Có một số nhạc sĩ có tương đối ít sáng tác nhưng lại nổi tiếng ngay khi cho ra tác phẩm đầu tiên, bởi họ có những sắc thái riêng, và đặc biệt nhất là về phần âm điệu phong phú cùng với màu sắc phong phú. Sắc thái riêng là khi, chỉ cần nghe một lần là sẽ nhớ và còn có thể nhận biết được “chữ ký” hoặc những “ấn ký” của họ trong cách viết nhạc. Có lẽ, đây là điều mà tất cả những nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới từ xưa đến nay đều như thế. Nghe nhạc của Mozart ta sẽ thấy trong sáng, của Beethoven thì có một sự u uất và lãng mạn. Nhạc cũng như thơ, cũng biểu hiện nên cá tính của người sáng tác. Như Vũ Hoàng Chương kiêu bạc, hào phóng; thơ của Đinh Hùng lại não nùng, mê ảo….Trong tân nhạc, Lâm Tuyền cũng thế, cũng có một sắc thái riêng tạo nên sự khác biệt của nhạc sĩ, lãng mạn trong từng ca từ, trong sáng trong nét nhạc và giai điệu lại dễ nhớ, dễ thuộc.
Lâm Tuyền sáng tác rất ít, có thể, đây cũng là một trong những lý do mà nhạc của ông ít được phát trên các đài phát thanh thời điểm đó. Dường như nhạc của ông được sáng tác dựa trên cảm xúc, phải khi nào thật sự có cảm hứng, nguồn cảm xúc dâng trào mãnh liệt Lâm Tuyền mới bật sáng tác – Mỗi sáng tác của ông hàm chứa một câu chuyện tình và hơn hết lại là câu chuyện tình mang theo nhiều tổn thương và mất mác. Nếu bạn yêu thích nhạc của Lâm Tuyền, bạn sẽ cảm nhận được, trong nhạc của ông, thời gian chính là một điều ám ảnh, là nỗi xót xa khó vơi, là những nỗi niềm hoài niệm không dễ nói thành lời. Bằng cách thể hiện riêng biệt của bản thân, ông đã để lại cho đời những ca khúc bất hủ, những tình khúc khiến người nghe bồi hồi và nhung nhớ, thứ cảm xúc chẳng thể nào nguôi như: “Hình ảnh một buổi chiều”, “Tơ sầu”, “Tiếng thời gian”, “Trở về dĩ vãng”,…..
Ca sĩ Quỳnh Giao và thi sĩ Du Tử Lê đã từng có những chia sẻ về ca khúc “Trở Về Dĩ Vãng” của nhạc sĩ Lâm Tuyền. Được kể, ca khúc này được cô Mộc Lan nói rằng là nhạc sĩ Lâm Tuyền viết để tặng cho cô. Trong câu hát: “..Anh lặng lẽ trong chiều vắng, lòng nhớ nhung triền miên…” được cho là ám chỉ cô, bởi tên gọi chơi ở nhà của cô là Nhung, dù tên thật của cô là Ngân. Có người suy đoán, nhạc sĩ Lâm Tuyền viết ca khúc này dựa trên ý thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư qua bài “Người em sầu mộng”. Nhưng cũng có người bảo rằng “Trở Về Dĩ Vãng” có quá nửa phần ý là được lấy từ thơ “Một mùa đông” (Lưu Trọng Lư) mang cả hai bài đưa lên bàn cân để so sánh.
“Em! hồn anh đang sầu đau
Hồn anh đang thổn thức
Ai se tình duyên thắm đẹp
Kề mái tóc đầy hương
Một tiếng than trách thấu cả trời xanh. Ai? Là ai đã nối đoạn nhân duyên này, là ai đã mang hai con người vốn chẳng chung đường lại cùng một nhịp đập, là ai đã “se tình duyên thắm đẹp” của ngày xưa. Để hôm nay, chuỗi ngày ly biệt “hồn anh đang sầu đau”, như chìm vào ảo mộng bi thương, mang đến cho người nghe những hồi chuông thổn thức trong tâm hồn.
“…….Anh lặng lẽ trong chiều vắng
Lòng nhớ nhung triền miên
Trăng xưa về khuya bẽ bàng
Dường như nhắn người yêu
Tình mây nước còn đâu.
Bao nhiêu ngày xuân
Đau thương sầu mộng chờ giai nhân
Bao nhiêu xuân qua, bóng em mờ đắm
Bao nhiêu thu qua
Nỗi đau còn mãi không phai……”
Buổi chiều luôn hiện lên trong khung cảnh của những nỗi niềm, có thể là những nỗi sầu cho một câu chuyện tình đã mất, có thể là những đau thương của kẻ thất tình. Mang theo tâm trạng nhung nhớ dạo bước trên con đường quen thuộc trong một chiều hoang vắng, anh lặng lẽ như một cái bóng du lãng. Ánh trăng khuya như cũng muốn trêu đùa lòng chàng, khi trở nên mờ ảo, chẳng còn lung linh soi sáng như thuở nào, càng mờ dần, càng tối dần cũng càng khiến cho chàng thêm phần bẽ bàng khi nghĩ về cuộc tình đã phai. Người từng thương ơi! Anh đã nhiều lần tự hỏi, chẳng biết tình mình lại sao lại như vậy, sao lại tan vỡ thành thế này, đã từng mặn nồng, đã từng son sắt như giờ đây “Tình mây nước còn đâu”.
Đã bao mùa xuân qua mình kề cạnh, đã bao kỷ niệm được vun đắp nên cho cuộc tình này, những ước vọng tương lai, những hạnh phúc mai sau, tưởng như trọn vẹn, vậy mà giờ vỡ tan. Nơi con đường cũ, vẫn còn anh đứng đây chờ một bóng hình “giai nhân”, chờ mong sẽ có một ngày người quay trở lại, để duyên tình ta được nối lại như xưa. Nhưng….xuân thì trôi qua bao mùa, bóng hình em trong tâm trí cũng sắp mờ dần theo năm tháng….mà người thì vẫn chẳng thấy đâu. Những yêu thương hình như đã vơi dần qua bao mùa thu vắng, nhưng đau thương cho cuộc chia ly năm nào vẫn luôn ngự trị nơi con tim đầy vết xước….u uất, sầu bi vẫn như mới, chưa có một ngày mờ phai.
“…..Biệt ly tình đôi ta vời vợi
Thuở ấy hồn anh đắm chơi vơi ngoài khơi
Người em sầu mộng của muôn đời
Thề ước guồng tơ thắm không bao giờ phai
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Tình anh như ánh trăng trầm suối
Tình ta như áng mây chiều trôi
Về tràn trên gối chăn mờ phai….”
Nhớ thuở nào, tình đôi ta như chim trời kề cạnh, chẳng mong rời xa dù chỉ phút giây. “Tình em như tuyết giăng đầu núi, tình anh như ánh trăng trầm suối, tình ta như áng mây chiều trôi” – Lãng mạn, như một cuốn tiểu thuyết ngôn tình vẽ nên câu chuyện tình yêu lay động lòng người. Tình em trao anh dày như tuyết phủ trên đầu núi, tình anh lại như ánh trăng sáng trầm mình nơi con suối dài không điểm dừng. Tình ta nhẹ nhàng và dịu êm như những áng mây chiều yên ả nơi cuối chiều, cứ bình bình lặng lặng mà bên nhau, cứ thanh thanh tĩnh tĩnh đến “răng long đầu bạc”.
Nhưng “người tính sao có thể bằng trời tính”, biệt ly đã cách biệt đôi lứa hai phương trời. Cứ tưởng là hạnh phúc gần kề nào ngờ lại là khởi nguồn cho sự đau khổ. Bởi tình càng nặng, mang tổn thương càng sâu. Ngày ta ly biệt, anh cứ ngỡ là mơ, tâm trạng cứ lững lờ thả hồn chơi vơi nơi biển khơi vời vợi. Đã từng thề ước nguyện đời bên nhau, vậy mà hôm nay chia ly mỗi người mỗi ngã….. “Thề ước guồng tơ” vẫn còn trên đầu môi, nhưng giờ chỉ là ký ức.
“……Biệt ly! ôi biệt ly
Ngậm ngùi đêm thâu âm thầm đôi câu
Biệt ly, anh theo cánh gió chơi vơi
Phiêu du khắp bốn phương trời
Xa xôi tiếc nhớ khôn nguôi
Men say lấp kín môi cười
Biệt ly sầu bi.”
“……Biệt ly! ôi biệt ly” – Nghe xót xa đến nhường nào! Nhưng thôi chuyện đã rồi, tạm biệt người em sầu mộng, tạm biệt tuổi xuân với bao mộng ước tình yêu. Chàng chỉ biết đêm đêm ngậm ngùi mà ôm sầu khổ, chỉ biết âm thầm than vãn đôi ba câu với chính bản thân mình, bởi có ai chia sẻ cùng đâu, có ai lắng nghe lời mình nói nữa đâu. “Biệt ly” mang anh du lãng cùng với gió, phiêu bạc khắp chân trời để quên đi muộn sầu về cuộc tình chẳng vẹn. Mượn chung rượu để say đời, say tình, say để quên những nhung nhớ trong lòng, say để vĩnh biệt những hoài niệm khôn nguôi – “Biệt ly” cũng chính là “sầu bi”.
Người ta vẫn nói, khi yêu mà gặp được một người có duyên với mình trong thời điểm thích hợp thì chính là niềm hạnh phúc cả đời; nhưng nếu gặp người có duyên lại trong thời điểm không thích hợp thì chỉ mang đến đau khổ cho nhau mà thôi. “Trở Về Dĩ Vãng” cũng vậy, là tình cảnh của hai kẻ có duyên, được trời cao sắp đặt cho cuộc gặp gỡ rồi bên nhau, nhưng khi duyên tình đã hết, nợ cũng chẳng còn thì đành nói lời “ly biệt”. Ca khúc như một lời vĩnh biệt cho mối tình không trọn vẹn, không đến được với nhau nhưng vẫn xin giữ lại chút kỷ niệm ngọt ngào mà đôi ta đã từng bên nhau ngày cũ.
Em! hồn anh đang sầu đau
Hồn anh đang thổn thức
Ai se tình duyên thắm đẹp
Kề mái tóc đầy hương
Tình như áng mây hồng.
Anh lặng lẽ trong chiều vắng
Lòng nhớ nhung triền miên
Trăng xưa về khuya bẻ bàng
Dường như nhắn người yêu
Tình mây nước còn đâu.
Bao nhiêu ngày xuân
Đau thương sầu mộng chờ giai nhân
Bao nhiêu xuân qua, bóng em mờ đắm
Bao nhiêu thu qua
Nỗi đau còn mãi không phai.
Biệt ly tình đôi ta vời vợi
Thuở ấy hồn anh đắm chơi vơi ngoài khơi
Người em sầu mộng của muôn đời
Thề ước guồng tơ thắm không bao giờ phai
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Tình anh nhu ánh trăng trầm suối
Tình ta như áng mây chiều trôi
Về tràn trên gối chăn mờ phai.
Biêt ly! ôi biệt ly
Ngậm ngùi đêm thâu âm thầm đôi câu
Biệt ly, anh theo cánh gió chơi vơi
Phiêu du khắp bốn phương trời
Xa xôi tiếc nhớ khôn nguôi
Men say lấp kín môi cười
Biệt ly sầu bi.
- Nhạc phẩm “Người Tình Và Con Chim Sâu Nhỏ” – Phạm Thế Mỹ
- Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ Hoàng Quý (1920-1946)
- Hoàng Trọng Cùng Nhạc Phim “Người Tình Không Chân Dung”
- Trở về quá khứ với những quán cafe nổi tiếng một thời Sài Gòn xưa
- “Dư Âm Mùa Giáng Sinh” – Giáng sinh này tôi nhớ giáng sinh xưa với bao kỷ niệm đẹp