Có thể nói từ trước đến nay, chưa một ca sĩ nào ở hải ngoại nổi tiếng và trở thành một ngôi sao sáng chói trong khoảng thời gian ngắn như trường hợp của Như Quỳnh.
Trong làng danh ca hải ngoại nói riêng và dòng chảy tân nhạc Việt Nam thế kỉ XX nói chung, Như Quỳnh thuộc thế hệ đàn em “sinh sau đẻ muộn”. Sự nghiệp của cô bắt đầu khi các tên tuổi lẫy lừng khác đã đi vào ngôi đền đài dành cho riêng họ.
Lúc này, nền âm nhạc hải ngoại cũng được kiến tạo đầy đủ và vững chãi, như một tòa lâu đài rực rỡ, nhờ công lao của nhiều thế hệ đi trước như Khánh Ly, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ngọc Lan, Ý Lan…
Ở thời điểm Như Quỳnh xuất hiện, để tìm được thành công giữa một rừng danh ca gạo cội như vậy không hề dễ dàng, nhưng cô vẫn vụt sáng chỉ trong tích tắc thành vì sao chói chang nhất và đi thẳng vào bệ phóng của riêng mình, đạt đến đỉnh vinh quang hiếm ai có được.
Từ một cô gái nhỏ bé, xinh xắn bước lên sân khấu hải ngoại trong bộ đồ dễ thương, trẻ trung, Như Quỳnh chỉ mất vài năm để trở thành một hiện tượng âm nhạc đặc biệt và vươn tầm vị thế đại ngôi sao, sánh ngang những danh ca thế hệ trước, đặt một dấu mốc vàng son quan trọng gắn liền với tiến trình âm nhạc hải ngoại.
“Có thể nói từ trước đến nay, chưa một ca sĩ nào ở hải ngoại nổi tiếng và trở thành một ngôi sao sáng chói trong khoảng thời gian ngắn như trường hợp của Như Quỳnh” – thời báo Nhạc xưa bình luận.
Và trải qua suốt 30 năm sự nghiệp với nhiều trắc trở đời tư, Như Quỳnh vẫn luôn giữ được sức hút kì lạ của mình với mọi tầng lớp khán giả. Tên tuổi, sự hiện diện của cô vẫn khiến mọi người phải chú ý, ngưỡng mộ và yêu thương.
Hiếm có ca sĩ nào ở độ tuổi của Như Quỳnh vẫn hoạt động miệt mài và cho ra nhiều bài hit, cạnh tranh được với cả ca sĩ thuộc thế hệ đàn em, đàn con cháu như cô.
Nói riêng về dòng nhạc Bolero, nơi Như Quỳnh ghi dấu ấn sâu sắc nhất, tuy không thuộc thế hệ vàng son gây dựng nền móng đầu tiên, nhưng cô vẫn có nhiều đóng góp to lớn và trở thành một mắt xích không thể thiếu.
Rõ ràng, Như Quỳnh ở một vị thế, đẳng cấp khác biệt hoàn toàn những ca sĩ đi trước và sau mình, đúng như lời nhạc sĩ Trúc Hồ từng nói: “Như Quỳnh là ca sĩ phải nửa thế kỷ mới xuất hiện một lần”.
Trên trang thời báo Nhạc xưa cũng nhận định: “Có thể nói, ở Như Quỳnh hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một ngôi sao, và cô đã thật sự bước được lên đài danh vọng khi có một sự nghiệp âm nhạc đỉnh cao. Nếu chỉ nói riêng trong dòng nhạc vàng hải ngoại sau năm 1975, Như Quỳnh là nữ ca sĩ thành công nhất từ trước đến nay”.
Tuổi thơ ốm yếu, khó khăn và những ngày tháng cơ cực khi bước chân tới đất Mỹ
Như Quỳnh tên thật là Lê Lâm Quỳnh Như, sinh năm 1970 tại Quảng Trị, mảnh đất nắng gió miền Trung khắc nghiệt. Cô là con gái đầu lòng trong một gia đình có ba chị em (bên dưới là hai em trai). Về tên gọi của mình, Như Quỳnh chia sẻ:
“Khi biết tôi là gái, mẹ tôi đã sung sướng nở nụ cười còn nhợt nhạt và đặt tên ngay cho tôi – Quỳnh Như.
Đó là tên của một người con gái tài hoa trong cuốn tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ của nhà văn Khái Hưng (một nhà văn lãng mạn đầu thế kỉ XX), cuốn sách mà mẹ tôi đã gối đầu giường, nghiền ngẫm trong những ngày tôi còn cuộn tròn ngủ yên trong bụng mẹ!”.
Có lẽ, nhờ cái tên đậm chất lãng mạn này mà Như Quỳnh sinh ra đã sở hữu một giọng hát ngọt ngào, trữ tình và mềm mại đến lạ kì.
Từ khi mới sinh, Như Quỳnh đã rất khó nuôi, sức khỏe yếu và không được ổn định. Năm một tuổi, cô còn bị sốt xuất huyết, suýt nguy hiểm tới tính mạng. Ca sĩ Tường Khuê em trai cô kể lại:
“Hồi còn nhỏ, chị Như Quỳnh bị phong thấp cùng nhiều bệnh khác. Tôi là người hay chăm lo cho chị. Tuy ốm yếu, nhưng không khi nào chị tôi ngừng nghĩ về gia đình”.
Sức khỏe yếu chính là một phần nguyên nhân ảnh hưởng tới giọng hát của Như Quỳnh sau này. Nhiều người thường thắc mắc về phong độ ca hát của Như Quỳnh khi trình diễn trên sân khấu, chê cô hát live yếu, thiếu ổn định. Nhưng ít ai hiểu rằng, Như Quỳnh đã và đang phải chịu nhiều vấn đề về sức khỏe.
Khi Như Quỳnh được một tuổi, cả gia đình cô chuyển vào Sài Gòn theo cha. Kể từ đó, Như Quỳnh lớn lên và sinh sống tại Sài Gòn. Đó là lí do vì sao cô là người miền Trung nhưng lại nói và hát bằng giọng miền Nam rất tự nhiên, ngọt ngào.
Đặc biệt, ở mảng dân ca Nam Bộ, Như Quỳnh hát y hệt một thiếu nữ miền Tây chính gốc, với đầy đủ trầm bổng, luyến láy mùi mẫn của vọng cổ trong từng phát âm, nhả chữ.
Tại Sài Gòn, Như Quỳnh trải qua một tuổi thơ khó khăn, khi gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, phải bán đồ đạc trong nhà đi để cầm cự qua ngày. Vì lẽ đó, cô không được học nhạc đầy đủ.
Tuy nhiên, niềm đam mê âm nhạc vẫn cháy âm ỉ trong tâm hồn cô bé Như Quỳnh. Không có điều kiện đến trường, cô tự học hát theo cảm nhận của riêng mình, qua những ca khúc nghe được. Cô kể:
“Tuổi thơ cứ dần qua với những đêm hè oi ả, mấy chị em tôi nằm sát vào nhau trên tấm chiếc rách cũ đã được đắp vá nhiều chỗ, ngửa mặt nhìn các vì sao chi chít qua kẽ mấy liếp lá dừa thưa được lợp qua quýt thay cho những tấn tôn đã gỡ bán đi.
Và tôi thường thiếp dần để mơ một giấc mơ thấy mình vừa bay lên cung Quảng của chị Hằng có những nàng tiên nga đang múa khúc nghê thượng.
Rồi cũng có bao nhiêu đêm mưa, cơn mưa không báo trước đến rồi đi, để lại trong nhà tôi một dòng sông nhỏ, không còn chỗ để nằm, mấy mẹ con nép vào nhau ngồi sát vào một góc nhà tương đối cao không ướt nước, cố nhắm mắt tựa vào vai nhau chờ sáng”.
Bởi vậy, cách hát của Như Quỳnh sau này rất tự nhiên và có màu sắc riêng biệt, thể hiện một lối xử lí đặc trưng không giống bất cứ ai và cũng không đi theo chuẩn mực kĩ thuật cố định nào.
Sau khi học xong trung học, Như Quỳnh tham gia sinh hoạt tại Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố để có điều kiện thực hành âm nhạc. Tại đây, cô dạy hát và múa cho các bé thiếu nhi.
Người học trò nổi tiếng nhất của Như Quỳnh thời điểm này chính là ca sĩ Hiền Thục. Cả hai từng ghi hình cùng nhau trong một chương trình truyền hình từ khi Hiền Thục còn bé. Chính Hiền Thục từng nói về công ơn của Như Quỳnh với mình:
“Mình không gọi người phụ nữ xinh đẹp này bằng cô giáo, dù người ấy dạy mình từng chút thời hoa niên. Mình gọi bằng chị Như, chị dạy mình hát, dạy mình múa, chị dạy mình mang vớ, thắt nơ, những cái nơ to xinh nhiều cánh mang trên đầu.
Chị dạy mình nói hay, dạy mình nói sao cho đạt ý. Người phụ nữ xuất sắc này, mình giống chị từng cử điệu từng lời hát, có lẽ cả đời mình vẫn thương nhớ chị thôi”.
Được sự động viên của gia đình và bạn bè, Như Quỳnh đã đăng kí tham gia cuộc thi Tiếng hát Truyền hình được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991. Cô khiến cả khán giả và ban giám khảo phải bất ngờ trước giọng hát trời phú đặc biệt của mình.
Ngày đó, Như Quỳnh mới 21 tuổi, kĩ thuật vẫn chưa vững vàng và có nhiều hạn chế về quãng giọng (hát trầm chưa tốt), nhưng đã thể hiện rõ một âm sắc độc đáo, lối xử lí riêng có (qua những luyến láy, bỏ nhỏ, nhả chữ).
Dù giọng hát Như Quỳnh khi ấy rất sáng, lanh lảnh (do tính kim khá nhiều), nhưng vẫn cho thấy nội lực và sự đầy đặn, dày dạn của một nữ trung bẩm sinh (qua những đoạn ngân E4 giọng ngực).
Nhờ đó, Như Quỳnh đã xuất sắc đoạt giải đặc biệt với số điểm tuyệt đối. Kể từ đó tới nay, chưa từng có ca sĩ nào đạt được giải thưởng này.
Năm 1993, Như Quỳnh rời Việt Nam sang Mỹ định cư cùng cha mẹ và hai em. Ban đầu, cả gia đình cô cư ngụ tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania.
Thời gian đầu sang Mỹ, Như Quỳnh không được đi hát mà phải làm rất nhiều nghề vất vả để kiếm sống, lo cho gia đình.
Cả gia đình Như Quỳnh ở Mỹ được một thời gian thì bố mẹ li hôn. Bố cô chuyển ra sống riêng, còn cô chuyển đến thành phố Hungtinton Beach ở Nam California sống cùng mẹ và em trai Tường Khuê, trong một căn nhà do chính cô bỏ tiền mua. Như Quỳnh thường xuyên phải đi lại giữa hai nơi để chăm sóc cho cả bố và mẹ.
Như vậy, có thể thấy, Như Quỳnh không chỉ đoan trang, khép nép trên sân khấu mà còn hiền thục, ngoan ngoãn ở chính trong đời sống cá nhân. Cô là người con gái nhất mực yêu thương và dành hết lòng cho gia đình. Em trai Tường Khuê kể lại:
“Tuy ốm yếu, nhưng không khi nào chị tôi ngừng nghĩ về gia đình. Từ khi theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp, chị luôn nghĩ làm cách nào để các em, cha mẹ không khổ cực. Làm được điều gì để phụ giúp gia đình, chị tôi cũng không nề hà”.
Sau một thời gian đi làm nhiều công việc khác nhau, Như Quỳnh gửi băng thu âm của mình tới một trung tâm ca nhạc lớn tại hải ngoại. Nhạc sĩ Trúc Hồ và giám đốc trung tâm sau khi nghe xong băng thu âm đã vô cùng bất ngờ trước âm sắc giọng lộng lẫy và cách thể hiện đầy cảm xúc của cô.
Cả hai ngay lập tức đã mời Như Quỳnh tới thu thử và sau đó kí hợp đồng, mời hợp tác một cách nhanh chóng.
Ngay sau khi kí hợp đồng, Như Quỳnh được dọn sẵn con đường lăng xê để trở thành một ngôi sao lớn. Tất cả những nhà sản xuất tại hải ngoại đều nhìn rõ tiềm năng to lớn ở cô.
Trong thời gian đầu, Như Quỳnh được định hướng với hình tượng nhạc trẻ, chứ không phải nhạc xưa hay Bolero. Có lẽ các nhà sản xuất thấy cô sở hữu ngoại hình khá xinh đẹp, dễ thương, thích hợp với khán giả nên muốn hướng cô tới hình ảnh một ca sĩ nhạc Pop thế hệ mới, kế tiếp Ngọc Lan hay Lynda Trang Đài, Trizzie Phương Trinh…
Bởi vậy nên Như Quỳnh thường được ăn mặc hiện đại, trình diễn những ca khúc sôi động cùng một số ca sĩ chuyên về nhạc trẻ tại hải ngoại thời điểm bấy giờ như Nini, Thúy Vi, Viva Uyển Mi, Lâm Thúy Vân…
Bài hit đầu tiên đưa Như Quỳnh đến với công chúng là Người tình mùa đông, một ca khúc nhạc Nhật phổ lời Việt, trình diễn trong một chương trình ca nhạc mừng Giáng sinh.
Ban đầu, ca khúc này được giao cho danh ca Ngọc Lan, nhưng vì Ngọc Lan đã trình diễn một ca khúc khác trong cùng chương trình nên Như Quỳnh thế chỗ.
Và không ai ngờ rằng, chỉ một ca khúc nhạc ngoại lời Việt vào tay Như Quỳnh đã thành hit lớn. Bài hit này không chỉ nổi trong thời điểm đó, mà đến tận bây giờ vẫn được đông đảo khán giả yêu thích, sở hữu lượt view rất cao trên Youtube.
Ngoài Như Quỳnh, rất nhiều ca sĩ đã hát Người tình mùa đông với nhiều phiên bản khác nhau, nhưng không ai thành công như cô.