Nguyễn Trung Khuyến một nhà tạp kỹ nổi tiếng của Việt Nam với nghệ danh Bảo Thu trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc và ảo thuật gia Nguyễn Khuyến – Một trong số ít ảo thuật gia Việt Nam được Hiệp hội Ảo thuật gia quốc tế trao tặng danh hiệu Tiến sĩ Ảo thuật. Ngoài ra, trong sự nghiệp âm nhạc Bảo Thu còn được biết đến là nhạc sĩ nhạc vàng danh tiếng trước năm 1975 bằng bút danh Trần Anh Mai. Bút danh này khi được viết tắt bằng các chữ cái đầu – T.A.M có nghĩa là Tâm – Ông đang muốn nhắn nhủ đến những người yêu mến ông, nghe nhạc của ông, tất cả đều là duyên phận.
Sinh thành trong gia đình tri thức nhưng có đời sống khó khăn, cũng chẳng ngăn được bước chân tiến vào nghệ thuật của ông, từ năm 8 tuổi ông đã tập tành học nhạc lý với nhạc sĩ Văn Thủy. Năm 1964, ông bắt đầu sáng tác và giới thiệu nhạc phẩm “Ước vọng tương phùng” bằng nghệ danh Bảo Thu, tác phẩm nhanh chóng chiếm được tình yêu của người yêu nhạc. Từ đó, nhiều ca khúc nổi tiếng của ông cũng dần ra đời và bất hủ theo thời gian, để lại dấu ấn chẳng thể quên trong lòng người hâm mộ. Phải công nhận một điều rằng những sáng tác của Trần Anh Mai rất đa dạng về chủ đề, nào là tuổi học trò với “Tiếng hát học trò”, “Vọng về tim”,…hay các ca khúc được lấy cảm hứng từ những câu chuyện tình buồn “Giọng ca dĩ vãng”,….và chẳng thể nào thiếu chủ đề mùa xuân trong tuyển tập sáng tác của ông với ca khúc “XUÂN TRONG RỪNG THẲM” về mối liên hệ giữa người lính gian truân cùng mùa xuân tươi đẹp.
Ai mà chẳng mong chờ những mùa xuân xinh đẹp lướt qua, bởi không khí xuân làm con người ta như trẻ lại, mọi mệt mỏi hay vận xui đều được để lại ở năm cũ mà bắt đầu cho một mùa tươi mới trong năm. Và những người lính chiến sĩ cũng vậy, trên con đường hành quân băng đèo lội suối đầy vất vả, họ cũng mong muốn được một lần bắt gặp cảnh sắc ngàn hoa khoe sắc trong khung cảnh mùa xuân hay nghe được những tiếng én gọi bầy ríu rít bay đầy trời. Trong những cánh rừng, bốn bề đều nguy hiểm, chẳng có phút giây nào dám lơ là cảnh giác bất kể tết hay lễ, họ đều chẳng màng. Nhưng khi lấy cảnh từng đôi bướm uyên ương rủ nhau âu yếm, hay hoa rừng cũng dần đọ sắc, họ cũng sẽ chợt nhớ về quê nhà, nhớ về những người thương nơi miền quê ấy….Có lẽ là cảm thông cho những người lính thân chinh mà Trần Anh Mai đã cho ra đời ca khúc “XUÂN TRONG RỪNG THẲM” để phần nào cổ vũ tinh thần cho những người trai anh dũng.
Được tác giả cho ra đời chắc độ khoảng năm 1968 trong một chuyến công tác lên Đà Lạt, dưới cái không khí đầy chất thơ này, khó có người nhạc sĩ nào kiềm được lòng mình mà không tuôn ra vài câu thơ lãng mạn. Nhưng có lẽ thời điểm không cho phép người trai anh hùng đắm chìm trong chất tình riêng lẻ, nên ca khúc “XUÂN TRONG RỪNG THẮM” lại đại diện cho người lính thân chinh thay vì tình yêu đôi lứa. Ca khúc có tiết tấu vui tươi cùng với giai điệu sôi động, làm đi biết bao mệt nhọc trong cuộc đời người lính; tâm trạng hào hứng của người chiến sĩ hành quân bất ngờ nhìn thấy xuân sắc tràn đến tận cánh rừng sâu thẳm. Vừa háo hức và vui mừng trước cảnh sắc xinh tươi, nhưng cũng làm trùng lại bước chân người trai đôi chút bởi nỗi nhớ quê hương tha thiết. Bao nhiêu cái tết xa nhà, chỉ biết hồi tưởng trong ký ức để hoài niệm về miền quê xa xôi, khung cảnh sum vầy vui vẻ như hiện lên trước mắt làm người lính như muốn rơi lệ. Dòng cảm xúc biến đổi lên xuống, có vui có buồn, nhưng không phải quá đau thương khiến người ta trầm mặc hay thuần hóa bằng niềm vui; mà chúng ta vẫn sẽ cảm nhận nét khí khái hào hùng cùng với không khí náo nhiệt đầy chất quân hành trong cánh rừng sâu thẳm.
“Theo cánh quân tôi băng rừng
Kìa đàn én nhởn nhơ đầu gió
Cành mai thắm chắn bước quân đi
Ô! Chúa xuân đến trên trần gian
Cho thế nhân xây mộng thắm
Nghe bước xuân di trong hồn
Chạnh lòng nhớ đến xuân miền xa
Thành đô đó có dáng xuân vui
nhưng vắng anh đi xuân còn vui không,
hỡi ai đang chờ mong….”
Bắt gặp từng đàn én nhỏ đang “nhởn nhơ đầu gió”, vui đùa vờn nhau trên khoảng trời bao la; từng cánh mai thắm đang nở rộ trên bước đường hành quân, người chiến sĩ chợt nhận ra – Lại một mùa xuân nữa lại đến, lại một năm qua đi vẫn chưa được về thăm nhà. Vui đấy! Vì xuân đang nở rộ trên đất nước ta, từng nhịp xuân háo hức đang thôi thúc trong lòng người lính “Ôi! Chúa xuân đến trên trần gian, cho thế nhân xây mộng thắm” – Xuân đến cất giữ mọi buồn thương ở phía sau, khởi nguồn cho niềm lạc quan và tương lai trước mắt. Nhưng chợt bản thân người lính lại chẳng thể bước đi tiếp trên đoạn đường dài sâu thẳm, từng bước xuân di hồn như chặn lại đôi chân chai sần ấy, lòng chợt xót xa đôi phần khi nhớ về quê nhà ở miền xa.
Người chiến sĩ đã tự hỏi rằng: Mùa xuân này lại tiếp tục không có anh, liệu xuân quê có vui không? Những người thân của mình có rơi nước mắt vì nhung nhớ không? Phố xá dòng người đông đúc có nhộn nhịp chăng? Những suy tư vui buồn đan xen, dấy lên sự nuối tiếc của người lính…anh mong chờ lắm ngày đất nước giành lại nền độc lập, để bản thân được thực sự tận hưởng cái gọi là mùa xuân đất trời.
“…..Xuân sang xuân tàn,
rồi xuân vắng,
xuân đến rồi xuân đi.
Tháng năm gió mưa quen đường dài,
cố hương vắng xa len miệt mài,
miệt mài cho tương lai…..”
Sự tuần hoàn của mùa xuân làm chúng ta như già đi nhanh chóng, vòng lặp chẳng bao giờ dừng lại của thiên nhiên đất trời. “Xuân sang xuân tàn, rồi xuân vắng, xuân đến rồi xuân đi” – Đã bao nhiêu mùa Xuân đến rồi đi, nhưng mang trên vai trọng trách quốc gia, những người chiến sĩ làm sao dám rời bỏ cương vị mà về nhà với quê hương mà đón chào năm mới. Cả một thanh xuân dài dẳng, họ chỉ biết làm bạn với súng đạn, ca hát cùng với tiếng bom nổ vang trời và tìm quen trên những con đường hành quân gian khổ. Họ dặn lòng bỏ qua từng cái xuân thân thương, mà quen với đường dài vắng lặng, miệt mài chiến đấu để đón chờ một tương lai sáng lạn “Tháng năm gió mưa quen đường dài, cố hương vắng xa len miệt mài, miệt mài cho tương lai”.
“….Cho sắc xuân không phai màu.
Nghìn cây súng giữ xuân bền lâu,
đời chinh chiến nắng tím với mưa nâu,
mấy ai đón xuân trong vui đâu,
hỡi xuân trong rừng sâu…”
Đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản là sự sẻ chia ngọt bùi, bản thân ôm khư khư cái gọi là hạnh phúc mà chẳng chia bớt cùng ai thì đó chỉ là những điều vô cùng bé nhỏ. Còn khi bạn chấp nhận dang rộng vòng tay, cùng mọi người chia sẻ thì hạnh phúc sẽ được nhân lên gấp bội. Nó giống như hình ảnh người chiến sĩ trong bài hát “XUÂN TRONG RỪNG THẲM” của Trần Anh Mai, họ chấp nhận hy sinh thanh xuân để giữ yên bờ cõi, giữ mãi mùa xuân cho đất nước nhỏ bé này, để toàn thể dân tộc có thể tận hưởng trọn vẹn một mùa xuân chẳng còn tiếng súng đạn.
Trong cánh rừng sâu thẳm ấy, chỉ biết làm sao để bảo vệ bản thân khỏi nắng gió hay bệnh tật, để còn sức còn hơi thở mà bảo vệ non sông, họ làm gì mà có cái gọi là mùa xuân vui vẻ. Không có cái gọi là nô nức ra đường đón xuân cùng dòng người xa lạ, cũng chẳng có cái gọi là bữa cơm vây quầng cùng gia đình, tất cả đều quá xa xỉ với họ – “mấy ai đón xuân trong vui đâu hỡi xuân trong rừng sâu”.
Mùa xuân đã đến trên quê hương ta, từng nụ hoa đang nở rộ, từng đàn én đang rủ nhau bay về phương nam để đón từng đợt nắng ấm áp và dịu dàng của nàng Xuân duyên dáng. Nhà nhà đang chuẩn bị dọn dẹp và mua sắm để có cái tết ấm no nhất, nhộn nhịp nhất cùng với những người thân yêu của mình. Tất cả yên bình ngày hôm nay, chính là sự hy sinh không mong chờ hồi đáp của những chiến sĩ thân chinh anh dũng ngày nào. Hãy tận hưởng một cách trọn vẹn nhất và trân trọng từng giọt xuân đang gieo xuống đời trong từng khoảnh khắc.
- Tình khúc “Riêng Một Góc Trời” – Gọi tên em mãi, trong cơn mê này, mình thương nhớ nhau!
- Cuộc hội ngộ của những con người cùng chung chí hướng trong “Mười Năm Tái Ngộ”.
- Nỗi sầu tiếc nuối của chàng trai khi nghe “Được Tin Em Lấy Chồng”
- Hoài niệm lại bộ sưu tập những hình ảnh đẹp nhất về nội thất bên trong Dinh Độc Lập
- Thú vị tuổi thơ với Rạp chiếu bóng thùng – Nhớ những buổi tụm ba tụm bảy coi cọp