (Triều châu) chuyên làm đồ “bỏ bạch” (không men) như siêu, nồi có tay cầm…; người Quảng (Đông) chuyên làm chén, đĩa có men trắng hay men nhiều màu… Hiện nay truyền thống kỹ thuật này vẫn phổ biến ở những lò lu, lò gốm ở khu vực Quận 9-Sài Gòn (như lò Long Trường), ở Tân Vạn-TP Biên Hòa và Lái Thiệu-Bình Dương… dù các chủ lò có thể không phải là người Hoa. Cần nói thêm rằng, cho đến nay một số dân tộc ở miền Nam (người Chăm, người Khmer…) vẫn bảo lưu kỹ thuật làm gốm cổ truyền Đông Nam Á là nặn tay, không dùng bàn xoay và nung gốm ngoài trời, sản phẩm là gốm đất nung ít có sự thay đổi về kiểu dáng, số lượng không nhiều, vì vậy sản xuất chỉ mang tính chất tự cung tự cấp.
Đối với nghề làm gốm muốn tồn tại và phát triển thì phải có vị trí thuận lợi: là nơi có hoặc gần nguồn nguyên liệu, có hệ thống đường thuỷ tiện cho việc chuyên chở hàng hóa đi nhiều nơi, gần trung tâm thương nghiệp để nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường… Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa đã có những điều kiện thuận lợi đó: nguyên liệu ở đây thích hợp cho việc sản xuất các loại gốm gia dụng và gốm xây dựng. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, làng nghề này lại ở giữa Sài gòn – nơi tập trung nhiều phố chợ nhất miền Gia Định khi ấy: “phố xá trù mật buôn bán suốt ngày đêm, là nơi đô hội thương thuyền của các nước cho nên trăm món hàng hóa phải tụ hội nơi đây”. Nam bộ khi ấy là vùng đất đang trong quá trình khai phá nên nhu cầu về đồ gốm gia dụng rất lớn, do vậy thị trường của Xóm Lò Gốm không phải chỉ là Sài Gòn – Bến Nghé mà còn là cả miền Tây rộng lớn.
Từ cuối thế kỷ XIX quá trình đô thị hóa diễn ra ở Sài Gòn – Bến Nghé và một số thị tứ ở Nam bộ, sản phẩm của Xóm Lò Gốm có thêm các loại hình mới phục vụ nhu cầu xây dựng, trang trí kiến trúc của Đình, Chùa, Hội quán, phố chợ, công sở, nhà ở… Khảo sát các di tích cổ ở nhiều tỉnh Nam bộ đều thấy phổ biến các loại gốm trang trí, thờ cúng, nhiều di tích nổi tiếng với những quần thể tượng trang trí trên mái nhà hay tượng thờ, đồ thờ trong nội thất… Khu lò gốm ở Gò Cây Mai, qua khảo sát của người Pháp cho biết, bên cạnh gốm gia dụng đã sản xuất đồ gốm mang tính mỹ thuật cao như tượng gốm trang trí, tượng thờ, đồ thờ, đồ gốm lớn như chậu kiểng, đôn… được gọi chung là Gốm Cây Mai. Khu vực Gò Cây Mai cũng chỉ là một trong nhiều khu lò của Xóm Lò Gốm ở Sài Gòn xưa. Vì vậy, chắc hẳn không chỉ có lò Cây Mai sản xuất đồ gốm trang trí mỹ nghệ mà còn có cả những khu lò khác nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu rất lớn trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Vì vậy, có thể định danh các loại gốm được sản xuất ở vùng gốm Sài Gòn xưa – bao gồm nhiều khu lò, nhiều loại sản phẩm nhưng đặc sắc nhất là đồ gốm trang trí mỹ thuật – là Gốm Sài Gòn- tên gọi chỉ rõ địa bàn sản xuất một làng nghề thủ công đã từng được ghi vào sử sách và truyền tụng trong dân gian, giống như tên gọi của làng gốm Chu Đậu, Bát Tràng, Phù Lãng, Hương Canh… ở miền Bắc.
Khoảng giữa thế kỷ XX, cùng với những biến cố chính trị – xã hội, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và mạnh mẽ theo một quy hoạch nhất định cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho các làng nghề thủ công ở Sài Gòn – Chợ Lớn không còn điều kiện tồn tại, hoặc phải tìm điạ bàn mới để phát triển ở vùng ven ngoại thành hay xa hơn, đến các tỉnh lân cận.
Đô thị hóa làm biến mất cảnh quan tự nhiên, vùng nguyên liệu không còn, kênh rạch bị lấp dần, phố xá mọc lên…, vị trí ưu đãi của một làng gốm không còn nữa, việc sản xuất không còn đáp ứng được những nhu cầu mới của thị trường mới, các lò gốm, lò gạch ngói cuối cùng của Xóm Lò Gốm ngừng sản xuất. Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa phải kết thúc vai trò của mình, nhường bước cho sự phát triển của vùng gốm Biên Hoà – Lái Thiêu.