Tòa hành chính Cần Thơ, đánh cá trên rạch Cái Khế, mưu sinh ở bến Ninh Kiều… là những bức ảnh đặc sắc về Cần Thơ trước 1975 của tác giả James M. Kraft
Cần Thơ là một thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam, là thành phố hiện đại và phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ hiện là đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và thương mại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng, Hải Phòng.
Cần Thơ là thủ phủ và là đô thị hạt nhân của miền Tây Nam Bộ từ thời Pháp thuộc, nay tiếp tục là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài đặc trưng về địa lý là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh trong khu vực, thành phố Cần Thơ còn được biết đến như một đô thị miền sông nước. Thành phố có hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích vườn cây ăn trái và đồng ruộng rộng lớn, nổi tiếng với Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng một nét sinh hoạt đặc trưng văn hóa Nam Bộ. Theo quy hoạch đến năm 2025, thành phố Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại – dịch vụ, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, y tế và văn hóa của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Và sẽ trở thành một thành phố phát triển khá ở khu vực Đông Nam Á.
Cần Thơ nằm ở vùng hạ lưu của sông Mekong và ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, và là thành phố nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm cách Hà Nội 1.877 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 169 km, cách thành phố Cà Mau hơn 150 km, cách Rạch Giá gần 120 km, cách biển Đông 75 km theo đường nam sông Hậu (quốc lộ 91C), Cần Thơ có tọa độ địa lý 105°13’38″ – 105°50’35″ kinh độ Đông và 9°55’08″ – 10°19’38″ vĩ độ Bắc, trải dài trên 60 km dọc bờ Tây sông Hậu, có vị trí địa lý:
Phía Bắc giáp An Giang
Phía Đông giáp Đồng Tháp và Vĩnh Long
Phía Tây giáp Kiên Giang
Phía Nam giáp Hậu Giang
Khi đối chiếu địa danh Cần Thơ với tên Khmer nguyên thủy của vùng này là Prek Rusey (sông tre), không thấy có liên quan gì về ngữ âm, người nghiên cứu chưa thể vội vàng kết luận là Cần Thơ là một địa danh hoàn toàn Việt Nam và vội đi tìm hiểu căn cứ ở các nghĩa có thể hiểu được của hai chữ Hán Việt “cần” và “thơ”. Cần Thơ không phải là từ Hán Việt và không có nghĩa. Nếu dò tìm trong hướng các địa danh Việt hoá, người nghiên cứu có thể thấy ngữ âm của Cần Thơ rất gần với ngữ âm của từ Khmer “kìntho”, là một loại cá hãy còn khá phổ biến ở Cần Thơ, thông thường được gọi là cá sặc rằn, nhưng người ở Bến Tre vẫn gọi là cá “lò tho”. Từ quan điểm vững chắc rằng “lò tho” là một danh từ được tạo thành bằng cách Việt hoá tiếng Khmer “kìntho”,người nghiên cứu có thể sưu tầm các tài liệu về lịch sử dân tộc, về sinh hoạt của người Khmer xa xưa trong địa phương này, rồi đi đến kết luận là địa danh Cần Thơ xuất phát từ danh từ Khmer “kìntho”
Về nguồn gốc chữ “Cần Thơ”, có 2 thuyết. Thuyết thứ nhất kể rằng khi chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu, thuyền ngài lênh đênh trên sông Hậu, trong đêm khuya thanh vắng ngài nghe có tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hòa nhau rất nhịp nhàng, từ một khúc sông xa vọng lại. Ngài xúc động và đặt tên con sông nhỏ này là “Cầm Thi Giang”. Cầm Thi được đọc trại thành Cần Thơ. Một truyền thuyết khác nói là khi xưa vùng Cần Thơ có trồng nhiều rau cần và rau thơm. Mỗi khi chèo ghe đi bán trên sông rạch, chủ ghe thường rao: “Ai mua rau cần thơm không”. Rau cần thơm vì vậy đã vào ca dao, và cần thơm đọc trại thành Cần Thơ
Rau cần rau thơm xanh mướt
Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn
Rau cần lại với rau thơm
Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều