Ban nhạc Phượng Hoàng – The Beatles của Sài Gòn, cuốn sách của nhiều tác giả về ban nhạc đã làm nên cuộc cách mạng cho nhạc trẻ Việt Nam thập niên 60 – 70 vừa được xuất bản, với tinh thần phi vụ lợi…
Theo nhà thơ Lý Đợi – người chịu trách nhiệm tổ chức bản thảo cho Ban nhạc Phượng Hoàng – The Beatles của Sài Gòn (Domino – NXB Hội Nhà Văn ấn hành), cuốn sách được kết tập từ các bài viết mới và một số bài đã phổ biến đây đó, mà mục đích đầu tiên và cũng là duy nhất: có một tài liệu tập trung về Phượng Hoàng – ban rock Việt đàu tiên của Việt Nam.
Với anh, “Ý niệm trẻ trung, sức khai phóng về ca từ và sự tự tôn tiếng Việt của Phượng Hoàng hiển nhiên để lại nhiều dấu ấn với nhạc trẻ Việt Nam thời bấy giờ và cả sau này. Song cuốn sách này chỉ là tư liệu, sử liệu về một ban nhạc rất đặc biệt của Việt Nam. Nó được tập trung chủ yếu ở khía cạnh lịch sử chứ chưa đi sâu vào khía cạnh âm nhạc. Tôi hy vọng sau này, có thể sẽ có thêm những tác giả viết nhiều hơn về Phượng Hoàng ở góc độ giá trị nghệ thuật âm nhạc, sự đóng góp của họ với nhạc rock và nhạc trẻ Việt Nam”.
Ban nhạc Phượng Hoàng gồm các thành viên: nhạc sĩ Lê Hựu Hà (mất năm 2003), Nguyễn Trung Cang (mất năm 1985) , Nguyễn Trung Vinh, Như Khiêm, Elvis Phương. Thời gian đầu nhóm còn có Hoài Khanh (giọng nam) và Mai Hoa (giọng nữ), nhưng sau khi rời phòng trà Đêm Màu Hồng đến hát tại Queen Bee và Maxim’s, hai giọng ca này phải rời nhóm. Từ đó, ca sĩ Elvis Phương gia nhập rồi tạo dấu ấn dài lâu. Thỉnh thoảng vì thiếu người, Phượng Hoàng còn có vài thành viên không thường xuyên khác, như Văn Hiển – em trai của tay trống chính Nguyễn Trung Vinh. Phượng Hoàng chính thức nghỉ hoạt động vào giữa năm 1975. Sau này, dù có những lúc tái hợp nhưng rất ngắn ngủi.
Dù chỉ có khoảng 4 năm hoạt động thường xuyên, với hơn 40 ca khúc tiếng Việt được sáng tác, phổ biến, Phượng Hoàng đã bước đầu đã vẽ nên tâm tư, triết lý của một ban nhạc rock Việt thực thụ. Họ cũng đã kịp đặt vài viên gạch làm nền tảng cho nhạc trẻ Việt Nam. Mà như nhạc sĩ Quốc Bảo, trong bài viết từ sách, “trong trí nhớ đứa trẻ 7 tuổi là tôi, Phượng Hoàng là một-cái-gì-đó vừa mới mẻ vừa thân thuộc như The Beatles…Khi đã vào môi trường nhạc chuyên nghiệp và thân với anh Lê Hựu Hà, tôi nhận ra thêm một điều: âm nhạc Phượng Hoàng điển hình cho tinh thần nhạc trẻ Sài Gòn, tức là rất Âu châu, “thế giới cũ”, vương vấn thật nhiều triết lý hiện sinh; còn về nhạc học, thì phát triển dựa trên hình mẫu của phong trào Swinging London mà anh Hà vô cùng yêu mến…”.
Thời kỳ sôi nổi và lừng lẫy nhất của Phượng Hoàng chính là lúc ca sĩ Elvis Phương xuất hiện. Theo nhạc sĩ Quốc Bảo, “giọng hát Elvis Phương đặc biệt thích hợp cho những ca khúc Phượng Hoàng” baritone đầy đặn, hùng hồn, rung sâu, có những cuộn xoáy như cơn lốc, thật chưa tìm thấy ở bất kỳ người nào khác”. Và Elvis Phương cũng là thành viên duy nhất của Phượng Hoàng còn hoạt động âm nhạc, với tinh thần trẻ trung và yêu đời dù ở tuổi ngoài 70.
Vài tháng gần đây, Elvis Phương tương tác với khán giả nhiều hơn qua trang Facebook cá nhân vừa lập. Trên đó, người hâm mộ anh biết được nhiều hơn về hoạt động thu âm, lịch diễn và những kỷ niệm một thời nhạc Việt được anh chia sẻ. “Những lúc rảnh rỗi, Elvis Phương xem phim và nghe nhạc – nghe và xem những ca sĩ nổi tiếng trên thế giới và xem lại tất cả những bài hát mình đã thâu, đã quay. Nghe hoài, xem hoài mà vẫn không hết và không chán, có lẽ mình yêu công việc của mình một công việc mà cả cuộc đời mình đã làm. Đó là hạnh phúc của Elvis Phương… Ngồi nhâm nhi tách trà vợ pha có chút mật ong và chút chanh, Elvis Phương nghĩ bên cạnh những công việc hằng ngày, làm gì để mình vui, để nuôi dưỡng tinh thần bình an và để năng lượng trong người không bị lụi tàn… thì với Elvis Phương, nghe nhạc là giữ được cảm xúc sâu xa nhất”, anh thổ lộ cùng khán giả.
Trong buổi ra mắt sách Ban nhạc Phượng Hoàng – The Beatles của Sài Gòn mới đây, nhà thơ Lý Đợi cho biết, “Sau cơn bị tai biến, anh Nguyễn Trung Vinh gặp nhiều khó khăn và bất tiện trong đời sống. Vì vậy, việc bán sách, nếu có kết quả nào đó, thì phần thu về sẽ dành cho việc hỗ trợ tay trống của Phượng Hoàng. “Đây chỉ là ý nguyện của những người làm sách, không phải chủ ý của anh Trung Vinh vì đến khi in sách, anh ấy cũng không biết chuyện này”