Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943, ông là một trong số những nhạc sĩ đã để lại nhiều tuyệt phẩm của miền Nam Việt Nam trong thời kỳ 1954 – 1975. Có lẽ những ai yêu nhạc đều biết đến những bài ca “không tên” cực nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thành An. Mỗi bài hát đều chứa đựng một kỉ niệm buồn… Và lí do mà ông không đặt tên cho những bài hát đó là ông muốn giấu đi những câu chuyện về những người tình mà ông đã trải qua, bởi những điều đó hết sức riêng tư. Từ năm 1954, khi đặt chân vào miền Nam, Nhạc sĩ Vũ Thành An đã trải qua nhiều khó khăn để vào đời, cũng như không dễ dàng thành đạt trong đời sống âm nhạc ở Sài Gòn lúc ấy đang có quá nhiều tên tuổi văn nghệ áp đảo. Nhưng khi nổi lên với Tình khúc thứ nhất , Vũ Thành An lập tức trở thành một cái tên lớn và được khi nhớ mãi về sau, bất chấp có những nghịch cảnh của thời thế khiến ông phải cắt đứt với âm nhạc trong một khoảng thời gian dài.
Bài hát Tình khúc thứ nhất được viết vào năm 1963, nhân công việc ở Đài phát thanh Sài Gòn mà ông gặp được nhà văn Nguyễn Đình Toàn để có được cơ duyên cho ra đời bài hát này. Trong tất cả nhạc phẩm mà nhạc sĩ Vũ Thành An đã cống hiến cho đời, có lẽ Tình khúc thứ nhất là một tuyệt phẩm lạ thường nhất. Mọi người vẫn nói vậy khi ngồi với nhau và hát lên giai điệu của bài hát này.
Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả bơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy
Mở đầu bài hát, tác giả tuyên bố:
“Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời”
Ngày em đăng quang, giữa giây phút tuyệt vời thì cũng là lúc tôi chỉ thấy son vàng rệu rã, phải trốn mình trong lớp khói hương để mong tìm ra một ảo giác nào đó, để cầu xin chút ân huệ gặp gỡ sau cùng: “Trầm mình trong hương đốt hơi bay.Mong tìm ra phút sum vầy”
Phảng phất một điều kì bí, xa xôi mà quen thuộc, pha lẫn với đôi chút siêu thực.Trước Vũ Thành An chưa ai nói thế.
Bài hát được ra đời trong lúc trái tim của chàng nhạc sĩ Vũ Thành An đang say nồng với cuộc tình vui và êm đềm như áng mây trôi. Sài Gòn thời đó còn đẹp như một bài thơ.Hòn ngọc viễn đông rực sáng của tình yêu đôi lứa, xanh của mắt môi thanh bình.Tác giả đang ngồi thưởng thức ly cà phê đắng trong quán cà phê, thả khói bay theo buồn vui, ngồi nghe ý sầu rơi rơi trong đời. Khi xa người rồi, khi không còn nhau nữa thì tất cả chỉ là những xót xa. Thơ và nhạc của Vũ Đình Toàn vốn đã đi liền với nhau, nhạc phải xót xa trầm buồn thì lời mới đớn đớn đau đau.Mới làm hằn lên tuổi lớn.
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say
Câu tiếp theo xé toang cái vỏ kén tự kỉ chủ quan, làm nổ tung một sự thật phũ phàng: “Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai”. Nói về tình yêu- mà không chỉ riêng tình yêu, có lẽ chưa có tác giả nào xuất thần với một cụm từ sắc gọn như thế, chạm sát với số phận con người, và trong một chừng mực nào đó, với cả vận mệnh đất nước/; sự ngỡ ngàng và bất lực trước đại nạn.Rồi tác giả tiếp tục triển khai bằng những hình ảnh đè nặng và u ám: “Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài” . Dơi rất ít khi được xuất hiện trong văn học. Tác giả gọi nó đến là để báo hiệu một không gian bao trùm sự bất hạnh, tang thương, một kết luận chua chát, ê chề: “Lời nào em không nói em ơi.Tình nào không gian dối”.
Mới là tình khúc thứ nhất thôi, mà đã bi quan, đã trách móc, giận hờn. Nhạc của Vũ Thành An là vậy.”Lời nào em không nói em ơi.Tình nào không gian dối. Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say…” câu hát được đẩy đến những âm thanh cao ngất, như một lời oán thán trong đêm.Vọng âm như một đoạn thánh thi về tình yêu mà tuyệt vọng là cảm giác chiếm hữu duy nhất, Có rất nhiều nhạc sĩ đã viết về những nỗi buồn nhưng mỗi người một vẻ và nỗi buồn của Vũ Thành An là một điều rất lạ, dường như vẫn sẽ day dứt, giày vò sẽ còn đuổi theo ông đến hết cuộc đời.
Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời
Thế nhưng tác giả cũng đã tìm được cách để tự trấn tĩnh mình, trở về với kỉ niệm- trên thực tế đã hóa thành ý niệm để chiêm ngưỡng săm soi như những chuẩn mực rút ra từ trải nghiệm dù vẫn chưa hết cơn hờn trách.
Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền
Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến
Tình chỉ vui trong phút giây nên người ta khao khát những điều vĩnh cửu, mong có được một tình yêu vĩnh cửu hay trở lại với những ngày tươi đẹp khi tình vừa chớm nở. Mong ước ấy có lẽ không bao giờ thực hiện được nhưng những tình nhân vẫn không hề hối tiếc, sẵn sàng chấp nhận những đắng cay, những khổ cực chỉ để có được những phút giây hạnh phúc thật ngắn ngủi trong tình yêu ở trần thế.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Bằng Kiều trình bày.
Và tác giả lại tiếp tục vượt xa thêm nữa trong phần lời ba của bài hát, bằng sự kết nối giữa thơ ca, văn học và thần thoại:
Thần tiên gãy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế
Trong văn học Việt Nam, rất ít khi có một kich bản như thế . Để khép lại tình khúc, tác giả đã đặt song song huyền thoại với hiện thực.Lời ca của bài hát thể hiện rất rõ tình yêu chênh vênh bên bờ vực thẳm với những niềm vui mong manh báo trước những khổ đau khôn cùng. Tác giả đã đưa vào bài hát hình ảnh những “Thần tiên gãy cánh lạc xuống trần” giống như những thiên thần đã phạm trọng tội trên thiên đường bị thượng đế đày xuống trần gian nhưng những thiên thần mắc đọa này trong thơ ông không phải phạm trọng tội mà là “Thần tiên gãy cánh đêm xuân.Bước lạc sa xuống trần.Thành tình nhân đứng giữa trời không.Khóc mộng thiên đường”.Tác giả vừa mượn những hình tượng siêu nhiên và triết học cổ đại để thăng hoa, phản tỉnh của chính bản thân trước cuộc đời lắm trắc trở bất an. Mà sự chấp nhận hiện thực cũng đồng nghĩa với lòng bao dung và ý muốn hòa hợp cùng người.
Không phải ngẫu nhiên mà Tình khúc thứ nhất hay vô vàn những bài tình ca, những lời hát về cuộc đời… trong hàng ngàn ca khúc của miền Nam trước 1975 vẫn sống và có cái gì đó thật lay động lòng người khi ta lắng nghe ca từ bài hát bất chấp rêu phong cuộc đời. Những bài hát đó vẫn góp tiếng vào thị trường thương mại âm nhạc, nhưng được viết ra bằng sự chia sẻ, bằng cách kết nối sự cảm thông giữa thành thị và thôn quê, của con người biết đau từng nỗi đau nhân thế. Khác với mua bán và giải khuây, những bài hát đó là lịch sử và văn hóa của một thời kì, giảng giải một cách đơn giản về chiến tranh và mất mát, chia sớt nỗi buồn của thân phận và nghịch cảnh quê hương mà không có chương trình lịch sử nào có thể sánh bằng.Đời nhạc Vũ Thành An luôn luôn mở tới những chân trời tin yêu nhỏ nhoi, bé mọn, luôn luôn phóng chiếu một kiếm tìm sinh lộ. Tìm kiếm đường nứt rạn trên biển đặc máu xương. Gần năm mươi năm trước, ngọn lửa tin yêu của đời nhạc Vũ Thành An lúc nào cũng bập bùng, lúc nào cũng lấp lánh tính nhân ái trong thế giới nhạc của ông.
Trích lời bài hát Tình Khúc Thứ Nhất:
Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầyCó biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê sayLá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lờiTình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền
Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đếnThần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế
- Miên man với giai điệu của “Bản Tình Cuối” (Ngô Thụy Miên)
- Tình trạng sức khỏe của danh ca Anh Khoa
- Chuyện về bánh bao Cả Cần nổi tiếng ở Sài Gòn
- “Yêu Đời Yêu Người” – Nhạc khúc giữ mãi một trái tim yêu thương dù đời cay đắng và đầy dối gian
- Cuộc tình mộng mơ chưa nỡ đã chóng tàn chỉ vì người lặng im trong nhạc khúc “Ai Biểu Anh Làm Thinh”