Xuân là mùa đoàn viên, sum họp. Đây là truyền thống của nhân dân ta, dẫu có đi đâu về đâu, nhưng khi mùa xuân về, tết đến mọi người chỉ ước mong về bên gia đình, quay quần bên người thân và cùng đón giao thừa. Ước muốn tưởng chừng giản đơn ấy lại là điều khó thực hiện được trong những năm chiến chinh. Ngày chiến tranh, con phải lên đường bảo vệ Tổ quốc, chỉ biết quyết đấu bảo vệ thanh bình cho mẹ già ở quê nhà. Nhưng khi con về, mẹ lại ở đâu? Đây là cảm hứng mà Nhật Ngân đã viết lên qua nhạc khúc mang tên “Xuân này con về mẹ ở đâu?”
Nhạc sĩ Nhật Ngân (1942-2012) tên thật là Trần Nhật Ngân, dù là người con của vùng đất Thanh Hóa nhưng hầu hết cuộc đời ông sống tại Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và sau này là Mỹ. Nhạc sĩ Nhật Ngân còn được biết đến với các bút danh Trịnh Lâm Ngân, Ngân Khánh, Song An. Nhạc sĩ Nhật Ngân để lại cho đời một kho tàng đồ sộ về nhạc khúc trong rất nhiều ca khúc dành cho thiếu nhi, cho vợ, cho mẹ, thơ phổ nhạc, hùng ca, nhạc phim,…Xin điểm qua một số bài hát nổi tiếng của ông như: Chiều qua phà Hậu Giang, Lính xa nhà, Người tình và quê hương,…
Xuân này con về Mẹ ở đâu?
Quê nghèo xuân về nhớ hắt hiu
Vườn xưa xơ xác hoa rơi rụng
Xuân về nụ hoa kém tươi
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Quang Lê trình bày.
Con chinh chiến xa quê, bao mùa xuân lỡ hẹn cùng mẹ sum vầy. Nhưng mùa xuân này con đã về mẹ lại ở đâu? Mẹ ơi, mẹ nơi đâu ? sao con về không thấy mẹ, chỉ thấy quê nghèo nay hắt hiu, chỉ thấy vườn xưa xơ xác, hoa rơi rụng. Mùa xuân không mẹ là mùa xuân buồn bã, là mùa xuân tan hoang kém tươi. Còn lại gì khi mẹ không còn, không còn mẹ, hoa xuân như không còn xanh tươi, vườn xuân như không còn tươi xanh và xóm nghèo như vắng lặng thêm. Vạn vật đều trở nên nhạt nhòa và héo tàn, không sức sống khi thiếu mẹ.
Xuân này con về Mẹ ở đâu?
Bao nhiêu Xuân hẹn con vẫn đi
Đời trôi như cánh chim phiêu bạt
Bao lần Xuân về để mẹ hoài ngóng trông
Xin lỗi mẹ vì bao lần con lỡ hẹn không về cùng mẹ, để mẹ già ngóng trông tin con về. Nhưng giờ đây khi con thực hiện lời hứa, về đón xuân bên mẹ thì mọi việc đã muộn màng, vì mẹ không còn nơi đây. Đời con như cánh chim phiêu bạt, con chinh chiến sa trường, con đánh đuổi giặc đi để giữ tất đất quê hương, giữ an yên cho quê nhà nhưng lại không giữ được mẹ trước thời gian.
Mẹ ơi! Trong thời chinh chiến
Bao mùa Xuân con chẳng về nhà
Thanh bình vui cùng mẹ
Lại đành xa cách quê hương
Mẹ ơi! Bao mùa Xuân đến
Bao lần con mong mỏi về
Xuân này con về quê tìm mẹ
Thì mẹ giờ đã ra đi
Câu ca ngân nga như sự hối tiếc, thở than của người lính trẻ muốn háo hứa trở về chung xuân bên mẹ sau bao lần lỡ hẹn, nhưng khi anh về mẹ đã đi xa. Có lẽ, đây là lời tiếc thương vô hạn mà nhạc sĩ Nhật Ngân đã nói lên thay những người chiến sĩ. Họ chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc, non sông, họ chấp nhận vác súng trên vai mang lý tưởng cao cả để chống đỡ ngoại xâm. Họ nghiêm chỉnh chấp hành mọi chỉ thị, nghiêm túc, tuân thủ kỷ luật quân đội. Nhưng một lời hứa cùng mẹ “xuân này con về” lại lỡ hẹn bao lần. Để rồi hôm nay, khi anh có thể về chung xuân bên mẹ thì mẹ lại đi xa. Mẹ ơi, con cũng mong mỏi, cũng ngóng trông được trở về bên vòng tay mẹ, được gối đầu bên mẹ chờ đón giao thừa nhưng… Mẹ ơi, thân trai mang chí lập quốc, khi giặt kia còn cướp đi quê hương xứ sở con sao có thể bỏ mặt không thấy. Con lên đường chinh chiến, lo nhất là mẹ ở quê nhà. Và điều con lo sợ nhất thật sự xảy ra “ mẹ giờ đã ra đi”.
Xuân này con về Mẹ ở đâu
Quê nghèo Xuân buồn thêm hắt hiu
Còn đâu năm tháng xưa thơ dại
Giao thừa bên mẹ, ngồi kể chuyện tích xưa
Mùa xuân này con về với mẹ, mẹ lại không còn. Con lại không thể gặp mẹ. Không thể đón xuân cùng mẹ như bao lần hẹn, Con nhớ lại những tháng năm dại khờ, khi con còn tấm bé. Mỗi độ xuân về, con được ngồi bên mẹ, nghe mẹ kể chuyện xưa và cùng mẹ đón giao thừa. Tất cả giờ chỉ còn là hoài niệm về mẹ. Là lời tiếc nuối sâu thẳm tim con khi không còn được bên mẹ đón giao thừa.
“Xuân này con về mẹ ở đâu” là câu hát luôn được nhắc lại, đây là một câu hỏi giằng xé lòng người. Mẹ ở đâu? Mẹ giờ đã nơi xa, mẹ từng ngóng trông tin con, mẹ từng chờ đợi con về, mẹ từng cầu mong con bình an,… tất cả những điều mẹ mong giờ đã thành hiện thực, con đã về, con bình an trở về lại bên mẹ. Nhưng…mẹ ở đâu?
Nhạc sĩ Nhật Ngân không hề nhắc đến chiến tranh gian khổ hay tàn khốc, nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận được nỗi đau mà nhân dân đã hứng chịu khi chiến tranh xảy ra. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau chia cắt người thân. Nên những thế hệ trẻ, những nguời được thụ hưởng cuộc sống an yên, hòa bình, được bên mẹ cha sớm hôm thì hãy biết trân trọng và nhớ ơn những anh hùng đã hy sinh máu xương, hy sinh hạnh phúc để cho ta cuộc sống hòa bình này.
Trích lời bài hát Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu:
Xuân này con về Mẹ ở đâu?
Quê nghèo xuân về nhớ hắt hiu
Vườn xưa xơ xác hoa rơi rụng
Xuân về nụ hoa kém tươi
Xuân này con về Mẹ ở đâu?
Bao nhiều Xuân hẹn con vẫn đi
Đời trôi như cánh chim phiêu bạt
Bao lần Xuân về để mẹ hoài ngóng trông
Mẹ ơi! Trong thời chinh chiến
Bao mùa Xuân con chẳng về nhà
Thanh bình vui cùng mẹ
Lại đành xa cách quê hương
Mẹ ơi! Bao mùa Xuân đến
Bao lần con mong mỏi về
Xuân này con về quê tìm mẹ
Thì mẹ giờ đã ra đi
Xuân này con về Mẹ ở đâu
Quê nghèo Xuân buồn thêm hắt hiu
Còn đâu năm tháng xưa thơ dại
Giao thừa bên mẹ, ngồi kể chuyện tích xưa