Rất nhiều người thường đặt câu hỏi vì sao Hà Nội xưa đi vào thơ ca và những ca khúc đẹp như thế? Vẻ đẹp của những những con phố, những ngôi nhà ngày xưa nay đã đi đâu giữa phố phường tấp nập của ngày nay?
Lấy ý tưởng từ những bức ảnh xưa do người Pháp chụp và một vài bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh gia Hữu Bảo, người gắn bó với mảnh đất Hà Nội cung cấp, chúng tôi đi tìm lại những góc ảnh, góc phố xưa những ngày giáp Tết để thấy sự thay đổi của Hà Nội qua thời gian qua nhiều thời kì lịch sử.
Chợ Đồng Xuân nhìn từ phố Hàng Giấy. Ngày đó chợ Đồng Xuân chưa có những mái vòm bê tông do người Pháp xây dựng như bây giờ mà chỉ là những mái tôn. Ngôi chùa trong ảnh nay đã không còn, đường xe điện chạy qua ngã tư Hàng Khoai, Hàng Giầy cũng đã biến mất.
Chợ Đồng Xuân sau này được người Pháp xây thêm 5 vòm bằng bê tông kiên cố với kiến trúc cầu kỳ và đẹp
Chợ Đồng Xuân ngày nay chỉ còn lại 3 vòm bằng bê tông. Chiếc vòm bê tông gần nhất nay đã phá bỏ để làm đường Cầu Đông, chỉ còn cột trụ bê tông bên góc đường.
Phố Hàng Buồm xưa kia với kiến trúc thuần Việt. Những ngôi nhà không hề bị lai căng hay ảnh hưởng bởi lối kiến trúc của người Pháp sau này. Những bức tường bê tông ngăn giữa các ngôi nhà như một ranh giới mang mô típ kiến trúc chung cho cả dãy phố.
Bến xe cột đồng hồ ở chân cầu Chương Dương ngày nay. Cột đồng hồ được xây ngay cạnh Ô Trường Thanh (nay không còn) là lối vào khu phố cổ Hà Nội ngày nay. Chiếc đồng hồ được xây nhằm mục đích đem giờ quốc tế đến với cư dân sống tại đây nhằm đảm bảo chính xác thời gian trong việc buôn bán thay vì cách tính giờ theo canh của dân bản địa với cách tính 1 canh bằng 2 tiếng đồng hồ.
Chiếc đồng hồ nay đã không còn do việc xây dựng cầu Chương Dương. Có một chiếc đồng hồ được xây dựng cạnh đó nhưng không giống với chiếc đồng hồ thời Pháp.