Nếu ai là dân miền Tây thì chắc không còn xa lạ với việc “ăn giỗ lấy phần” nữa! Nó không hẳn là một nét phong tục xưa nhưng lại được hình thành như một văn hóa mang tính truyền thống và lịch sử. Ngày nay, chuyên ăn uống đã chẳng còn là vấn đề đối với nhiều gia đình, nhưng nét văn hóa này vẫn được gìn giữ và duy trì ở nhiều vùng nông thôn, không biết ở miền Bắc và Trung thì còn không, chứ miền Tây quê tôi thì vẫn vậy!
Đối với người miền Tây, đám giỗ không chỉ để gia đình tưởng nhớ người đã khuất, mà còn là dịp để họ hàng gần xa tụ hội, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, kể nhau nghe chuyện học hành của con cái,…thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Đám giỗ miền Tây thường diễn ra trong hai ngày, nhưng sự chuẩn bị có khi đã lên kế hoạch của cả tuần rồi. Ngày đầu tiên gọi là tiên thường, ngày này vui lắm, từ sớm những bà con trong xóm đã bắt đầu xúm lại để phụ giúp gia chủ những món ăn lai rai cho đãi buổi chiều hoặc tối. Còn ngày hôm sau mới là giỗ chính. Đối với miền Tây, đặc biệt là thôn quê, đám giỗ dường như chẳng còn là chuyện riêng của nhà nào mà là chuyện chung của…cả xóm. Chẳng thể nào thiếu đi những món ăn đặc trưng như bánh tét, bánh ít, gỏi, cháo, lẩu,….
Ở nhiều vùng nông thôn miền Tây, khi khách được mời đến nhà ăn giỗ, chủ nhà ngoài việc chuẩn bị đầy đủ những món ăn ngon còn kèm thêm một gói quà để khi xong tiệc mọi người được tặng mang về, khi thì đòn bánh tét, mớ bánh ít, vài cái bánh bông lan nho nhỏ hoặc thêm 1 – 2 lon xá xị mà tụi nhỏ rất thích,….Đa số các mâm phụ nữ, các bà hay các chị chỉ ăn những món nóng thôi như đồ nấu, lagu, lẩu,…còn những món nguội như xôi nếp, tôm, hoa quả,…thì họ thường sẽ mang về cho con cháu và được thêm vào chung với gói quà đã được chuẩn bị sẵn. Nhiều khi, trong làng hay xóm có người bận rộn công chuyện gì đó không thể đến tham dự được, chủ nhà cũng sẽ chuẩn bị thêm một phần quà cùng với món ăn nào đó rồi cho con cháu mang đến tận nhà biếu ăn lấy thảo.
Với những người dân quê, đặc biệt là dân miền Tây, việc “ăn giỗ lấy phần” đã trở thành một phong tục được lưu truyền nhiều đời, từ đời này sang đến đời khác. Những phần quà đó chẳng đáng là bao nhiêu, nhưng lại là tấm lòng của chủ nhà gửi đến các vị khách như cảm ơn họ đã dành thời gian đến tham dự cùng gia đình.
Trước đây, ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước, cuộc sống của nhiều gia đình còn rất khó khăn, chuyện ăn uống mỗi ngày đối với họ là cả một nỗi lo, dần dần mới được khắc phục đôi chút, không đến nỗi nghèo đói nữa nhưng cũng chẳng dư dã hay khá khẩm gì. Nhiều gia đình đông con cộng với cuộc sống nông dân quanh năm bương chảy, vất vả đủ đường để tìm kế sinh nhai, lo toan từng manh áo miếng cơm,….Mong muốn một bữa ăn thật sự đúng nghĩa thì họ chỉ chờ đến ăn đám, lễ, tết,….chỉ những ngày này mới có được miếng ngon nhưng cũng không phải ngày nào cũng có. Mà miếng ăn ngon thì ai mà nỡ ăn một mình, nên mới dần xuất hiện tình trạng “để dành”, gói mang về cho con cháu ở nhà. Đặc biệt, khi gia chủ tổ chức tiệc cũng sẽ vui vẻ hơn nếu trên bàn không còn đồ ăn thừa, vì điều đó làm cho họ cảm thấy món ăn họ cất công tiếp đãi rất ngon, được mọi người thích, như một sự đáp đền thành quả. Chỉ vài ba con tôm, vài miếng thịt cũng chẳng ảnh hưởng đến kinh tế của gia chủ, hơn nữa còn có quà mang về.
“Ăn giỗ lấy phần” được xem là một nét đẹp cho câu nói “nhường cơm sẻ áo” của người dân Việt Nam, có miếng ngon thì không ăn một mình mà chia sẻ cùng mọi người. Ngày giỗ, con cháu trong nhà được gọi về đầy đủ cả để cùng ăn cùng vui, chứ nhất định không đơn lẻ một mình cô quạnh. Hay đơn giản, nhà có miếng ngon miếng lạ, dù ít hay nhiều cũng đợi con cái trong nhà về đủ rồi mới ăn. Trong xóm có đám tiệc gì đó, bà con người ta kéo “bà phụ một tay, tôi giúp một chân” cho nhanh việc.
Còn ngày nay, khi kinh tế dần được cải thiện và phát triểm sự ăn uống đối với mỗi gia đình đã chẳng còn là vấn đề nhưng phong tục “ăn giỗ lấy phần” vẫn được duy trì ở nhiều vùng quê miền Tây. Sẽ có nhiều người thành thị cho rằng “ăn giỗ lấy phần” là một phong tục lạc hậu, thời buổi này ai mà cần mấy cái túi bánh mang về đó, muốn ăn thì ra chợ có đầy. Thậm chí, có người còn có thói quen ăn đồ để lại, những mâm đồ ăn bị ăn dở như để chứng minh mình không phải là “kẻ đói kém”. Nhưng nếu xét cho cùng thì tâm lý sĩ diện đó lại khiến cho gia chủ cảm thấy thành quả của mình không được trân trọng.
Không biết tự bao giờ mà hình ảnh người thôn quê xách theo vài kí trái cây, bánh mứt, bình dầu ăn,…để đi giỗ đã không còn hiện diện nữa? Thay vào đó là những phong bì được nhét vào tay gia chủ, hay thùng bia, thùng nước ngọt,…Dẫu quê hương tôi vẫn còn giữ được nét đặc trưng đó, giữ được cái không khí đám tiệc tưng bừng xưa nhưng theo thời gian mọi thứ đã dần phai nhạt? Sẽ thật tiếc nếu nét đẹp ăn giỗ quê hương bị lùi dần vào quá khứ….!
- Hương Lan chia sẻ những kỷ niệm hài hước cùng danh ca Chế Linh: “Mỗi lần gọi điện, anh lại hỏi tôi: Mày làm gì thế”
- Đằng sau vẻ dịu dàng trên sân khấu, con người thật sự của danh ca Như Quỳnh ra sao?
- Vĩnh biệt ‘Thiết cước đại vương’ Trương Kim Hùng – Chàng cua rơ nổi tiếng thập niên 50-60
- Tuyển tập những bức ảnh để đời về phụ nữ Sài Gòn trước 1975 (Kỳ 1)
- Hình ảnh Saigon xưa đi kèm với những chiếc Xế Điếc vào những năm thập niên 60-70