Những mảng ký ức vụn vặt về tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt đều chứa đựng một góc về thứ đồ chơi dân dã mang tên “tò he”. Không ai biết chính xác nó xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là món đồ chơi độc đáo của trẻ em và được gìn giữ như một nét đẹp văn hóa truyền thống cho đến tận ngày nay. Dù ở hiện tại, tò he rất ít xuất hiện nhưng dân gian ta vẫn lưu truyền câu đồng dao cổ:
“Tò he cụ bán mấy đồng?
Con mua một chiếc cho chồng con chơi.
Chồng con đánh hỏng thì thôi,
Con mua chiếc khác con chơi một mình.”
Tò he từng được gọi là con giống bột, nó là loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, có thể ăn được. Nếu như tò he là thứ đồ lạ lẫm đối với người nước ngoài thì với người Việt Nam, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ, không ai là không biết thứ đồ chơi truyền thống này. Không rõ, ngành nghề này xuất hiện từ khi nào, hay có nguồn gốc bắt đầu từ đâu, chỉ biết rằng đến nay, tại các lễ hội, khu vui chơi giải trí, công viên hay tại các sự kiện văn hóa từ nông thôn đến thành thị…tò he vẫn hiện hữu bên cạnh nhiều loại đồ chơi hiện đại khác…Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá… vì vậy, người ta gọi sản phẩm này là “đồ chơi chim cò”. Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi… tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên có lẽ người ta gọi là “tò te”, sau này nói trại thành “tò he”.
Cái trò chơi dân gian “tò he” đã tồn tại từ rất lâu rồi, người làm nghề này cũng có ở nhiều nơi nhưng nơi có truyền thống về “tò he” thì phải nhắc đến làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Theo như lời kể của các cụ trong làng thì nghề này của làng đã có hơn 300 năm lịch sử rồi! Những thứ đồ chơi tò he chưa bao giờ thiếu vắng trong cuộc sống của những người dân nơi đây. Thường thì vào những dịp lễ hội, ngày rằm tháng Giêng hàng năm đều có cuộc thi tay nghề nặn tò he được tổ chức dành cho những nghệ nhân, những người thợ giỏi lành nghề. Ngoài ra, trong làng còn có cả câu lạc bộ được thành lập để đi biểu diễn, giao lưu văn hóa ở các nước Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…Tò he đã vượt biên giới, xuất hiện trong nhiều chương trình giao lưu và trao đổi văn hóa, tô đậm thêm nét đẹp văn hóa Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Hơn ba phần tư người dân ở làng Xuân La, Hà Nội đều biết làm tò he, không chỉ là những ông bà cụ tóc bạc phơ, mà đến cả những đứa bé nhỏ chưa biết đọc hay biết gì cả nhưng vẫn có thể nặn ra những con “tò he” có hình có dạng. Người ta truyền tay nhau rằng, ngày xưa, những người dân trong làng Xuân La ai cũng có một đôi tay hết sức khóe léo, chỉ với những thứ bột gạo đơn giản nhưng qua đôi bàn tay ấy lại có thể trở thành những loại hoa quả được trưng bày trên mâm ngũ quả và những con giống (nào là trâu bò, gà, lợn,…) để làm ra một mâm lễ cúng với đầy đủ màu sắc sặc sỡ. Những món này làm ra, tất cả đều có thể ăn được nên ở một số vùng của miền Bắc, người ta vẫn hay gọi nó là “con bánh”, cũng có thể gọi là “đồ chơi chim cò”. Hầu hết chúng đều tương đối giống đồ thật lại được thêm chút đường ngọt ngọt nên dù là trẻ em hay người lớn đều rất thích món này.
Nguyên liệu để nặn nên thứ đồ chơi có tên “tò he” cũng không hề đơn giản, khâu làm ra những khối bột nặn chính là bí quyết chính trong nghề và nó quyết định sự thành bại của cả món đồ đó. Nếu khối bột không được xử lý tốt hay còn gọi là bột bị khô thì tò he sẽ dễ bị trốc, lỡ khỏi que. Nguyên liệu chính dành cho khối nặn tò he chính là bột gạo tẻ được thêm một ít bột nếp theo tỉ lệ mười và một, có nghĩa là mười phần bột gạo sẽ cho thêm một phần bột nếp. Còn nếu thời tiết ngày hôm ấy khô hanh quá, người làm nghề sẽ chủ động cho thêm nhiều bột nếp hơn để được độ dẻo của tò he. Hỗn hợp bột được trộn đều, sau đó được ngâm với nước rồi mang đi xay nhuyễn ra, luộc chính và sau cùng là nhào nhanh bằng tay. Tiếp đến là khâu pha màu, người làm sẽ nắm bột thành từng vắt nhỏ và nhuộm theo từng màu riêng. Sau rồi, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng. Để tạo màu cho đồ chơi thì người ta chỉ cần 4 màu cơ bản là đỏ, vàng, xanh và đen. Nếu là trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thiên nhiên, mà chính xác là từ thực vật và đun sôi thêm một ít bột: màu vàng có thể lấy từ hoa hòe hoặc là màu của củ nghệ; màu đỏ thì lấy từ màu của quả gấc hoặc dành dành; màu xanh thì của lá chàm hoặc lá riềng; còn riêng về màu đen, người ta sẽ đốt một ít rơm rạ hoặc dùng màu của nhọ nồi. Còn bây giờ, ít người chịu cực như thế nên hầu hết người ta sẽ chuyển sang dùng màu thực phẩm công nghiệp vì tính tiện ích của nó..
Tò he có sức hấp dẫn kỳ lạ lắm, khi chỉ thú hút ánh nhìn của trẻ con bởi những thứ màu sắc đầy sặc sỡ cùng hình dạng sinh động, mà đến cả những người lớn cũng yêu thích không thôi! Một chiếc que tre ốm nhỏ, dài khoảng chừng 40cm cộng thêm một ít bột màu và đặc biệt là qua đôi bàn tay biến hóa của người thợ thủ công, nó đã nhanh chóng biến thành những hình ảnh xuất hiện trong trí tưởng tượng của người rồi! Dõi theo những thao tác thuần thục, khi thì vê vê, sau đó lại nắn nắn những mẫu bột màu đầy khéo léo, lúc thì tạo hình, vốn ban đầu chỉ là một khối bột không hình dạng nhưng sau đó đã được tạo ra những hình dáng bắt mắt, vậy mới thấy được sự hấp dẫn của trò chơi này.
Ngày nay, các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với hình thù đơn giản về các con vật, các loại trái cây… nhưng còn nặn nhiều hình thù phong phú khác: 12 con giáp, nhiều nhất là các nhân vật mà trẻ con yêu thích như Aladin, Đôrêmon, Pokémon, Tề Thiên, Trư Bát Giới, Na Tra…
Các nghệ nhân thường di chuyển xa nhà, rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán, nhất là khi nơi nào có đình đám, hội hè. Hành trang đồ nghề của họ khá đơn giản: một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, một cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày.
Đã từ rất lâu rồi, tò he không còn đơn thuần là thứ đồ chơi dân gian mang đậm sắc màu và linh hồn dân tộc, mà nó còn được xem là những tác phẩm nghệ thuật. Không chỉ xuất hiện ở những làng hội, công viên hay trường học,….mà đôi khi còn hiện diện ở cả những hội tường lớn, những buổi triển lãm sang trọng, những lễ hội,….Người nghệ nhân làm ra thứ đồ chơi “tò he” này cũng biến tấu để các con tò he ngày càng trở nên sinh động hơn, khiến cho những du khách tò mò đến xem cũng phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì những động tác ban đầu cho đến lúc tò he có hình dáng nhất định và thành phẩm. Cầm trên tay món tò he, người ta không chỉ thán phục vì vẻ ngoài độc đáo của nó mà còn hít hà lấy cái hương thơm đậm nét đồng quê đang tỏa ra từ thứ bột nặn.
Tò he được coi là một thứ đồ chơi dân gian độc đáo. Mặc dù chỉ giữa được trong khoảng thời gian 10 ngày đến 30 ngày, chứ không thể lâu hơn nhưng với người Việt Nam, tò he đã trở thành một cái gì đó rất gần gũi và quen thuộc. Không chỉ tích tụ được những trí tuệ dân gian, mà còn mang theo cái hồn của làng quê Việt.
- Khám phá Hòn Ngọc Viễn Đông những năm 1970 – 1971
- Rạo rực không khí TẾT trong bài ca “Đón Xuân” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
- Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của ca, nhạc sĩ Phượng Vũ (1947 -2021)
- Bộ sưu tập Tem Bưu chính thời Việt Nam Cộng Hòa – Phần 2
- Những ‘nàng thơ’ quan trọng nhất cuộc đời nhạc sỹ Trịnh Công Sơn