Sơn cước được tạm dịch là chân núi, hay đại khái là miền núi rừng nên cụm từ sơn cước thường được dùng để gọi chung cho một vùng đất rừng núi thượng du tập trung ở phía Đông và Tây Bắc. Nơi miền sơn cước chủ yếu là dân tộc người thiểu số, họ sống rải rác nơi bản thượng và người ta cũng hay gọi họ với cách thức chung thân thuộc là người dân sơn cước. Những lữ khách ngao du ngược xuôi từ vùng thấp lên vùng cao không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ hay xuyến xao bởi nét hoang sơ của núi rừng nơi đây, mà họ còn bị thu hút bởi nét dân dã của những cô sơn nữ. Ánh mắt trong suốt không nhiễm bụi trần, nụ cười đáng cùng với vẻ duyên dáng của người thiếu nữ vùng núi – Một nét đẹp không son phấn, không trang điểm đã làm biết bao người phải ngây ngất và đắm say. Chắc vì lẽ đó mà nhiều sáng tác đã được ra đời từ những câu chuyện tình đi vào âm nhạc như “Chiều lên bản thượng”, “Nỗi buồn Châu Pha”, “Ðường chiều sơn cước” của đôi nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ hay ca khúc “Chuyện tình La Lan” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ,…..Cũng trong dòng cảm hứng về sự tao ngộ của chàng trai miền xuôi cùng cô nàng miền sơn cước, “Trăng sơn cước” của nhạc sĩ Văn Phụng và Văn Khôi đã để lại trong lòng khán giả yêu nhạc nhiều dấu ấn đậm nét bởi sự đặc sắc trong ca từ và tuyệt tác trong hòa âm phối khí.
Không có nhiều thông tin đề cập đến nhạc sĩ Văn Khôi, nhưng nhạc sĩ Văn Phụng thì đã chẳng còn xa lạ với những người yêu thích nhạc xưa, bởi ông chính là một trong những nhạc sĩ sáng tác và hòa âm tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam. Ngay từ ca khúc đầu tay “Ô! mê ly” được sáng tác năm 1948, nhạc sĩ Văn Phụng đã chiếm trọn được trái tim của người hâm mộ và trở thành một trong những cái tên được chú ý nhiều trong giới âm nhạc. Ngoài ra, vẫn còn nhiều ca khúc gắn liền với tên tuổi của ông và được xem là tuyệt phẩm như “Yêu”, “Tôi đi giữa hoàng hôn”, “Xuân về trên non sông Việt Nam”, “Giấc mộng viễn du”, “Trăng sáng vườn chè”,……
“Trăng sơn cước” ánh trăng nơi núi rừng vùng cao, xinh đẹp và nên thơ – Ca khúc này quá hay và quá đặc sắc, có lẽ là ca khúc cho vùng bản thượng nên khi nhạc sĩ sử dụng nhạc khí như chiêng trống, tù, sáo,…đã mang đến người nghe những giai điệu vui tươi và lạc quan yêu đời. Hình ảnh từng chum rượu cần được bày biện bên bếp lửa hồng rực rỡ, người người vui đùa và ca hát dưới ánh trăng, chỉ cần tưởng tượng thôi cũng thấy lòng nôn nao đến lạ, ước được một lần đặt chân và chiêm nghiệm cảnh sống cùng người dân sơn cước. “Trăng sơn cước” mang theo một chút của giai điệu Rumba lại được kết hợp cùng với nhạc khí dân tộc đã tạo nên một giai điệu rất đặc trưng, rất riêng nhưng cũng có chút huyền bí nơi núi rừng vùng cao. Có những phân đoạn nhạc nhanh như mở ra cho người nghe một khung cảnh nhảy múa chân thật, như được hòa mình cùng niềm vui chung của người dân bản địa, được ca hát, được nhâm nhi chút rượu cần lại cùng nhảy múa, cảm giác sao thật yên bình và mọi muộn phiền về cuộc sống dường như bị bỏ lại phía sau lưng. Lại có những đoạn nhạc nhẹ nhẹ, một chút chầm chậm đan xen như giữa khung cảnh liên hoan nhộn nhịp lại bắt gặp hình ảnh của một cô sơn nữ đang buồn khi hồi tưởng về một cuộc tao ngộ cùng chàng miền xuôi.
“Suốt canh tàn một mình ta dưới trăng vàng
Đàn trầm rung khúc mơ màng
Gợi lòng ta nhớ mường vang xa
Nhìn ánh trăng mơ về phía trời khuất xa
Một tình thơ chốn non ngàn
Ôi ! giờ phút sao sớm tàn . . .”
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Nini & Vina Uyển Mi & Hạ Vy trình bày.
Mở đầu cho ca khúc là tiếng nhạc cụ dân tộc nghe thật êm tai, nào là tiếng trống, còn có cả tiếng sáo tù vi vu,…nền nhạc dân tộc lại được phối hợp rất khéo theo phong cách cổ điển La Tinh, không những không làm người nghe cảm thấy ngợp vì quá nhiều âm thanh cùng lúc mà chúng lại hài hòa đến lạ kỳ, bắt tai và hấp dẫn quá đỗi.
Nhạc sĩ đã mở ra một cánh cửa thời không giữa phố phường vắng lặng, đưa người nghe trở lại với miền núi rừng thiên nhiên hoang sơ nhưng tuyệt đẹp. Một mình mình ngồi nghiền ngẫm dưới ánh trăng vàng ôm theo cung đàn “trầm rung khúc mơ màng”, tay đánh nên những nốt nhạc êm đềm và du dương. Mơ màng nhìn về ánh trăng kia mà gợi nhớ về một phía chân trời đã khuất xa xa – nơi chốn non ngàn mà bản thân đã từng ghé thăm, nơi “một mối tình thơ” đã từng nảy nở nhưng giờ phút này lại “sớm tàn”. Mở đầu bằng giai điệu chậm chậm nhưng lại không quá nhiều sự ma mị hay ảo vọng, mà nhiều hơn là nỗi man mác, nỗi hoài niệm và có chút quyến luyến nhưng lại rất dứt khoát.
“….Lòng còn hoài mơ một đêm
Điệu nhạc rền vang rừng thẳm
Rượu cần càng vui càng uống
Đắm say men nồng tình duyên
Cùng nàng ngồi bên bờ suối
Hẹn hò một duyên tình mới
Nàng ngồi lặng nghe chàng nói
Khẽ rung rinh đôi làn môi…”
Đến đoạn mới, giai điệu bài hát bỗng trở nên nhanh chóng hơn, có chút thôi thúc lại có chút cuốn hút người nghe bằng một loạt ca từ miêu tả cảnh vật xung quanh miền sơn cước. Khung trời nơi núi rừng bản thượng và đêm liên hoan của những thôn dân nơi đây như mở ra trước mắt người nghe. Từng tiếng nhạc rền vang cất lên giữa khung cảnh im ắng nơi núi rừng tách biệt, những chum rượu cần được mang ra đãi khách “càng vui càng uống” như lữ khách đã dần phải lòng miền sơn cước này, dần đắm say men tình mà quên đi những ưu phiền nơi thành thị xa xa. Dưới ánh trăng vàng rực rỡ, người người ca hát, người người trò chuyện vui đùa, cuộc sống của họ dường như chẳng có gì đau thương hay lắng lo, vì họ luôn lạc quan và vui vẻ, làm bạn với thiên nhiên và hồn nhiên như những ngọn cỏ rừng. Sau đó, tách biệt với khung cảnh nhộn nhịp của lễ hội, ta lại thấy được hình ảnh của đôi nhân tình đang “ngồi bên bờ suối” mà gửi gắm đôi lời tâm sự, hẹn hò lãng mạn dưới ánh trăng thanh. “Hẹn hò một duyên tình mới”, chàng thì nhìn nàng say đắm và nói lên những câu yêu thương ngọt ngào; nàng ngượng ngùng ngồi cạnh mà lắng nghe, nở nụ cười duyên dáng. Cuộc tình vừa chớm, bao giờ cũng gợi cho đôi nhân tình những nguyện ước và tương lai tươi đẹp, mở ra một cánh cửa mai sau với đầy hạnh phúc và ấm êm.
“…..Suốt canh tàn kề vai say ánh trăng vàng
Nhạc xa đưa khúc mơ màng
Nàng nhìn ra phía trời xa xa
Như ước mơ duyên tình thơ mộng dưới trăng
Nhưng thời gian vẫn trôi hoài
Trăng tàn uá rồi khuất tàn . . Giai điệu bài hát lại trở về chầm chậm, hay chính xác hơn là sự ủ rũ trong trái tim người sơn nữ khi người thương đã rời xa, chàng trai miền xuôi rời đi và mang theo cả trái tim người thiếu nữ. Nhạc sĩ đã hóa thân vào tâm trạng của cô sơn nữ nhỏ để nói hộ tiếng lòng của bao cô nàng khác nơi miền sơn cước. Giữa núi rừng heo húc, nằm tách biệt với khung cảnh nhộn nhịp nơi thành thị, những cô gái sơn cước ngày ngày chỉ có quanh quẩn cùng núi non và thiên nhiên, làm bạn với hoa rừng, trò chuyện cùng chim muông, dùng sương gió làm phấn trang điểm cho nét đẹp mộc mạc thêm chút mặn mà; nhưng cũng chính điều này đã khiến bao chàng trai nơi miền xuôi phiêu du khám phá bị thu hút và xuyến xao. Ngược lại, sự trải đời, sự chiêm nghiệm cùng với dáng hình hào hoa của những chàng miền xuôi đã khiến những cô nàng bản thượng mê mẫn và đắm say.
Nhưng đến cuối cùng, kết quả của hầu hết những cuộc tình chóng vánh đều gần như nhau, chàng trở về với thành thị phồn hoa và đô hội, nàng ở lại miền sơn cước mà ôm hoài nỗi nhớ thương khó nguôi. Vậy mà, trải qua biết bao nhiêu vẫn là “Trăng tàn úa rồi khuất tàn” – Trăng đến rồi lại đi cứ tiếp diễn, người đến rồi đi để lại sự chờ đợi và tổn thương nơi rừng hoang tươi đẹp. Ánh trăng lên, nàng lại ngồi buồn bên bờ sông dưới ánh trăng vàng mà trông về nơi xa xa chân trời, lắng nghe khúc hát mơ màng mà nhớ về người thương cũ, nhớ những mộng ước duyên tình nhưng sẽ chẳng bao giờ thành sự thật và người xưa sẽ chẳng thể nào quay lại để vẽ tiếp mối nhân duyên.
“…..Tình vương sơn nữ
Tình thơ ngây bên suối
Xót xa duyên tình xưa
Lạnh lùng ngồi trông trăng sáng
Ta nhớ ngày qua . . .
Nhờ làn gió đưa
Gió ơi đưa về chốn xưa
Thiết tha bên bờ suối thơ
Bóng ai xa còn ước mơ
hát trở lại từ đoạn 1 rồi kết
Ôi ngày vui sao quá vội qua
Chàng thành thị bị thu hút bởi nét đẹp mới lạ và mộc mạc của người con gái sơn cước – Cô thiếu nữ núi rừng lại đắm chìm trong vẻ phong trần và lãng tử của những chàng miền xuôi. Hai thái cực trái nhau đã hút lấy nhau nhưng sau cùng vẫn vì thuộc hai thái cực mà tách nhau và mãi mãi chẳng thể nào thuộc về nhau. Vậy nên, câu chuyện tình chóng nở cũng chóng tàn và nó chỉ được xem là một đoạn nhân duyên ngắn ngủi nhưng thơ ngây bên bờ suối nhỏ dưới ánh trăng đêm rực rỡ. Đôi lúc hoài niệm lại chỉ thấy lòng có chút nhớ thương, có chút nhói vì người rời đi mãi chẳng có ngày quay lại nhưng sau đó lại nhanh chóng “lạnh lùng ngồi trông trăng sáng”. Đoạn tình ngắn ấy chỉ để nhớ chứ không thể nào chờ đợi, vì nó chỉ như một cơn gió mà thôi, sớm thổi qua và đi mất, gió đã đưa tình kia đi về chốn xưa không người trông thấy. Hãy xem nó như một ngày vui và ngày vui này trôi quá quá nhanh chóng, khiến người trong cuộc trở tay cũng chẳng kịp….
“Trăng sơn cước”, cả bài hát không hề mang theo chút bi lụy hay sầu thương về những hồi ức buồn cho một câu chuyện tình đã qua, mà đôi nhạc sĩ Văn Phụng cùng Văn Khôi đã rất tài tình khi truyền một nguồn cảm hứng mới với tràn đầy sức sống cho người nghe, đưa cảm xúc của họ chuyển biến theo từng giai điệu nhạc.
Suốt canh tàn . . . một mình ta trăng vàng
Đàn trầm rung . . . khúc mơ màng
Gợi lòng ta . . . nhớ mường vang xa
Nhìn ánh trăng . . . mơ về phía trời khuất xa
Một tình thơ . . . chốn non [ngàn
Ôi ! giờ phút . . . sao sớm tàn . . .
Lòng còn hoài mơ . . . một đêm
Điệu nhạc rền vang . . . rừng thẳm
Rượu cần càng vui . . . càng uống
Đắm say men nồng . . . tình duyên
Cùng nàng ngồi bên . . . bờ suối
Hẹn hò một duyên . . . tình mới
Nàng ngồi lặng nghe . . . chàng nói
Khẽ rung rinh đôi . . . làn môi
Suốt canh tàn . . . kề vai say ánh trăng vàng
Nhạc xa đưa . . . khúc mơ màng
Nàng nhìn ra . . . phía trời xa xa
Như ước mơ . . . duyên tình thơ mộng dưới trăng
Nhưng thời gian . . . vẫn trôi hoài
Trăng tàn uá . . . rồi khuất tàn . . .
Tình vương sơn nữ
Tình thơ ngây . . . bên suối
Xót xa . . . duyên tình xưa
Lạnh lùng . . . ngồi trông trăng sáng
Ta nhớ . . . ngày qua . . .
Nhờ làn . . . gió đưa
Gió ơi . . . đưa về chốn xưa
Thiết tha . . . bên bờ suối thơ
Bóng ai . . . xa còn ước mơ
hát trở lại từ đoạn 1 rồi kết
Ôi . . . ngày vui . . . sao quá . . . vội qu