Những ai là người yêu thích dòng nhạc cổ điển thì không thể nào không nghe hoặc không biết ca khúc “Dòng Danube xanh”, nó có tên đầy đủ là “Bên dòng sông Danube xanh và đẹp (theo tiếng Đức chính là “An der schönen blauen Donau”) – Đây là bản nhạc được viết theo điệu WaltZ của nhà soạn nhạc người Áo – Johann Strauss II, ca khúc được sáng tác vào năm 1866. Một ca khúc có tuổi đời hơn một thế kỷ, nhưng giai điệu hoài cổ ấy vẫn in rất sâu trong tim người thưởng thức bởi nét nhạc trọn vẹn và sự tuyệt vời trong từng ca từ của nó. Bản gốc của ca khúc được ra đời và trình diễn sau cuộc bại chiến của Áo trước quân đội Phổ ở Koniggratz và ca khúc như một sự khích lệ tinh thần chiến đấu của người dân Áo, nó như một bài quốc ca không chính thống của đất nước này. Bởi cứ mỗi năm vào dịp đón chào năm mới, hàng trăm triệu khán giả đều háo hức đón chờ dàn giao hưởng của “Wiener Philharmoniker” trình diễn để chúc mừng một năm mới an lành. Không riêng gì Áo, dù bất kỳ quốc gia nào khác thì những khán giả yêu nhạc đều đón nhận ca khúc này một cách nồng nhiệt, dù là một nhạc khúc cổ nhưng chẳng hiểu sao vẫn đâu đó một chút cảm nhận của sự hiện đại nên khiến người ta yêu thích không thôi dù ở thế hệ nào.
“Dòng Danube xanh” không chỉ khiến cho người nghe mê đắm bởi nét đẹp thanh lịch và không khí tươi mới của thành phố Vienna vào thế kỷ XIX, mà còn là một tác phẩm được những nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới khâm phục và kính nể. Nhà soạn nhạc vĩ đại Johannes Brahms đã từng ghi lại những dòng “Thật đáng tiếc rằng bản nhạc này không phải do Johannes Brahms sáng tác” ở trên trang đầu của bản nhạc, thể hiện sự mến mộ của một nhà soạn nhạc vĩ đại đối với một người soạn nhạc tài ba. Và ở Việt Nam, ca khúc cũng được phổ biến rộng rãi và đón nhận sự yêu thích nồng nhiệt của đại chúng qua phần phổ lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy và phần trình bày của nữ danh ca Thái Thanh. Ca khúc gắn liền với một câu chuyện tình của người nhạc sĩ Việt, bởi ông phổ lời bản nhạc ngoại này cốt yêu là muốn ghi điểm trong mắt cô chị Thái Hằng – chị gái ruột của danh ca Thái Thanh.
Trong ca khúc “Dòng sông xanh” của nhạc sĩ Phạm Duy, ông không chỉ vẽ lại nét đẹp của một con sông xanh xinh đẹp, mà còn biến đổi ngôn từ đôi chút để cho ca khúc trở nên gần gũi hơn với người nghe nhạc. Ông còn nhắc đến mối tình bên bờ thành Vienna, một câu chuyện tình lãng mạn bên một dòng sông đẹp, càng tăng thêm thi vị trong ca khúc nổi tiếng này. Với giai điệu WaltZ đậm chất phương Tây, Thái Thanh đã hoàn toàn lột xác trong ca khúc này, dù khi trình diễn cô nàng chỉ mới 14 tuổi nhưng vẫn thể hiện được sự lộng lẫy và hào sảng trong những nốt nhạc ngân nga phần điệp khúc. Thái Thanh đã hoàn toàn chinh phục khán giả bởi cách ngân làm gợi nhớ phong cách opera nhưng lại trìu mến và êm dịu hơn nhiều.
“Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp
Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến
Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ
Quay về miền đời lúc mơ huyền
Ánh dương lên xôn xao, hai ven bờ sông sâu
Cười ròn tiếng người, đẹp lòng sớm mai
Những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui
Thả ý thắm theo người chở gió về xuôi…”
Âm điệu có chút sâu lắng và trầm buồn mở đầu cho một bức tranh thiên nhiên xinh đẹp, bức tranh được vẽ bằng ca từ và âm nhạc với đầy đủ màu sắc và sự sinh động. Như mở ra trước mắt người nghe một dòng sông chân thực vừa xanh biếc lại vừa trải rộng mênh mông. Nước sông lúc nào cũng biêng biếc một màu, phải chăng đã chất chứa quá nhiều sầu muộn trong hàng ngàn kiếp sống, đây là “một dòng sầu mấy kiếp”, “một dòng tình thương mến” và “một dòng nhớ” với đầy những luyến lưu, những hoài niệm thênh thang. Con sông Danube như một dải lụa đào xanh thẳm, một con sông mang đến nét đẹp trữ tình, lãng mạn, lại còn tuyệt đẹp khiến người ta ngắm nhìn cũng gần như nghẹt thở bởi vẻ nên thơ của nó.
“Quay về miền đời lúc mơ huyền, ánh dương lên xôn xao, hai ven bờ sông sâu”, hai bên bờ sông Danube chính là hai khu vực trung tâm thành phố, chỉ cần đứng ở một bên là ta có thể ngắm nhìn nét nguy nga và lộng lẫy của bên còn lại, một nét đẹp không thể nào cưỡng lại được. Khi ánh mặt trời dần vươn lên, cũng chính là lúc hai bên bờ sông thể hiện nét quyến rũ của mình, là “cười giòn tiếng người”, là “những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui”, là tùy ý thả trôi theo dòng sông trên một con thuyền nho nhỏ để mặc gió thổi vi vu mà trôi xuôi dòng. Bình lặng, một cụm từ diễn tả chính xác nhất của dòng sông này lúc hiện tại, làm người ta cứ ngắm nhìn trong im lặng, chẳng dám lên tiếng sợ sẽ phá vỡ khung cảnh tuyệt vời này….
“….Hát vang lên cho vui, cô nàng ngồi bên tôi
Đời là khúc nhạc, đời là tiếng thơ
Nước sông reo như ru cuồn cuộn sóng trôi xa
Là tiếng hát mơ hồ mời đón lòng ta
Sông về sông dào dạt ý
Hát tang bồng theo tầu mà đi
Ai giang hồ sau ngàn hải lý
Lỡ tình duyên nơi đâu đó ghé qua kinh kỳ
Ôi, mắt em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời
Ôi, mắt em xanh như đêm dài, để người quên kiếp mai
Sông về, sông cười ròn tiếng
Yêu mối tình bên bờ thành Vienna
Đôi giang hồ quay về bờ bến
Ngỡ mình vui trong ánh sáng muôn sao Thiên Đàng…”
Bài hát đang dần thêm những nốt nhạc vui tươi, thay cho sự trầm lắng lúc đầu, nếu ở phần mở đầu của bài hát ta đứng ở khía cạnh của một người ngắm nhìn bức tranh thì ở đoạn ca này ta chính là những người trong tranh, hòa cùng một nhịp sống, vui cùng một niềm vui. “Hát vang lên cho vui”, “nước sông reo như ru cuồn cuộn sóng trôi xa”, “tiếng hát mơ hồ”, “hát tang bồng”,….đều là những cụm từ gợi âm thanh, một thứ âm thanh tươi mới và vui vẻ, hạnh phúc. “Đời là khúc nhạc, đời là tiếng thơ” cuộc đời rất nhiều niềm vui, ta có thể lựa chọn sống theo nhiều cách mà bản thân mong muốn chỉ cần mình tự do, mình là chính mình, thì mới có động lực, mới có năng lượng mà vẽ nên những bức tranh cuộc đời đúng nghĩa. Cứ hát lên cho đời vui, cứ reo lên như tiếng nước cuốn sóng trôi, lúc đó, ta sẽ được đáp lại bằng một thứ âm nhạc mơ hồ như một lời chào đón đến với tương lai rạng rỡ.
Dù phiêu bạt trên con sông sau ngàn hải lý, nhưng cũng đừng để bản thân phải bỏ lỡ một mối duyên tình khi đã ghé qua nơi đâu đó của kinh kỳ, cuộc đời sẽ như dòng chảy của nước, một khi trôi qua rồi khó lòng mà quay trở lại nên hãy học được cách trân trọng những điều mình đã trải qua đừng để lỡ mất rồi mới biết thế nào là hối tiếc. Đôi mắt người thương đã hoe như áng mây chiều, đôi mắt xanh như những đêm trường kỳ không ngủ, làm người ta say, người ta quên hết những chuyện tình của kiếp trước. Một ánh mắt đã lưu lại lòng người chẳng thể nào phai, làm ta nhớ đến “mối tình bên bờ thành Vienna” của cô gái Hungari và chàng trai người Việt, nhưng “gỡ mình vui trong ánh sáng muôn sao Thiên Đàng” thì sự khác biệt về quốc tịch cùng với những nghiêm khắc trong quy định đã khiến cả hai chẳng đến được với nhau dù yêu thương cháy bỏng. Rồi cuối cùng, cuộc tình ấy cũng đi đến kết thúc buồn, kẻ ở người đi như “đôi giang hồ quay về bờ bến”, trở lại một con sông êm đềm như thuở ban đầu.
“….Ngày ấy, có tiếng ai khoan hò thuyền về
Ngày ấy, có dáng em soi dòng chiều hè
Ngày ấy, có tiếng ta hát gọi tình về
Nước sông miên man trôi đi
Ngày ấy, lúc đến với em một lời thề
Ngày ấy, lúc nói với em một chuyện gì
Ngày ấy, lúc vui cuộc sống nhịp tràn trề
Nước sông miên man trôi đi
A á a a a a a a a a ! Em ơi ! Em ơi ! Yêu đi !
A á a a a a a a a a ! Có sóng nước trên sông ghi
A á a a a a a a a a ! Em ơi ! Em ơi ! Ra đi !
A á a a a a a a a a ! Nước cũ đón đưa về….”
Nghe đến đây, chúng ta lại chẳng còn thể nào liên tưởng được đến dòng sông Danube xanh biết của thành Vienna nữa, mà cứ ngỡ nhạc sĩ đang viết về một con sông bình thường ở Việt Nam, một con sông với những điệu hò câu hát của các thiếu nữ thôn quê. Hình ảnh chúng ta thường bắt gặp của một Việt Nam xưa cũ, người con gái với mái tóc dài đang soi bóng mình dưới dòng nước trong veo, rồi cất lên những điệu hát dân ca ngọt ngào bằng một chất giọng bay bổng khó lẫn lộn ở bất kỳ đâu. Tiếng hát làm say đắm bao con tim của người viễn xứ, tiếng hát như một khúc ca gọi tình, kêu gọi người tha hương quay trở lại quê nhà thân yêu ngày cũ. Nước cứ miên man trôi mang lời hát, câu thề êm êm mà gửi gắm đến người cần, rồi cũng chính con nước yên ả ấy một lần nữa đón đưa người về với miền đất mẹ thân yêu…
“….Người hỡi! Ánh trăng rụng không tới nước
Vì đêm rét mướt, dòng sông lắng câm
Người hỡi! Giúp nhau mở đôi mắt ướt
Ngắm cầu nhớ sông im cúi gầm
Đi về đâu ? Đi về đâu ?
Nước lặng khô cứng đờ
Màn tang buông tuyết phủ
Người ơi! Đi về đâu ?
Kiếp tù đầy nước giá
Xót thương cho cây khô nghèo
Rồi đàn chim xanh từ trời thanh về vờn quanh
Gió Đông chết ngoài sông mới, mùa Xuân tới
Ai mơ hồ ngũ kỹ, mau ra đời
Bông hoa đầu rụng rơi trên sông xanh lơ
Đi! Ta đi, cùng đi theo sông, vờn sóng nước biếc
Theo nhịp sóng vui tưng bừng
Sông vi vu, vui nghe tầu hú
Sẽ đưa ta đi nơi xa mờ
Cùng đi, vào thương với nhớ…”
Ánh trăng hải ngoại mà rụng cũng chẳng thể nào đụng tới nước nếu vào tiết trời lạnh giá, bởi nước sông sẽ bị cái rét làm cho đông cứng và phủ lên một lớp tuyết dày cộm. Nhưng con nước dòng sông nơi đất nước ta lại chẳng như vậy, lúc nào ánh trăng lên cũng có thể soi mình xuống dòng sông tình nghĩa, đưa con đò êm dịu trôi trôi. Nếu “Dòng Danube xanh” là một biểu tượng tươi đẹp và thanh lịch của thành phố Vienna, vẽ lại nét đẹp sắc nước hương trời của dòng sông Danube khi khoác lên mình chiếc áo màu xanh lơ, khi thì nâu vàng như một tấm lụa óng ánh, lúc lại ngả màu xanh lục như màu sắc của cẩm thạch trong. Thì khi ca khúc “Dòng sông xanh” được chuyển ngữ sang tiếng Việt và qua ngòi bút của nhạc sĩ Phạm Duy khiến khán giả cảm thấy gần gũi hơn, như thể đó không phải là con sông Danube của thành Vienna mà là một trong những dòng sông ngự trị tại Việt Nam.
“Dòng sông xanh” được phản ánh đầy đủ những thông điệp của tác giả qua giọng ca Thái Thanh khi phần đầu trầm lắng, bình lặng và vui tươi hạnh phúc ở đoạn cuối. Bài hát như một thông điệp của hạnh phúc, khiến người nghe cảm thấy yêu đời hơn và thêm yêu cuộc sống này.
Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp
Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến
Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ
Quay về miền đời lúc mơ huyền
Ánh dương lên xôn xao, hai ven bờ sông sâu
Cười ròn tiếng người, đẹp lòng sớm mai
Những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui
Thả ý thắm theo người chở gió về xuôi
Hát vang lên cho vui, cô nàng ngồi bên tôi
Đời là khúc nhạc, đời là tiếng thơ
Nước sông reo như ru cuồn cuộn sóng trôi xa
Là tiếng hát mơ hồ mời đón lòng ta
Sông về sông dào dạt ý
Hát tang bồng theo tầu mà đi
Ai giang hồ sau ngàn hải lý
Lỡ tình duyên nơi đâu đó ghé qua kinh kỳ
Ôi, mắt em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời
Ôi, mắt em xanh như đêm dài, để người quên kiếp mai
Sông về, sông cười ròn tiếng
Yêu mối tình bên bờ thành Vienne
Đôi giang hồ quay về bờ bến
Ngỡ mình vui trong ánh sáng muôn sao Thiên Đàng
Ngày ấy, có tiếng ai khoan hò thuyền về
Ngày ấy, có dáng em soi dòng chiều hè
Ngày ấy, có tiếng ta hát gọi tình về
Nước sông miên man trôi đi
Ngày ấy, lúc đến với em một lời thề
Ngày ấy, lúc nói với em một chuyện gì
Ngày ấy, lúc vui cuộc sống nhịp tràn trề
Nước sông miên man trôi đi
A á a a a a a a a a ! Em ơi ! Em ơi ! Yêu đi !
A á a a a a a a a a ! Có sóng nước trên sông ghi
A á a a a a a a a a ! Em ơi ! Em ơi ! Ra đi !
A á a a a a a a a a ! Nước cũ đón đưa về
Người hỡi! Ánh trăng rụng không tới nước
Vì đêm rét mướt, dòng sông lắng câm
Người hỡi! Giúp nhau mở đôi mắt ướt
Ngắm cầu nhớ sông im cúi gầm
Đi về đâu ? Đi về đâu ?
Nước lặng khô cứng đờ
Màn tang buông tuyết phủ
Người ơi! Đi về đâu ?
Kiếp tù đầy nước giá
Xót thương cho cây khô nghèo
Rồi đàn chim xanh từ trời thanh về vờn quanh
Gió Đông chết ngoài sông mới, mùa Xuân tới
Ai mơ hồ ngũ kỹ, mau ra đời
Bông hoa đầu rụng rơi trên sông xanh lơ
Đi! Ta đi, cùng đi theo sông, vờn sóng nước biếc
Theo nhịp sóng vui tưng bừng
Sông vi vu, vui nghe tầu hú
Sẽ đưa ta đi nơi xa mờ
Cùng đi, vào thương với nhớ
Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp
Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến
Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ
Quay về miền đời lúc mơ huyền
- Cảm nhận ca khúc “Thuyền Không Bến Đỗ” của nhạc sĩ Lam Phương
- Nỗi lòng dang dở chưa báo đáp được Quê Hương Đất Nước qua ca khúc “Hai Quê” của Đinh Miên Vũ
- Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Trọng
- Bao dung hơn để nhẹ lòng hơn nhưu nhạc phẩm “Xin Còn Gọi Tên Nhau”
- “Lời Con Xin Chúa” – Bài thánh ca vang vọng như một nhạc khúc cầu hòa bình.