Giai đoạn thập niên 50 – 70, khi luận về phong cách ăn mặc hay lối sống sinh hoạt của người Việt Nam thì không thể không nhắc đến những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đã phủ trùm lên các tầng lớp và thế hệ Việt nhiều như thế nào, đặc biệt là từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Từ thành thị hóa đến cơ cấu nền kinh tế cũng dần thay đổi, bối cảnh chính sự ngày một phức tạp cùng với sự pha trộn của nhiều nền văn hóa đã tạo nên những tác động khác nhau trong nếp sống của người Việt, đặc biệt là người Sài Gòn xưa. Những năm 1950, sự xáo trộn này đã mở ra một thập niên mới – thập niên náo động, tiếp đó là sự xuất hiện của thập niên “me” ngắn ngủi (“thập niên me” hay còn được gọi là ‘me’ decade – nó là thuật ngữ dùng để tỏ một thái độ chung, dạng một phản ứng xã hội mà người Mỹ của những năm 1970 hay dùng. Thuật ngữ này được đặt ra bởi Tom Wolfe – một tác giả người Mỹ trong tiểu thuyết The ‘Me’ Decade and The Third Awakening, xuất bản vào ngày 23/03/1976 và cũng từ đó từ ‘me’ decade hay “thập niên ‘me’” được dùng phổ biến như một dạng nickname ở thập niên 70 – Khẩu hiệu chính là “please yourself”) của một bộ phận giới trẻ thời điểm đó.
Dẫu cho thời đại có đi qua thì hình ảnh của những cô chiêu cậu ấm dưới mái trường học của Tây, những gia đình phong giáo,…hòa nhập với sự tiến bộ của xã hội đều để lại trong mỗi chúng ta những hồi ức khó quên, ai ai cũng muốn lưu giữ như một thước phim không màu cho riêng mình, và nó cũng là thước phim tư liệu cho bề dày lịch sử, những nét văn hoá để người thời nay cùng chiêm nghiệm.
Những năm của thập niên 1960, không chỉ có cách ăn mặc mới được gọi là thời trang, mà cụm từ này còn được dùng trong cả những thay đổi về đồ dùng, phương tiện hoặc những vật liệu bên người. Tất cả đều chạy theo “mốt”, những mẫu mã được thiết kế theo tân thời, kiểu dáng luôn đòi hỏi sự sang trọng và bắt buộc phải hòa nhập được với nhịp sống “sành điệu” của một Sài Gòn phồn hoa đô hội thời đó.
Xe không chỉ là một phương tiện đi lại, mà đối với phái mạnh thời đó hay đến tận bây giờ, nó vẫn được xem là biểu tượng phong cách. Có thể không cần bàn đến mức độ giàu có, hay sự sang trọng về địa vị xã hội, nhưng “gu” thẩm mỹ về xe sẽ phần nào phản ánh được phong cách cùng với thị hiếu của chủ nhân.
Nhắc đến cụm từ “thời trang đường phố” có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ đến phong cách ăn mặc những với cánh nam giới thành thị miền Nam thời điểm đó sẽ được gắn liền với hình ảnh của những chiếc xe gắn máy. “Phụ kiện” này tuy có hỏi cồng kềnh nhưng nó lại không thể thiếu, không chỉ làm bật phong cách của quý ông mà tôn nét cá tính của các quý cô Sài Thành ngày xưa.
Nắm bắt thị hiếu đó mà dòng xe Mobylette của hãng Motobécane (Pháp) đã du nhập đầu tiên những chiếc xe được cho là “sang chảnh” do chính người Pháp đưa vào. Sau đó lần lượt là những hãng xe của Mỹ, Đức nhập cảng, chen một chân một thị trường xe gắn máy tại Đông Dương. Tính đến cuối năm 1959, thành phố Sài Gòn đã vô cùng nhộn nhịp khi inh ỏi những tiếng máy xe lưu thông trên đường.
Đến sau năm 1965, nhiều dòng xe gắn máy mang thương hiệu Nhật cũng dần phổ biến tại Việt Nam, trước đó thì chỉ là vài chiếc xe người Mỹ mang sang rồi để lại. Mãi đến cuối những năm thập niên 60 thì mấy dòng scooter Vespa với Lambretta được thiết kế theo phong cách thời trang Ý ra đời và nhanh chóng chiếm trọn ánh nhìn của các quý ông Sài Gòn ưa chuộng sự trưởng thành, không chỉ có nét thanh nhã mà còn gợi lên được sự lãng mạn của cánh mày râu.
Một cặp vợ chồng trẻ người Việt Nam trên chiếc motor scooter, với cách ăn mặc điển hình của người Sài Gòn những năm 1960. Photo by Wilbur E. Garrett.National Geographic/Getty Images/October 10
Ngoài phong cách ăn mặc bởi những chiếc áo thun polo, áo sơ mi lịch lãm, thì bắt đầu những năm 1972, cánh mày râu cũng dần ưa chuộng loại trang phục hoặc đồng phục thể thao, nó dần trở nên phổ biến rộng rãi trong phong cách “thời trang đường phố” của nam giới Sài Thành.
Những năm 1960, các dòng xe scooter như vespa, lambretta rất phổ biến và được yêu thích bởi nam giới trưởng thành
Ở miền Nam Việt nam từ những năm 60 – 70, người ta sẽ dễ dàng trông thấy những thanh niên phong trần và lãng tử cùng cung cách ăn mặc có vẻ thư sinh nho nhã nhưng khí chất lại có phần lạnh lùng đang điệu nghệ cầm tay lái những con xe gắn máy bụi bặm, dạng của những chiếc Honda 67. Những anh chàng này sẽ nhanh chóng bị hớp hồn bởi những cô gái nhu mì: tóc chải phi-dê, mắt đeo kính mát của hãng Rayban Wayfarer, khoác trên mình là chiếc áo dài lụa, cưỡi trên con xe Vélo Solex vun vút lao trên đường. Nguyện vọng lớn nhất của các chàng trai này chính là có một ngày nào đó được một cô nàng như này ngồi sau tay vòng ôm eo, cuộc sống cứ thế mà bình yên cùng nhau qua năm tháng trên con xe Vespa xình xịch. Không biết là trong những ký ức của cô cậu thanh thiếu niên thời đó hay là nhờ sức tưởng tượng phong phú của thế hệ mới ngày nay từ những bức ảnh đã ố màu được tìm thấy, nhưng quy kết lại thì nó đều đẹp đến nao lòng.
Gu ăn mặc lãng tử và trang nhã pha một chút phong trần của nam giới Sài Gòn vào thập niên 60 – 70 phải nói một từ “xịn”, cũng trong lúc này, những loại giày loafer cũng bắt đầu được ưa chuộng bởi sự tiện dụng của nó, dễ dàng phù hợp cả đi chơi, đi tiệc,…Màu trắng được cho là toát lên nét phong nhã nên rất phổ biến trong cách ăn mặc của phần lớn cánh mày râu Sài Thành thời bấy giờ.
Trong thời gian chiếm Đông Dương làm thuộc địa, người Pháp đã đưa vào ba miền của nước ta không chỉ là hàng ngàn máy móc công nghiệp mà còn những phương tiện giao thông vận tải. Từ đầu thế kỷ 20 đến giữa thập niên 50 thì Sài Gòn trở thành thị trường mới cực “ngon” cho ngành xe hơi và vận tải. Có nhiều người vẫn nghĩ xe hơi Pháp chỉ được sở hữu bởi người Pháp nhưng thực chất rất nhiều thương nhân và địa chủ giàu có của Việt Nam cũng đã sớm vun tiền mà tìm mua những mẫu xe hơi đời mới nhất, sang xịn nhất cùng thương hiệu danh giá nhất. Chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam thuộc quyền sở hữu của người Pháp nhưng đến chiếc thứ hai thì lại thuộc quyền của một người Việt Nam có cái tên thân mật là “Thầy Năm Tú” (Châu Văn Tú, tên theo Tây là Pierre Tú, người gốc Mỹ Tho – Ông là người An Nam đầu tiên mua xe hơi vào năm 1907) theo tư liệu của Phó Chủ Tịch Hội Sử học Đồng Tháp – Đinh Công Thanh. Tưởng chừng như những quý ông xứ An Nam sắm xe hơi còn “rốp rẻng” hơn là may bộ y phục, đóng một đôi giày tây – Thử hỏi, những quý ông này giàu đến mức nào?
Đến những năm 1960 – 1970, một bộ phận nam giới thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đã có thể mua cho mình những chiếc xe hơi đời mới, bóng loáng, mới toang như từ phim điện ảnh bước ra, yên vị trên ghế lái, bẻ vô – lăng lượn về làng hoặc bon bon trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội.
Cũng trong khoảng thời gian này xuất hiện một mẫu xe bình dân mà không người Việt nào không nhắc đến chính là dòng Citroen 2CV của hàng La Dalat được chế tạo và thiết kế bởi kỹ sư của Công ty Xe hơi Citroën – Société Automobile d’Extrême-Orient (SAEO), sau đó là sự ra đời của công ty Xe hơi Saigon – chi nhánh sản xuất xe hơi Citroën đầu tiên tại Đông Dương nên dòng xe này còn được gắn thêm cái danh “made in Vietnam”.
Saigon 1974 – Đường Hàm Nghi. Bên trái là dãy xe taxi “con cóc” Renault 4CV và bên phải là xe La Dalat (biển số) – được biết đến là mẫu xe hơi sản xuất đầu tiên ở Việt Nam
Một thời bảnh bao – Một thời vương vấn mãi
Lịch sử thời trang thế giới đã ghi nhận lại sự vươn lên của phong cách Mỹ trong giai đoạn cuối của Thế Chiến Thứ Hai. Bỏ qua Paris, New York đã mang thời trang ra thế giới với màu sắc khác hẳn, trở thành kinh đô mới lãnh đạo phong cách thời trang thế giới. Sự phát triển về nhiều mặt cũng trở thành tác nhân ảnh hưởng đến sự phổ biến và hợp hóa thời trang, nhưng sẽ không chỉ dừng ở đó bởi thời trang sẽ chẳng chịu khuất phục bởi bất kỳ nhà lãnh đạo nào. Cũng trong thập niên 50 – 70, vầng sáng của “kinh đô thời trang” đã còn dừng ở trong nước mà vươn tầm quốc tế, lan mạnh sang các quốc gia từ Âu, Ý, Anh và cả phương Đông.
Trong khi Sài Gòn – mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông đang trong giai đoạn mở cửa tiếp nhận lối sống và phong cách thời trang đa chiều. Nên dẫn đến, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đến đầu thập niên 70, cá tính thời trang của Sài Gòn ngày một năng động và không ngừng chuyển hóa đến mức xóa bỏ mọi rào cản và lằn ranh ngăn cách.
Chàng trai trên chuyến đò ấy hoàn toàn nổi bật giữa khung ảnh chỉ toàn người dân địa phương. Với một chiếc áo thun polo màu navy được viền trắng, mắt đeo kính mát đen – tay mang đồng hồ, trông anh ta hiện đại và sành điệu biết bao, nhìn có vẻ có sức sống và khỏe khoắn hơn nhiều so với dân ta, lại được tô điểm thêm nét thanh lịch như hầu hết các chàng thanh niên thời nay, trong khi bức ảnh này đã có tuổi thọ hơn nửa thập kỷ. Trong ảnh rõ ràng là một người đàn ông nước ngoài nhưng ta có thể thấy cách ăn mặc của người đàn ông đó chính là điển hình của nhiều đàn ông Việt Nam thành thị, mà chủ yếu là Sài Thành trong những năm 1960.
Vị “thủ lĩnh Hippy” Trường Kỳ (người đứng giữa) đang mặc một chiếc áo polo cổ trụ tối màu, biểu tượng bên phía ngực trái có vẻ như là logo Playboy bunny. Trường Kỳ là một nghệ sĩ, một ký giả âm nhạc nổi tiếng, thường được nhắc đến như một “tượng đài” của giới Hippy Sài Gòn thời xưa, dù ông không hề chơi nhạc hay theo đuổi giới thời trang Hippy, có vẻ ông chỉ mặc vì thích mà thôi, nhưng lại được rất nhiều người học hỏi và làm theo. Ông được xem là “lá cờ đầu” khi tổ chức nhiều sự kiện Hippy, sau đó lại cổ động, khởi xướng nhiều phong trào Nhạc Trẻ trong suốt thập niên 60.
Luôn mang một hình tượng chỉnh chu để xuất hiện trong các sự kiện âm nhạc đình đám của Sài Gòn thời đó. Với mái tóc dài lãng tử, đeo một chiếc kính đen như “nerd guy” hoặc dạng kính của “John Lennon”, cùng chiếc cằm với râu ria rậm rạp; Trường Kỳ cũng trung thành với kiểu áo thun dệt kim, quần âu và giày tây nhìn vừa bụi bặm lại vừa thể thao, nhìn chung là khá “chất”.
Không chỉ với những người Sài Gòn, khái niệm “thời trang” cũng dần xâm nhập vào lối sống của nhiều người miền quê, trải dài vùng Nam Bộ. Tác giả Phạm Công Luận đã miêu tả rất chi tiết phong cách ăn mặc của người Sài Gòn vào những năm 70 trong tác phẩm “Sài Gòn chuyện đời của phố”. Hình ảnh các cánh mày râu thời ấy được tái hiện vô cùng sinh động, không chỉ đa dạng ở nhiều thành phần tầng lớp nông dân mà còn thể hiện được sự phong phú trong cách ăn diện của nhiều người ở nhiều bối cảnh khác nhau.
“Ngày Tết, dượng Hai mặc áo sơ mi trắng thắt cà vạt hẳn hoi. Sau đó là ông ký giả nhựt trình, trong xóm gọi là chú Tư. Hôm nay ông vẫn bận cái áo bốn túi màu kaki như mọi ngày nhưng là áo mới cống. Rồi đến thầy Hai răng vàng, bận sơ mi soa Pháp trắng, bỏ áo vô quần tây đen, mang giày đen, nhìn trẻ trung”. Trong một chi tiết, tác giả kể “Cậu Bảy Nheo đến trước, nhìn khỏe mạnh trong chiếc áo montagut mới toanh màu vàng nhạt… Cậu làm ở sở Mỹ, có tiền nên thích xài loại áo này, giá không rẻ vì nhập cảng từ bên Pháp”
Montagut (người Việt vẫn hay gọi là Măng – ta – ghi) là một thương hiệu thời trang của Pháp, được thành lập vào năm 1935 nhưng tận đến những năm 60 thì hãng thời trang này mới bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất. Và mãi đến năm 1970 thì mới xuất hiện một chi nhánh tại Sài Gòn. Nhưng thời kỳ đó Việt Nam lâm vào tình trạng chính sự phức tạp nên chi nhánh của Montagut cũng nhanh chóng chuyển dời đến Hồng Kông vào một năm sau đó (tức là năm 1971). Do đó mà những chiếc áo Montagut càng khan hiếm và trứ danh, nhiều người vẫn hằng ao ước mà có được, bởi sở hữu một chiếc áo Montagut sẽ khiến cho người mặc trở nên phong cách, sành điệu và sang trọng hơn.
Hiện nay, ở thập niên 20 của thế kỷ 21, phong thái giới nam được nhắc lại bởi hình tượng bảnh bao và lịch lãm, phong cách cá nhân được nhấn mạnh hoàn toàn. Có lẽ vẫn rất nhiều người Sài Gòn xưa của những năm 50 – 70 vẫn đang hoài niệm về những cô cậu thiếu niên, những anh chàng phong trần nho nhã, biết cách chăm chút cho lối sống cho kiểu thời trang tân thời. Đến cuối cùng, khi ngồi ngẫm nghĩ lại thì dù thời gian có trôi qua bao lâu, có làm phai mờ đi nhiều mảng ký ức trong trí nhớ thì vẫn lưu truyền mãi một thời quá khứ phong lưu của thời trang giới trẻ Việt Nam. Đây được xem là biểu tượng, là kim chỉ nam cho thế hệ sau nôi theo và không ngừng vươn lên trong tương lai