Nghề dâu tằm tơ là một ngành nghiên cứu về cây dâu, con tằm và những sợi tơ kén. Sợi tơ tằm được vinh danh là “nữ hoàng” của ngành dệt may, mặc dù sợi tơ tằm được sản xuất ra thấp hơn nhiều so với các loại sợi khác như bông, đay, gai,….nhưng nó lại chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong ngành dệt, nó tô đậm màu sắc hàng đầu thế giới về mốt thời trang tơ tằm.
Có nhiều tài liệu cho rằng, Trung Quốc là nước có nghề trồng dâu nuôi tằm sớm nhất thế giới, từ đây mới phát triển và lan rộng ra các nước. Cách đây hơn 5.000 năm, người Trung Quốc đã biết thuần hóa và nuôi tằm. Năm 2018, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc ngà lớn rừng, phía trên có chạm khác hình con tằm dài khoảng 6,4cm; rộng khoảng 1cm và dày độ 0,1cm khi khai quật Di chỉ Song Hòe Thụ (Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc) có niên đại hơn 5.300 năm. Đây là hình chạm khắc con tằm lâu đời nhất từng được phát hiện và nó cũng trở thành bằng chứng cho thấy người Trung Quốc đã biết nuôi tằm – dệt lụa cách đây 5.300 năm. Ở thời xa xưa, tơ lụa là thứ phẩm chỉ dành riêng cho vua chúa hoặc những quý tộc, nó thể hiện nên quyền lực của người mặc. Bí mật của ngành dâu tằm tơ cũng được người Trung Quốc giữ kín rất lâu, phải tận 600 năm sau công nguyên thì ngành này mới bị lộ ra và lan truyền ra sang các nước châu Âu bằng “Con đường tơ lụa”.
Kén được cho vào trong nước sôi khuấy đều để tìm đầu sợ
Quá trình bóc sợi ra khỏi kén
Tuy nhiên, theo một số tài liệu khác lại cho rằng nghề dâu tằm được lan sang Triều Tiên khoảng 1.200 trước CN, sau đó thì tới Nhật Bản ở thế kỷ thứ 3 trước CN và Ấn Độ ở giữa thế kỷ thứ 2 trước CN.
Các nhà lịch sử phương Tây thì lại đưa ra minh chứng là cây dâu được trồng và phát triển ở Ấn Độ sau đó thông qua Tây Tạng vào khoảng năm 1.400 trước CN và nghề dâu tằm mới bắt đầu ở vùng châu thổ sông Hằng. Theo các nhà lịch sử Ấn Độ, một vùng thuộc núi Hymalaya chính là nơi nuôi tằm đầu tiên, sau đó người Ả Rập đã nhập trứng tằm cùng với hạt dâu ở đây nên cũng trở thành một trong những nơi phát triển nghề dâu tằm tơ sớm.
Một góc chụp khác trong quá trình bóc kén ra khỏi sợi
Bóc kén
Độ thế kỷ 4, nghề dâu tằm tơ được thiết lập ở Ấn Độ như một trung tâm của châu Á và tơ lụa được xuất khẩu tới Roma (Ý). Nhưng đến thế kỷ 6 thì người Roma đã học được kỹ nghệ sản xuất tơ và tơ đã được sản xuất ở châu Âu, người Roma đã hoàn toàn chiếm lĩnh trong ngànhnày. Từ Roma, dâu tằm được phát triển sang các nước khác như Hy Lạp, Áo và Pháp.
Ở Áo, dâu tằm được phát triển mạnh vào thế kỷ 9-11; ởtrồng dâu nuôi tằm được bắt đầu từ năm 1340. Ngành dâu tằm của Pháp được thành lập vào cuối thế kỷ 17 và phát triển tới giữa thế kỷ 18. Nhưng đến thế kỷ 19 thì dâu tằm ở đây lại gặp phải dịch tằm gai rồi lây sang châu Âu và Trung Đông. Do đó, ngành này lâm vào khủng hoảng nặng. Phải đến tận năm 1870, khi Louis Pasteur phát hiện ra nguyên nhân gây bênh là bào tử gai và tìm cách loại trừ dịch bệnh thì ngành này mới dần được cải thiện và tiếp tục mở rộng phát triển.
Nghề dâu tằm tơ ở Bảo Lộc đang dần hồi sinh
Dâu tằm tơ vẫn là một nghề phát triển ở nhiều nước như: Nhật, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…Còn ở một số nước đang phát triển như Việt Nam, dâu tằm tơ cũng là một nghề rất quan trọng, nhất là ở vùng nông thôn. Trông dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với những cây khác, vì thành phẩm của nó đạt giá trị rất cao. Đồng thời, cây dâu tằm có thể chịu đựng ở những vùng điều kiện xấu, khí hậu khắc nghiệt. Mặt khác, trồng cây dâu tằm còn làm tăng độ che phủ xanh trên các bãi đất trống tham gia vào điều hòa tiểu khí hậu môi trường vùng đó.
Se sợi
Thành phố Bảo Lộc (thuộc tỉnh Lâm Đồng) là trung tâm tơ tằm ở Việt Nam. Mỗi năm khu vực này sản xuất hơn 1.000 tấn tơ tằm, 2,9 triệu mét lụa, chiếm 80% sản lượng tơ lụa toàn quốc, đa số bán sang Nhật Bản, Ấn Độ, các nước châu Âu và Trung Đông. Trước năm 1990, Bảo Lộc được mệnh danh là thủ đô của nghề dâu tằm tơ, nhưng do nhu cầu tơ lụa của thế giới giảm nên khiến cho nghề của vùng đất này bước dần vào thời kỳ suy thoái.
Quá trình lấy tơ
Từng có thời kỳ, tổng diện tích trồng dâu của Lâm Đồng đạt hàng chục ngàn ha, chỉ riêng thành phố Bảo Lộc đã có trên 3.000ha – Ở thời điểm đó, ngành nghề này cũng trở thành nghề chính của hàng vạn hộ dân. Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam cũng được đặt ở mảnh đất Bảo Lộc, cùng với nhiều đơn vị khác như Trại giống tằm Trung ương, cùng hàng chục nhà máy ươm tơ, dệt lụa.
Sau một khoảng thời kỳ suy thoái, người nông dân cũng chuyển dần từ trồng dâu sang những loại cây công nghiệp khác, từ đây dẫn đến sự phá sản của Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam cùng nhiều đơn vị khác. Mãi đến tận năm 2010 thì ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng mới có dấu hiệu khởi sắc và bắt đầu hồi phục, phát triển
Đóng lon
Trong những địa phương có nghề dâu tằm tơ phát triển mạnh phải kể đến xã Đamb’ri của thành phố Bảo Lộc, chỉ riêng vùng đất này thôi đã có tới 400 hộ nuôi tằm trên tổng diện tích trên 300 ha dâu
Dệt lụa
Ngoài sự hồi phục về giá tơ lụa thế giới thì nguyên nhân dẫn đến ngành dâu tằm tơ của Bảo Lộc được cải thiện là sự thành công của cuộc cách mạng công nghệ: lựa chọn canh tác những giống dâu năng suất cao và quanh năm, sáng chế Né gỗ tự xoay khiến chất lượng kén đều dẫn đến giá tăng cao hơn. Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm nhiều hơn đến sự hồi phục của ngành nghề truyền thống và có định hướng phát triển.
Trên địa bàn Bảo Lộc hiện có 22 doanh nghiệp cùng cơ sở sản xuất tơ tằm, trong đó có: 8 nhà máy ươm tơ tự động, 8 doanh nghiệp sản xuất lụa tơ tằm; tổng sản lượng năm 2016 đạt trên 1.600 tấn, gần 5,7 triệu mét lụa với giá trị xuất khẩu đạt 9,6 triệu USD. Các công ty cũng đang dần thay đổi thiết bị, từ cơ khí sang tự động để nâng cao chất lượng cùng năng suất tơ.
Chuẩn bị sợi ngan
Nhân đôi sợi tơ
Có thể nói, nghề dâu tằm tơ ở Lâm Đồng đang trong quá trình hồi sinh, mong rằng sẽ mang đến cuộc sống ấm no cho người nông dân và tạo nên công việc ổn định cho nhiều công nhân trên địa bàn.
Các sản phảm tơ lụa của Bảo Lộc từ xưa đã nổi tiếng nhưng lại chẳng có lấy một thương hiệu đặc trưng. Bởi vậy mà hiện nay, UBND thành phố Bảo Lộc đang cố gắng xây dựng thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc” và đang trong quá trình chứng nhận, dự kiến sẽ có khoảng 10 doanh nghiệp được cấp nhãn hiệu.